Bài học mang tên Gorbachev

Chủ Nhật, 11/09/2022, 11:14

Vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của “cố” Liên bang Xôviết Mikhail Gorbachev đã qua đời tối 30-8-2022, thọ 91 tuổi (ông sinh năm 1931). Đám tang của ông đã được cử hành ngày 3-9 tại Moscow theo nghi thức dành cho một lãnh đạo quốc gia có sự tham gia của đội danh dự. Vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của “cố” Liên bang Xôviết Mikhail Gorbachev đã qua đời tối 30-8-2022, thọ 91 tuổi (ông sinh năm 1931). Đám tang của ông đã được cử hành ngày 3-9 tại Moscow theo nghi thức dành cho một lãnh đạo quốc gia có sự tham gia của đội danh dự.

Chủ di sản rối

Trước đó 2 ngày, ngày 1-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới bệnh viện trung ương Nga viếng ông Gorbachev sớm để “đi công tác” tới Keliningrad theo kế hoạch đã định trước.

Trong bức điện chia buồn tới gia đình cố Tổng thống Liên Xô, ông Putin cho rằng, ông Gorbachev “là một chính khách và một nhà hoạt động quốc gia đã có ảnh hưởng to lớn tới tiến triển lịch sử thế giới”. Theo ông Putin, ông Gorbachev đã lãnh đạo đất nước “trong giai đoạn của những thay đổi phức tạp và bi thảm, của những thách thức chính trị đối ngoại, kinh tế, xã hội khổng lồ”. Và, “ông đã hiểu được một cách sâu sắc rằng cần những cải cách, đã cố gắng đưa ra các giải pháp của mình cho những vấn đề chín muồi”.

Bài học mang tên Gorbachev -0

Tổng thống Nga cũng đặc biệt ghi nhận những hoạt động nhân đạo, từ thiện và khai sáng mà ông Gorbachev đã tiến hành trong những năm cuối đời... Tuy nhiên, việc đương kim Tổng thống Nga không tham dự lễ tang chính thức của ông Gorbachev cũng đã tạo lý do để không ít nhà quan sát nhận định rằng, là biểu tượng cho sự đoàn kết quốc gia, đặc biệt là trong giai đoạn rất nhạy cảm hiện nay, ông Putin không muốn để mọi người nghĩ rằng là ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm và cách xử thế trên chính trường của một nhân vật dù tầm cỡ lớn nhưng lại gây nên nhiều dư luận trái chiều đến thế do những di sản đầy rắc rối mà ông ấy đã để lại...

Một trong những việc lớn, nếu không nói là việc lớn nhất, mà ông Gorbachev đã gây nên là: Chính ông phải chịu trách nhiệm chủ yếu về sự tan rã của Liên bang Xôviết. Đây cũng là lý do chính để phương Tây không tiếc lời ca ngợi ông nhưng ở chính tổ quốc ông, đa số dân chúng lại coi đó là tội lỗi không bao giờ biện minh được. Vô hình trung, vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của “cố” Liên bang Xôviết cho tới ngày hôm nay (và có lẽ là cả mai sau nữa) vẫn tiếp tục là một nhân vật mang tính biểu tượng chia rẽ tư tưởng và quan điểm chính trị một cách rõ nét nhất ở nước Nga cũng như trên thế giới.

Con đường thất bại

Triết gia Aleksandr Zinoviev (1922-2006) và cũng là một nhân vật bất đồng chính kiến khét tiếng người Nga kể rằng, năm 1979, trong một buổi diễn thuyết ở nước ngoài, khi nhận được câu hỏi rằng “đâu là gót chân Achilles” của chế độ Xôviết, ông đã nửa đùa nửa thật trả lời là, đó là vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực và nếu phương Tây đặt được “người đằng mình” vào vị trí đó thì coi như nhiệm vụ đã được hoàn tất vì phản ứng dây chuyền từ trên xuống dưới đã được châm ngòi... Trong khán phòng rộ lên tiếng cười hài hước khi nghe câu trả lời này...

Thế nhưng, chuyện nói đùa mà về sau lại có vẻ như thật. Và, nhân vật có thể bị coi như “người đàng mình” của phương Tây trong Điện Kremlin chính là... Mikhail Gorbachev! Như chính lời ông Gorbachev sau này tiết lộ, ông đã cùng những người đồng lõa ngay từ khi khởi xướng perestroi[1]ka (cải tổ) đã hướng tới mục tiêu xóa bỏ tinh thần xã hội chủ nghĩa trong hệ thống quốc gia Xôviết mà hoàn toàn không nghĩ tới việc nếu thiếu “chất keo kết dính” đó thì sẽ không thể tồn tại nổi quốc gia theo tính liên bang mà họ đang là những người cầm trịch. Và cứ thế, bị động với thời cuộc, lại bị kích động bởi những lời lẽ đường mật, những đối thủ lợi quyền của nước Nga, vốn rất biết cách “giả rắn làm lươn”, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó với bàn tay chèo lái của ông Gorbachev đã liên tiếp phạm những sai lầm xâu chuỗi dẫn đến sự tan rã của Liên Xô, làm chao đảo thế cân bằng sát sạt trên bản đồ chính trị thế giới.

Lầm tưởng rằng cải tổ theo cách mà ông đã tiến hành có thể giúp Moscow tạo dựng những mối quan hệ mới nhưng hữu lợi như cũ đối với các nước Đông, Trung Âu từng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới cũng như với những nước cộng hòa trong không gian “hậu Xôviết”, ông Gorbachev đã mắc mưu phương Tây, tự “nổi lửa lên em” dưới ghế mình ngồi nên cuối cùng trở nên “tay trắng” ngồi không nhìn các đối thủ cạnh tranh lợi quyền chia “quả thực”. Trong một bài trả lời phỏng vấn cho tờ báo Anh “The Times” những năm gần đây, ông Gorbachev đã không khỏi cảm thấy cay đắng Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành cuộc chinh phục mới không gì cưỡng nổi của họ sang phần Đông châu Âu và tất nhiên sẽ gây những ảnh hưởng không nhỏ cho quyền lợi chính đáng của nước Nga...

Thực tế thế kỷ XXI còn khốc liệt hơn thế. Không chỉ EU mà cả NATO cũng đã không giấu giếm ý định “Đông tiến”. Nói theo cách của đức Giáo hoàng Phanxicô, chính cái cách “sủa” sát ngưỡng cửa nhà của nước Nga đã là nguyên nhân chính dẫn đến thảm kịch vũ trang hiện nay. Đó cũng có thể coi như một hệ lụy từ những gì mà ông Gorbachev đã làm khi còn ngồi trong Điện Kremlin...

Những cảm xúc ngược chiều

Khi hay tin ông Gorbachev qua đời, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nói: ông Gorbachev “là một nhà hoạt động quốc gia duy nhất đã làm thay đổi tiến trình lịch sử theo cách của mình. Thế giới đã mất một thủ lĩnh toàn cầu xuất chúng, một người ủng hộ nhất quán các mối quan hệ đa phương và một chiến sĩ không mệt mỏi vì hòa bình. Tôi đau buồn một cách sâu sắc trước sự ra đi của ông ấy...”. Còn đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì nhấn mạnh: “Mikhail Gorbachev là một nhà cải cách và một nhà hoạt động quốc gia dũng cảm, đã dám làm nhiều việc...”.

Bài học mang tên Gorbachev -0
Ảnh: S.t

Với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Gorbachev là “một con người có tầm nhìn xa tuyệt diệu. Ông ấy đã tin vào glasnost và perestroika không chỉ đơn giản là những khẩu hiệu mà là con đường đi lên phía trước đối với nhân dân Liên Xô sau bao nhiêu năm bị cách ly và mất mát... Đây thực sự là hành động của một thủ lĩnh hiếm có, một con người có trí tưởng tượng đủ để nhìn thấy rằng có thể có một tương lai khác và bằng lòng dũng cảm đã liều hy sinh cả sự nghiệp của mình để đạt được nó...”.

Thủ lĩnh Đảng Cộng sản Liên bang Nga Guennady Ziuganov đã phát biểu khi hay tin ông Gorbachev qua đời: “Tôi như một người được giáo dục trên cơ sở truyền thống của văn hóa Nga và Chính thống giáo, của tinh thần ái quốc Xôviết, tuân theo quy tắc, về người vừa khuất thì hoặc là nói tốt, hoặc là không nói gì. Tuy nhiên, đây là trường hợp mà quy tắc đó không liên quan tới những chính trị gia lớn. Vì phụ thuộc vào hoạt động của họ là số phận của thế giới, sự an lành của mọi người, danh dự các quốc gia. Tôi không đồng tình với quan điểm của chính trị gia Tây phương.

Tôi cho rằng, Gorbachev là một trong những nhà lãnh đạo đã gây ra cho mọi dân tộc chứ không riêng đất nước chúng ta, cho mọi đồng minh và bầu bạn những bất hạnh, đau khổ và tai họa tuyệt đối...”.

Ở tâm thế bình tĩnh hơn, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov nhận xét, Mikhail Gorbachev là “nhà hoạt động quốc gia sẽ mãi mãi ở lại với lịch sử đất nước chúng ta.

Nhiều người vẫn đang tranh cãi về vai trò mà ông ấy đã đóng nhưng rõ ràng ông ấy đã là một con người rất đặc biệt, vô tiền khoáng hậu. Người ta biết, nhớ và sẽ nhớ tới ông ấy ở khắp thế giới. Gorbachev đã tạo ra xung động cho sự kết thúc Chiến tranh Lạnh và ông ấy đã chân thành muốn tin rằng nó sẽ kết thúc và sẽ tới một giai đoạn lãng mạn giữa một Liên bang Xôviết mới với thế giới, với tập thể Tây phương, như chúng ta đang gọi hiện nay. Cái tinh thần lãng mạn chủ nghĩa đó đã tan thành mây khói. Đã không hề có một giai đoạn lãng mạn nào và một “thế kỷ trăng mật” nào. Sự khát máu ở các đối thủ của chúng ta đã được bộc lộ ra ngoài. Thật may là chúng ta đã kịp thời nhận thấy điều đó và hiểu ra điều đó...”.

Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga Leonid Slutsky cho rằng: “Ông Gorbachev hiển nhiên đã là một chính trị gia nổi bật nhất của thời đại mình. Nhưng, đối với tất cả những ai từng sinh ra ở Liên bang Xôviết, ông ấy vẫn sẽ là một nhân vật lịch sử phức tạp và mâu thuẫn. Rất lấy làm tiếc, theo tinh thần Kito giáo...

Cũng như rất lấy làm tiếc cho quốc gia vĩ đại ấy mà quá trình tan rã đã bắt đầu chính ở thời đại pere-stroika và đã dung túng cho những kẻ đã cố gắng xóa bỏ Liên bang Xôviết khỏi bản đồ chính trị thế giới...”. Ông Sergei Mironov, thủ lĩnh đảng “Nước Nga công bằng - Vì sự thật” cũng nhận xét: “Đối với người dân Xôviết, Gorbachev đã là một ngụm không khí tươi mát rất cần thiết và hy vọng vào những thay đổi lớn lao. Glasnost và pere-stroika đã là những từ Nga quen thuộc trên toàn thế giới, không cần phải phiên dịch. Thế nhưng, mọi sự đã xảy ra ngược lại, chúng ta đã đánh mất một đất nước tuyệt vời, thay vì những quyền lợi toàn nhân loại là sự hỗn loạn, quyền lực vô độ của kẻ mạnh, nạn thất nghiệp và sự nghèo đói của hàng triệu công dân ở Nga. Những tuyên bố và những hy vọng đã trở thành những mơ mộng hão huyền và bi kịch đối với nhiều thế hệ nước Nga hiện nay”.

Hồng Thanh Quang
.
.