Văn hào Nga Dostoyevsky: Anh cuối cùng còn lại mình em…

Thứ Năm, 09/12/2010, 14:00
Thiếu nữ vừa mới đôi mươi phải lòng say đắm người đàn ông góa vợ ở tuổi tứ thập đã nếm quá nhiều cay đắng trần ai, tính khí phức tạp, túng thiếu triền miên, đang bị vây bủa với những người thân thích tham lam và cũng đang phải đối mặt với vô số những vấn đề nan giải. Thực khó có ai phải ghen tị với cô, vậy mà cô lại vui như đang bắt được của… Ý trung nhân mà cô đã chọn là Fyodor Dostoyevsky!

Anna Snitkina, một cô gái con nhà lành, mang trong mình hai dòng máu Nga và Thụy Điển, từng được giáo dục trong những nền nếp nghiêm túc, vừa đi như bay trên đường vừa muốn hát vang lên: Fyodor Dostoyevsky vừa nói rằng, ông không thể hình dung được nếu thiếu cô thì sẽ như thế nào và ông hứa sẽ tới nhà cô chơi. Thời gian gần đây cô sinh viên vừa theo học chương trình của thầy Olkhin nổi tiếng ở Saint Peterburg, vừa làm thư ký cho nhà văn. Đến giờ, công việc của cô đã gần kết thúc. Cô đã chép theo lời đọc của Dostoyevsky bản thảo tiểu thuyết "Con bạc" và nó đã được nộp cho đồn cảnh sát.

Ông chủ nhà xuất bản Stellovsky không ngẫu nhiên vẫn bị thiên hạ coi là kẻ bất lương: bản thảo cần được đưa cho ông ta trước ngày 1/11/1866, nhưng ông ta lại biến khỏi Saint Peterburg biệt vô âm tín. Stellovsky đã lập bản hợp đồng một cách tinh vi: nếu không nhận được bản thảo đúng thời hạn thì ông ta trong vòng 9 năm tới sẽ có quyền cho in miễn phí tất cả những gì mà Dostoyevsky sẽ viết.

Thế nhưng gã đại bợm lần này đã bị hố: viên cảnh sát trực đồn tuy cũng nhún vai nhưng đã nhận tập bản thảo đóng gói cẩn thận và có gắn xi, ghi ngày tháng lên đó rồi ký tên vào, chứng nhận rằng Dostoyevsky đã hoàn thành tập sách đúng thời hạn đã thỏa thuận.

Dostoyevsky kể lại câu chuyện này cho Anna nghe và trả cho cô 50 rúp tiền công. Nhìn thẳng vào mắt cô, ông giữ tay cô trong lòng bàn tay mình hơi lâu hơn thường lệ một chút. Trên đường đi về nhà gần điện Smolnyi, trên phố Costromskaya, Anna đã bật cười khi nhớ lại chi tiết này và bỗng vỗ tay hoan hỉ, khiến khách qua đường trợn mắt nhìn cô lạ lẫm. Phía trên đầu, bầu trời thành Piter lấp lánh đầy sao và Anna tin chắc rằng hạnh phúc đang đợi chờ cô… Một niềm tin đầy ảo giác…

Nửa giờ trước nàng đã rời khỏi căn phòng bề bộn của người đã thuê cô làm việc: đồ gỗ cũ rích, bụi bám khắp nơi, bà người ở Fedosia dở tính dở nết mà nếu không phải Dostoyevsky thì khó có thể người chủ nào chịu đựng nổi.

Nhà văn rất thích tiện nghi sang trọng nhưng ở nhà ông thì lấy đâu ra chúng: lúc nào ông cũng phải ở trong cảnh giật gấu vá vai… Nhà văn đang ở trong tình trạng nợ nần như chúa Chổm. Liệu một cô gái trẻ mê đắm ông như Anna có giúp được Dostoyevsky vượt ra khỏi vũng lầy túng thiếu được hay không?

Anna với hai người con của Dostoyevesky.

Dostoyevsky bước tới gần cửa sổ, gõ ngón tay lên mặt kính giá băng và nhìn ra ngoài, ngắm những bông tuyết rơi xiên trên phố - ông cần phải quyết định nhưng lại cứ lần chần… Có dễ dàng chăng một người đàn ông đứng tuổi đã từng yêu nhiều đến thế nhưng lại ít được đền đáp lại đến thế khi phải nhận lấy trách nhiệm đối với cô gái trẻ ngây thơ?

Những người phụ nữ mà ông đã lựa chọn trước đây toàn khiến ông đau đớn - và đó mới chỉ là một nửa của tai họa. Tồi tệ hơn là, họ đã không hạnh phúc cùng ông. Liệu có phải là tử tế  hơn không nếu ông làm ngơ trước viễn cảnh ân ái mới và tiếp tục đi theo con đường vô vọng và cay đắng của mình?

Trong quá khứ, ông đã từng không chỉ một lần hy vọng ở hạnh phúc nhưng rốt cuộc toàn phải nhận cái cảm giác mất mát không gì bù đắp nổi, một bức chân dung cũ và cậu con riêng của vợ đã quá cố đang nằm gáy ở phòng bên. Gã trai này thực vụng về, thô bạo, nhưng đó không phải là lỗi của nó: đơn giản là vì dượng đã không biết dạy con… Kết cục là vậy nhưng những sự khởi đầu đã vui sướng làm sao…

12 năm trước, ông, khi đó đang là một người tù khổ sai vừa chịu hết án tù 4 năm, đã tới thành phố Semipalatinsk khỉ ho cò gáy (nay thuộc nước cộng hòa Trung Á Kazakhstan) trên cỗ xe trượt tuyết của nông dân trong đôi ủng cũ và cái áo da lông rách.

Tại Semipalatinsk chờ ông là cảnh làm lính trơn: một tội phạm chính trị từng bị kết án tử hình và chỉ được ân xá ngay trên pháp trường, cần phải mặc áo xinen lính tráng màu xám vô thời hạn dưới sự giám sát gắt gao của cấp trên. Ông đã không trông chờ điều gì vui vẻ từ cái thành phố nhỏ chìm khuất trong thảo nguyên này và lại càng không hy vọng tại đó sẽ gặp được tình yêu của đời mình.

Maria Isayeva bị lạc tới Semipalatinsk vì một cuộc hôn nhân không may mắn. Chồng chị, một vị quan ba phụ trách phần hậu cần của đơn vị, đã mau chóng trở nên nát rượu và rất đổ đốn trong những cơn say  triền miên. Và Maria trở nên cực kỳ tội nghiệp giữa những quý phu nhân của thành phố.

Khi nhìn thấy chị, anh lính Fyodor của tiểu đoàn tiêu binh Siberi số 7 cảm thấy mình như một hiệp sĩ cần phải cứu mỹ nhân ra khỏi ách kìm kẹp của loài quỷ sứ. Thế nhưng, khi ấy nhà văn đang ở trong cảnh cố cùng nên chỉ dám mơ mộng suông về Maria.

Những buổi luyện tập trên thao trường, những phiên gác kéo dài dằng dặc rồi mới tới giờ nghỉ và cả đơn vị đi đều về doanh trại. Lợi dụng cảm tình của viên chỉ huy tiểu đoàn, anh lính khổ sai Fyodor đã tới chơi ở ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo của gia đình Isayev.

Viên quan ba thường là phải tới gần nửa đêm mới về nhà trong trạng thái say xỉn. Trong lúc ông ta đi vắng, Dostoyevsky kể cho Maria nghe về Saint Peterburg, về thành công văn học đầu đời của ông - cuốn "Những kẻ bần hàn" đã làm cả nước Nga say sưa đọc, về sự phải lòng vô vọng đối với Avdotia Panayeva, nữ chủ nhân của một salon văn học thời thượng… Riêng về chuyện ông đã bị kết án khổ sai như thế nào thì ông không kể, và Maria cũng không đả động đến: chị là người tinh tế và không muốn làm đau người khác vì những ký ức buồn…

Người phụ nữ mơ mộng ở Semipalatinsk không quan tâm tới những tư tưởng phản quân chủ của nhóm Petrashevsky mà Dostoyevsky từng là một thành viên tích cực nên đã suýt nữa phải bị tử hình mà chỉ thích hỏi thêm chi tiết về đôi mắt mà thiên hạ đồn là rất đẹp của bà Panayeva cũng như về việc vì sao bà ta lại chỉ thích làm đàn ông khở sở vì mình…--PageBreak--

Maria cũng kể cho Dostoyevsky về tuổi thanh xuân của chị, về tình yêu đã dành cho chàng viên chức trẻ tuổi đẹp trai… Cha chị, một hiệu trưởng trường trung học, thoạt tiên đã chống lại sự lựa chọn của con gái nhưng rồi chị cũng đã thuyết phục được cha gật đầu đồng ý…

Rồi đức ông chồng quan ba của Maria ầm ĩ lao vào nhà và  cuộc tâm sự tay đôi đã bị ngắt quãng. Dostoyevsky lịch sự cúi chào rồi ra về căn phòng tí xíu đầy muội tro trong doanh trại của mình.

Giờ đây ở Saint Peterburg thật lạ khi nhớ lại cái cảm giác mâu thuẫn xa xưa đó: sự vô vọng tuyệt đối và sự hạnh phúc cũng tròn đầy có thể khiến ta chóng hết cả mặt. Dường như đã không có cảnh đời lính cần lao, ngôi nhà gỗ thấp bé đầy gián và cái thành phố nhỏ tiêu điều ấy - chỉ có ta, nàng, bầu trời đầy sao và cuộc gặp lại định mệnh trong tương lai… Với Dostoyevsky chỉ như thế thôi cũng là quá đủ, ông đâu cần được thêm gì nữa. Ông đã đâu có ngờ họ còn có thể gặp lại nhau. Vậy mà điều không thể đã trở thành có thể…

Semipalatinsk đã có quan thanh tra mới tới: nam tước Vragel là một người cực kỳ mê văn học và nhanh chóng trở thành người bạn tâm của anh lính trơn trong hiện tại nhưng sẽ là một văn hào trong tương lai Dostoyevsky.

Chính Vragel đã đưa Dostoyevsky tới làm khách trong nhà của giới thượng lưu địa phương và nhà văn đã có thêm những người hâm mộ danh giá khác:  sau hai năm, ông được lên hàm hạ sĩ quan. Cũng trong thời gian đó viên quan ba Isayev đã bị mất chức và gia đình ông ta lâm vào cảnh bần hàn cùng cực - rốt cuộc Isayev phải đi tìm kế sinh nhai ở một chức quèn tại thị trấn heo hút Kuznetsk và đưa cả gia đình cùng tới đó, khiến Dostoyevsky đau tiếc.

Chẳng bao lâu sau Isayev chết vì bệnh gan, để lại người vợ góa và đứa con trai trong thế kẹt: vì không có tiền nên Maria phải vay nợ để làm ma chay cho chồng. Khó có thể hình dung ra cảnh trớ trêu đau đớn hơn: khi đó, Dostoyevsky không thể rời khỏi Semipalatinsk để gặp người tình trong mộng, còn Maria dù chỉ ở cách ông có ba trăm dặm nhưng vẫn không thể nhận được sự giúp đỡ gì từ ông mà phải sống gần như chỉ nhờ sự bố thí của những người thân quen.

Mãi rồi Dostoyevsky cũng được nhìn thấy số phận nở nụ cười mà trước đó ông không dám hy vọng: nhờ những người thiện tâm có quyền lực nên từ Saint Peterburg đã gửi tới công văn nâng ông lên bậc sĩ quan.

Nhờ thế nên ông đã có cơ hội tận dụng một dịp đi công tác để ghé vào thị trấn Kuznetsk và sững sờ nhận thấy rằng ông đã có tình địch! Mới rồi Maria đã nhận được lời cầu hôn của một giáo viên địa phương tên là Nikolai Vergunov, một người đàn ông  Siberi tốt bụng, đàng hoàng, ít hơn chị 5 tuổi.

Chị cứ phân vân mãi không biết chọn ai trong số hai kẻ si tình và Dostoyevsky đã cậy cục nhờ những người quen có thế lực để tìm  kiếm cho tình địch một chỗ làm tốt hơn: lương giáo viên thời nào cũng rất khiêm nhường, ngay cả người độc thân cũng phải tùng tiệm mới đủ chi dùng nên chắc chắn là sẽ không thể tạo nên đời sống sung túc cho một gia đình có tới ba nhân khẩu.

Rồi ông quyết định đến gặp Maria lần cuối ở Kuznetsk để nói chuyện dứt khoát với nhau lần cuối. Tại đó, đợi ông là những giọt nước mắt mặn nồng của Maria và một buổi trò chuyện thẳng thừng theo đúng kiểu đàn ông với Nikolai Vergunov. Anh chàng giáo viên trẻ rốt cuộc đã hiểu ra được rằng, anh đã tự khoác lên vai gánh nặng quá sức khi ngỏ lời cầu hôn với Maria - anh không thể có cách gì để nuôi vợ và đứa con riêng của nàng!

Thế là Maria đã gật đầu với Dostoyevsky khiến ông như đang ở trên chín tầng mây, không mảy may suy nghĩ tới việc chẳng rõ chị có thực sự yêu ông hay không - nói cho cùng, ông không lúc nào hoài nghi về chuyện này. Lúc đó, ông còn chưa hiểu rằng, một sự thương hại mang nặng tính dịu dàng cũng có thể tạo nên cảm giác tương tự như tình yêu nhưng với nó, khó có thể xây đắp một cuộc hôn nhân bền chặt.

…Tiếng bước chân ai đó vang lên phía sau lưng và Dostoyevsky quay đầu lại nhìn. Cậu con trai trong tấm áo khalat sang trọng như địa chủ, đẫy giấc rồi mới tỉnh, bước vào phòng mà không hề gõ cửa trước. Pasha trông chẳng giống mẹ mấy, chỉ trừ đôi mắt…

Lúc nào Pasha  cũng cần tiền và cậu ta có tài xin khéo léo đến mức nói gì thì kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Cho tới giờ cậu ta vẫn không buồn học hành gì và càng không muốn đi làm ở đâu cả: có lẽ cậu ta chỉ thích ăn bám bố dượng suốt đời. Dostoyevsky cũng không có gì chống lại việc này vì ký ức dành cho người vợ khiến ông sẵn sàng làm mọi việc cho linh hồn chị mát mẻ nơi chín suối.

Ông đã sống với Maria trong một tình yêu kỳ cục - có lúc chị đã đầy cảm thông với ông nhưng cũng có lúc chị gần như rất căm ghét ông. Muốn sao thì khi chị không còn nữa, nhà văn cảm thấy thế giới trở nên trống rỗng.

Mọi chuyện đã bị đổ bể vì căn bệnh quái ác của ông: ngay trong đêm tân hôn ông đã bị lên cơn động kinh đến bất tỉnh nhân sự. Khi mở được mắt ra, Dostoyevsky thấy mình đang nằm trên sàn nhà với đôi môi bầm máu và cái cằm đầy rớt rãi và trước ông là đôi mắt hoảng hốt của Maria: chị đã cố hết sức lấy tấm khăn ướt lau mặt cho ông. Về sau hai người không bao giờ nhắc lại khoảnh khắc đó nhưng đã có một cái gì đấy trọng đại bị đổ vỡ trong quan hệ vợ chồng.

Tuy nhiên, ở Semipalatinsk cuộc sống gia đình của họ vẫn khá ổn thỏa dù vẫn phải tùng tiệm. Cả hai đều còn nhớ quá rõ ác mộng riêng trong quá khứ chưa xa: với Dostoyevsky, đó là việc bị lưu đày và làm lính khổ sai; với Maria, đó là cuộc hôn nhân đầu tiên… --PageBreak--

Rồi Dostoyevsky được cho ra quân và gia đình chuyển tới thành phố Tver sinh sống - cựu tù nhân chính trị không thể được hồi hương sớm quá về kinh đô.  Mất một thời gian nữa những người hâm mộ cao cấp mới vận động được cho nhà văn trở về Saint Peterburg.

Tại đó, giới tinh hoa văn học đã dang rộng tay đón Dostoyevsky - lúc này ông đã hoàn thành bản thảo "Giấc mơ của ông chú" và "Xóm Stepanchikovo". Cuộc sống lên hương, khách khứa trong nhà toàn là những gương mặt xuất sắc của làng văn. Thế nhưng, Maria lại cảm thấy xa lạ và nặng nề với cảnh đời này…

Về phong độ, Maria hoàn toàn có thể làm nữ hoàng của cuộc chơi phù hoa: vóc dáng cao ráo,  gương mặt dịu dàng và đôi mắt đầy biểu cảm. Tư duy sắc sảo, trái tim thanh tao, tính tình sôi nổi… Maria biết yêu nhưng cũng biết căm hận, không bao giờ làm việc gì nửa chừng xuân…

Chị không thích Saint Peterburg nhưng vẫn cố gắng thực hiện trọn vẹn vai bà chủ nhà của một nhà văn danh tiếng. Thế rồi, các bác sĩ phát hiện ra bệnh lao ở chị và yêu cầu phải thay đổi khí hậu môi trường sống.

Chị không thể ở lại Saint Peterburg, còn Dostoyevsky lại không thể rời khỏi đây: đời sống văn học của đế chế Nga khi đó chỉ thu gọn lại ở trong kinh đô. Thế là họ phải sống trong cảnh vợ chồng ngâu, thi thoảng mới gặp lại nhau: Dostoyevsky có dịp thì mới tới gặp vợ ở Tver, rồi ở gần Vladimir và sau đó, ở Moskva…

Cuộc trở về từ Siberi, thành công văn học mới và bệnh tình của vợ - mọi sự đã diễn ra chỉ trong vòng một năm. Rồi bất ngờ "tình yêu đến trong đời không báo động" (thơ Hoàng Nhuận Cầm), Dostoyevsky đã vấp phải một mối duyên tơ định mệnh mới, dai dẳng, trầm kha, làm trái tim nhà văn rớm máu...

…Bão tuyết ngoài cửa sổ cứ mỗi lúc mỗi dày và các ngôi nhà, những khách bộ hành thưa thớt cũng như những cỗ xe thi thoảng đi ngang qua cứ mờ dần sau màn trắng mờ đục giá băng. Pasha chắc phải tới gần sáng mới về nhà, leo lên giường ngay mà quên cả tháo ủng rồi làm một giấc tới tận chập tối hôm sau mới tỉnh. Chắc lúc đó Dostoyevsky đã trở về từ nhà Anna Snitkina sau bữa uống trà rồi - cô gái đã mời ông từ lúc ban chiều. Cần phải chấm dứt một ngày đầy rối lẫn và xúc cảm này thôi: phải đi ngủ ngay vì ngày mai ông cần phải có một dáng bộ tươi tỉnh… Người gác cổng nhìn thấy ánh đèn trong phòng làm việc của Dostoyevsky tắt ánh đèn nên đi ra khóa cổng lại.

Ngày hôm sau Dostoyevsky tới chơi nhà Anna Snitkina. Gia đình cô hẹn ông vào 7 giờ tới nhưng ông đã tới muộn hai tiếng rưỡi - người đánh xe phải mất quá nhiều thời gian mới tìm thấy ngôi nhà nằm ở sau bệnh viện, khá khuất nẻo. Đó là một gia đình cũng sung túc: ông bố quá cố, một công chức bậc trung tuy không tích cóp được nhiều của nả nhưng cũng đã dựng lên được một ngôi nhà khang trang rộng rãi.

Mẹ của Anna, một phụ nữ mang trong mình hai dòng máu Phần Lan và Thụy Điển, sớm góa chồng nhưng đã cố gắng nuôi nấng con cái nên người và dĩ nhiên, không muốn Anna của mình lấy một ông chồng như Dostoyevsky. Chắc cũng chẳng có bà mẹ vợ nào vui mừng khi phải đón về nhà một ông con rể từng là tử tù, lại lớn hơn con gái mình cả một phần tư thế kỷ.

Hơn nữa, đó lại là một ông góa vợ, phải gánh trên vai một ông con trai cũng đã lớn tuổi, ăn không ngồi rồi, túng bấn quanh năm, nợ nần chóng mặt… Anna đã kể với mẹ rằng, Dostoyevsky đang mắc món nợ lên tới 25 nghìn rúp, nhưng đó không phải do ông vay mà do người anh trai Mikhail đã quá cố của ông vay nhưng ông phải đứng ra trả vì thương anh.

Nghe con gái nói, bà mẹ cứ dựng ngược cả tóc lên - việc gì mà phải làm thế vì theo luật pháp của đế chế Nga, chết là hết và nợ nần của người quá cố không có ai trong số người thân, kể cả cha mẹ, anh chị em ruột, vợ con… phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, nhà văn nhận đứng ra thanh toán món nợ đó vì muốn bảo vệ thanh danh cho gia tộc Dostoyevsky và không muốn các gia đình chủ nợ phải thua thiệt! Sao ông ấy không nghĩ tới gia đình riêng của mình nhỉ! Làm sao có thể gả con gái cho một người đàn ông quá hỉ xả với thiên hạ như thế! Bà mẹ cũng hiểu là con gái bà đã chết mê chết mệt Dostoyevsky và ông tới chơi nhà với tư cách con rể tương lai nên đón nhà văn dù không quá hồ hởi nhưng cũng rất lịch thiệp.

Câu chuyện thoạt tiên hơi khách khí nhưng rồi trở nên ấm áp hơn: khi vui vẻ, Dostoyevsky có thể trở thành linh hồn sống của bất cứ một cuộc chơi nào. Ông kể rất sinh động các giai thoại làng văn, về Siberi và hoàn toàn không thay đổi sắc diện khi có ba sinh viên trẻ từng là những người tán tỉnh Anna gõ cửa vào nhà. Ba thanh niên này muốn tìm hiểu nguyên do đã khiến Anna thôi thích họ tới trò chuyện vui chơi cùng.

Danh tiếng của tác giả "Tội ác và trừng phạt" khi đó đang ở đỉnh điểm và ba chàng sinh viên sau khi làm quen với Dostoyevsky đã ngồi im thin thít và say mê nghe nhà văn nói. Buổi tối đã rất vui vẻ…

Tới nhà Anna với tư cách hôn phu nhưng với bản thân mình, cho tới lúc đó, Dostoyevsky vẫn chưa có quyết định dứt khoát. Nhìn tới tương lai, ông vẫn chưa thể biết rồi ông sẽ  ở với ai: cưới cô gái tốt bụng Anna hay cưới mỹ nhân đã hành hạ trái tim ông suốt mấy năm dài?

Mà nói cho cùng, mỹ nhân đâu có muốn làm vợ ông. Nàng hiện đang ở Paris xa xôi. Về nhà, không ngủ được, Dostoyevsky ngồi vào bàn và lấy bút viết thư cho người đàn bà độc ác nhưng luôn khiến ông mê muội đang ở nơi xa.

Ông thừa hiểu rằng, đó là một phù thủy chuyên hành hạ đàn ông, không xứng với ngón tay út của người vợ quá cố của ông, không xứng với gót giày của Anna nhưng ông không thể làm gì khác được. Tình yêu hay làm mù lòa lý trí và ông vẫn yêu mỹ nhân cho tới hôm nay, bất chấp những hoạn nạn mà nàng đã gây ra cho đời ông…

…Mọi sự đã bắt đầu hai năm sau khi Maria rời khỏi Saint Peterburg. Căn bệnh của chị ngày một nặng và các bác sĩ đã đưa ra dự báo đen tối nhất. Maria trở nên gày như xác ve, gương mặt đẹp của chị trông xám ngắt. Kinh khủng nhất là chị cứ dần dà rối trí: chính Dostoyevsky đã không chỉ một lần phải chứng kiến cảnh Maria mở toang các cánh cửa nhà ra để xua đuổi tà ma…

Tính chị vốn đã nóng nảy lại càng trở nên khó khăn hơn khi lâm bệnh. Mỗi khi hai vợ chồng có chuyện to tiếng thì chị lại hét lên rằng chị yêu không phải ông mà là chàng giáo viên Vergunov trẻ trung: "Anh ấy đã ngủ với tôi ngay trước đêm tân hôn của tôi với anh.  Anh ấy đi theo tôi tới khắp mọi nơi. Tôi đã là tình nhân của anh ấy suốt từng ấy năm. Tôi còn có những người đàn ông khác nữa…".

Dostoyevsky biết đó chỉ là cơn mê sảng của người đàn bà đang bị bệnh tật hành hạ quá đỗi. Trong những năm qua, Vergunov đã hành nghề gõ đầu trẻ một cách ngoan hiền ở Barnaul và chưa một lần tới phần châu Âu của nước Nga. Dostoyevsky dỗ dành vợ và chị sau cơn nức nở đã gục vào vai ông ngủ thiếp đi. --PageBreak--

Ông sẵn sàng chặt tay mình đi để giúp chị nhưng cảm giác nặng nề về tổ ấm đã trở thành địa ngục ngày một khiến ông cảm thấy bế tắc. Ông đành tìm lối thoát trên những trang bản thảo và thi thoảng - trong các cuộc tiếp tân văn chương ở Saint Peterburg. Và trong một buổi như thế, Dostoyevsky được giới thiệu với một thanh nữ xinh đẹp, run rẩy trước nhà văn danh tiếng.

Đó là Apollinaria Suslova, con gái một cựu nông nô nhưng đã rất thành đạt khi được trả lại tự do. Apollinaria đã tốt nghiệp đại học, cũng từng thử viết văn và đang rất khao khát các cuộc phiêu lưu tình cảm. Nàng đã trở thành tình nhân của Dostoyevsky chỉ sau lần gặp gỡ đầu tiên có ba ngày.

Có lúc nhà văn đã ngỡ như mỹ nhân tuổi chớm đôi mươi này gắn bó với ông cả thể xác lẫn tâm hồn và họ sẽ sát cánh bên nhau tới cuối cuộc đời - chưa bao giờ ông được cận kề với một tình nhân nồng nàn say đắm như thế. Apollinaria nhất quyết đòi Dostoyevsky li dị vợ và dứt khoát không chịu nghe ông phân trần rằng, một người lương thiện không bao giờ làm như vậy với một hiền thê đang lâm trọng bệnh.

Hai người đã tạm thời đồng ý với giải pháp thỏa hiệp: cùng nhau đi du lịch ở châu Âu. Apollinaria lên đường trước và sau đó, vay tạm được ít tiền lộ phí, Dostoyevsky cũng đi theo. Tại Paris, mỹ nhân gặp ông với câu tuyên bố: "Anh đã bị chậm chân một chút rồi!" - lúc đó nàng đã có cuộc tình mới với một sinh viên Tây Ban Nha.

Quá thất vọng, Dostoyevsky ngồi như chết trong phòng khách sạn: trở về Nga ngay thì thật ngốc nghếch, còn ở lại Paris tiếp thì ông lại không muốn. Một thời gian ngắn sau, gã trai Tây Ban Nha đã ruồng bỏ Apollinaria và mỹ nhân đã làm nhà văn phát hoảng khi nàng nước mắt đầm đìa tới phòng ông ở với con dao to ở trong túi xách. Nàng cứ vật vã không biết nên tự sát hay nên cắt cổ gã trai đã làm nàng thất vọng…

Dostoyevsky không biết làm gì khác để an ủi Apollinaria nên đành cùng nàng đi du lịch - chưa có gì khiến nhà văn cảm thấy bị sỉ nhục hơn như thế. Ông hứa rằng họ sẽ đi du lịch "như anh trai và em gái". Thế là mỹ nhân đã lợi dụng sự chân thành này của ông và khiến nhà văn "lên bờ xuống ruộng" bởi những trò ma mị bất trắc của mình.

Nàng khiến ông điên đảo nhưng không thể rời bỏ nàng. Ông van nài nàng bố thí cho ông một chút dư tình mà cuối cùng tay trắng vẫn hoàn không - ở Baden - Baden đã thế, ở Turino cũng thế và ở Rome cũng là vậy. Nhà văn khốn khổ vì yêu sẵn sàng dâng hiến cho mỹ nhân mọi sự nhưng uổng công vô ích.

Nói cho cùng, Apolinaria đâu có cần Dostoyevsky mà chỉ thích hành hạ ông thôi. Mãi rồi ông mới tỉnh cơn mê sảng và tháo chạy về Moskva. Khi đó, Maria đã gần như hấp hối. Dostoyevsky cảm thấy lương tâm cắn dứt bởi chính khi hay tin về chuyện tình của ông với Apollinaria, Maria mới thực sự lâm vào cảnh mê sảng triền miên.

Suốt một năm trời, Dostoyevsky liên tục ở bên cạnh giường bệnh của vợ. Maria dần bình phục đôi chút. Nhà văn đã làm mọi việc để chiều chuộng vợ. Bạn bè thầm thì than thở: Maria sẽ chẳng còn hy vọng gì sống lâu thêm nữa nhưng nếu tốn sức như thế thì chính Dostoyevsky cũng chẳng mấy nả mà đi theo vợ.

Dostoyevsky đã tận tụy với Maria tới phút cuối cùng. Và chị cũng đã thấu hiểu tấm lòng của chồng. Một phút trước khi trút hơi thở cuối cùng (1864), Maria còn hỏi người ở xem họ đã nấu cho Dostoyevsky ăn bữa tối hay chưa…

Hai năm trôi qua nhưng nỗi đau dường như vẫn chưa nguôi ngoai. Dostoyevsky và Apollianria sống tách riêng với nhau, rất hay cãi cọ nhau nhưng nhà văn đã không còn người nào gần gụi hơn nàng. Rồi Anna xuất hiện. Cô gái chân thành tử tế này đã nóng lòng chờ Dostoyevsky nói ra những lời chính yếu đối với đời cô. Tuy nhiên, liệu ông có xứng đáng với sự dâng hiến đó không? Liệu có nên tiếp tục sống nốt đoạn đời còn lại một mình cho trung thực hơn không?

Và Dostoyevsky đã nói những lời chính yếu đó  - trong truyện ngắn về một người họa sĩ không còn trẻ nữa, tình cờ gặp một cô gái trẻ. Người họa sĩ nghĩ rằng mình có thể tìm lại hạnh phúc với cô gái ấy nhưng lại vẫn hoài nghi:

- Liệu ông họa sĩ già nợ nần trĩu nặng như thế có thể mang lại cho cô gái trẻ điều gì? Liệu việc đó có phải là sự hy sinh quá lớn của cô gái hay không?

Anna đã đáp rằng, cô yêu ông và sẽ yêu ông tới cuối đời. Thế là sáng hôm sau công việc chuẩn bị lễ cưới đã được bắt đầu. Cô dâu muốn mang về nhà chồng nhiều đồ vật cô thích và rất đáng giá: những bộ đồ ăn đắt tiền, những đồ gỗ, đồ sứ sang trọng… Cả kinh đô bàn tán về đám cưới của họ. Anna khi bước chân vào cuộc hôn nhân của mình đã không biết sẽ phải gánh vác những chức phận nặng nhọc nhường bao.

Dostoyevsky không biết từ chối anh con riêng của người vợ quá cố cũng như mẹ đẻ của mình. Những người thân thích này đã làm ông tốn rất nhiều tiền. Và Anna phải thường xuyên đối diện với việc túng thiếu, không có đủ tiền đi chợ. Và mâu thuẫn giữa cô với thân thích của chồng đã xuất hiện.

Tình hình dần trở nên gay cấn đến mức Anna phải thuyết phục chồng đi ra nước ngoài du lịch để tránh xa những người họ hàng của ông. Chuyến đi đã kéo khá dài. Dostoyevsky ở châu Âu đã hoàn thành tiểu thuyết "Thằng ngốc". Đứa con gái đầu được sinh ra gần một năm sau ngày cưới nhưng đã bị chết yểu. Về sau, hai người đã có thêm một con gái và hai cậu con trai nữa.

Sống cùng một văn hào, Anna đã phải chịu đựng cả những biến cố tình cảm rối lẫn của ông. Đi du lịch cùng cô ở châu Âu, ông vẫn liên lạc với Apollinaria, vẫn viết thư cho mỹ nhân này. Tuy nhiên, ông vẫn chẳng nhận được gì từ người phụ nữ đó ngoài những trò mèo vờn chuột…

Phải mất khá nhiều thời gian, Dostoyevsky mới quên hẳn được mỹ nhân Apollinaria. Người đàn bà tai ác này khi trở về Nga, đã có lần giả danh một phụ nữ khác để lọt vào nhà của Dostoyevsky. Nhà văn đã không còn nhận ra người yêu cũ nữa. Khi biết đó là Apollinaria, Dostoyevsky đã hoảng sợ và van nài vợ trông các con cẩn thận hơn: "Mụ đàn bà đó biết anh yêu các con thế nào. Mụ ta có thể sẽ tìm cách giết chúng…" - Anna hỏi:

- Chẳng lẽ cô ấy đã thay đổi đến mức anh không nhận ra ngay ư?

- Không, không phải thế. Mụ ta không thay đổi gì mấy. Có điều anh đã quên hẳn mụ ta rồi, như thể chưa từng gặp mụ ta trước đó…

Dostoyevsky dặn dò để các con không nên ra ngoài chơi, một cách đầy lo lắng. Thế nhưng, giây phút đó, Anna chỉ muốn hát thật to lên. Cô hiểu rằng, từ nay, Dostoyevsky đã thuộc về cô trọn vẹn.

Năm 1881, Dostoevsky qua đời tại Saint Peterburg, thọ 60 tuổi. Anna sống tới năm 1918 

Huyền Anh
.
.