Tiến sĩ Trần Trọng Dương: Có một công cụ huyền diệu để giải mã quá khứ

Thứ Tư, 06/01/2021, 10:27
Những ngày cuối năm, tôi thường chủ động rời xa những thông tin thời sự nóng hổi hằng ngày để tìm một cõi chiêm nghiệm sâu lắng nào đó ở ngoài mình và ở bên trong mình. Với một tâm thế như vậy, tôi ngồi uống trà với tiến sĩ Hán Nôm Trần Trọng Dương trong một buổi chiều Hà Nội se lạnh.


Nghĩ cũng lạ, hai anh em cùng ở Hà Nội, lại làm việc với nhau thường xuyên qua Internet và điện thoại, thế mà phải sau hơn một năm mới có dịp ngồi lại thẩm trà cùng nhau. 

Những chuyến du hành ngược thời gian

- Nhà báo Phan Đăng: Anh Dương này, nhiều lúc tôi rất tò mò về công việc của anh. Anh sống trong thời hiện đại nhưng khi nghiên cứu một văn bia cổ, một tác giả cổ, một câu chuyện cổ... thì phải nói là thế giới công việc của anh hoàn toàn thuộc về quá khứ. Một người hiện đại suốt ngày lang thang trong quá khứ, say mê với quá khứ, truy vấn quá khứ tạo ra những cảm giác đặc biệt hoặc khác biệt như thế nào, thưa anh?

- Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Trọng Dương: Với tôi, mỗi nghiên cứu giống như một chuyến du lịch xuyên thời gian. Thế hệ anh em mình đều đọc “Doremon”, đều biết bộ truyện đó đề cập tới những chuyến du hành về thời cổ đại, thời kì khủng long chẳng hạn. Tôi thấy mình cũng đang du hành ngược thời gian như vậy đấy. Mà chuyến du hành của những người nghiên cứu Hán Nôm như chúng tôi lại đi vào nhiều ngóc ngách khác nhau như lịch sử văn hóa, lịch sử nông học, lịch sử toán học, lịch sử y dược học... Tức là mọi vấn đề mà thư tịch Hán Nôm đề cập đến.

- Nghe anh nói, tôi lại thấy hóa ra bước lên con thuyền Hán Nôm để du hành ngược thời gian lại là một hành trình đầy lãng mạn!

- Vâng! Nguyên lý thì rất lãng mạn, cách làm việc cụ thể thì lại rất khô khan đấy nhé. Ví dụ khi gặp một văn bia, hay một hiện vật khảo cổ, một di chỉ kiến trúc, là khi ta gặp những hiện vật không lời. Mình không thể nói chuyện với các hiện vật ấy. Không thể hỏi đáp, tâm sự với văn bia ấy, hiện vật ấy, di tích ấy. Nhưng, mỗi văn bia lại là một trang sử đá. Để giải mã văn bia đó thì mình phải đọc được chữ, mà chữ trên văn bia đã phai mờ qua bao nhiêu năm tháng, giờ chữ được chữ mất. Nên việc đọc văn bia, dịch văn bia sang tiếng Việt, nhận từng chữ, gảy từng nét, là một quá trình đòi hỏi sự công phu và tính chính xác cao.

- Là dân Hán Nôm xịn nên vào một ngôi chùa, một ngôi đền, anh hiểu rất rõ các câu đối đề cập đến điều gì, có ý nghĩa gì. Tức là, anh hiểu ông cha ta ngày xưa tư duy những điều gì. Còn những người mù Hán Nôm như tôi tuyệt đối không có cái năng lực đó. Chúng tôi chỉ có thể hiểu ông cha mình qua những bản dịch của các anh. Mà nhiều lúc tôi nghĩ, bản thân các nhà Hán Nôm trong rất nhiều trường hợp cũng có những cách dịch/cách hiểu không đồng nhất. Thêm nữa, không phải lúc nào cũng có điều kiện gặp gỡ các anh để được nghe các anh dịch thuật, lý giải. Cho nên tôi từng nghĩ rằng, những người mù Hán Nôm như tôi rất thiệt thòi trong việc hiểu ông cha mình, hiểu nền văn hóa cổ điển của dân tộc mình. Mà nếu không hiểu sâu sắc những điều đó thì sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng một cái gì đó thực sự có bản sắc trong thời hiện tại. Anh nghĩ gì về điều này?

- Chữ Hán, chữ Nôm ở Việt Nam giống chữ Latinh bên châu Âu vậy. Không thể nghiên cứu lịch sử châu Âu mà không biết chữ Latinh. Với một người yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam như tôi thì tôi coi Hán Nôm là một cơ hội lớn trong đời mình. Nhờ công cụ huyền diệu này mà tôi mới có thể truy ngược về quá khứ để tìm hiểu những nét văn hóa cổ truyền ông cha. 

Một người biết Hán Nôm thì có khả năng đọc các văn bản chữ Nôm ghi tiếng Việt suốt nghìn năm, từ Lý - Trần đến giữa thế kỷ XX, đồng thời cũng có khả năng đọc mọi loại hình văn bản có niên đại ít nhất 3.000 năm trở lại đây của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hán Nôm có thể coi là công cụ đa năng, dùng để xuyên không gian, mà cũng dùng để xuyên thời gian.

- Có những câu chuyện cụ thể nào mà trước khi biết Hán Nôm anh hiểu nó theo cách A nhưng kể từ khi biết Hán Nôm, giải nghĩa được nó thì anh mới giật mình: Hóa ra mình hiểu nhầm rồi, không phải A, mà sự thực lại là B hay không?

- Có chứ! Ví dụ đơn giản nhất như cách hiểu về một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam, đó là chùa Một Cột. Từ bé mình đã biết đến chùa Một cột. Đã đi đến tận nơi hoặc đọc thông tin qua tranh ảnh, sách báo, kể cả sách giáo khoa. Mình tự tin là biết về nó rõ rồi. Phải đến khi đọc văn bia Sùng Thiện Diên Linh năm 1121 do Thượng thư Bộ Hình Nguyễn Công Bật soạn và đích thân Vua Lý Nhân Tông đề trên bia ngạch thì mình mới thấy hóa ra cái chùa Một Cột ngày ấy khác với cái chùa Một Cột bây giờ quá! 

Bởi văn bia miêu tả: Đào ao Linh Chiêu, giữa ao một cột đá dựng đứng, trên cột nở ngàn cánh hoa sen, trên cánh hoa sen dựng một tòa điện thắm, trên tòa điện thắm có tượng Thích Ca. Ngoài ao trung tâm đó, xung quanh còn có một hành lang gọi là Hoàn Lang vẽ. Ngoài hành lang ấy lại thêm một cái ao nữa là ao Bích Trì, nghĩa là có đến 2 vòng ao tại chùa Diên Hựu. Và, bắc qua 2 vòng ao đó có các cầu cong gọi là Phi Kiều. 

Ngoài 2 vòng ao lại có 4 sân lớn ở 4 phía Đông - Tây - Nam - Bắc, nơi có múa Tứ Thiên Vương vào dịp rằm Nguyên Tiêu và lễ Phật đản. Bao ngoài 4 sân là hành lang giải vũ xung quanh. Tóm lại, văn bia miêu tả là một đồ hình khác hoàn toàn bây giờ. Đó là một đồ hình mandala vuông, đồng tâm, đa tầng, với tháp Một Cột ở trung tâm; khác với ngày nay, kiến trúc một cột nằm ở sau chùa, sau khu tam bảo.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT-CT.

- Theo tôi, chỗ này cũng dễ hiểu thôi, bởi do thời gian, do chiến tranh, do khí hậu, do va chạm của con người mà có rất nhiều di tích lịch sử không còn giống như nó thời khởi nguyên.  Điều đáng nói là ngay cả những chỗ, những phần vẫn còn bảo lưu lại được từ thời khởi nguyên thì cách lý giải của các nhà nghiên cứu đôi khi cũng rất khác nhau. Và chính sự khác biệt này tạo ra nhiều lý thú. Tôi vẫn muốn trở lại với ví dụ cụ thể mà anh vừa nói là chùa Một Cột. Tất cả chúng ta đều thấy là cách mà các nhà nghiên cứu hiểu về chùa Một Cột qua mỗi thời mỗi khác. Và tôi rất muốn nghe quan điểm cá nhân của nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương về điều này.

- Nhiều nhà nghiên cứu trong khoảng 30-40 năm trở lại đây đều hiểu chùa Một Cột là một sinh thực khí, cắm trên một hồ nước. Quan niệm này được đưa ra vào những năm 60, 70 và được thịnh hành vào những năm 80, 90 đến tận ngày nay. 

Quan niệm này cho rằng muốn truy nguyên về bản sắc dân tộc phải đọc chùa Một Cột từ khía cạnh văn hóa dân gian. Và họ cho rằng tháp một cột là biểu tượng cho dương vật, còn hồ Linh Chiêu ở dưới là âm vật. Cách diễn giải này thú vị ở chỗ nó đẩy chùa Một Cột về với văn hóa dân gian Việt Nam. 

Giáo sư Trần Lâm Biền đã liên hệ chùa với Bụt đực, Bụt cái của người Mường, hay liga yoni của văn hóa Champa. Bằng cách đó, các học giả đã giải mã một biểu tượng thông qua văn hóa dân gian và ý nghĩa sâu xa của nó là muốn chứng minh văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa bản địa, có nguồn gốc Đông Nam Á.

- Chứ không phải bị ảnh hưởng bởi yếu tố Trung Hoa?

- Vâng! Điều này rất rõ ràng và nó gắn liền với một khái niệm bắt đầu từ những năm 70, 80 ở thế kỷ trước, đó là khái niệm “giải Hoa”. Bối cảnh của nó chắc không nói thì anh cũng hiểu, bởi sau cuộc chiến ở biên giới phía Bắc năm 1979 thì tình hình chính trị có nhiều thay đổi. Các nhà nghiên cứu cũng chịu ảnh hưởng của tình hình chính trị đương thời.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về Chùa Một Cột qua thời gian...

- Nhưng, sau khi yếu tố chính trị này qua đi thì các nhà nghiên cứu lại có những cách hiểu khác?

- Thực ra thì song song với cách hiểu về chùa Một Cột tôi vừa nói còn có những cách hiểu khác nữa. Chẳng hạn như giáo sư Hà Văn Tấn cho rằng ngôi chùa này là một tòa tháp của Phật giáo. Giáo sư Ngô Văn Doanh và Nguyễn Duy Hinh cho rằng toàn bộ đồ hình của chùa Diên Hựu - Một Cột là một mạn đà la. Nhưng, trong không khí “giải Hoa” bùng nổ khắp xã hội thì tiếng nói của những giáo sư đầu ngành như vậy bị chìm vào quên lãng. 

Tôi cũng chính là một trong những người gần đây đã đi theo giả thuyết của giáo sư Hà Văn Tấn và giáo sư Ngô Văn Doanh về một mô hình tháp, hay mạn đà la Phật giáo. Vì tôi quan niệm rằng, giải mã một biểu tượng kiến trúc Phật giáo thì phải sử dụng hệ tư tưởng của Phật giáo và cố gắng né thoát các diễn giải từ góc nhìn bên ngoài.

Bài học lớn ông cha để lại

- Câu chuyện anh vừa kể làm tôi nhớ đến việc từng có một vài nhà nghiên cứu cố chứng minh rằng nhiều phần của văn minh Trung Hoa lại bắt nguồn từ phía Nam. Tức là họ tìm mọi cách phủ nhận việc chúng ta ít nhiều bị ảnh hưởng văn hóa từ phương Bắc. Cá nhân tôi thì nghĩ, sau cả ngàn năm Bắc thuộc, việc chúng ta bị ảnh hưởng văn hóa từ phương Bắc cũng là điều khó tránh. Vậy nên vấn đề không phải là cố chứng minh mình không bị ảnh hưởng mà là dẫu có bị ảnh hưởng thì cuối cùng chúng ta vẫn giữ được nước và vẫn có thể phát triển theo cách của mình.

- Một con người hay một quốc gia không thể đứng một mình. Anh luôn sống trong một thời đại, trong các mối quan hệ đa chiều từ buôn bán thương mại, giao lưu văn hóa cho đến những hoạt động truyền giáo... Vậy thì làm sao lại không có những ảnh hưởng qua lại lẫn nhau? Tôi xin nhắc lại,  Việt Nam là nơi chà đi xát lại của những dòng di cư, của những cuộc chiến tranh xâm lược và chống xâm lược. Cho nên sự ảnh hưởng (chủ động hay bị động) là hết sức bình thường.

Cái ý thứ hai anh nói, tôi cũng rất tán thành. Đó là dẫu có bị ảnh hưởng thì chúng ta vẫn giữ được đất nước mình và vẫn có thể phát triển theo cách của mình.

- Có lần giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương chia sẻ với tôi rằng, một trong những lí do sâu xa khiến chúng ta vẫn giữ được nước sau ngàn năm Bắc thuộc là vì trong suốt quá trình ấy chúng ta vừa bị Hán hóa nhưng đồng thời lại vừa giải Hán hóa.

- Tôi thấy đây là một luận điểm rất thú vị. Thú vị ở chỗ là nó không chỉ dừng lại ở 1.000 năm Bắc thuộc mà còn kéo dài tới sau này nữa. Bắt đầu từ giai đoạn độc lập tự chủ từ thế kỉ thứ X trở đi, quá trình này lại chuyển động sang một hướng khác. 

Nếu như trước đây chúng ta có thể bị Hán hóa một cách bị động thì đến giai đoạn độc lập tự chủ, từ  thế kỷ X trở đi, chúng ta lại chủ động bản địa hóa yếu tố Hán trong văn hóa bản địa của mình. 

Chúng ta chủ động coi Hán văn là ngôn ngữ chính thức của nhà nước dùng trong các hoạt động giáo dục thi cử, ngoại giao, sáng tác văn học, triết học, sử học... Thế rồi, chúng ta lại tạo ra chữ Nôm - một sản phẩm Việt hóa từ văn tự Hán để ghi âm tiếng Việt. 

Tôi cho rằng thành tựu sáng tạo ra chữ Nôm là một trong những thành tựu lớn nhất của thời kỳ độc lập tự chủ. Bởi một dân tộc đủ khả năng sáng tạo ra một loại hình chữ viết, ghi lại lời ăn tiếng nói mẹ đẻ của dân tộc mình thì đó là một sự phát triển vượt bậc về văn hiến.

- Mặc dù đó có thể thứ chữ quá phức tạp và thực tế là chúng ta cũng không thể duy trì nó đến tận hôm nay?

- Thấy nó phức tạp là vì chúng ta đang nhìn nó ở điểm nhìn thực tại của mình, còn nếu đặt vào vị trí của tiền nhân thì tôi cho rằng lúc đó việc học chữ Hán, chữ Nôm như cá bơi trong nước. 

Chữ Nôm giống như một công cụ văn hóa đa năng để ghi chép mọi suy nghĩ, sáng tác, cảm hứng mang tính bản địa, kể cả những dịch thuật kinh điển (Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Thiên chúa giáo,...). 

Và, quá trình ấy là một diễn trường để tiếng Việt được nâng cấp, bởi ta biết rằng dịch thuật kinh điển cực kì quan trọng, nó khiến cho một ngôn ngữ từ bình dân trở thành bác học. Tiếng Việt trong cả ngàn năm được rèn luyện như thế mới trở thành một dáng hình như ngày nay.

Ở chỗ này tôi muốn nói thêm là đầu thế kỉ XX, trong thời buổi mưa Âu gió Á thì chúng ta cùng một lúc sử dụng tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Việt. Riêng trong tiếng Việt thì chúng ta đồng thời sử dụng chữ Nôm, chữ Latinh (quốc ngữ). Tức là Việt Nam thời đó cùng một lúc có 3 ngôn ngữ, 3 văn tự. 

Nhìn vào bối cảnh ấy, ta thấy thế hệ trí thức Pháp học mà nhiều người vẫn ca ngợi là “một đi không trở lại” đã được đào tạo trong môi trường tam ngữ nên mới có những năng lực đặc biệt như thế nào trong việc nghiên cứu. Chính nhờ môi trường tam ngữ đó mà họ mới có đủ tri thức để quán xuyến Đông - Tây, kim - cổ. 

Đến năm 1945 thì chúng ta chính thức lấy chữ quốc ngữ là chữ viết của quốc gia. Chữ Hán và chữ Nôm chấm dứt sứ mệnh lịch sử của nó ở đây.

- Thưa anh, nhìn từ góc độ chuyên môn Hán Nôm của mình thì sau một quá trình tìm tòi, nghiên cứu ông cha, anh có thể rút ra bài học gì cho sự độc lập, phát triển của chúng ta ngày hôm nay?

- Cha ông ta trong suốt hàng ngàn năm sử dụng chữ Hán thì một mặt là học hỏi văn hóa nhưng mặt khác cũng đồng thời coi chữ Hán như một công cụ để sống với người Hán, thậm chí chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Chúng ta không thể chống lại một đối tượng mà mình không hiểu họ nói gì, làm gì, tư duy gì và có những chiến lược phát triển gì. Tôi đã phát biểu điều này trong nhiều hội thảo và trên những tạp chí chuyên ngành. Tôi nghĩ điều này sẽ giúp cho chúng ta hôm nay rút ra nhiều bài học để giữ nước và phát triển.

Cần học sử theo cách khác

- Anh Dương này, lúc nãy anh vừa nói đến những cách hiểu - những giả thuyết khác nhau về chùa Một Cột, khiến tôi thấy rất thú vị. Điều này gợi tôi nghĩ đến một câu chuyện khác trong lĩnh vực giáo dục, đó là liệu chúng ta có thể giáo dục lịch sử cho học sinh của mình theo cách cho các em được vẫy vùng trong những giả thuyết khác nhau được không? Bởi cách giáo dục đó sẽ rất sinh động và khơi gợi trong học sinh nhiều tò mò, sáng tạo.

- Phương pháp học sử hiện nay chủ yếu là đưa ra các sự kiện, niên biểu để học sinh học thuộc lòng. Cách giáo dục này thường đưa ra một bức tranh đã đóng kín, cố định hóa những sự thật không thể chối cãi và nó vô tình khiến học sinh trở thành những cỗ máy chỉ biết lặp đi lặp lại những điều sách giáo khoa đã minh định. Đấy không phải phương pháp duy nhất của sử học. 

Muốn dạy sử với tư cách là một môn khoa học thì đó phải là một môn tạo ra óc tư duy phản biện. Với phương pháp này chúng ta có thể đưa ra các dữ kiện lịch sử, các sử liệu đa chiều để học sinh tự lựa chọn, tự phản biện, tự tư duy. Chúng ta có thể gợi ý cho mỗi nhóm học sinh một giả thuyết và đề nghị các nhóm trao đổi, tranh luận, phản biện nhau. 

Cách thức ấy cũng sẽ khiến cho giờ học sử động hơn và những tri thức lịch sử trở nên sống động hơn, trở thành nguồn cảm hứng để học sinh tư duy lịch sử nhiều chiều. Cách học ấy sẽ biến học sinh từ những cỗ máy học thuộc lòng trở thành những con người biết tư duy phản biện, biết phân tích.

- Bỗng nhiên tôi nhớ tới cuốn “Việt Nam thế kỷ X - những mảnh vỡ lịch sử” của anh. Rất nhiều nhân vật, rất nhiều sự kiện lịch sử trong cuốn sách này được anh đề cập theo đúng phương pháp đó. Và, chính nhờ phương pháp đó mà người đọc như tôi bỗng thấy lịch sử lý thú hơn rất nhiều. Tôi nhớ mãi câu chuyện anh đề cập về Đinh Bộ Lĩnh, rằng đấy không hẳn là người dẹp loạn 12 sứ quân như cách mà lâu nay chúng ta vẫn minh định hay cần phải tham khảo thêm một giả thuyết khác: Đinh Bộ Lĩnh lại chính là sứ quân đầu tiên nổi lên chống lại nhà Ngô? Thực sự là những va đập của các giả thuyết giúp chúng ta nhìn lịch sử nhiều chiều và chân thực hơn mình vẫn nghĩ trước đó rất nhiều.

- Đinh Bộ Lĩnh là một nhân vật lịch sử quá quen thuộc và nổi tiếng. Ai cũng biết đến ông với tư cách là một hoàng đế dẹp loạn, mở đầu cho nền chính thống của Đại Việt. Nhưng, ít ai biết rằng từ những nguồn sử liệu thì một gương mặt rất đời thường, sống động của Đinh Bộ Lĩnh hiện ra. 

“Đại Việt sử kí toàn thư” ghi rằng khi hai vua Ngô là Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập lên nối ngôi Ngô Quyền thì chính Đinh Bộ Lĩnh là người mở đầu cho sự cát cứ ở Hoa Lư năm 950. Lúc đó thế lực của ông còn yếu và hai vua Ngô bắt Đinh Bộ Lĩnh phải vào chầu ở thành Cổ Loa nhưng ông sợ không vào nên mới gửi con trai là Đinh Liễn vào. Đinh Liễn vào thành Cổ Loa thì ngay lập tức bị bắt làm con tin. 

Hai vua Ngô đã đưa Đinh Liễn quay trở lại Hoa Lư để uy hiếp Đinh Bộ Lĩnh, đã treo ngược Đinh Liễn lên cành cây, dọa nếu Đinh Bộ Lĩnh không ra hàng sẽ bắn chết Đinh Liễn. Tuy nhiên, Đinh Bộ Lĩnh lập tức sai cung thủ cứ nhằm Đinh Liễn mà bắn, khiến cho hai vua phải vội vã hạ Đinh Liễn xuống. Hai vua Ngô đánh thành ròng rã mấy tháng không được đành rút quân về. 

Sự kiện đó diễn ra vào năm 950 và như vậy ròng rã trong vòng 15 năm Đinh Liễn làm con tin tại thành Cổ Loa. Phải đến khi Ngô Xương Văn mất, thành Cổ Loa bị Ngô Xử Bình đánh úp thì Đinh Liễn mới thừa cơ trốn về với cha mình. 

Sự thật này được ghi lại trong chính sử, cho phép chúng ta đưa đến một nhận định là Đinh Bộ Lĩnh không hoàn toàn là một người đứng ngoài hệ thống quyền lực của nhà Ngô, mà ngay từ đầu rất có thể ông là người chống đối, cát cứ. 

Từ chuyện chống đối đó, ông trở thành một thế lực lớn mạnh và phải đến khi Ngô Xương Văn chết trận, Cổ Loa bị đảo chính thì Đinh Bộ Lĩnh mới dần dần tiêu diệt 12 sứ quân của nhà Ngô rồi mở ra triều đại nhà Đinh.

- Tôi nghĩ rằng khi đề cập tới giả thuyết này thì chúng ta không hề hạ bệ vai trò của vua Đinh, bởi chúng ta phải đặt các sự kiện vào bối cảnh riêng của nó. Trước khi vua Đinh lập nước, từ Dương Đình Nghệ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, rồi Ngô Xương Văn - Ngô Xương Ngập thì quyền lực có được đều do bạo lực mà thành. Khi nhà nước trung ương tập quyền chưa thành hình, tức là khi yếu tố tự phát trong nền chính trị là rất lớn thì việc dùng bạo lực để tiếm ngôi cũng là điều tất yếu. Trở lại với câu chuyện của các giả thuyết lịch sử, tôi nghĩ là khi chúng ta đưa ra các giả thuyết và luôn đặc biệt chú ý đến bối cảnh riêng của từng giả thuyết thì quả nhiên lịch sử sẽ được khám phá, nhìn nhận ở nhiều chiều kích khác nhau. Nhưng, theo anh, chúng ta có thể áp dụng phương pháp này cho đối tượng nào thì phù hợp nhất? Học sinh tiểu học, hay học sinh phổ thông trung học?

- Nghiên cứu lịch sử là để khám phá lịch sử, để nhìn nhận lịch sử từ nhiều góc độ, để thấy những biểu tượng lịch sử, những anh hùng lịch sử có được như nhận thức chúng ta ngày nay đã phải trải qua biết bao nhiêu xây dựng, tái tạo của sử gia các đời. 

Đinh Bộ Lĩnh trong dòng sử chí Nho gia, hiện lên với tư cách là một vị hoàng đế khai mở nền chính thống đầu tiên cho mô hình nhà nước Nho giáo tại Việt Nam, là vị vua đã có công dẹp loạn 12 sứ quân để đem lại sự yên bình cho nhân dân. Cho nên, hình tượng này có tính hữu dụng vào thời điểm mà chế độ quân chủ đang cần một tiền lệ lịch sử cho sự tồn tại của mình vào thế kỷ XV. Sang thế kỷ XX, biểu tượng Đinh Bộ Lĩnh đã chuyển sang ý nghĩa mới. 

Ông được coi là vị “hoàng đế nhân dân”, “hoàng đế cờ lau” có nguồn gốc nông dân (trẻ mồ côi chăn trâu) đã chiến thắng các thế lực thù địch bên trong, chấm dứt nội chiến. Cho nên việc giảng dạy lịch sử không đơn thuần chỉ là việc dạy sử thực mà còn dạy về các phương pháp đọc lịch sử. Phương pháp này rất cần thiết đối với học sinh, sinh viên nhưng áp dụng ra sao, cụ thể như thế nào thì phải tùy  từng đối tượng.

- Xin cảm ơn anh!

* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.