Trương Đăng Quế: Tể tướng không danh hiệu
- Tết Hoàng cung qua mộc bản triều Nguyễn
- Có chăng lệ “tam tứ bất khả” dưới triều Nguyễn
- Phục hồi di tích điện Kiến Trung triều Nguyễn trên nền móng cũ
- 80 cổ vật độc nhất vô nhị tái hiện nghi lễ triều Nguyễn
Đương nhiên, quyền lực của vua là thật. Chỉ có điều, đôi khi chúng ta quá chú ý tới sự tuyệt đối này mà quên mất rằng vua có người giúp việc, soạn chiếu chỉ, cung cấp thông tin, cố vấn, đưa tin...
Những người có được đôi tai của vua có khả năng can thiệp vào sự vận hành của quyền lực tuyệt đối đó. Nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn tới chính sách, nhiều hơn những gì chúng ta vẫn hình dung, có điều tên tuổi của họ đứng sau người ra quyết định cuối cùng. Sử chính thống vương triều dĩ nhiên không bao giờ thú nhận điều đó, đơn giản vì sử này do chính các viên đại thần giám sát biên soạn.
Chân dung Trương Đăng Quế (1793-1865). |
Trong các số tiếp theo, chúng tôi xin giới thiệu một số chân dung quyền lực ở Việt Nam trong giai đoạn 1802-1870 để thấy được cấu trúc, sự vận hành, quá trình tiến hóa của nền chính trị triều Nguyễn và để thấy được sự thất bại của con, cháu vua Minh Mệnh trong việc kế thừa hệ thống hành chính và chính trị do cha, ông để lại. Sự thất bại này chính là một phần của nguyên nhân nhà nước Việt Nam bất lực trong cuộc đối đầu với phương Tây, mở ra bi kịch thuộc địa thời hiện đại.
Tầm quan trọng của câu chuyện này không phải nhằm đổ lỗi cho Tự Đức, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản... mà để thấy một hệ thống chính trị dù được tổ chức chặt và canh gác kỹ đến đâu cũng sẽ bị vôi hóa theo thời gian. Vì thế, người vận hành hệ thống cần tỉnh táo trong việc kiểm soát quyền lực, đặc biệt là nguy cơ thường trực sinh ra các đại thần. Các cấu trúc do họ bảo trợ xung đột với tính minh bạch, hiệu quả của nhà nước và cuối cùng vô hiệu hóa hệ thống hành chính.
Hãy bắt đầu bức tranh về các chân dung chính trị này bằng viên quan quyền lực nhất ở Việt Nam giai đoạn 1830-1863: Trương Đăng Quế.
Ông khiến các phái viên nước ngoài nể phục và sợ, gọi ông là tể tướng. Dân chúng ở Huế cũng biết điều đó. Quan lại cũng thế. Các tin đồn thậm chí còn cho rằng ông có quan hệ với Quý phi Phạm Thị Hằng (Từ Dụ), sinh ra hoàng tử Hồng Nhậm và rằng ông đã đánh tráo di chiếu của Thiệu Trị, phế con cả là Hồng Bảo, đưa Hồng Nhậm (Tự Đức) lên ngôi...
Tin đồn thời nào cũng có. Điều chúng ta biết chắc là ông làm việc cực kỳ ăn ý với Minh Mệnh, đóng vai trò là quan chức cố vấn chiến lược hàng đầu, nơi mà cuộc cải cách hành chính, thống nhất lãnh thổ, xây dựng hệ thống hành chính cấp tỉnh, vạch chính sách dẹp nổi loạn từ Bắc đến Nam, xác lập địa bạ trên cả nước... đều có bàn tay của ông tham dự. Các chuyến kinh lý với tư cách khâm sai đại thần của ông vào cuối thời Minh Mệnh làm thay đổi diện mạo của nước Việt Nam hình chữ S vừa mới được thống nhất.
Năm 1835, sau khi cuộc nổi dậy thành Phiên An của Lê Văn Khôi bị dẹp tan, Trương Đăng Quế được cử Kinh lược đại thần, chỉnh đạt lại toàn bộ ruộng đất Nam Kỳ, làm lại sổ sách, tổ chức lại hành chính, phòng thủ... “Đến khi Đăng Quế về kinh, vào ra mắt, vua yên ủi hồi lâu, thân rót rượu ban cho; lại thưởng một đôi hình con cá bằng vàng, để tỏ ý là cá nước tương đắc” (Đại Nam Thực Lục). Sau đó ông được thăng Hiệp biện Đại học sĩ, vẫn quản lý Binh bộ, kiêm Cơ mật viện đại thần (phẩm hàm tòng nhất phẩm/1B).
Hãy nghe âm hưởng một bài thơ ông làm khi vâng mệnh đi kinh lược sứ Thanh Hoa, sau khi vừa làm Khâm sai đại thần trở về từ Nam Kỳ:
“Vừa đi phủ dụ Nam Kỳ trở về
Lại đi ra Bắc để tuyên bố ân uy
Hoài bão lớn coi nhẹ ngày cuối năm
Hoàn cảnh thuận lợi, lại gặp trời quang đãng
Cưỡi ngựa đi trạm liền suốt đêm,
Hoa mùa xuân hai bên đường như nghênh đón
Thanh uy giáo hóa của triều đình ban bố rộng
Khắp muôn nơi sẽ có ngày được thanh bình”.
(Tuyển tập thơ văn Trương Đăng Quế, 2018: 167).
Mất 13 năm (1819-1832) để Trương Đăng Quế đi từ một Nho sĩ đậu cử nhân, bổ dụng hành tẩu, biên tu (hàm chánh thất phẩm/7A) lên Thượng thư (bộ trưởng, hàm chánh nhị phẩm/2A) lúc 39 tuổi. Điều này tương đương với một chuyên viên được thăng 10 bậc trong vòng 13 năm để lên bộ trưởng trước 40 tuổi.
Phía sau quan lộ ấn tượng này là gì? Dĩ nhiên là tài năng của một viên chức khéo léo, mềm mỏng và uyên bác. Nhưng thế và thời cũng là nhân tố cần tính đến.
Sinh ra tại Quảng Ngãi năm 1793, vị quan xuất thân trong một hoàn cảnh đặc biệt. Ông là con thứ ba của một viên tri phủ nhà Tây Sơn. Sử nhà Nguyễn sau này (do ông làm tổng tài) viết rằng cha ông theo Tây Sơn là do bị ép. Quan trọng hơn, vị quan kém Minh Mệnh 2 tuổi này thuộc về một thế hệ Nho sĩ và quan chức mới mà vị vua thứ hai nhà Nguyễn đang cần để phục vụ cho dự án chính trị: nhà nước tập quyền, thống nhất lãnh thổ, hệ thống hành chính, văn hóa và mở rộng ảnh hưởng khu vực.
Tờ chiếu của Vua Minh Mệnh (29-4-1826) thăng Trương Đăng Quế từ Chủ sự ti Thanh lại (Hộ bộ), sung Bạn độc lên Hàn lâm Viện thị độc, tước Quảng Vọng tử, sung Hoàng tử Tán thiện. |
Các mốc quan trọng dọn đường cho sự trỗi dậy của Trương Đăng Quế gắn liền với việc rời khỏi sân khấu chính trị của các nhóm quyền lực cũ. Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Vũ Trinh và các trí thức Bắc Hà dần mất đi ảnh hưởng vào cuối thời Gia Long. Minh Mệnh sẽ tìm cách hạn chế ảnh hưởng các tướng quân đầy uy quyền của vua cha là Lê Chất và Lê Văn Duyệt bằng cách đưa lên sân khấu chính trị những ngôi sao văn thần là Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Hữu Thận...
Hoài Đức và Hữu Thận thậm chí còn được phong Hiệp biện đại học sĩ (hàm tòng nhất phẩm/1B) để lấy lại cân bằng với các võ quan cao cấp nhất (chánh nhất phẩm/1A). Không may là Trịnh Hoài Đức mất năm 1825, Phạm Đăng Hưng (cha của bà Từ Dụ, thông gia với Minh Mệnh, bố vợ Thiệu Trị) mất năm 1825 và Nguyễn Hữu Thận mất năm 1831.
Khoảng trống quyền lực do sự ra đi của những người này thúc đẩy Minh Mệnh tìm kiếm các nhân tố mới.
Ông chú ý vào hàng ngũ các tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn (bắt đầu tuyển từ 1822), mà sau này xuất hiện Phan Thanh Giản, Hà Tông Quyền... Tuy nhiên, so với những nhân vật đến sau này, Trương Đăng Quế có một lợi thế đặc biệt: ông ở bên cạnh ngai vàng.
Từ năm 1820, ông được giao tham gia giảng dạy cho các hoàng tử (trong đó có nhà vua Thiệu Trị tương lai) và sẽ thực hiện sứ mệnh này trong suốt 8 năm. Thành tích của hoàng tử Miên Tông [Thiệu Trị] chắc chắn đã làm hài lòng Minh Mệnh, người vào năm 1828 đưa Đăng Quế sang Văn thư phòng (văn phòng hoàng đế). Ngay lập tức ông được giao quản lý sự vụ tại trung tâm hành chính của vương triều: hoàng cung nhà Nguyễn.
Và đó là lúc mà thời vận của ông đã đến. Văn phòng hoàng cung của Gia Long gồm một số cơ quan phân tán vì chủ yếu ông giao việc cho đình thần nghị bàn. Minh Mệnh dịch chuyển toàn bộ hệ thống quyền lực của triều đại về điện Thái Hòa và điện Cần Chính. Tất cả tấu sớ, tâu báo và chỉ dụ đều đi qua văn phòng này trước khi tới bàn của hoàng đế. Bộ máy này được mở rộng thành Nội các (1830) và Cơ mật viện (1835) mà từ đây Trương Đăng Quế sẽ là cánh tay đắc lực nhất. Ông nắm giữ vai trò này trong suốt 3 thập niên tới và trở thành mắt xích cực kỳ quan trọng của bộ máy quan liêu ở Huế.
Rõ ràng đây là một quá trình thăng tiến quyền lực rất đáng chú ý, phản ánh chuyển đổi của cấu trúc hành chính và nhà nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, khi quyền lực hành chính của chính quyền trung ương từng bước dịch chuyển vào hoàng cung, rơi vào tay cơ quan văn phòng của vua.
Khi Minh Mệnh qua đời năm 1840, Đăng Quế là cố mệnh đại thần duy nhất. Ông đồng thời là thầy dạy của vua Thiệu Trị. Nhà vua sau đó sẽ kết tình thông gia với thầy học bằng cách gả con gái thứ tư của mình cho Trương Đăng Trụ.
Văn quan hàng nhất phẩm, tước công, Đại học sĩ, Cơ mật đại thần, Tổng tài Quốc sử quán, quản lí Binh bộ, kiêm coi Quốc Tử Giám, sung Chủ khảo trường thi Hội; sung độc quyển kỳ thi Điện... Tất cả các tiến sĩ mới của triều đại đều do tay ông lựa chọn. Tuy nhiên, từ cuối thời Thiệu Trị, hệ thống nhà Nguyễn có lẽ đã bắt đầu báo động trước sự gia tăng quyền lực không có đối thủ này. Thiệu Trị, thay vì như cha mình, giao cố mệnh cho một mình Trương Đăng Quế, đã lập ra một ban phụ chính bao gồm Trương Đăng Quế, Vũ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Thiếp. Chúng ta nhận thấy trong đó có cả đối thủ của Trương Đăng Quế là Nguyễn Tri Phương.
Năm 1849, đích thân một Đô sát viện Phó đô Ngự sử tố cáo Đăng Quế vượt quá quyền hạn phụ chính đại thần. Vì thế, năm sau đó, nhóm phụ chính này xin thôi:
“Các quan ngự sử tố cáo chúng thần lạm quyền, các tỉnh thần nghi ngờ chúng thần trấn áp, các cộng sự ở triều đình khuyên chúng thần không nên giữ cương vị này quá lâu và sĩ phu trách chúng thần tham quyền cố vị” (Đại Nam liệt truyện).
Dù Tự Đức chấp thuận, quyền lực của Trương Đăng Quế ở Huế là không thể thách thức. Trong khi đó một báo cáo của người Pháp được sử gia người Nhật Y. Tsuboi trích dẫn đã viết:
“Khi chúng ta đến Đà Nẵng, thật ra Trương Đăng Quế đã như vị toàn quyền cai trị từ khoảng 20 năm. Con người đầy quyền lực ấy có vài người bạn thân, hai đối thủ và số còn lại trong các quan ở triều đình và các tỉnh đều là người của ông ta. Bạn thì ông ta đã dần dần triệt tiêu họ; hai đối thủ Nguyễn Đăng Giai và Nguyễn Tri Phương, ông khéo léo đưa họ đi xa khỏi triều đình và khi cần thì xúc xiểm làm hại họ. Ngay từ đầu triều Tự Đức, Giai bị cử ra Bắc Kỳ... Phương bị đưa vào Nam Kỳ, nơi công tác tổ chức rất cần hoàn bị, nơi cần giáo hóa dân chúng... (Y. Tsuboi 1985/1999).
Những tư liệu như thế thế cần phải được xử lí một cách thận trọng. Tuy nhiên, rõ ràng chúng là một phần của thế giới phức tạp mà Trương Đăng Quế can dự vào. Ở đó, không chỉ có tài năng mà còn vận may và cuộc cạnh tranh với các đối thủ chính trị giúp ông đứng vững ở trung tâm quyền lực vương triều hơn 3 thập niên. Ở đó, Minh Mệnh có thể kiểm soát hệ thống một cách vững chắc và đầy quyền uy nhưng con và cháu ông thì dần dần rơi vào bẫy quyền lực của các đại thần.
Cuối cùng, đọng lại từ bóng hình của Trương Đăng Quế, Minh Mệnh, Tự Đức hay sự vôi hóa của nền chính trị vương triều Nguyễn là câu chuyện giữa con người và thể chế. Thể chế dù có chặt chẽ đến đâu mà không có con người vận hành có trách nhiệm, bảo đảm minh bạch và công bằng thì đúng quy trình chẳng qua cũng chỉ là sự hợp thức hóa của sự rạn vỡ quyền lực mà thôi.
***************
* Kỳ tới: Chân dung quyền lực triều Nguyễn (kỳ II): Làm thế nào để trở thành một vị đại tướng được sủng ái?