Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Luồng sinh khí mới của kỷ nguyên thay đổi

Thứ Tư, 08/10/2014, 09:30

Chuyến thăm Nhật Bản đầu tháng 9 mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được kỳ vọng không chỉ thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước, mà còn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Đặc biệt hơn, những thành quả ấn tượng mà chính sách Abenomics mang lại cho kinh tế Nhật Bản đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những cải cách kinh tế toàn diện đầy tham vọng của Thủ tướng Modi.

Trong cuộc gặp này, ông Modi cũng cam kết đóng vai trò tích cực hơn nữa trên mặt trận chống chủ nghĩa bành trướng và động thái hiếu chiến của Trung Quốc. Theo đó, Ấn Độ bày tỏ một quan điểm rất cứng rắn trước những tranh chấp lãnh thổ hay các tuyên bố bịa đặt từ phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định: ông Modi sẽ phải nỗ lực tạo ra một thế cân bằng để vừa thu hút được đầu tư, lại vừa củng cố được đường biên giới theo quan điểm “vừa rắn, vừa mềm” với chính quyền Bắc Kinh.

“Shinzo Abe” của Ấn Độ

Chiến thắng vang dội nhất trong 30 năm qua của “Đảng Nhân dân Ấn Độ” (BJP) trong kỳ bầu cử Quốc hội đã giúp ông Narendra Modi chính thức trở thành tân Thủ tướng Ấn Độ. Tư tưởng của vị lãnh đạo Ấn Độ 64 tuổi khá tương đồng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Con người quyết đoán, đi theo chủ nghĩa dân tộc mềm mỏng, phát triển kinh tế theo định hướng thị trường và thắt chặt quan hệ với các quốc gia dân chủ tại châu Á để thiết lập mạng lưới đối tác chiến lược.

Giống như Thủ tướng Abe, ông Modi sẽ tập trung khôi phục nền kinh tế Ấn Độ đồng thời tăng cường năng lực quốc phòng và mở rộng mối quan hệ đối tác chiến lược với những quốc gia có chung chí hướng để từ đó thúc đẩy sự ổn định trong khu vực cũng như ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực châu Á. Thậm chí, tân Thủ tướng còn hứa hẹn với giới lãnh đạo kinh tế trong và ngoài nước rằng, Ấn Độ sẽ nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế và các nhà đầu tư “sẽ không phải đối mặt với nạn tham nhũng mà là những tấm thảm đỏ đầy triển vọng”.

Sự tương đồng trong cách tiếp cận, tính cách quyết đoán và tinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Modi khiến giới phân tích cho rằng sự kết hợp giữa Abenomics và Modinomics sẽ giúp hồi sinh cả hai nền kinh tế. Hôm 30-8, hai vị Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển thành phố Varanasi bên bờ sông Hằng thành “thành phố thông minh”. Thỏa thuận Varanasi sẽ là sự khởi đầu ấn tượng cho mục tiêu phát triển 100 thành phố thông minh trên toàn Ấn Độ mà ông đề ra sau khi nhậm chức.

Chuyến thăm của ông Modi còn mang theo kỳ vọng về hợp tác hạt nhân và đất hiếm giữa hai nước. Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Nhật Bản và thu hút vốn đầu tư cho ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân dân sự trị giá khoảng 85 tỷ USD của nước này. Không những thế, Ấn Độ có thể mở ra cơ hội hợp tác đất hiếm với Tokyo. Việc Nhật Bản tìm kiếm nguồn nhập khẩu đất hiếm từ Ấn Độ cho thấy quyết tâm của Tokyo trong việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ông Modi đã từng đến thăm Nhật Bản vào các năm 2007 và 2012 để tạo ra các kênh đầu tư mới cho Nhật Bản vào bang Gujarat (nơi ông Modi lãnh đạo trước đây), qua đó thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt với Nhật Bản. Đối với các chính sách tương lai, ông Modi sẽ hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính minh bạch và một môi trường đầu tư thân thiện như đã thực hiện ở bang Gujarat để thu hút đầu tư nước ngoài, mà quan trọng nhất là của Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Thách thức chồng chất

Khi đã lên nắm quyền điều hành đất nước, Thủ tướng Narendra Modi phải đối mặt với những thách thức lớn từ chính sách ngoại giao. Nhiều người dân Ấn Độ mong muốn ông Modi sẽ đưa ra phương hướng ngoại giao mới trong bối cảnh khoảng cách về tầm ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày một gia tăng. Bởi ngay tại sân nhà, phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ với Nepal, Sri Lanka và Maldives cũng đang giảm dần. Trong khi đó, Bhutan hiện vẫn là nút thắt chiến lược của Ấn Độ tại khu vực Nam Á.

Ấn Độ cũng đang phải tìm cách đối phó với mức độ nguy hiểm ngày càng lớn mạnh từ mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan. Hai quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân này không chỉ thường xuyên xâm phạm lãnh thổ biên giới Ấn Độ mà còn tiếp tục hợp tác phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong khi đó, chính sách ngoại giao của Trung Quốc được định hình từ giới lãnh đạo Đảng Cộng sản và quân đội thì Pakistan lại dựa vào chính năng lực quân sự và các cơ quan tình báo mà ưu tiên là sử dụng các nhóm khủng bố.

Ông Modi cũng sẽ xem xét để hồi sinh “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ (LEP) về liên kết kinh tế và an ninh với Đông Nam Á, tham gia vào khu vực này thông qua các cuộc tập trận, và sự tham gia trong các vấn đề an ninh mềm. Có thể thấy Ấn Độ như một cường quốc khu vực “lành tính” hơn, có mối quan hệ dễ chịu hơn với các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên nó sẽ làm Trung Quốc “ngứa mắt”. Đặc biệt, hợp tác với một quốc gia có “thâm niên” như Việt Nam, cả về khai thác dầu khí ở Biển Đông và hợp tác quốc phòng có thể là một cái gai cho quan hệ Trung - Ấn trong tương lai.

Cải thiện mối quan hệ với Mỹ sau những bất đồng tranh chấp thương mại và ngoại giao trong thời gian gần đây cũng là một trong những thách thức lớn đối với ông Modi. Tuy nhiên, lời cam kết thực hiện các chính sách kinh tế định hướng thị trường và hiện đại hóa quốc phòng của tân Thủ tướng sẽ mở ra cơ hội làm ăn cho giới doanh nghiệp Mỹ cũng như đưa mối quan hệ song phương lên tầm cao mới. Hiện nay, Mỹ đang tổ chức các cuộc tập trận chung quân sự với Ấn Độ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Do đó, ông Modi được đánh giá là nhà lãnh đạo giúp quan hệ Mỹ - Ấn quay trở lại quỹ đạo và tăng cường tình hợp tác.

Chiến thắng bầu cử của ông Modi cũng sẽ đưa mối quan hệ song phương Ấn - Nhật phát triển với tốc độ nhanh nhất tại khu vực châu Á. Đây là một trong những mục tiêu chính trong “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Tờ The Dilopmat đánh giá tình thân Ấn - Nhật dưới thời Thủ tướng Modi và Abe còn có khả năng thay đổi hiện trạng chiến lược tại khu vực châu Á, dẫn dắt và thúc đẩy khu vực tiến tới một con đường phát triển hòa bình.

Hôm 1/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố rằng quan hệ giữa New Delhi và Tokyo sẽ lên một tầm cao mới trong bối cảnh cả hai cùng đang tìm kiếm sự thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương như một đối trọng với Trung Quốc. Thủ tướng Abe cũng ca ngợi sự hợp tác với Ấn Độ khi cho biết cả hai sẽ tăng cường mối quan hệ tới hợp tác chiến lược toàn cầu đặc biệt. Bởi vì, cả New Delhi và Tokyo đều quan ngại trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc và nỗ lực kiềm chế hoạt động của quốc gia này ở Biển Đông, Hoa Đông và Ấn Độ Dương.

Quan hệ Trung - Ấn và “ẩn số” Modi

Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi có thể sẽ là một nhân tố khó lường trong quan hệ với Trung Quốc. Còn nhớ, chỉ ba ngày sau khi ông Modi chính thức nhậm chức Thủ tướng, người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chủ động gọi điện cho ông Modi để thảo luận về tương lai quan hệ giữa hai nước. Trong cuộc điện đàm này, ông Lý Khắc Cường nói với Modi rằng, Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường sự tin tưởng song phương” với Ấn Độ và coi sự phát triển được duy trì của Ấn là một cơ hội cho Trung Quốc.

Một bài viết trên tờ Global Times nhận định, ông Modi “sẵn sàng làm ăn với Trung Quốc”. Bài viết này thậm chí còn đánh giá, việc ông Modi xuất thân từ cánh tả sẽ là một lợi thế cho quan hệ Trung - Ấn. Trong khi đó, Trung Quốc chắc chắn quan tâm tới việc theo đuổi một mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Ấn Độ khi coi Ấn Độ là một phần trong “con đường tơ lụa trên biển” mới. Cả trên bộ và trên biển, Ấn Độ là một phần quan trọng trong tầm nhìn của Trung Quốc về hội nhập kinh tế với khu vực Tây Á và xa hơn nữa.

Bắc Kinh đang lạc quan rằng, tầm nhìn của họ sẽ phù hợp với các mục tiêu kinh tế của tân Thủ tướng Modi. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể sẽ không dễ dàng như những gì Bắc Kinh mong muốn. Để thúc đẩy mạnh mẽ tầm nhìn về kinh tế như đề cập ở trên, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải giải quyết được các tranh chấp biên giới còn tồn tại.Có một số ý kiến cho rằng, về vấn đề này, ông Modi sẽ thể hiện lập trường cứng rắn như những gì người ta vốn biết về ông.

Tờ Global Times phân tích, quyết định của ông Modi bổ nhiệm một cựu tư lệnh quân đội vào vị trí lãnh đạo khu vực Đông Bắc của Ấn Độ là có mục đích “trực tiếp” với phía Trung Quốc. Đặc biệt, với xuất thân cánh tả, ông Modi sẽ đối mặt với áp lực phải đáp trả mạnh hơn trước các hành động gây hấn của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp.

Đến nay, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng đất do bên kia nắm giữ và đụng độ đã từng xảy ra giữa hai nước ở khu vực biên giới vào năm 1962. Ấn Độ vẫn cáo buộc Trung Quốc chiếm 38 nghìn km2 lãnh thổ của nước này ở Jammu và Kashmir. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 150 nghìn km2 đất ở bang Arunachal Pradesh của Ấn.

Trong chiến dịch tranh cử thủ tướng vừa qua, ông Modi cam kết sẽ có lập trường cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm trong vấn đề bảo vệ biên giới của nước này và Trung Quốc với lời thề “sẽ bảo vệ tới cùng từng tấc đất của Ấn Độ”. Ông Modi đã cảnh báo Trung Quốc nên từ bỏ “âm mưu về lãnh thổ” và nói rằng, lập trường yếu ớt của Ấn Độ đã khuyến khích Trung Quốc đưa quân vượt qua biên giới năm 2013 vào vùng Ladakh do Ấn kiểm soát. Đây là diễn biến nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước trong khoảng một phần tư thế kỷ, kéo theo một đợt căng thẳng leo thang kéo dài 3 tuần.

Nếu Trung Quốc và Ấn Độ có thể tránh được việc thách thức nguyên trạng ở các khu vực biên giới có tranh chấp, thì sự lạc quan về hợp tác song phương giữa hai nước là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nếu nhìn từ tình hình trên Biển Đông, chủ nghĩa dân tộc có thể vượt lên trên những mối lo kinh tế, nhất là khi liên quan đến vấn đề chủ quyền. Thế nên, kiểu tự tin mà Tân Hoa Xã đưa ra - ý tưởng trong đó ông Modi và Ấn Độ không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thế thượng phong của Trung Quốc - có thể bị “phản đòn” ngoạn mục nếu Bắc Kinh sử dụng ý tưởng này để lấn tới trong vấn đề biên giới…

Trần Quân - Hồng Hạnh (theo The Dilopmat và Global Times)
.
.