Bài ca - Nước mắt của biển
Cho đến nay dù đã ở tuổi “bát thập”, nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm (Thành phố Hải Phòng) vẫn luôn đau đáu với những hình tượng nói về cuộc chiến đấu trên mặt trận Trường Sơn. Cuộc đời vừa cầm súng vừa vẽ tại chiến hào đã đọng lại trong ông biết bao ký ức nóng bỏng. Ông bị nhiễm chất độc da cam nên luôn run rẩy với những cảm xúc mỗi khi tạo hình. Khói bom và tiếng súng thường vang nổ trong tâm hồn ông.
Những giấc mơ hình khối
Cuộc đời họa sĩ Phạm Ngọc Lâm có nhiều khúc khuỷu bất thường. Từ bé ông đã được cầm búa theo cha làm nghề tranh thúc đồng. Vẽ từ cõi âm theo như nghề làm tranh gò đồng truyền lại. Nghĩa là thúc hình chìm phía sau để làm nổi bật bức tranh phía trước. Tuổi thơ họa sĩ luôn sống trong tưởng tượng tuôn trào. Những chi tiết hoa lá, cỏ cây, chim muông, tre trúc luôn bừng lên trong mỗi buổi sớm mai. Cậu bé Lâm ngày đó bắt đầu từ những nét vẽ và đường khắc chìm như thế. Cậu còn được ông nội dạy vẽ những con thuyền và cánh hạc đầu tiên trên trống đồng. Ông là họa sĩ Phạm Ngọc Khâm, tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương nên rất muốn cháu theo nghề hội họa.
Từ đó Phạm Ngọc Lâm vừa học vẽ do ông dạy vừa làm tranh gò đồng do bố hướng dẫn để mưu sinh. Cậu không quan tâm những đồng tiền mình kiếm được mà thường mê mải vẽ suốt ngày. Những cảnh sắc biển luôn dội sóng tuổi thơ cậu. Cánh chim hải âu đã tung bay trên biển xanh trong những sắc màu ký họa. Khi lớn lên Phạm Ngọc Lâm đi khắp đó đây học thêm nghệ thuật thúc đồng. Không làng nghề đúc đồng nổi tiếng nào không có mặt của chàng trai xứ biển này. Cho đến một ngày Phạm Ngọc Lâm lên đường nhập ngũ (1962). Người lính trẻ mang theo bút vẽ và chiếc búa gò đồng cổ của gia đình để lại. Những khát vọng sáng tạo luôn bay bổng trong tâm hồn nghệ sĩ.
Từ đây người chiến sĩ trẻ luyện tay súng, trải nghiệm mọi sóng gió cuộc đời. Anh lên đường ra mặt trận. Đường 9 Nam Lào là mảnh đất thiêng liêng gắn bó với cuộc đời binh nghiệp của họa sĩ Phạm Ngọc Lâm. Mỗi khi có lệnh hành quân, Phạm Ngọc Lâm thường cất cây bút và những tờ giấy vẽ trong túi áo ngực trái. Cuộc chiến đầy cam go luôn nhắc nhở người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh cho đất nước. Đồng thời mỗi lúc ngừng tiếng súng Phạm Ngọc Lâm lại vẽ. Hàng trăm bức ký họa ở Trường Sơn của họa sĩ còn giữ lại cho đến nay vẫn ám mùi khói đạn. Mấy năm sau đó trở về đơn vị hậu cần họa sĩ Phạm Ngọc Lâm đã mở lớp dạy đồng đội vẽ. Đó là những chiến sĩ vừa giỏi tay súng lại vừa thạo công việc với đất đai khi nặn tượng hay cầm bút vẽ. Họ bồi hồi vẽ lại những ký ức của chính mình. Phạm Ngọc Lâm đã trở thành người thày như thế. Sau chiến thắng mùa xuân Mậu Thân, họa sĩ được đơn vị cử đi học Đại học Mỹ Thuật (1969). Hành trình sáng tạo nghệ thuật của Phạm Ngọc Lâm cũng bắt đầu từ đây khi đã thỏa ước mơ học vẽ và điêu khắc chuyên nghiệp.
Bước vào tuổi 30 với biết bao ước vọng sáng tạo. Phạm Ngọc Lâm bắt đầu lần mò khám phá và đi tìm nguyện liệu điêu khắc cho mình. Nhưng rồi cuối cùng những hình khối, phù điêu bằng đồng hay các bức tranh đồng khổ lớn đã thuộc về ông. Chúng trở thành máu thịt của họa sĩ từ thuở ấu thơ. Duyên trời đã định. Ông ngộ được vẻ đẹp kỳ ảo của chất liệu đồng. Từ đó những góc cạnh của cuộc chiến đã nổi bật trong mỗi tác phẩm của Phạm Ngọc Lâm. Sau khi tốt nghiệp năm 1974, họa sĩ trở lại chiến trường đúng vào giai đoạn khốc liệt và dấn thân vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Ông xuất ngũ (1984) sau hơn hai chục năm trong quân ngũ và mang theo mình căn bệnh do chất độc hóa học của giặc Mỹ gây ra. Nhưng họa sĩ không hề nản chí cùng ý nghĩ quật cường của người chiến sĩ “tàn nhưng không phế”. Họa sĩ tự cho mình nghĩa vụ thiêng liêng phải tiếp tục dâng hiến cho cuộc sống mỗi khi cầm cây cọ. Mỗi nhát búa trong điêu khắc của Phạm Ngọc Lâm luôn hòa nhịp với bản giao hưởng mãnh liệt “Bài ca cuộc sống”.
Cuộc kiếm tìm bất tận
Do sớm tìm được ngôn ngữ điêu khắc qua kỹ thuật gò đồng, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm đã dành tâm huyết sáng tạo, hàng chục năm sau khi xuất ngũ. Những tác phẩm của họa sĩ được tập trung thể hiện đề tài về người chiến sĩ. Cùng với bộ hàng trăm ký họa là chất liệu quý báu của ông, người xem luôn nhớ đến những bức tượng như: “Voi Trường Sơn” (Gò đồng - 1979); “Ước vọng” (Gò đồng-1995); “Về với cội nguồn” (Gò đồng - Giải Vàng quốc gia năm 2006)… Đáng chú ý những tác phẩm tranh gò đồng của Phạm Ngọc Lâm đều có kích thước lớn trên 2 mét. Riêng bức “Ước vọng” có khổ lớn (3mx5m). Thậm chí ông còn có bức “Hái quả” (gò đồng) có chiều dài lên tới 6 mét. Công việc luyện đồng và dát mỏng tạo nên bức tranh khổ lớn đòi hỏi công sức rất lớn của người nghệ sĩ.
Không mấy họa sĩ làm được như họa sĩ Phạm Ngọc Lâm, bởi lẽ gia đình ông đã có ba đời làm nghề thúc đồng và đúc đồng làm tượng. Lại được luyện nghề từ nhỏ nên họa sĩ rất thành thạo trong công việc tạo hình với những bức tranh khổ lớn. Tuy nhiên với căn bệnh nhiễm chất độc da cam đã gây cho họa sĩ nhiều hệ lụy và biến chứng bất thường. Nhiều đêm ông đã phải gắng gượng chống chọi cơn đau để làm tranh. Nghị lực phi thường của người chiến sĩ trong ông đã đem lại những thành quả bất ngờ. Có những tác phẩm họa sĩ đã phải mất cả mấy tháng trời mới hoàn thành.
Đặc biệt bên cạnh những bức tranh đồng khổ lớn, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm còn để lại những tác phẩm điêu khắc nổi trội. Nếu ở “Lời của biển” (tượng inox-2003) mang yếu tố ấn tượng phiêu linh; thì ở bức “Dinh dưỡng trần gian” (Đồng - cao 1,6m - 2005) lại thấm đẫm triết lý nhân sinh. Một góc nhìn sâu sắc của người nghệ sĩ sau những trải nghiệm trên chiến trường và đối diện với chính cái chết đang dần đến với mình mà không thể cứu vãn. Tác phẩm “Dinh dưỡng trần gian” đã được trao giải thưởng trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005. Đặc biệt tác phẩm này đã được một người sưu tầm Mỹ trả 30.000 USD. Nhà sưu tầm đánh giá đây là tác phẩm gây chấn động về hình khối bởi tác giả đã diễn đạt được tính khốc liệt của cuộc đời.
Sự bừng thức khá bất ngờ luôn xuất hiện trong tác phẩm của Phạm Ngọc Lâm. Người xem thường thú vị ở những khung hình thâm trầm với “Nỗi buồn nhân thế”, “Lệ rừng”, “Nước mắt của biển”; thì có lúc lại mê man với sự huyền ảo đan xen trong “Dưới trăng” hay “Thuyền và biển” và “Niềm vui đổi đời”… Tranh tượng với chất liệu đồng, kim loại và gỗ của Phạm Ngọc Lâm luôn đem lại cảm xúc đột ngột cho người xem. Hoặc như ở bức tượng sắp đặt “Ban nhạc đồng nát” và “Rạng đông trên đảo tiền tiêu” đậm yếu tố hùng ca lãng mạn; thì ở bức “Hạt phù sa” (đá - cao 2,3 m -2007) lại có chiều sâu về tính tư tưởng thiền tự. Đó là sự vận hành chậm chạp ẩn giấu trong đá những tâm sự bồi hồi của con tim luôn khát khao đi tới tận cùng của cái đẹp giản đơn…
Chảy đi sông ơi!
Không ít lần họa sĩ Phạm Ngọc Lâm phải vào nằm viện do biến chứng của bệnh nhiễm chất độc da cam. Nhưng lần nào cũng vậy, chung quanh giường ông luôn bề bộn những phác thảo cho dự án dựng tượng mới. Nào là “Thiên đường xanh” (gò đồng, có kích thước 280cmx420cm) hay “Tháp biển đông” (cao 350 cm). Cùng với đó hình tượng của người chiến sĩ trên Trường Sơn luôn nổi bật trong bố cục. Đôi mắt ông luôn sáng ngời với những ý tưởng bất ngờ chợt đến. Những lúc như thế trái tim ông lại thầm hát bài ca “Chảy đi sông ơi” của cố nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ca khúc trữ tình đậm chất dân ca này luôn vang lên khi cảm xúc trào dâng. Đây cũng là tác phẩm mà con gái ông, NSƯT Lâm Phương trình diễn và nổi tiếng khi đoạt giải vàng trong cuộc thi giọng hát hay toàn quốc năm 1998.
Lời bài hát gây ấn tượng trong ông qua những hình ảnh âm vang và niềm hy vọng cuộn trào: “Chảy đi sông ơi! Chảy đi sông ơi! Ơi con sông trôi suốt muôn đời. Hãy cho ta gửi lời thương nhớ. Nhắc dùm ta về nơi góc biển, rằng phía đầu nguồn ta vẫn ngóng trông”. Và cũng chính vì sự cộng hưởng với giai điệu âm nhạc mà họa sĩ Phạm Ngọc Lâm đã dựng tượng đá “Nước mắt của biển” (Hiện bày trong Khu Du lịch Quốc tế Hòn Dáu, Đồ Sơn). Bức tượng như bản thánh ca với những giọt nước mắt chảy từ đôi mắt người phụ nữ đang nhìn ra biển đông. Phải chăng đó là sự trăn trở của con người với môi trường biển đang gặp nhiều biến động. Những giọt nước mắt lên tiếng-Hãy cảnh giác! Đó là một khối tượng đá đầy mỹ cảm của họa sĩ Phạm Ngọc Lâm. “Nước mắt của biển” luôn sống động và cất lên lời ca: “Nhắn về ai ở nơi góc biển, rằng nỗi muộn sầu đang ngày đêm chan chứa”.