Thủ tướng Đức Angela Merkel “Bà đầm thép” của Châu Âu: Những góc nhìn bất ngờ
Chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 9 mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, mà còn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đặc biệt hơn, những thành quả ấn tượng mà chính sách Abenomics mang lại cho kinh tế Nhật Bản đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những cải cách kinh tế toàn diện đầy tham vọng của Thủ tướng Modi.
Angela Merkel hội tụ hai tiêu chuẩn cần thiết: bà đứng đầu một quốc gia có sức mạnh kinh tế và bà xuất hiện trên tuyến đầu của cuộc đấu tranh chống khủng hoảng tài chính. Bà là người đầu tiên thay thế sự lãnh đạo suốt nửa thế kỷ của các chính khách nam giới tại đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), đồng thời trở thành thủ tướng trẻ nhất của nước Đức.
Sau gần một thập kỷ, bà Angela Merkel cầm lái con thuyền nước Đức trên cương vị Thủ tướng, có lẽ công chúng đã biết tất cả hoặc hầu như tất cả mọi thứ về “bà đầm thép”. Tuy nhiên, đằng sau khuôn hình quen thuộc tưởng như rất đỗi cởi mở ngoài xã hội, nữ chính trị gia này vẫn còn một gương mặt đầy bí ẩn: những tình tiết đời tư của bà luôn được bảo vệ một cách kỹ lưỡng. Bà Merkel là chính trị gia kín đáo một cách khác thường - không phô trương và trịch thượng. Ngay cả đối với người Đức, bà cũng là một phụ nữ khó hiểu. Và điều này càng khiến mọi người, đặc biệt là các nhà báo thêm tò mò và chú ý hơn tới việc khắc họa chân dung của bà…
Vận hành trơn tru cỗ máy kinh tế - xã hội
Năm 1989, bà Merkel đảm nhận vai trò phó phát ngôn viên của chính phủ tạm quyền trong giai đoạn nước Đức chuẩn bị thống nhất. Nhà nghiên cứu vật lý rẽ ngang sang con đường chính trị sau đó trở thành Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên trong nội các của cựu Thủ tướng Helmut Kohl. Năm 1994, Merkel đảm nhận vai trò Bộ trưởng Môi trường và An toàn hạt nhân. Đây là một bước ngoặt quan trọng giúp bà có nhãn quan chính trị rộng hơn, và cũng là nền tảng để xây dựng sự nghiệp chính trị sau này.
Năm 2005, tức là hơn một thập kỷ sau bước ngoặt kể trên, bà Merkel tiếp quản chiếc ghế của ông Gerhard Schroeder để trở thành thủ tướng Đức. Đây là một sự kiện đặc biệt tại cường quốc kinh tế số một châu Âu. Merkel không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên mà còn là thủ tướng trẻ nhất của nước Đức, khi lên nắm quyền ở tuổi 51.
Bà cũng là người đầu tiên của thế hệ sinh ra sau Thế chiến II trở thành thủ tướng Đức, và là người đầu tiên đảm nhận vị trí này xuất thân từ một ngành khoa học tự nhiên. Merkel tiếp tục lãnh đạo nước Đức trong nhiệm kỳ thứ hai từ năm 2009, với việc thành lập một chính phủ liên minh giữa đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà và đảng Dân chủ Tự do. Và từ ngày 17/12/2013, bà nhận sự tín nhiệm để tiếp tục nhiệm kỳ 3, với những thách thức to lớn về kinh tế - chính trị - xã hội trong bối cảnh nhiều biến động và khủng hoảng ở châu Âu.
Giờ đây, bà Angela Merkel đứng đầu nền kinh tế thứ tư trên thế giới và chưa bao giờ tỷ lệ được lòng dân của bà lại lên cao đến như thế. Nước Đức dưới thời Merkel duy trì được vị trí đầu tàu kinh tế của châu Âu. Giữa cơn khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro, Đức vẫn đứng vững và đạt được sự tăng trưởng ổn định khiến tất cả phải ganh tị.
Tất cả bắt nguồn từ các chính sách đúng đắn của “bà đầm thép” Angela Merkel. Bà đã cầm lái kế hoạch ứng phó với khủng hoảng tài chính của châu Âu với những đòi hỏi giảm nợ và kiểm soát kinh tế chặt chẽ hơn. Được củng cố uy tín nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, bà Merkel đã từ chối mọi lời kêu gọi từ hai phía trái ngược: một phía đòi hỏi khai trừ Hy Lạp khỏi khu vực euro, phía ngược lại đề nghị giảm nhẹ các điều kiện hỗ trợ. Bà đã đập tan cơn sóng ngầm chống khu vực đồng euro trong liên minh của mình, tuyên bố rằng giải pháp hiện nay là “thêm, chứ không phải bớt cho châu Âu”.
Với việc duy trì chính sách trung lập chống lại sức ép từ nhiều phía, bà đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ cùng tiếp tục tránh để euro giảm giá, yếu tố đã giúp cho bà tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3. Qua các nhiệm kỳ lãnh đạo Chính phủ, bà Angela Merkel đã áp đặt được phong cách của bà - một đường lối lãnh đạo dịu dàng, tiến từng bước một - và không bao giờ bắt chước phong cách của các chính trị gia thuộc nam giới. Merkel tuyên bố mục tiêu chính mà chính phủ của bà nhắm tới là giảm thất nghiệp nhằm đảm bảo sự ổn định trong xã hội.
Về các chính sách đối ngoại, thủ tướng Đức chủ trương giữ vững quan hệ với các cường quốc. Bà liên tục thực hiện các chuyến công du tới Mỹ, Nga hay Trung Quốc, đồng thời thường xuyên xuất hiện tại các diễn đàn đa phương ở tầm khu vực cũng như thế giới. Gần đây nhất, khi dư luận Đức tỏ ra lo lắng về chính sách hạt nhân của nước này sau sự cố ở nhà máy Fukushima I tại Nhật Bản, thủ tướng Đức đã quyết định giảm dần và tiến tới ngừng hẳn hoạt động của các nhà máy hạt nhân từ nay cho tới năm 2022. Quyết định này vừa làm yên lòng dư luận Đức, vừa giúp nâng cao hình ảnh của liên minh cầm quyền do bà Merkel lãnh đạo.
Con người của đời thường
Người dân Đức trìu mến gọi Angela Merkel là “Mutti” - người mẹ, không phải người mẹ của một gia đình 2 con, mà “người mẹ” của một gia đình triệu dân. Chèo lái nước Đức trong cơn bão khủng hoảng, bà đã giải quyết những vấn đề phức tạp nhất bằng cách tính đến mọi tham số một cách thực dụng. Và người dân Đức hiểu rõ điều đó. Dù không phải là người diễn thuyết giỏi trước công chúng, nhưng bà Merkel đã chứng tỏ là một chính khách sắc bén trong việc nắm bắt suy nghĩ của người dân. Vì thế, tín nhiệm dành cho một nữ thủ tướng sắt đá vẫn đang ngày càng tăng. Bởi người Đức dường như tin rằng, người phụ nữ quyền lực ấy sẽ dẫn dắt họ đi qua những thời khắc hỗn loạn, khó khăn.
Có một giai thoại kể rằng, khi còn đi học, bà đã từng đứng trên ván nhún bể bơi cả giờ đồng hồ trước khi có thể nhảy xuống nước. “Đó là cách của tôi, tôi không thực sự dũng cảm. Tôi luôn cần thời gian để cân nhắc rủi ro”. Chọn lựa này khiến bà nắm rõ được các chính sách, đánh giá thuận lợi và rủi ro.
Thực ra, bà Merkel vốn dĩ thận trọng trong các vấn đề và luôn xoa dịu những xung đột gay gắt. Bà biết cách tận dụng những chính sách được ưa chuộng nhất của phe phái đối lập - từ bỏ điện hạt nhân, tăng an sinh xã hội cho các gia đình, cam kết mức lương tối thiểu - nhưng lại giành được sự ủng hộ cho chính mình khi thuyết phục cử tri rằng, mọi biện pháp này đều không dẫn tới việc tăng thuế. Nữ thủ tướng Đức luôn ấp ủ nhiều kế hoạch, nhưng chẳng bao giờ tiết lộ một câu về tầm nhìn hay tham vọng. Trước công chúng, bà sắm vai một người kín tiếng, nhưng cá nhân vẫn âm thầm theo đuổi và đạt được mục tiêu đặt ra.
Ngay từ tuổi thiếu niên, bà đã bị ám ảnh bởi giấc mơ Mỹ, “bởi cơ hội dành cho tất cả mọi người trên con đường tìm kiếm thành công theo cách của mình và chỉ dựa vào nội lực của chính mình”. Ngay sau khi bức tường Berlin sụp đổ, bà Merkel đã tìm mọi cách để được sang thăm nước Mỹ. Tham vọng của Merkel lớn dần, kể từ sau khi bà gặp người thầy - cựu Thủ tướng Helmut Kohl (cha đẻ của sự thống nhất nước Đức) và được nhân vật này giúp đỡ để nhanh chóng thăng tiến trong chính phủ, hay trong đảng với mối quan hệ có lợi cho cả hai người.
Ông Kohl sau đó dính líu tới một vụ bê bối tài chính bị phanh phui năm 1999. Trong khi các đối thủ phản ứng khá thận trọng, thì “học trò” được ông bảo trợ lại viết một bài đăng trên trang nhất của tờ báo bảo thủ hàng đầu nước Đức yêu cầu ông từ chức. Đó là một cuộc đảo chính ngoạn mục, cũng là khoảnh khắc Merkel bước ra khỏi vỏ bọc ôn hoà mà bà cẩn trọng nuôi dưỡng với tuyên bố “Không có gì sai trái khi có nhiều tham vọng”. Sau đó, bà nghiễm nhiên nắm giữ đảng này và cho tới tận bây giờ, bà không có đối thủ nào cạnh tranh thực sự.
Tham vọng kiểu này khiến Angela Merkel có phần “nam tính”. Mặc dù hai cố vấn gần gũi nhất với bà thuộc về phái yếu nhưng nữ thủ tướng Đức luôn luôn thích quanh mình là những nam thanh niên giàu triển vọng. Bản thân bà khi mới bước vào chính trường cũng đã lọt vào mắt xanh của cựu Thủ tướng Helmut Kohl và được đặt cho biệt danh “cô bé của ông Kohl”. Trong bất luận trường hợp nào thì ê-kíp làm việc của bà Merkel đã được các đối thủ chính trị ngay lập tức gọi là “nhóm mày râu”. Tất cả các thành viên của ê-kíp này đều có những phẩm chất tuyệt vời, nhưng không đủ để làm lu mờ bản thân bà Merkel.
Hầu hết phụ tá nam đều nhận xét bà Angela Merkel có khả năng giữ được cái đầu lạnh trong mọi tình huống, một tính cách có thể trở nên phớt tỉnh, một “sức mạnh điềm đạm”. Trên bàn làm việc của bà có đặt phù điêu một đốt ngón tay mạ bạc nhỏ với dòng chữ: “Sức mạnh trong điềm đạm”. Tuy thế, đôi khi bà vẫn không thể giấu được những biểu hiện lo lắng. Trong những tình huống như thế, liên tục xuất hiện trong các bài phát biểu của bà từ “Scheiße” (vớ vẩn) hoặc thậm chí là cả những cơn giận dữ khủng khiếp. Người từng được thực mục sở thị cơn giận dữ như thế là Philipp Rosler, một Bộ trưởng trong nội các của bà Merkel khi ông này năm 2012 đứng ra ủng hộ ứng cử viên Joachim Gauck ra tranh chức Tổng thống mà không xin phép bà trước đó. Về sau, ông Philipp Rosler kiềm chế kể lại: “Bà Thủ tướng đã làm ầm ĩ cả lên…”.
Nữ Thủ tướng Đức sẵn sàng vào phòng thay đồ chụp ảnh lưu niệm với các tuyển thủ Đức để thể hiện sự hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. |
Dù là người đứng đầu một quốc gia, nhưng bà Merkel vẫn sống rất bình dị. Bà từ chối chuyển sang dinh thự công dành cho người đứng đầu nội các mà vẫn tiếp tục ở lại trong một căn hộ lớn nằm tại khu vực trung tâm Berlin. Mỗi ngày, bà có thói quen kỳ lạ: gửi tới hàng chục tin nhắn SMS đến các nhân viên của mình và luôn luôn mong đợi sự xuất hiện của các tin nhắn trả lời từ họ trên màn hình điện thoại thông minh, mà bà luôn luôn đặt ở chế độ im lặng.
Chưa hết, bà còn là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt. Dù bận rộn nhưng bà Merkel vẫn tới sân cổ vũ tuyển Đức ít nhất một lần tại tất cả các giải đấu lớn từ World Cup 2006 tới nay. Thậm chí tại World Cup diễn ra trên sân nhà, bà Merkel gần như không bỏ qua bất kỳ trận đấu nào của tuyển Đức. Ở World Cup 2014, bà Merkel từng dự khán trận đấu giữa Đức và Bồ Đào Nha, nhảy lên sung sướng khi đội nhà ghi bàn và còn vào phòng thay đồ để chụp ảnh với các cầu thủ sau trận đấu.
Khi được hỏi về nỗi sợ lớn nhất của mình, bà Merkel chỉ cười và đáp ngắn gọn rằng, đó không phải là những cơn giông với sấm chớp, mà là những chú chó. Nỗi kinh hoàng này đã bắt đầu từ năm 1995, khi bà Merkel đã bị chú chó của người hàng xóm tấn công: nó đã cắn vào chân bà khi bà đạp xe về căn nhà nghỉ ở gần biên giới với Ba Lan sau một cuộc dạo chơi hít thở khí trời. Nỗi sợ chó ám ảnh nữ Thủ tướng Đức đến mức trong bất cứ một chuyến công tác nước ngoài nào của bà, các nhân viên của phái đoàn Đức luôn cảnh báo trước cho chủ nhà để họ không để bất cứ một chú chó nào bén mảng tới gần nơi bà sẽ có mặt…