Vô vi Hoàng Cầm

Chủ Nhật, 16/05/2010, 16:32
Sự ra đi của nhà thơ Hoàng Cầm không phải là một bất ngờ, vì ông đã như ngọn đèn leo lét từ lâu, nhưng vẫn gợi lên cảm giác trống trải cho những ai từng lẩm bẩm đọc thơ ông mỗi khi lòng xao xác.

Tối mùng 6 tháng 5, con phố nhỏ Lý Quốc Sư dường như trầm tư u ám hơn cái rạo rực náo nhiệt thường ngày. Những người dân hàng phố đang dở việc, buông tay chạy bổ sang ngôi nhà cao tầng trong ngõ 43. Một bà lão còn nắm chặt mớ tiền lẻ, rồi mới đứng dậy khỏi quán nước ven đường. Một người trông xe máy lấm lem bụi bặm, cũng vuốt cho phẳng nếp áo để đi vào. Nhà thơ Hoàng Cầm vừa qua đời. Ông hoàng thơ tình hay thi sỹ có mật độ phủ sóng rộng dài bậc nhất, cư dân lâu năm của phố Lý Quốc Sư, người xóm giềng tài hoa và nổi tiếng, người phải nằm liệt trên căn gác cheo leo tầng 5 tháng này qua năm khác, đã rời xa cõi tạm trong cái buổi sáng đó, oi nồng và nóng nực, lúc 9h12'.

1. Tôi tần ngần trước ngõ phố 43 Lý Quốc Sư. Con phố nhỏ níu chút yên tĩnh còn lại trong một góc phố cổ sầm uất bậc nhất Hà Nội nhưng cũng cổ kính và sang trọng bậc nhất chốn kinh kỳ. Sự cổ kính sang trọng ấy không hẳn vì phố nay vẫn chở đầy dáng xưa trong một đời sống hiện đại tưng bừng của Thủ đô Hà Nội mà nơi đây còn ẩn chứa trong đó một trầm tích có tên gọi Hoàng Cầm.

Đã bao lần qua đây, mấy bận kỳ cạch khó khăn lắm mới lọt qua được khung cửa căn nhà cao 5 tầng chót vót để cheo leo trên những bậc thang im lìm lên tít tận tầng thượng để ngồi trò chuyện với nhà thơ Hoàng Cầm chốc lát. Mỗi một lần đến là một lần ám ảnh. Hoàng Cầm nằm đó, trên chiếc giường nhỏ, mọi thứ từ bức tường ngăn căn phòng nhỏ của Hoàng Cầm, giấy dán tường cho đến trần nhà đều có cảm giác mỏng tang, mong manh đến độ khi tôi đến dịp ấy là mùa hè, nắng có thể choàng xuống, có thể rọi qua tường nhà, xuyên qua trần nhà làm cho căn phòng, làn da trắng lâu ngày trong nhà của Hoàng Cầm ửng hồng lên, rọi qua cả những mạch máu nhỏ li ti trên cẳng tay, trên cổ, trên má của thi sỹ Hoàng Cầm.

Hoàng Cầm nằm đó, ông hoàng của những bức tình thơ nằm đó, nhỏ nhoi, bất lực hướng ánh nhìn đau khổ ra khoảng sân thượng hôm ấy gió thổi tơi bời làm phất phơ những dây quần áo cong nắng. Tôi ngồi trò chuyện với ông, ông nói: "Cô đừng hỏi tôi về thơ ca. Tôi chán hết mọi thứ, chán vạn nẻo rồi… chán lắm. Cô ngồi đây chơi với tôi thật lâu cho tôi đỡ thèm tiếng người. Ghi số điện thoại máy bàn của tôi rồi thỉnh thoảng gọi cho tôi nhé". Nói rồi Hoàng Cầm nheo mắt cười… đôi mắt từng ám ảnh bao nàng thơ giờ vẫn vậy, bao phủ một nỗi buồn sương khói vô vi.

Cuộc trò chuyện ấy, tôi đã có được một bài viết về ông mà tôi thích. Sau đó có vài lần nữa, tôi đến tìm ông như đã hẹn trên điện thoại. Nhưng hẹn với ông trên điện thoại thì dễ, lúc nào ông cũng hồ hởi bảo đến đi, đến đi. Nhưng, như mọi bận, nhà đi làm vắng hết, thật khó khăn lắm tôi mới tìm cách xin được vào để tiếp kiến ông. Những lần sau đó, Hoàng Cầm mệt hơn, lặng lẽ hơn, ông hầu như lắc đầu không nói, không đọc thơ. Những câu thơ tẻ ngắt vương vãi đâu đó trên chiếc giường ông nằm, trên trần nhà một màu kia, cả trên những hơi thở mệt nhọc, ánh mắt tuyệt vọng bất lực của một người từng ôm riết cả cái nhớ, hơi thở và từng mộng mị trong một khung trời yêu. Giờ đây, căn phòng còn đó, chiếc giường còn đó, ngôi nhà 5 tầng cao chót vót còn đó, nhưng Hoàng Cầm thì đã xa…

2. Tất cả trên khu tầng thượng này tạm bợ, phố cổ xưa trong một phố. Sự ra đi của nhà thơ Hoàng Cầm không phải là một bất ngờ, vì ông đã như ngọn đèn leo lét từ lâu, nhưng vẫn gợi lên cảm giác trống trải cho những ai từng lẩm bẩm đọc thơ ông mỗi khi lòng xao xác. Ông trở bệnh từ tối chủ nhật, 2/5, gia đình cấp tập đưa vào viện ngay lúc đó. Nhưng không như những lần trước, nhà thơ chỉ cầm cự được tới ngày 6/5.

Bà con chòm xóm, theo đúng tập quán của người Việt, đang sát cánh bên con cháu ông để mong được sẻ san cho vợi nỗi mất mát. Sinh năm 1922, tuổi Tuất, trú trên cõi thế gần 90 năm, Hoàng Cầm đã đi gần trọn thế kỷ XX đầy biến động, và "lãi" hơn nhiều về năm tháng tuổi đời so với hầu hết những người bạn cùng lứa, cùng thời, cùng cảnh ngộ với ông: Nhà thơ Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt…

Hai con trai ông cũng đã dằn lòng, tiên lượng được giây phút này. Cháu nội ông du học bên trời tây, kịp lấy vé máy bay, đang trên đường về nước. Đặc biệt, người con gái lớn mà ông luôn nhắc tới bằng tình yêu thương vô bờ bến, người đã mang theo một đoạn đời đầy dấu ấn của ông, nghệ sỹ Kiều Loan cũng sửa soạn từ Mỹ trở về, để được ở bên ông trong những khoảnh khắc còn lại cuối cùng. Kiều Loan về để chịu tang cha, chứ không như những năm chưa xa là mấy, chị khăn mỏ quạ nón quai thao, áo tứ thân xúng xính hộ tống cha qua bên kia sông Đuống, trẩy hội Kinh Bắc cùng các liền anh, liền chị má thắm môi hường.

Ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Kỳ chụp tại lễ thượng thọ năm 2009 của nhà thơ Hoàng Cầm.

Thời gian vốn như một cô gái đẹp, ý thức được giá trị của mình nên đỏng đảnh và nghiệt ngã. Còn nhớ, mùa hè bỏng rát và đầy gió của năm 1919 của thế kỷ XX, Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển sinh học viên khóa 5. Hoàng Cầm đến, chung chiêng ánh hào quang giữa đám thí sinh hầu hết dân tỉnh lẻ rụt rè và ngấm ngầm kiêu hãnh. Suốt mấy ngày sỹ tử trần ai với các buổi thi vấn đáp, nhà thơ nức tiếng dắt chiếc xe đạp tọc tạch, sóng đôi bên một thiếu nữ tóc bím lúc lắc hai vai, trông dịu dàng như nhân vật vừa bước ra từ các truyện ngắn đầy hẫng hụt của văn hào Nga I. Bunhin. Thiếu nữ đang tập làm thi sỹ, lại có một biểu tượng của thơ tình tự nguyện thành vệ sỹ cho riêng mình, đôi mắt đâm ra cứ trong veo và mơ mộng, bẽn lẽn.

Hồi đó, thơ Hoàng Cầm vừa được in ấn trở lại chừng vài năm, những Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông, Mưa Thuận Thành... đã tạo nên cơn sốt êm ả trong lòng công chúng rộng rãi. Hoàng Cầm quen với lệ, ông đi đến đâu là được vỗ tay ngắm nhìn ngưỡng mộ đến đấy. Khác những người bạn thơ cùng thời cùng cảnh ngộ như Trần Dần, Lê Đạt, những người hay ẩn mình, tránh né đám đông, nhà thơ Hoàng Cầm luôn được dư luận tung hô, vỗ về và săn đón.

Thời gian vô tình nhưng cũng nhẫn nại, để rồi cách đây hai năm, "rình" mãi mới có người mở cửa ngôi nhà trong ngõ 43 Lý Quốc Sư, leo lên những bậc cầu thang vắng lặng, chui vào căn phòng vài mét vuông trên gác mái, hỏi ông còn nhớ những câu chuyện đấy không, đôi mắt ông đờ ra chẳng biểu lộ cảm xúc gì. Từ buổi đôi chân tê dại không tuân theo sự điều hành của trí não, cơ hội để ông được ra khỏi nhà, được ngửa mặt ngắm nhìn bầu trời và mở căng lồng ngực cho gió mơn trớn vuốt ve là rất ít ỏi, chỉ như một cộng với một mà thôi.

Nhiều năm ròng mang trọng bệnh, ông không hề được bước ra cuộc đời. Chỉ một lần là đi dự đêm tổng duyệt vở kịch thơ "Kiều Loan" mà ông đã lấy chính nhan đề đặt làm tên cho con gái được NSƯT Anh Tú dàn dựng cho Nhà hát Tuổi trẻ năm 2005. Rồi lần nữa là dự lễ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cuối năm 2007. Thi sỹ trọn đời phiêu bồng, lãng tử, lúc nào cũng tạo dựng hình ảnh đầy cám dỗ và yếu đuối không chỉ trong thơ nhiều năm phải nằm đếm buồn đếm vui bằng những lần có bạn thơ, bạn văn, cả những người yêu thơ ngưỡng mộ thơ đến chơi và tán gẫu.

Hoàng Cầm quảng giao, đông bạn, nằm nhà đã là một nỗi éo le. Nhưng éo le hơn nữa là nằm nhà mà lại còn không được tiếp bạn. Đến nhà ông một dạo, chỉ cách ngăn đôi cánh cửa im lìm, nhưng lại như xa xôi từ hai thế giới khác. Đạo diễn Anh Tú khi bắt gặp kịch thơ "Kiều Loan", sung sướng quá tìm đến nhà tác giả xin cho phép được dàn dựng, đã phải dùng điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ từ dưới đất lên sân thượng tầng 5 với ông mà không cách gì gặp mặt được. Đơn giản chỉ là giờ hành chính cháu con ông đi làm hết, ông thì vĩnh viễn chẳng còn tự nâng mình dậy để cất bước mở cửa cho bất kỳ ai. Nhiều người đến thăm ông đã phải bất lực nhìn lên căn phòng cao tít tắp rồi buồn bã ra về.

Kịch thơ "Kiều Loan" được dàn dựng trở lại sau ngót nghét 60 năm đã mang tới một niềm vui khó lòng đong đếm cho thi sỹ mái tóc trắng xóa màu năm tháng. Thế nhưng, dẫu rất khen cô diễn viên Quách Thu Phương xinh đẹp vào vai nàng Kiều Loan khá mùi mẫn, ấn tượng, Hoàng Cầm vẫn quặn lòng tiếc nuối bóng hình nữ sỹ Tuyết Khanh. Tuyết Khanh hóa thân thành nàng Kiều Loan trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội vào năm 1946, hớp hồn chàng thi sỹ đa tình để trai tài gái sắc nên duyên chồng vợ, và cho ông cô con gái Kiều Loan. Lúc này, bà Hoàng Thị Hoàn đã qua đời. Thời gian mải mốt, Kiều Loan và mẹ Tuyết Khanh qua Mỹ định cư. Ông nhấc bàn tay, khó nhọc tính đếm kể tên những người con của chính mình, mãi cũng chưa ra hết, để cuối cùng, đạo diễn Đoàn Điện Biên của VTV mà ông giới thiệu là con nuôi phải đính chính giùm.

Đông con như ông tự nhận, nhưng Hoàng Cầm cũng đã hơn một lần phải chịu đựng nỗi đau khôn cùng của một người cha khi dứt ruột tiễn biệt những đứa con mệnh bạc của mình, nữ nghệ sỹ Hoàng Yến qua đời đã lâu và nhà báo Hoàng Kỳ mới lìa thế cách nay ít năm. Cả hai núm ruột đã khuất đều là của ông với người vợ đầu tiên từ thuở tấm cám, bà Hoàng Thị Hoàn cũng vốn dân xứ Kinh Bắc đa đoan. Cũng không hiểu sao lúc ấy, ông nhắc nhiều đến nhà thơ Phạm Tiến Duật, và khen Phạm Tiến Duật không tiếc lời. Nói với ông nhà thơ Phạm Tiến Duật đã thành người của cõi xưa vô định từ lâu rồi, ánh mắt Hoàng Cầm vẫn thế, khuôn mặt ông vẫn thế, không biểu lộ gì. Ông như chả thèm để ý đến xung quanh, chỉ đắm đuối theo những suy tư của riêng ông và chỉ mình ông biết. Kiều Loan giờ cũng thành bà, thường tranh thủ đưa cả gia đình về thăm ông ngoại Hoàng Cầm. Hoàng Cầm sinh thời cũng hay thừa nhận, trong số những người con, hưởng được cái gen tài hoa của cha, nhiều nhất vẫn chính là ái nữ Hoàng Yến và Kiều Loan.

3. Tối ngày 6/5, trong cái chống chếnh hoang lạnh của gia đình có người thân vừa mất, con trai nhà thơ Hoàng Cầm, anh Bùi Hoàng Phi nói rằng: Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị với gia đình, được đứng ra lo hậu sự cho ông theo nghi thức cao nhất của Hội. Nếu không có gì thay đổi, chiều thứ 3 ngày 11/5, lễ truy điệu nhà thơ Hoàng Cầm sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Con cháu ông đang lục tục tìm về, tề tựu bên ông, như đã từng họp mặt đông đủ vào mỗi dịp Tết: "Chỉ những ngày Tết như vậy là bố tôi vui nhất, vì cháu chắt đầy cửa đầy nhà. Chắt của ông cũng có đến vài chục rồi. Có các cháu xung quanh, ông tỉnh táo khỏe khoắn hơn rất nhiều", người con trai cũng bước vào tuổi 50 trũng giọng.

Họ hàng và người dân Thuận Thành, Bắc Ninh quê ông muốn đưa ông về Kinh Bắc, nằm lại mãi mãi với tổ tiên. Đất học Thuận Thành xưa đã có một ông quan võ, nay muốn đưa nhà thơ Hoàng Cầm về làm ông quan văn để tiện bề thờ tự. Ông luôn là di sản của làng, một niềm tự hào mà người dân Kinh Bắc luôn mở lòng giành lấy về mình. Hoàng Cầm đã làm bất tử một dòng sông thơ, ông đã khiến sông Đuống bỗng nhiên thành biểu tượng cho những người muôn phương mỗi lẫn nhắc nhớ về Kinh Bắc. "Bên kia sông Đuống" cũng chính là bài thơ được Hoàng Cầm yêu thích nhất, hay ngâm nhất, hay dùng để giao lưu với công chúng rộng rãi nhất vào độ ông còn mạnh chân, khỏe tay và trường sức. Nhưng các con trai lại muốn ông được nằm tại Nghĩa trang Văn Điển, khu A, để thêm gần gụi cháu con và cũng dễ cho những người mến mộ thơ ông dễ dàng lại qua hương khói, bày tỏ tình cảm.

Tôi nhìn bức ảnh ông trên ban thờ mới lập, nhìn đôi mắt ông phía sau màn khói hương bãng lãng mà mắt bỗng cay xè. 

"Đã hẳn em về xa mê tâm linh
Sao còn đứng nghiêng khói thiêng vươn mình
Đã hẳn em lên thượng tầng khinh thanh
Sao còn rưng rưng cỏ mồ bình minh

Đã hẳn em bay cõi im vô cực
Sao còn mưa mau quất đau lá cành
Em hết phiên canh tổng kho thế tình
Sao còn nhập siêu nhiều chiêm bao anh.

(Nén hương linh - Hoàng Cầm)

Như Hương
.
.