Vị tướng đầu tiên Lê Thiết Hùng và trái tim nồng hậu

Thứ Bảy, 07/12/2019, 14:32
Từng ký ức về cha mẹ chầm chậm trở về trong nỗi nhớ bà Lê Mai Hương, người con duy nhất của Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và cụ bà Nguyễn Tuyết Mai khi Hà Nội kiễng chân giao mùa.

Được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1946, Lê Thiết Hùng là vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là người thầy giành được nhiều tình cảm quý trọng của học trò - những học viên Lục quân Trần Quốc Tuấn nhiều khóa. 

Chất thép, chất hùng

Cuộc đời Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908 - 1986) có nhiều dấu ấn đặc biệt. Ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp kết nạp vào Việt Nam cách mạng thanh niên (1925), được cử đi học Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc), rồi được giao nhiệm vụ tham gia quân đội Tưởng Giới Thạch, được phong quân hàm tới đại tá (đại hiệu). Sinh thời, ông tự hào: "Tôi là người học trò nhỏ của Bác Hồ".

Lê Thiết Hùng (1908 - 1986), vị tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam - Tư liệu gia đình.

Cuối năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng) với bí danh Lê Quốc Vọng, ông được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ cùng với ông Lê Quảng Ba lập Đội vũ trang đầu tiên gồm 12 người. Đó là đội du kích Pác Bó. Nhà báo Hoàng Thế Dũng, nguyên Chính ủy Trung đoàn Thủ đô, người thể hiện hồi ký "Bác Hồ và đội du kích Pác Bó" đánh giá, tuy chỉ tồn tại hơn 2 năm nhưng đội du kích Pác Bó đã làm được nhiều việc lớn: khống chế được bọn thổ phỉ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế được sự sục sạo, càn quét của binh lính địch, phân hóa và lôi cuốn được một bộ phận lý dịch ngả theo cách mạng… Đội du kích Pác Bó đã có 6 đội viên được tuyển chọn vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Tiếp đó, Lê Thiết Hùng cùng Võ Nguyên Giáp phụ trách Ban Xung phong Nam Tiến, mở đường về xuôi...

Sự kiện này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký: "Sau một thời gian ở Nguyên Bình, tôi được chỉ thị cùng anh Thiết Hùng chuyển xuống phía Nam gây phong trào tại tổng Kim Mã, một nơi chưa có tổ chức Việt Minh. Bác và Liên tỉnh ủy muốn tổ chức cơ sở ở vùng này làm chỗ đứng chân, phát triển phong trào về dưới xuôi, mở đường Nam tiến".

Những vị chỉ huy quân sự thuở ấy đã phân công như sau: Ông Lý Quang Hoa cùng một số cán bộ có nhiệm vụ đánh thông con đường từ Đông Khê về Đình Cả. Hai ông Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng phụ trách ban xung phong Nam tiến, có nhiệm vụ mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã để nối liền với Chợ Chu, Đại Từ.

"Tôi được biết Bác chuẩn bị đi xa. Sau khi trao nhiệm vụ Nam tiến cho chúng tôi, Bác nói: "Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự, chú Hùng phải chú trọng thêm chính trị", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết.

Cách mạng tháng Tám thành công. Thời gian đầu, ông còn phải quay trở lại các vùng biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Móng Cái… để chuẩn bị đối phó với "Hoa quân nhập Việt". Rồi ông lại về Hải Phòng để phát triển lực lượng tự vệ chiến đấu, chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân.

Trước những biến chuyển mau chóng của đất nước, Lê Quốc Vọng được Hồ Chủ tịch giao làm Chiến khu trưởng đầu tiên Chiến khu 4 (nay là Quân khu 4). Một hôm, ông đang đi thị sát miền tây Khu 4 chống tàn quân Pháp đang từ Lào lăm le đánh xuống thì có điện của Hồ Chủ tịch gọi ra Hà Nội.

Trở ra Thủ đô, ông mới biết, Chính phủ vừa tổ chức "Đội Tiếp phòng quân" để thay thế quân Tưởng, giám sát việc rút quân của chúng. Lúc này, Chính phủ đang cần một thiếu tướng để chỉ huy "Đội Tiếp phòng quân". Sau khi cân nhắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn Lê Quốc Vọng.

Trong hồi ký "Người học trò nhỏ của Bác Hồ" do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng kể, Đại tá - Nhà văn Siêu Hải thể hiện, đã cho biết nội dung cuộc gặp này tại Bắc Bộ phủ. Bác hỏi ý kiến ông. Suy nghĩ trong giây lát, ông đáp: "Thưa Bác, tôi tự xét thấy chưa quen làm việc với bọn Pháp, ít am hiểu bọn chúng. Đề nghị Bác chọn một đồng chí khác có năng lực hơn".

 Nghe vậy, Bác động viên ông: "Kìa, chú định thay mặt Thường vụ Trung ương về công tác cán bộ đấy à? Thường vụ và Bác đã cân nhắc kỹ. Việc này chỉ có chú làm được. Chú nhận đi!".

Cửa phòng hé mở, có người định bước vào. Bác ra hiệu hãy đợi, rồi nói tiếp: "Tướng Va-luy, tướng Xa-lăng, tướng A-lếch-xăng-đri và cả Xanh-tơ-ni lúc này đều có mặt ở Hà Nội. Mấy năm qua họ nằm ở Ấn Độ, ở Côn Minh hoạt động tình báo, nắm tình hình của ta. Nhiệm vụ của chú không dễ dàng đâu".

Siết chặt tay ông, Bác nói thêm: "Trước đây, trên chục năm chú sống trong quân đội Tưởng đầy chông gai, cạm bẫy, "chất thép" trong con người chú đã được tôi luyện già dặn. Nay, vào cuộc chiến đấu mới, đối mặt với thực dân xâm lược Pháp, phải thêm "chất hùng" của dân tộc ta nữa. Bác đã nghĩ kỹ, chọn cho chú cái tên mới: Lê Thiết Hùng".

Từ đó, Lê Quốc Vọng mang tên mới Lê Thiết Hùng. Cái tên này đi theo ông đến cuối đời. Lê Thiết Hùng là người được phong quân hàm tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1946, trước đợt phong quân hàm chính thức 2 năm (1948).

Trái tim hồng đầy nhân hậu

Hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy "Đội tiếp phòng quân", ông trở lại làm Khu trưởng Khu 4, rồi làm Tổng thanh tra quân đội, Cục trưởng Cục Quân huấn và Hiệu trưởng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Chính ông là người đề xuất đổi tên Võ bị Trần Quốc Tuấn thành Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn để đào tạo cán bộ quân sự toàn diện.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư liệu gia đình.

Đại tá Ung Răng, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Sĩ quan Công binh, học viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa IV (1948) nhớ về thầy Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng: "Nhìn dáng vẻ nghiêm nghị, hơi khắc khổ, hiếm khi thấy nụ cười trên môi của vị tướng chỉ huy quân sự, nhiều học viên ngộ nhận thầy Hiệu trưởng khô khan, ít tình cảm và thường sợ, ngại không muốn gần". Tuy nhiên, trái với vẻ bề ngoài nghiêm nghị là một tấm lòng nhà giáo đầy vị tha. Trong số các học viên khóa IV, có Nguyễn Thụy Ứng, vốn được coi là cá biệt, rất "tự do".

Không chịu đựng nổi kỷ luật hà khắc và cuộc sống gian khổ tại trường, Nguyễn Thụy Ứng đã xin thôi học, để trở về đơn vị. Thầy Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng chấp thuận. Nhưng rồi sau phút giây bồng bột của tuổi trẻ, người học viên ấy đã hối hận tỉnh ngộ, xin quay trở lại. Thầy Hiệu trưởng nở nụ cười bao dung để học viên này tiếp tục rèn luyện đến tốt nghiệp.

Tốt nghiệp, Nguyễn Thụy Ứng được giữ lại trường làm cán bộ. Chính người học viên cá biệt này cuối đời nhắc lại, một hôm Thiếu tướng Lê Thiết Hùng gọi ông lên: "Tôi đọc lý lịch thấy anh đã học tiếng Nga, nên anh phải dịch thật nhanh tác phẩm "10 cú đấm thép" của Nguyên soái Stalin".

Nguyễn Thụy Ứng trợn mắt kinh ngạc vì trong lý lịch thì ghi thế thật, nhưng thực tế ông học bập bõm tiếng Nga được có vài tháng, đến nói còn chẳng được, làm sao dám… dịch sách.

Nhưng rồi, trước sự tin tưởng của thầy Hiệu trưởng, Nguyễn Thụy Ứng đã kỳ công dịch. Sau này, ông trở thành một dịch giả uy tín. Trong đó, bản dịch "Sông Đông êm đềm" của Nguyễn Thuỵ Ứng vẫn được đánh giá là bản dịch tốt nhất, chuyển tải được cái hồn của tác phẩm đến với người đọc. Không chỉ vậy, ông còn được cử làm Bí thư chi bộ bộ phận cán bộ trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, sang Trung Quốc với Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, rồi ở lại làm phiên dịch kiêm giảng viên cho các khóa sau.

"Qua bao thăng trầm của cuộc đời và sự nghiệp, chúng tôi luôn cảm nhận thấy ở thầy một tấm gương về đạo đức trong sáng, suốt đời trung thành, tận tụy vì Nước, vì Đảng, vì Dân, một tấm lòng bao dung độ lượng với đồng chí, anh em và đều kính trọng yêu mến thầy như một người anh cả ruột thịt", Đại tá Ung Răng tưởng nhớ.

Còn Đại tá Đỗ Đức Kiên, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Chủ nhiệm Chính trị khóa 4  Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đánh giá về Thiếu tướng Lê Thiết Hùng: "Anh hoàn toàn nổi trội hơn tất cả mọi người trên nhiều mặt: Tuổi đời, tuổi Đảng, tuổi quân, trình độ hiểu biết chính trị, quân sự - và có quá trình hoạt động đáng kính nể. Trong sinh hoạt anh lúc nào cũng giữ được tác phong chính quy, đàng hoàng, nghiêm cẩn. Đồng thời anh lại là một người kiên trì, mẫu mực trong thực hiện và cuốn hút cán bộ, học viên, nhân viên toàn trường nỗ lực thi đua vượt mọi khó khăn, gian khổ nhằm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với quyết tâm "chỉ tiến không lùi". Giờ đây thầy - anh cả của chúng ta đã đi xa - song tên tuổi, đức độ và tấm lòng của thầy, mãi mãi khắc sâu trong trái tim, trí nhớ của chúng ta".

Ông Phạm Lãm, học viên Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 4, đã bày tỏ tình cảm với thầy Hiệu trưởng qua bài thơ mộc mạc: "Ôi người anh cả rất bao dung/ Kỷ luật nghiêm minh, dáng lạnh lùng/ Mà trái tim hồng đầy nhân hậu/ Anh đi vào cõi nhớ mênh mông".

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908-1986) sinh tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng đảm nhiệm nhiều công tác trong Quân đội như Tổng thanh tra đầu tiên của Quân đội, Tư lệnh đầu tiên Bộ Tư lệnh Pháo binh…

Từ năm 1963, ông  được giao trọng trách mới: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại CHDCND Triều Tiên, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng... Thiếu tướng Lê Thiết Hùng được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.


Ngọn lửa hồng luyện thép

Trên tờ báo "Sức trai", của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khóa IV, tháng 8-1948, tác giả Quốc Tịch đã ký họa chân dung thầy Hiệu trưởng bằng ngôn từ: "Một danh tướng họ Lê/ Lòng yêu trường tha Thiết/ Một bản nhạc trầm Hùng/ Ngọn lửa hồng luyện thép".

Kiều Mai Sơn
.
.