Thiếu tướng Trần Mạnh “kiến trúc sư” của chiến thuật MiG-21

Thứ Năm, 17/07/2014, 12:00

Nếu nói chiến thắng của Không quân Việt Nam trước Không quân và Hải quân Mỹ không chỉ là chiến thắng của các phi công trong các trận không chiến mà còn là chiến thắng trong cuộc đấu trí của các chỉ huy Không quân Việt Nam trước các tướng lĩnh chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, được đào tạo bài bản của Không quân & Hải quân Mỹ, thì Trần Mạnh là một trong những gương mặt đại diện điển hình. Trong gần 10 năm, ông đã trực tiếp chỉ huy gần 100 trận không chiến, ở các Sở chỉ huy cấp Trung đoàn, Binh chủng và Quân chủng, góp phần chỉ huy các phi công bắn rơi hơn 60 máy bay Mỹ, trong đó có cả pháo đài bay B-52.

Từ tiểu đoàn 308 - đồng bằng Nam Bộ...

Sau khi Mai Xuân Thưởng bị giặc Pháp bắt và xử tử (năm 1887), dòng họ Mai Xuân phải đổi thành Mai Cao. Mai Cao Chí, một hậu duệ của dòng họ Mai Xuân Thưởng, chuyển đến sinh sống tại xã Vĩnh Lai, huyện An Nhơn, Bình Định. Một người con của ông, kiến trúc sư Mai Cao Đống tham gia xây dựng thành phố Đà Lạt để trở thành “Tiểu Paris của phương đông”; và tại đây, đầu những năm 20 của thế kỷ trước, cậu bé Mai Cao Đa (tướng Trần Mạnh sau này) đã ra đời và trải qua tuổi niên thiếu của mình.

Học hết Thành Chung, cậu bé Mai Cao Đa lên học tại Sài Gòn và rất tích cực tham gia phong trào sinh viên phản đối chương trình lịch sử kiểu thực dân của giáo viên người Pháp. Khi Pháp gây hấn tấn công Sài Gòn - Gia Định, Mai Cao Đa đã xung phong nhập ngũ. Giai đoạn này, để tránh liên lụy đến gia đình, Ông đã đổi tên là Trần Mạnh.

Năm 1948, hai Tiểu đoàn 307 và 308 chủ lực của bộ đội Đông Nam Bộ ra đời, Trần Mạnh được đích thân tướng Đồng Văn Cống điều về làm chính trị viên Tiểu đoàn 308, khi mới tròn 20 tuổi. Các chiến binh của tiểu đoàn 308 cùng với tiểu đoàn 307 đã làm nên  những chiến công oai hùng, lừng lẫy khắp đồng bằng sông Cửu Long, với các trận Tháp Mười, Mộc Hóa… nổi tiếng, khiến “bao nhiêu quan Pháp run rẩy sợ hãi…” như lời bài hát Tiểu đoàn 307 của nhạc sĩ Trần Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính, với giọng ca vàng Quốc Hương, một cựu chiến binh của đồng bằng Nam Bộ.

Hòa bình lập lại, sau khi tốt nghiệp Trường sỹ quan lục quân khóa 9, ông  được điều về làm Chính ủy Trung đoàn 556,  Sư  330. Chính trong thời gian này, thiếu tá Trần Mạnh đã gặp và nên duyên với cô văn công gốc quê Bồng Sơn, Bình Định, Nguyễn Thị Triều Thu, bắt đầu một trong những mối tình đẹp và nổi tiếng ở không quân. Rồi Trần Mạnh lại lên đường tiếp tục khóa học lái máy bay tiêm kích đang đến giai đoạn chuẩn bị tốt nghiệp.

...Đến “Kiến trúc sư” của chiến thuật MiG-21

Có trình độ văn hóa, lại giỏi tiếng Pháp, Trần Mạnh đã lọt vào “kính ngắm” của Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng đang lựa chọn cán bộ chủ chốt dẫn đầu đoàn học viên bay MiG số 2 và sau đó sẽ bồi dưỡng trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong tương lai của Không quân VN.

Giai đoạn đầu năm 1966, khi mới được trang bị máy bay tiêm kích-đánh chặn MiG-21, Trần Mạnh cùng các phi công dày dạn kinh nghiệm chiến đấu trên MiG-17 như Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Ngọc Độ, Trần Ngọc Síu, Đồng Văn Đe… đã chuyển loại thành công lên bay MiG-21, nhưng họ chưa tìm ra được cách đánh phù hợp trên MiG-21. Đã có hoài nghi hiệu quả chiến đấu của MiG-21, và ý tưởng quay lại lắp pháo và đánh theo chiến thuật của MiG-17. Đúng trong giai đoạn khó khăn đó, Trần Mạnh được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng, ông hiểu rằng các chỉ huy cấp trên và phi công rất tin tưởng ở ông không phải chỉ là công tác tổ chức và chỉ huy hàng ngày, mà cái quan trọng hơn là câu trả lời: Trung đoàn sẽ tiếp tục đánh theo cách nào? phải tìm ra lối đi mới, cách đánh mới,phù hợp điều kiện Việt Nam.

Và các phi công đánh trận trở về dù thắng hay bại đều được yêu cầu tường trình tỉ mỉ, chi tiết, các phim xạ kích được rửa, in ra và cấp tốc nghiên cứu giảng bình, tranh luận. Khi nghiên cứu tài liệu tình báo của cả hai phía, Trần Mạnh luôn tự đặt mình vào vị trí của các nhà chỉ huy không quân Mỹ ngồi ở các sở chỉ huy sang trọng và hiện đại bên kia bán cầu. Trên bàn làm việc của ông là hàng trăm tập tài liệu, sơ đồ, hình vẽ các trận không chiến đã được các sỹ quan dẫn đường phác họa theo ý tưởng của ông. Những bài học lịch sử giúp ông đi đến một kết luận rằng, một quân đội dù rất hiện đại, một khi kéo quân đi xâm lược nước khác, chắc chắn sẽ bộc lộ những điểm yếu cốt tử.

Trần Mạnh đã chỉ ra một loạt các yếu điểm đó: các máy bay Mỹ bay vào VN với đội hình dày đặc, khiến công tác hiệp đồng (kể cả liên lạc đối không) và khả năng cơ động bị hạn chế; khi bay vào qua biên giới, gặp lưới lửa phòng không dày đặc, buộc phân tán chú ý vừa đối phó, vừa phải tuân theo hành trình để ném bom trúng mục tiêu; các máy bay tiêm kích phải bay tốc độ tương đương máy bay ném bom để yểm trợ, trong khi các máy bay cường kích đeo đầy bom đạn, bay theo một đường bay định sẵn để ném bom một mục tiêu đã định trước, sẽ rất khó xoay sở, khi bất ngờ bị tấn công. Đội hình máy bay Mỹ bay vào VN với cự ly hàng ngàn kilômét, phải tiếp dầu trên không hai lần (lúc vào và khi bay  ra khỏi biên giới), lại không có chỉ huy trực tiếp từ mặt đất, trong khi phi công VN nhận được chỉ dẫn của hệ thống chỉ huy mặt đất rất kịp thời, hiệu quả. Rất nhiều đêm, trong tiếng suối róc rách sau nhà, đồng chí bác sĩ và các anh chị nuôi rất lo lắng thấy ánh lửa từ đầu điếu Tam Đảo của Trần Mạnh lập lòe suốt đêm, đó là lúc các ý tưởng mới hình thành. Sau khi đã định hình tư tưởng cốt lõi cùng các yếu tố liên quan của cách đánh mới, ông tự tin quyết định báo cáo cấp trên.

Bộ chỉ huy tiền phương Quân chủng Phòng không - Không quân bàn phương án tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tại sân bay Đà Nẵng.

Trong báo cáo của mình, ông đã dũng cảm phản biện hai vấn đề lớn, mà truớc đó gần như đã mặc định: thứ nhất, đề nghị không xin thêm máy bay MiG-21 F-13 lắp pháo (mặc dù trên thực tế chỉ sau đó mấy tháng các máy bay MiG-21 F-13 đã về Việt Nam); thứ hai không đánh theo kiểu MiG-17, đánh quần tại chỗ mà phải đưa MiG-21 đi đánh chặn từ xa. Ông đã dám thẳng thắn nói: “Nếu bắt MiG-21 đánh quần theo kiểu MiG-17, không sử dụng tên lửa hiện đại thì chả khác nào thả đại bàng lên trời mà bó chân, buộc cánh của nó, chẳng khác nào vứt súng đi mà quay lại dùng mã tấu, dao găm”. Cách đánh mới - tác chiến của tiêm kích-đánh chặn trong điều kiện Việt Nam là: sử dụng lực lựợng nhỏ tinh nhuệ, được sở chỉ huy dẫn đi đánh chặn từ xa, với góc tiến vào có lợi cho phi công chủ động cơ động, tạo thế và đà, đánh thẳng vào đội hình lớn cường kích. Bất ngờ bám sát, phóng tên lửa và nhanh chóng thoát ly, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ lực lượng cho lâu dài.

Sau khi được Quân chủng phê duyệt, Trung đoàn 921 bắt đầu chuẩn bị cho cách đánh mới. Các phi công tài năng của MiG-21 như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Đăng Kính, Nguyễn Nhật Chiêu, Đồng Văn Đe, Nguyễn Văn Cốc, Đặng Ngọc Ngự… được huấn luyện kỹ và sẵn sàng cất cánh. Trận ngày 2/12/1966 mở đầu bằng chiến công bắn rơi một F-105 và chỉ trong 10 ngày đầu tháng 12/1966,  MiG-21 đã đánh 9 trận, bắn rơi 9 chiếc F-105, có trận bắn rơi 3 chiếc. Đây chính là những chứng minh trên thực tế tính hiệu quả của cách đánh mới, mà sau này nhiều phi công gọi là hình thức chiến thuật: “nửa đánh chặn của MiG-21”. Mọi người suy tôn Trung đoàn trưởng Trần Mạnh là “kiến trúc sư”, người có công khái quát và nâng lên thành cách đánh của MiG-21. Và đánh giá đây là bước đột phá trong nghệ thuật dịch và chiến thuật, là kỳ tích sáng tạo chiến thuật tác chiến của MiG trong điều kiện Việt Nam, có tác giả gọi đây là chiếc “chìa khóa vàng” của MiG-21.

Cuộc đấu trí của các vị Tư lệnh

Tính chất ác liệt của các trận không chiến không chỉ thể hiện ở các màn rượt đuổi của máy bay trên không, mà còn là cuộc đấu trí cân não của các vị tư lệnh bên trong các sở chỉ huy. Trước cách đánh mới của MiG-21, Không quân Mỹ đã cho hầu như toàn bộ F-4 dừng bay và thay đổi chiến thuật. Trong chiến dịch Bolo, tháng 1/1967, Đại tá Ace-Robin Old (Tư lệnh Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 8)  đã cho thực hiện 2 thủ đoạn chiến thuật mới: thứ nhất là cho các tốp F-4  bay giả như đội hình của F-105 (đội hình bay, khối tác chiến điện tử, độ cao, tốc độ và thậm chí cả mật danh cũng của F-105); thứ hai là cho biên đội nghi binh bay vào trên cao, nhưng đội hình F-4 bay vào trên độ cao thấp phía sau dãy Tam Đảo và phục sẵn chờ MiG cất cánh là lao vào.

Sau hai trận bị tổn thất ngay trên đỉnh sân bay Đa Phúc (tuy nhiên cả 5 phi công nhảy dù an toàn và lập tức trở về tham gia trực chiến), Trần Mạnh quyết định cho các phi công MiG dừng bay một thời gian để nghiên cứu tìm nguyên nhân. Ông rút ra rằng, cách đánh trên đỉnh sân, vòng tại chỗ đã bị không quân Mỹ nắm được cách đối phó, vì vậy phải nhanh chóng chuyển sang giai đoạn 2 của chiến thuật mới, theo đó, các máy bay đánh chặn sẽ được dẫn đi đánh từ xa, ngoài vòng hỏa lực phòng không. Các biên đội MiG-21 sẽ  bỏ qua tiêm kích, lao thẳng vào đội hình cường kích Mỹ còn đeo đầy bom đạn, chưa kịp dàn trận. Quả đúng vậy. Theo cách đánh này riêng trong tháng 5/1967, các phi công MiG-21 đã đánh 7 trận, bắn rơi 7 máy bay Mỹ, mở ra một giai đoạn mới trong hình thành chiến thuật của MiG-21. Trận 23/8/1967, biên đội MiG-21 Chiêu-Cốc ngoài thành tích bắn rơi 3 máy bay F-4 (Nguyễn Nhật Chiêu bắn rơi 2 chiếc), còn sáng tạo lối tấn công “đồng thời công kích”. Đây có thể được coi là dấu mốc đánh dấu hoàn chỉnh cách đánh của MiG-21 mà nhiều người gọi là “chìa khóa vàng giành chiến thắng”.

Song các phi công Mỹ không phải là đối thủ dễ bị đánh bại. Hải quân Mỹ và sau đó là không quân Mỹ đã dừng bay, rút kinh nghiệm và tổ chức huấn luyện theo chương trình Top Gun tại sân bay căn cứ Mirana AFB, bang California, nâng cao kỹ năng không chiến - cơ động trên không (Air Combat Manoeuvring-ACM). Bởi vậy, Trần Mạnh và Bộ Tư lệnh Không quân đã tập trung huấn luyện cho lớp phi công trẻ, tài năng mới tốt nghiệp từ Liên Xô về, những người vận dụng sáng tạo cách đánh mới của MiG-21 và đánh thắng không quân, hải quân Mỹ trong chiến dịch Linebacker I&II (năm 1972).

Năm 1976, ông được điều sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không. Với nhãn quan chiến lược, việc đầu tiên mà Trần Mạnh kiên quyết triển khai chính là giành lại quyền quản lý, điều hành vùng khai thác bay (FIR-HCM). Những biến động phức tạp tại Biển Đông vừa qua cho thấy tầm nhìn xa của lãnh đạo VN, trong đó có đóng góp quan trọng của Trần Mạnh từ những năm 1980. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, Trần Mạnh đã thể hiện bản lĩnh tầm nhìn, cùng Ban lãnh đạo hàng không đặt những viên đá tảng đầu tiên đưa Hàng không VN phát triển.

Con đường đi của Tướng Trần Mạnh là những năm tháng thăng hoa tài năng ở Không quân và Hàng không dân dụng VN đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng đội, bạn bè và người thân. Để nói thay tâm tư của đồng đội, Nhà báo Vũ Thành đã viết: “Nếu như mỗi chiến công bắn rơi máy bay Mỹ các phi công và chỉ huy được tặng một huân chương, thì ngực áo của Trần Mạnh người chỉ huy hàng trăm trận không chiến thắng lợi, chắc không còn chỗ để đeo huân chương”.

Bên trong vẻ bên ngoài hiền lành, giản dị, đặc chất Nam Bộ của ông là trái tim nhân hậu; là tài năng, bản lĩnh và nhân cách của một vị tướng: nhìn xa, nghĩ sâu, chấp nhận mạo hiểm bản thân để đem lại lợi ích cho đất nước, nhưng luôn gần gũi nhân dân và đồng đội...

Hà Nội, tháng 5/2014

Nguyễn Sỹ Hưng
.
.