Xứng danh huyền thoại
Cuối năm 1993, Markus Wolf bị buộc tội “phản bội tổ quốc” (?!) và bị kết án tù 6 năm nhưng tới năm 1995, bản án này đã bị bãi bỏ. Thượng tướng Markus Wolf đã từng cùng vợ sống ở trung tâm Berlin trong một căn hộ được xây dựng từ năm 1987, tiêu chuẩn của cơ quan tình báo Đông Đức dành cho cán bộ cao cấp về hưu. Ông là tác giả của 6 tập sách, trong đó có những cuốn được dịch ra nhiều thứ tiếng như: “Trò chơi trên sân thiên hạ”, “Theo nhiệm vụ từ chính mình”, “Bạn bè không chết”...
Quá khứ không xa
Trong một lần hiếm hoi trả lời phỏng vấn báo chí trước khi qua đời ba tháng, Markus Wolf tâm sự: “Tôi hiện vẫn như trước đây, tiếp tục suy ngẫm nhiều điều, chủ yếu là về quá khứ. Những ý tưởng văn chương của tôi tất nhiên cũng gắn với chuyện này. Tất cả các cuốn sách mà tôi đã viết đều liên quan tới những hồi ức về quá khứ. Thậm chí ngay cả cuốn sách có vẻ như lạ lẫm với những người trong nghề của tôi là sách nói về nghệ thuật nấu bếp Nga cũng gắn bó với quãng đời tôi từng sống ở đây và những chuyến công tác sang Nga thường xuyên diễn ra ngày trước...”. Markus Wolf sinh ngày 19/1/1923 tại thành phố Hechingen, Đức. Cha ông là một bác sĩ gốc Do Thái và cũng là một nhà văn có tiếng thời đó. Cả cha và mẹ ông đều là đảng viên Cộng sản. Năm 1933, sau khi Hitler lên cầm quyền ở Đức, vị tướng tình báo tương lai và người em trai Konrad cùng bố mẹ di cư sang Liên Xô cũ (em trai ông về sau đã trở thành một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng).
Tốt nghiệp trung học, Markus Wolf thi vào Trường Hàng không Moskva. Năm 1942, ông được cử đi học tại khoá huấn luyện hoạt động bí mật trong Trường đặc biệt của Quốc tế Cộng sản. Ông từng làm bình luận trên đài phát thanh ở Liên Xô và ở Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính ông đã là phóng viên của Đài phát thanh Berlin tham gia việc đưa tin và bình luận về phiên toà Nurenberg kết tội những tên trùm phát xít.
Sau khi CHDC Đức được thành lập, Markus Wolf đã được cử làm Tham tán thứ nhất Đại sứ quán CHDC Đức tại Moskva từ tháng 11/1949. Từ tháng 8/1951, ông bắt đầu có chân trong cơ quan tình báo đối ngoại vừa mới được thành lập và ngay lập tức tới tháng 12/1952 đã được cử làm lãnh đạo cơ quan đặc biệt quan trọng này. Mãi tới ngày 30/5/1986, Markus Wolf mới rời khỏi nhiệm sở theo ý muốn cá nhân. Dưới sự lãnh đạo của ông, cơ quan tình báo CHDC Đức đã trở thành một trong những nhân tố hàng đầu trong làng tình báo thế giới. Nguyên tắc làm việc chính của Markus Wolf là không nhất thiết phải có những siêu điệp viên nhưng chắc chắn phải có nhà “siêu quản lý” biết xử lý chuẩn xác và kịp thời những thông tin thu thập được từ mạng lưới điệp viên đông đảo.
Đã là anh em
Trong hoạt động tình báo của mình, Markus Wolf đã rất gắn bó với các đồng nghiệp Xôviết. Ấn tượng ở ông về mối quan hệ đó: “Nói không hề phóng đại chút nào, quan hệ giữa chúng tôi đã là mối quan hệ đối tác thân thiện. Theo tôi, điều này thể hiện ở tất cả các cấp, từ cấp lãnh đạo tới các nhân viên bình thường. Tất nhiên, trên phương diện cá nhân thì có nhiều kiểu khác nhau nhưng chưa bao giờ chúng tôi có cảm giác mình đang làm việc với đại diện của một siêu cường coi chúng tôi như “đàn em” cả. Giữa chúng tôi trên hết có một sự tôn trọng lẫn nhau...”. Theo Markus Wolf, quan hệ giữa các đồng nghiệp Đông Đức và Liên Xô cũ đã rất có lợi cho cả hai bên: “Tất nhiên chúng tôi cung cấp cho Moskva nhiều thông tin hơn là nhận được từ họ, nhưng chúng tôi đã ý thức được rất rõ ràng rằng, đó là chúng tôi cung cấp thông tin cho đồng minh chính yếu của mình, quốc gia gánh vác phần lớn nhất trong mọi trách nhiệm và mọi chi phí cho việc bảo vệ liên minh chung”.
Để đạt được sự thấu hiểu lẫn nhau như vậy đã phải tốn không ít thời gian và công sức. Markus Wolf kể: “Thoạt đầu, sự hợp tác giữa chúng tôi diễn ra chủ yếu tại Berlin, ở mức độ các đại diện KGB thường trú tại Bộ An ninh quốc gia CHDC Đức. Khi đó, các đại diện này còn được gọi là cố vấn. Rồi trong giai đoạn Tổng cục 1 KGB nằm dưới quyền lãnh đạo của Aleksandr Sakharovsky (đây là người mà tôi luôn coi là bề trên, cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm tình báo), các cuộc gặp gỡ đồng nghiệp được tổ chức cả ở Berlin lẫn ở Moskva... Còn về những gì liên quan tới Vladimir Criuskov (người về sau cũng đã trở thành Chủ tịch KGB-TG) thì có thể nói rằng, chúng tôi đã làm việc bằng vai phải lứa với nhau. Theo tôi, ít nhất là trong giai đoạn đầu, ông ấy đã cố gắng tận dụng những kinh nghiệm phong phú của tôi...”. Nhìn chung, Markus Wolf vẫn giữ lại suy nghĩ tốt đẹp nhất về những nhà lãnh đạo cũ ở KGB, đặc biệt là về Yuri Andropov: “Tôi luôn luôn rất kính trọng Yuri Andropov. Tôi có những ấn tượng nhất định về những người tiền nhiệm của ông: tôi từng không chỉ một lần gặp ông Serov hay ông Shelepin và ông Semitrastnyi - nhưng đó là những đại lượng không so sánh được cùng nhau. Andropov quả thực đã là một nhân vật tầm cỡ hoàn toàn khác. Ông không thích rượu chè, tiếu lâm. Và ngay cả khi ăn tiệc ông cũng hay trò chuyện về những chủ đề nghiêm túc. Ông ấy có tầm nhìn xa và thấy trước mọi điều. Điều này đặc biệt thấy rõ qua thái độ của ông đối với tình báo, đối với công tác đối ngoại - đó là cách tiếp cận vấn đề hoàn toàn khác... Và phải nói rằng, chính điều ấy đã có tác động tốt tới công việc của tôi vì thoạt đầu Bộ trưởng Bộ An ninh của chúng tôi, ông Erich Milke chưa chú trọng tới ngành tình báo đến thế. Ông Milke cho rằng việc của tình báo chỉ là bắt gián điệp. Nhưng bởi vì ông Milke cũng đã rất kính trọng Yuri Andropov nên ông ấy về sau cũng đối xử với ngành tình báo tốt hơn...”.
Tình báo Đông Đức cũng đã có quan hệ hữu ích với đồng nghiệp tại hầu hết các nước nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, trừ Rumanie. Họ cùng nhau hợp tác không chỉ tại các cuộc gặp gỡ chính thức mà trong nhiều công việc cụ thể, trước hết là ở lĩnh vực kỹ thuật tình báo. Trên nguyên tắc, KGB và các cơ quan tình báo trong hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ không triển khai các hoạt động nghiệp vụ trên lãnh thổ của nhau, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Markus Wolf đánh giá cao những sự trợ giúp của các đồng nghiệp Xôviết và Nga trong giai đoạn sau khi CHDC Đức bị xoá sổ và hệ thống điệp viên của Cơ quan tình báo Đông Đức cũ bị thiệt hại lớn. Theo nhận định chắc như đinh đóng cột của Markus Wolf, các điệp viên của Cơ quan tình báo Đông Đức nhận lời cộng tác hoàn toàn không phải vì tiền hay vì rơi vào bẫy “mỹ nhân kế” của Berlin mà chủ yếu là do quan điểm chính trị. Cơ quan tình báo Đông Đức đã tìm được tiếng nói chung với nhiều nhân vật không chỉ tả khuynh mà cả theo những xu hướng chính trị khác: “Điều kết nối trong giai đoạn đầu là sự ác cảm chung đối với chính sách của Hoa Kỳ, khi họ nắm quyền chiếm đóng nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ hai, rồi đó là thái độ không chấp nhận chính sách hạt nhân của Washington có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh mới... Rồi câu chuyện dẫn tới việc giải trừ quân bị, việc thống nhất nước Đức - đó chính là điều dẫn tới sự gắn bó với các cộng tác viên: CHDC Đức cũ trong nhiều năm liền cổ vũ cho việc thống nhất nước Đức...
Cơ quan tình báo Đông Đức từng gài được những điệp viên vào cả các cơ quan đầu não của CHLB Đức, thậm chí cả vào chức trợ lý của Thủ tướng...
Đối thủ khó chịu
Cũng theo lời của Markus Wolf, Cơ quan phản gián Tây Đức đã là một đối thủ tương đối khó chịu đối với cá nhân ông cũng như Cơ quan tình báo Đông Đức: “Tại Đông Berlin, họ có một mạng lưới điệp viên khá tốt. Hơn nữa, họ dĩ nhiên là hợp tác rất chặt chẽ với tình báo Mỹ và nhiều nước phương Tây khác. Dù Cơ quan tình báo Tây Đức không ở mức bách nghệ nhưng họ cũng đã phát hiện ra một số phương thức hoạt động của chúng tôi, đặc biệt là trong việc đưa các nhân viên bí mật với giấy tờ giả mạo, nên thỉnh thoảng cũng đã gây thiệt hại nặng cho chúng tôi. Trong giai đoạn mà cơ quan trung ương của NATO còn ở Pháp, chúng tôi cũng hay phải đụng đầu với Cơ quan phản gián Pháp và chúng tôi thỉnh thoảng cũng bị “bể mánh”... Chính vì thế không bao giờ được coi thường cơ quan phản gián này. Với cá nhân tôi, điều khó chịu nhất là sự hợp tác giữa Cơ quan phản gián Tây Đức với Cơ quan phản gián Thụy Điển vì chính ở Stockholm tôi đã bị phát hiện và bị chụp ảnh. Bức ảnh đó về sau được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Đức...”. Chuyến đi Thụy Điển gặp gỡ trực tiếp với điệp viên của mình hồi đó do chính Markus Wolf thực hiện vì ông muốn tự mình trải nghiệm những cảm giác mà một điệp viên có thể có khi thực hiện nhiệm vụ bí mật trên lãnh thổ không phải là bè bạn. Điều này, theo Markus, rất quan trọng đối với cá nhân ông cũng như đối với điệp viên mà ông gặp. Phải khó khăn lắm ông mới được Bộ trưởng Bộ An ninh CHDC Đức đồng ý cho đi. Tuy nhiên, cũng chính từ chuyến đi đó mà lần đầu tiên phương Tây đã “trông mặt mà bắt hình dong” được nhân vật bí hiểm đang lãnh đạo Cơ quan tình báo Đông Đức.
Theo đánh giá của Markus Wolf, Cơ quan phản gián Tây Đức rất mạnh trên phương diện kỹ thuật. Nhưng hệ thống điệp viên của họ không được bằng anh bằng em trong khối NATO...
Cho tới cuối đời, Markus Wolf vẫn không rời khỏi những trang viết. Ông đã kiên trì hoàn thành bộ hồi ký của đời mình và còn sáng tác khá nhiều văn xuôi. Ông qua đời ở Berlin ngày 9/11/2006