Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương: Đừng bắt bẻ tôi!
PV: Xin được nói thật, lâu lắm rồi mới được trò chuyện trực tiếp với ông, tự nhiên tôi lại nhớ tới bốn câu thơ của Xuân Sách: "Trên biển lớn lênh đênh sóng nước, Tức trông về xóm mới khuất xa…".
Nhà văn Hồ Phương (NV HP): "Cỏ non nay chắc đã già, Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem…".
PV: Hình như các nhà văn từng ở trong Quân đội, khi nghĩ và viết về nhau bao giờ cũng thương nhau hơn, nương nhau hơn. Ông có cảm giác đó không? Không ngẫu nhiên mà ngay cả một người sắc sảo đến độ đôi khi hơi ngoa ngoắt như nhà văn Xuân Sách nhưng khi viết về các tác giả ở nhà số 4 Lý Nam Đế thì cũng trở nên dịu dàng thấm thía hơn… Ông có bao giờ giận nhà văn Xuân Sách vì bốn câu thơ vẽ chân dung đó không?
NV HP: Không! Ngay từ khi nghe Xuân Sách đọc lần đầu bốn câu thơ đó, mình đã cười và vui rồi. Có người nghĩ là mình giận Xuân Sách nhưng mình bảo, đó là Xuân Sách đùa bạn thôi, có ác ý gì đâu.
Tất nhiên, không phải viết về ai Xuân Sách cũng thế. Nhưng phải hiểu đúng Xuân Sách, ông ấy sắc sảo nhưng tốt tính, đôi khi cứ tưởng ông ấy chê ai đó nhưng thực ra là khen đấy. Của đáng tội, cũng có lúc ông ấy hơi châm chọc. Nhưng với tôi thì tới giờ tôi vẫn thích bốn câu thơ Xuân Sách viết về tôi.
PV: Theo ông, nhà văn Xuân Sách có phải là một người lành không? Tôi nhận thấy thế này, đôi khi nhà văn có thể rất tốt tính nhưng vì quá say mê theo đuổi hình tượng văn học mà mình ấp ủ nên nhìn những nhân vật cụ thể dễ bị thiên kiến, đến đôi khi bất nhẫn… Hình tượng mà mình tạo ra thì tròn vẹn, nhưng có khi lại không trùng khít với nguyên mẫu, thành ra lắm khi nguyên mẫu bị oan "bia miệng", khó gỡ…
NV HP: Lâu rồi tôi không có dịp gặp lại nhà văn Xuân Sách nên không rõ trong con người ấy có gì thay đổi không, nhưng tôi nhớ, khi anh Xuân Sách cùng ở với chúng tôi ở Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thì tôi thấy, đó là một người rất thông minh và sắc sảo, như tôi đã nói. Và rất trung thực. Anh ấy khen ai hay chê ai cũng đúng theo điều anh ấy nghĩ chứ không nghĩ một đằng, nói một nẻo...
PV: Vấn đề là ở chỗ, đôi khi cái điều ta nghĩ không hẳn đã là đúng với hiện thực…
NV HP: Nhưng tôi vẫn thích người trung thực, nói như nghĩ, như anh Xuân Sách.
PV: Có lẽ nhiệm vụ của những trí thức chân chính, những văn nghệ sĩ chân chính là nói ra đúng điều mình nghĩ, mặc dầu đôi khi điều mình nghĩ không hẳn đã là chuẩn mực.
Nhưng ngay cả đôi khi nhà văn nói ra cái cảm nhận chưa hẳn đã chuẩn mực về mặt khách quan nhưng trung thực về mặt chủ quan thì cũng là đã làm việc có ích cho xã hội. Để xã hội biết cả những điều chưa chuẩn mực trong tư suy và cảm nhận ấy để có những điều chỉnh thích hợp…
Tôi nhận thấy rằng, thế hệ nhà văn bắt đầu trưởng thành trong khói lửa của kháng chiến chống Pháp như ông đã bước vào nghề viết với tâm thế đúng là như thế, không rõ mình nói ra những điều có hợp quy chuẩn hay không nhưng đã hồn nhiên nói hết những điều mình nghĩ, như một sự giãi bày, một sự dâng hiến cho sự nghiệp cách mạng, chứ không hề cho rằng mình đang gánh vác một sứ mệnh gì đó linh thiêng cao cả lắm. Và khi ông viết truyện ngắn nổi tiếng "Cỏ non" thì cũng là với tâm thế như vậy?
NV HP: Rất đúng, hồi đó bọn mình còn rất trẻ. Tất cả những gì mà mình đã viết đều do cảm xúc, nhận thức, con người mình toát lên, chứ không có ý đồ gì cá nhân đâu. Không phải viết để nổi tiếng, không phải để giao phó trách nhiệm này nọ… Sau này được học thêm nhiều thứ thì mới bắt đầu nghĩ là mình viết để thực hiện sứ mệnh hay nhiệm vụ này nọ. Còn lúc đầu, viết rất hồn nhiên, yêu ghét rõ ràng, không phải là theo yêu cầu nhiệm vụ gì. Với "Cỏ non" cũng vậy. Hôm ấy, đi qua vùng cỏ mọc non mướt trên đường tới Miếu Môn...
PV: Phía Xuân Mai, Hà Tây bây giờ…
NV HP: Đúng thế. Hồi ấy, chỗ đó còn hoang vu lắm, cỏ tranh sau chiến tranh đã bị đốt cháy nhiều. Tự nhiên đi qua một vùng cỏ non, bò đang ngon lành gặm, lại nghe thấy tiếng bộ đội lao xao… Nhìn lại, thấy mấy người lính như mình, quân phục tả tơi, đầu đội mũ nan, dưới đội khăn mặt bông rộp vàng, chân đi giày ba ta thòi cả mười đầu ngón chân ra, mà vẫn lạc quan, tếu táo. Mình bỗng thấy xúc động quá.
Khi ấy, về giải phóng Thủ đô rồi. Đã là hòa bình rồi, nảy sinh không ít tâm tư, so bì. Cũng là cán bộ trải qua gian khó hiểm nguy ở chiến khu như nhau, nay về Hà Nội, mỗi người một cương vị công tác, mỗi người hưởng một chính sách đãi ngộ khác nhau. Không khỏi có suy nghĩ này, suy nghĩ nọ… Và những cán bộ trẻ như mình không phải không có lúc băn khoăn.
Nhưng vừa mới đi ra khỏi Hà Nội vài chục cây số thôi, gặp những người lính trẻ hồn nhiên, gặp những người đồng đội trên mình vẫn còn mùi khói súng và không hề vướng bận bởi đồng tiền, bởi danh lợi và tâm hồn vẫn trong sáng quá, mình cảm động lắm.
Và mình viết "Cỏ non", chả nhằm mục đích để tuyên truyền cho ai, hay nhằm khẳng định thế nào là đúng, thế nào là sai mà chỉ đơn giản để nói lại những gì mình cảm nhận được từ thực tế cuộc sống. Ấy vậy mà tác phẩm tồn tại được…
Hóa ra là khi thực tế ùa vào trái tim, khối óc người cầm bút một cách đúng đắn, chân thành, đủ đầy, thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra một cái gì không hẳn đã ghê gớm lắm nhưng có thể tồn tại được, lâu bền…
PV: Trước khi ông về nhà số 4 Lý
NV HP: Phải nói rằng mình đã tập viết từ khi còn học ở trung học. Sau Cách mạng Tháng Tám, mình viết cho một tờ báo dành cho thiếu niên, và được giải thưởng với truyện ngắn "Tiếng kèn của anh lính". Mà giải thưởng này cũng lạ lắm, chẳng có tiền bạc gì đâu nhưng mà ai được giải nhất thì được xếp dưới nhà văn Khái Hưng, ai được giải nhì thì được xếp dưới nhà văn Nguyễn Tuân. Mình đã cảm thấy vinh dự lắm...
PV: Ở đời, đôi khi quan trọng không phải ngồi ở vị trí nào và được bao nhiêu tiền, mà là ngồi ở dưới ai, làm việc với ai thì mới là vinh dự…
NV HP: Thì thế. Lúc ấy gọi là được giải thưởng thì có được xu nào đâu, nhưng tôi thấy tên tôi được đề dưới tên Khái Hưng thì tôi sướng quá… Mà cái tờ báo thiếu nhi ấy là do nhạc sĩ Tử Phác và một người sau này là Trưởng phòng Binh vận của Sư đoàn 308 lập nên. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ thì tất cả tòa soạn đều cầm súng lên đường, thành ra tờ báo phải đóng cửa.
PV: Ngay hồi đó những người làm báo thiếu nhi ấy đã hiểu ra một nguyên tắc quan trọng, đôi khi quan trọng không phải đứng ở đâu, đôi khi quan trọng đứng dưới ai, đúng người xứng đáng còn vinh dự hơn đứng với người không xứng đáng.
NV HP: Tôi cũng xin kể thêm. Lúc đó, đọc thấy trên báo có tên tôi, cái tên khai sinh ấy, Nguyễn Thế Xương, nhà văn Tô Hoài, lúc đó đang phụ trách trang thiếu nhi của Báo Cứu Quốc (sau này trở thành Báo Nhân Dân), đã cho gọi tôi tới và bảo cộng tác với ông.
Tôi bắt đầu quen nhà văn Tô Hoài chính từ dạo đó, cho tới giờ với tôi, ông vẫn như ông anh cả trong làng văn. Tôi có viết cho nhà văn Tô Hoài một ít bài.
Hồi ấy, nhiều người cứ viết về chuyện thích mùa thu hay mùa xuân. Để làm lại đi, tôi viết về chuyện tôi thích nắng. Ông Tô Hoài đọc xong, bảo hay quá! (Cười vui)… Thế rồi toàn quốc kháng chiến bùng nổ và tôi vào bộ đội…
PV: Ông ở đơn vị nào ạ?
NV HP: Ở Trung đoàn Thủ đô ngay từ đầu. Hồi đó, gia đình mình đi sơ tán, để mình ở lại trông nhà. Lúc đó mình 16 tuổi rồi nên thích tham gia tự vệ, rồi cứ thế nổ súng mà trở thành bộ đội. Và ở bộ đội, mình bắt đầu tham gia viết bài cho các phụ san của đơn vị. Nhưng phải tới truyện "Lưỡi mác xung kích" được đăng trên Tạp chí Văn nghệ năm 1948 thì mới có thể coi như mình đã thực sự tham gia vào đời sống văn học kháng chiến…
PV: Và năm 1949, ông đã viết truyện ngắn "Thư nhà"…
NV HP: Hồi đó mình đang ở Sư đoàn 308. Một lần tiễn đồng đội vào vùng địch hậu hoạt động, không khí lúc ấy cảm động lắm, hệt như tiễn Kinh Kha qua sông Dịch Thủy ngày xưa. Rồi bọn mình lại được đón đoàn anh em công tác ở vùng địch hậu xong nhiệm vụ; trở ra. Anh em mang theo nhiều câu chuyện xúc động lắm từ vùng địch hậu.
Mình đặc biệt ấn tượng với những câu chuyện về việc bọn lính Pháp và tay sai hành hạ chị em mình trong vùng địch hậu, gây nên vô số những chuyện thương tâm, những bi kịch xã hội. Trong không khí xã hội lúc ấy, những người phụ nữ đã bị kẻ thù làm cho ô uế thường rơi vào tình trạng bị gia đình ruồng bỏ. Mình cứ trăn trở mãi với chuyện đó.
Cho tới một lần trên đường cùng Hữu Mai mang tập san của đại đoàn vào rừng để in, tối đến phải xin nghỉ nhờ ở một quán cafe trên phố Đại Từ, Thái Nguyên. Cô chủ quán đó xinh lắm, người Hà Nội theo kháng chiến đi qua ai cũng ghé vào đó. Cô gái lánh sang nhà bên nghỉ để cho bọn mình ngủ lại một đêm, lại còn lo cho Hữu Mai và mình mỗi người một ngọn đèn dầu và một cái bàn con để viết.
Đêm ấy, tự dưng mình viết một mạch truyện ngắn "Thư nhà", tới gần sáng thì xong, đọc lại thấy sung sướng quá, thức tới sáng luôn để tiếp tục vác ba lô đi vào rừng. Cũng từ truyện ngắn "Thư nhà" mà bắt đầu có bút danh Hồ Phương.--PageBreak--
PV: Sao lại là Hồ Phương?
NV HP: Hồi ấy, gặp các đàn anh ở Hội Văn nghệ, thấy các ông ấy đều có bút danh hay cả. Thí dụ, ông Nguyễn Sen lại thành ông Tô Hoài. Mình thấy cái tên Nguyễn Thế Xương nghe có vẻ không văn chương lắm nên mới tìm bút danh.
Khi ấy, bọn mình ai cũng "mê" Cụ Hồ. Thế là bút danh của mình được bắt đầu là họ Hồ. Còn Phương thì đó là tên cô gái mà minh mê hồi hoa niên, đi kháng chiến bị thất lạc tin nhau nhưng mình vẫn nhớ, nên lấy làm bút danh.
PV: Mọi chuyện thực đơn giản. Sự thật thường đơn giản. Tình yêu lãnh tụ hòa cùng tình yêu cá nhân!
NV HP (cười vui vẻ): Tôi vừa có tình yêu lãnh tụ vừa có tình yêu riêng tư của mình. Sau này có người nói với tôi, anh là nhà văn không bao giờ viết chính trị "chay" cả; anh là người rất có ý thức chính trị, về cách mạng, nhưng bao giờ cũng có cái gì riêng của mình, của tâm hồn và trái tim mình (cười).
PV: Nhìn những vấn đề quốc gia đại sự bao giờ cũng thông qua góc độ của trái tim mình, của tình cảm đích thực của mình… Xin được hỏi chuyện tiếp. Sau tháng 10/1954, ông cũng như một số nhà văn trưởng thành ở các đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp được chuyển về công tác ở nhà số 4 phố Lý Nam Đế. Và cũng từ đó, chúng ta đã có một "địa chỉ Đỏ" của nền văn học cách mạng Việt Nam. Bây giờ nhìn lại, liệu chúng ta có thể nói gì về cái gọi là tinh túy tinh thần trong địa chỉ ấy không?
NV HP: Trước khi bọn mình gặp nhau ở nhà số 4 Lý
Sống cùng nhau rất dung dị và say mê viết, bao giờ cũng muốn viết để cho nó hay hơn, chứ không có chuyện kèn cựa đố kị nhau, không bao giờ có chuyện gièm pha nhau. Và khi gặp những người hâm mộ thì cũng không hếch mũi lên quá đáng…
PV: Theo ông, nhờ đâu mà thế hệ nhà văn ấy không dễ bị mắc căn bệnh bốc đồng hay hoang tưởng mà không ít người ở các thế hệ sau mắc phải?
NV HP: Có lẽ vì chúng tôi đều là những người được học hành tử tế, ít ra thì cũng từ trung học trở lên. Có học không phải đã là biết nhiều nhưng dẫu sao mình cũng đủ hiểu biết để ứng xử cho có lễ giáo. Lại được Quân đội giáo dục, kèm cặp chu đáo.
PV: Một khi mình đã có một mặt bằng văn hóa cơ bản thì mình sẽ điềm tĩnh hơn khi nhìn vào danh lợi, vào nghề viết?
NV HP: Nói thật, kiến thức về tự nhiên của bọn mình hồi đó có thể còn chưa nhiều lắm nhưng bọn mình đã là người lính, trải qua máu lửa chiến tranh nên biết cách phân biệt giữa cái sai với cái đúng, giữa cái anh hùng với cái khốn nạn, giữa cái trung thực và cái giả dối. Đó là cái chất văn hóa được giáo dục và tôi luyện qua chiến đấu nên tự biết mình một cách đúng mức hơn, không có gì ngạo mạn quá. 9 năm kháng chiến chống Pháp đâu phải là thời gian ngắn.
Rồi sau này, trưởng thành lên, ông Nguyễn Khải viết càng ngày càng hay, ông Hữu Mai viết, cũng như tôi viết càng ngày càng nhiều hơn, thì chúng tôi cũng chỉ quý nhau hơn, chứ không có gì này nọ. Rồi sau này, khi ông Khải viết tốt được đưa ra Hội Nhà văn làm Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, ông Mai ra làm Ủy viên Thường vụ của Hội, anh em còn lại trong Quân đội không ai ghen tị cả.
Vì chúng tôi, môi trường Quân đội như cái vườn ươm, anh em ruột thịt lớn lên rồi còn phải chia tay nhau đi dựng nghiệp nữa là… Cho nên người ở lại không buồn, người đi không kiêu ngạo, cho rằng, cái anh phải ở lại là xoàng, còn cái người đi ra ngoài lên chức này nọ là giỏi hơn. Chất văn quân đội thì ở đâu cũng thế, càng lớn lên thì chỉ bớt phần trẻ trung nghịch ngợm hơn mà thôi…
PV: Những người lính tốt là những người lính luôn ý thức được trách nhiệm của mình, để thực hiện đúng, đủ và tốt những nhiệm vụ tức thời của từng giai đoạn, cả với hiện tại lẫn tương lai. Chúng ta biết sống đúng đắn, lễ độ với hiện tại, nhưng cũng phải biết hướng tới tương lai. Văn nghệ sĩ bao giờ cũng phải thực hiện hai nhiệm vụ song song với nhau; một mặt, mình không quên nhiệm vụ tồn tại với hậu thế, nhưng mặt khác mình càng không thể quên nhiệm vụ song hành, đồng hành với hiện tại. Ai làm được việc đó một cách tốt nhất thì người đó sẽ đỡ đi những truân chuyên không cần thiết, ở thời đại nào cũng vậy. Nhưng đó là việc thậm khó…
NV HP: Đúng như thế. Ta có thể đổi mới nhưng đổi mới đến mức phủ nhận toàn bộ những thành tựu cũ thì là quá đà rồi. Không được!
PV: Tôi nghĩ, thái độ đúng của người trí thức đích thực ấy phải là: không được biến tương lai mâu thuẫn với hiện tại và không được biến hiện tại mâu thuẫn với quá khứ, vì quá trình phát triển của một dân tộc, một đất nước, một con người luôn luôn phải là một sự tiếp nối, mặc dù từng đoạn một nó rất khác nhau nhưng nó phải là một sự tiếp nối liên tục.
Nếu anh không muốn bi kịch xảy ra với chính anh, với thế hệ anh thì anh không được biến tất cả các khoảng cách đó thành ra mâu thuẫn với nhau mà phải biết kế thừa, phát huy những cái hay, cái đẹp, cái tích cực của thời đã qua vào cuộc sống hôm nay, vào mơ ước tương lai.
Ta hôm nay có thể không sống giống như những ngày hôm qua nhưng ta phải biết kế thừa những gì tốt và sửa đổi những gì gọi là không còn thích hợp nữa với ngày hôm nay nhưng không bao giờ đoạn tuyệt với quá khứ của chính mình. Đó có lẽ là cách ứng xử cần có không chỉ của riêng nhà văn mà của tất cả những người có lý trí và của cả dân tộc. Ông có đồng tình với quan niệm này không?
NV HP: Đúng như vậy. Đó là cách ứng xử, cách làm người và cách suy nghĩ rất nghề nghiệp của một nhà văn.--PageBreak--
PV: Ông ở nhà số 4 Lý
NV HP: Những người bạn cũ đều để lại cho tôi ấn tượng rất sâu và tôi rất quý họ. Ví dụ như bác Thanh Tịnh nhé, thì tôi thích những tác phẩm mà ông đã viết trước chiến tranh hơn. Nhưng sau này, ông cũng có những bài độc tấu hay. Nói một cách công bằng, văn nghiệp của Thanh Tịnh không có cái ấn tượng gì ghê gớm lắm, nhưng bọn mình thích là thích tính cách con người của Thanh Tịnh.
PV: Có nhà văn để đời tác phẩm, có nhà văn để đời cách sống…
NV HP: Bác Thanh Tịnh là một người sống rất trung thực, yêu ghét đều rất trung thực. Và hết sức dịu dàng nhã nhặn. Và tinh tế lắm, tế nhị lắm… Bác ấy luôn luôn tìm cách bảo vệ anh em văn nghệ sĩ. Yêu thương mọi người còn hơn cả ruột thịt. Tôi cũng muốn nói luôn, hồi ấy bộ ba Thanh Tịnh - Vũ Cao - Từ Bích Hoàng là những người cán bộ quản lý Văn nghệ Quân đội hết sức nhân hậu, tử tế.
Nhà thơ Vũ Cao, người để lại cho chúng ta bài thơ "Núi Đôi", sống ở số 4 Lý
Tôi nhớ, thời ở Việt Bắc, ông ấy dáng cao kều, ăn mặc rất xuềnh xoàng, hay đi chân đất nhưng cũng hay vác đàn măngđôlin sang chơi chỗ Hội Phụ nữ. Nhiều cô thích lắm!
PV: Tôi xin hỏi thật, bác Vũ Cao có hay mê phụ nữ không?
NV HP: Nhà thơ mà! Nhiều cô mê ông ấy lắm (cười). Còn ông Từ Bích Hoàng thì sống chỉn chu, nhiều khi như bị "ép xác" như ông thầy tu. Nhưng ông ấy là người tốt, người hiền lành, ai cũng quý cũng yêu được. Mà ông ấy quý người một cách lạ lùng, ông ấy quý người, yêu thương như người ruột thịt chứ không phải bạn. Có ai đó gặp chuyện gì buồn rầu hay khó khăn là ông ấy còn ngồi khóc cơ. Một con người tình cảm đến như thế!... Còn Nguyễn Khải như như tôi đã viết trong bài điếu văn, là một người có tài...
PV: Trong giọng văn của Nguyễn Khải có gì chua chát lắm không?
NV HP: Trong giọng văn thời kháng chiến chống Pháp không có, trong giọng văn thời kháng chiến chống Mỹ cũng không có. Sau này, sau chiến tranh, khi tuổi ông ấy cao lên một tí thôi, đôi khi hơi chua chát với cuộc sống, nhưng cũng mang một chút giọng thiền…
Ông Khải là người hết sức nhạy cảm, viết cực kỳ thông minh. Anh ấy cứ ngồi vào bàn là viết được ngay, viết rất nhanh, rất giỏi, rất óng ánh. Văn của ông ấy đẹp lắm, sâu lắm, triết lý tự nhiên lắm. Ông ấy viết rất nhanh không phải ông ấy không suy nghĩ gì đâu. Ông ấy có một con mắt sắc của một ông thần trẻ. Và càng về càng già, càng mang tính chất hiền triết nhiều.
PV: Càng hiền triết thì về cuối đời càng dễ trở nên bi quan?
NV HP: Chỉ có một chút thôi. Nguyễn Khải là một người có tài nhưng không phải là một người bạn hẩu, ông ấy không chơi thật thân với ai, tức là chơi, giao đãi với tất cả mọi người, tất cả đều vui vẻ với nhau nhưng thân thiết sâu sắc thì ít có. Quý nhau thật nhưng cứ ào ào chốc nhát rồi chia tay.
Ông Khải là người không bao giờ mơ mộng, ông sắc sảo đến mức thiết thực quá! Mỗi khi từ trong
PV: Có khi Nguyễn Khải cảm thấy cái hữu hạn của thời gian sống mà ý tưởng trong đầu mình lại quá nhiều nên không thể hoang phí thì giờ cho những mối quan hệ không hữu ích cho việc viết văn của mình…
NV HP: Có thể thế. Nhưng ông Nguyễn Khải không bao giờ có ý xấu với ai cả. Và lúc nào cũng chỉ chăm chăm nghĩ tới việc viết văn thôi.
PV: Chứ không quan tâm tới chuyện khác nữa, và cũng không phải lúc nào cũng bát ngát, không như nhà văn Hồ Phương thi thoảng có tí chút? (cười vui).
NV HP (cũng cười vui): Còn Hữu Mai là nhà văn sắc sảo. Càng về sau Hữu Mai càng đi sâu vào tư liệu, ông càng ngày càng là nhà văn của tư liệu nhiều hơn, ít có những cái lấp lánh khiến người ta phải giật mình… Nhưng về tiểu thuyết tư liệu thì ông Hữu Mai phải là đứng đầu bảng trong Quân đội. Ông ấy là nhà văn lớn, đứng đắn, nhưng khác cái chất của Nguyễn Khải. Nguyễn Khải đúng là một nhà văn tài năng.
PV: Với nhiều lấp lánh, có khi là lấp lánh ngoài ý muốn…
NV HP: Đấy là Nguyễn Khải, còn Xuân Sách thì cũng là một người hay trong Văn nghệ Quân đội. Sống tốt với anh em dù hay châm chọc anh em.
PV: Tôi từ lâu đã có một ý nghĩ thế này, nhà văn đôi khi vì quá theo đuổi hình tượng nghệ thuật trong đầu mình nên khi viết về ai đấy cụ thể dễ trở nên chủ quan và định kiến. Và vì thế dễ làm tổn thương con người thực dù hình tượng về con người ấy đã được dựng nên rất sinh động và thường là "một chữ chết tươi". Thành ra mới có chuyện này nọ…
NV HP: Ông Xuân Sách đối với anh em trong Quân đội lại rất tốt… Không phải ai ông ấy cũng châm chọc đâu.
PV: Tôi vẫn muốn xin nhắc lại, đôi khi chúng ta theo đuổi hình tượng nghệ thuật hình thành trong đầu mình quá say mê nên trong trường hợp chúng ta muốn phê phán điều gì đó thì dễ thành bất nhẫn đối với đối tượng mà chúng ta miêu tả. Khi tôi còn công tác ở một đơn vị bộ đội, tôi đã được chứng kiến một chuyện như thế này, có nhà văn viết bài ký rất hay về việc một anh thương binh bị chấn thương sọ não nặng đến mức tưởng đã chết rồi, phải vô cùng vất cả khi đi làm lại thủ tục để làm người còn sống.
Theo bài ký đó, thì tới đâu anh cũng vấp phải sự ghẻ lạnh hoặc thờ ơ của các cơ quan chức năng, của đơn vị cũ (là đơn vị mà tôi đang công tác). Bài ký đó đã làm cho các đồng chí chỉ huy ở đơn vị tôi bị mang tiếng rất nhiều một cách oan uổng vì sự thực, nhiều chi tiết đã được nhà văn viết thêm vào cho "đẹp hình tượng".
Theo ông, cần phải ứng xử thế nào trong trường hợp đó? Cần làm gì để vẫn đạt được hiệu quả nghệ thuật mà không trở nên bất nhẫn với các nhân vật mà ta định dựng thành hiện tượng tiêu cực?
NV HP: Về nguyên tắc, chúng ta phải bênh vực những cái gì là trung thực. Nhưng cũng xin nói thật, mình ngày trước viết báo cũng nhiều nhưng bọn mình lúc đó chỉ quan tâm nhiều đến hình tượng nghệ thuật, đến thông điệp mà mình cần phải truyền tải. Nhưng nói chung, báo chí thì luôn cần phải sát thực.
PV: Sát thực thì đã không hoàn toàn là sự thực đi rồi và đôi khi chỉ một chút sai khác là đã lại gây tai vạ cho người được viết tới…
NV HP: Tôi nghĩ rằng, trước hết anh phải viết sự thực từ trái tim mình, yêu ghét rõ ràng ra. Khi anh viết về cái đối tượng không hay, hay một vấn đề gì đó phức tạp thì anh cảm thấy thế nào, anh viết đúng như những gì anh rung động, anh căm giận… Còn khi đã dựng lên thành hình tượng rồi thì những chi tiết có thể không hoàn toàn chính xác do mình không có đủ tài liệu hoặc vì một lý do gì đó thì xin thông cảm, đừng có bắt bẻ mình ở những chi tiết vặt ấy!
PV: Thế mới biết làm báo mỗi thời mỗi khác!
NV HP: Tôi rất thông cảm với công tác làm báo bây giờ, chặt chẽ hơn ngày xưa, kể cả từ phía độc giả. Tôi nghĩ, nhà báo bây giờ cũng vất vả đấy.
PV: Nghề gì muốn làm tử tế thì cũng vất vả, nhưng "đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!"… Xin cảm ơn nhà văn Hồ Phương!