“Quái kiệt” Lê Đình Quỳ với “Mật mã vũ trụ”
Vùng đất “địa linh nhân kiệt” Thanh Hóa không chỉ là nơi đã sinh ra nhiều bậc vua chúa đế vương nhất nước ta, mà còn là quê hương của nhiều bậc kỳ tài và “quái kiệt” của Việt Nam. Một trong những “Quái kiệt Xứ Thanh” ấy là Lê Đình Quỳ. Nhiều người Việt Nam đã biết đến ông với tư cách là một Nhà điêu khắc và một họa sĩ sơn dầu. Nhưng tôi tin là người Việt Nam có thể sẽ tự hào về Lê Đình Quỳ, với tư cách là một Nhà nghiên cứu khám phá Thiên Văn và Vũ Trụ, có nhiều phát hiện mới…
Không chỉ là một nhà điêu khắc lừng danh
Lê Đình Quỳ tuổi Canh Thìn (1940), quê ở xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân. Ông là một trong những nhà điêu khắc Việt Nam hiếm hoi, được đào tạo bài bản tại Đại học Mỹ thuật Kiep (Liên Xô cũ) những năm 1961 – 1964. Năm 1966, ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam và đỗ Thủ khoa Điêu khắc. Sau gần nửa thế kỷ đam mê và sáng tạo, ông đã nổi danh. Trong giới điêu khắc và hội họa Việt Nam, nói đến Lê Đình Quỳ, thì không ai là không biết. Bởi ông chẳng những là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam kỳ cựu, (đã vào Hội tròn 45 năm nay); mà còn là người đang giữ kỷ lục về số lượng tác phẩm tượng đài đã được xây dựng và là một trong những họa sĩ có số lượng tranh sơn dầu cỡ lớn nhiều nhất Việt Nam. Là tác giả của hàng chục tượng đài nổi tiếng đã được xây dựng ở khắp mọi miền Tổ quốc, năm 2007, Lê Đình Quỳ đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước với các tượng đài: “Lão dân quân Hoằng Trường”, “Không quân nhân dân Việt Nam” và “Ngã ba Đồng Lộc”… Cũng về lĩnh vực tượng đài, chính tôi đã đề cử với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam làm thủ tục hồ sơ để xác lập và vinh danh cho Lê Đình Quỳ: “Nhà điêu khắc có nhiều Tượng đài về chủ đề chiến tranh Cách mạng nhất Việt Nam”.
Nhưng bằng tác phẩm Mật mã vũ trụ, Lê Đình Quỳ xuất hiện với tư cách là một Nhà nghiên cứu thiên văn. Tôi tin là với những công trình khám phá và phát hiện độc đáo của Lê Đình Quỳ, ông sẽ thật sự tạo bất ngờ và làm rung động những người yêu thiên văn học và vũ trụ trong và ngoài nước. Điều tôi muốn nói trước hết, là không chỉ nước ta, mà ở nhiều nước trên thế giới, đến nay việc nghiên cứu thiên văn và vũ trụ vẫn còn bị coi là thứ “xa xỉ” là phi thực tế và viển vông. Đơn giản thôi: Với cuộc sống hiện thực, thì để tồn tại, trước tiên người ta phải lo bữa ăn, cái mặc, lo học hành và kiếm tiền làm giàu. Đấy là chưa nói đến yêu cầu về kiến thức, về trí tưởng tượng… Bởi thế, rất ít người theo đi theo ngành này, nếu không nói là hiếm hoi.
Lê Đình Quỳ đến với thiên văn và vũ trụ hết sức tình cờ và tự nhiên như một “cơ duyên”. Với tâm hồn của một nhà điêu khắc, một hoạ sĩ tạo hình và đam mê màu sắc, ông đã thực sự rung cảm trước vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên vũ trụ. Lúc đầu, chỉ là tranh thủ thời gian, không gian để tìm hiểu, tự đọc, tự học, tự nghiên cứu. Rồi niềm đam mê lớn dần, tới mức không thể rời xa và dứt bỏ ra được.
Dành 30 năm cho sự đam mê trở thành công trình khoa học
Nhà nghiên cứu Lê Đình Quỳ đã lý giải niềm đam mê của mình: Chỉ có hiểu được cấu tạo Hệ Mặt Trời, nắm được nguồn gốc chính xác của Trái Đất, thì chúng ta mới nắm được quy luật phát sinh, phát triển và hủy diệt của nó. Qua quy luật đó chúng ta mới bảo vệ đúng đắn về môi trường và sự sống của Trái Đất tồn tại lâu dài hơn nữa. Đó là một tư tưởng lớn, mang ý nghĩa nhân văn!
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Lê Đình Quỳ bắt đầu tập trung thời gian, sức lực và trí tuệ cho công trình nghiên cứu Thiên Văn và Vũ Trụ. Ta nên nhớ rằng thời kỳ đó đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, kinh tế đang còn bao cấp, đói kém, hết sức khó khăn, nên chuyện cơm áo đặt ra hàng ngày, không trừ một ai. Việc một cá nhân tự mày mò nghiên cứu Thiên Văn và Vũ Trụ càng bị coi là viển vông và phi thực tế. Nó không mang lại cho anh ta thêm nguồn tem phiếu mậu dịch để sống qua ngày. Nó cũng không khiến người đời dễ dàng đồng cảm và ủng hộ. Nhưng Lê Đình Quỳ vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ và vượt qua tất cả.
Công trình nghiên cứu dần hình thành và hoàn thiện. Lê Đình Quỳ đạp xe đi gõ cửa nhiều nơi và huy động mọi mối quan hệ để tìm cách công bố nó… Sau rất nhiều cuộc vận động, thuyết phục, Lê Đình Quỳ đã may mắn gặp được Giáo sư, Viện sĩ Đặng Hữu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (cơ quan tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ hiện nay). Vị Giáo sư đã rất ngạc nhiên khi nghe nhà nghiên cứu trẻ giới thiệu công trình độc đáo ấy. Dù chưa thật sự hiểu hết, nhưng với tinh thần ủng hộ cái mới, ông đã quyết định lấy uy tín của mình để “bảo lãnh” việc công khai cho công trình của Lê Đình Quỳ. Ngày 13 tháng 11 năm 1984 tại thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên, một cuộc Hội thảo khoa học với chủ đề “Giả thuyết mới về nguồn gốc Hệ Mặt Trời” đã được tổ chức ở Việt Nam…
Nhà nghiên cứu Lê Đình Quỳ và tác giả bài viết năm 2014. |
Đã tròn 30 năm trôi qua, nhưng Lê Đình Quỳ còn nhớ rất rõ: Chủ trì cuộc hội thảo này là Tiến sĩ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Ngọc Sinh. Người phản biện thứ nhất: Giáo sư, Tiến sĩ Thiên Văn Phạm Viết Trinh. Người phản biện thứ hai: Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà Địa vật lý Hoàng Thiếu Sơn. Người phản biện thứ ba: Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Đức - Giám đốc Trung tâm Vật lý Địa cầu và Thiên Văn Việt Nam.
Lê Đình Quỳ với dáng gầy cao, mái tóc dài, mặc bộ quần bò xanh, áo sơ mi trắng kẻ ô ca rô xanh nhạt, say sưa trình bày công trình của mình. Vừa nói, anh vừa cầm phấn viết lên tấm bảng đen những công thức toán học minh họa. Hội trường của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (39 Trần Hưng Đạo, cơ quan tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) hôm ấy chật cứng người nghe và quan tâm. Bài trình bày của Lê Đình Quỳ thỉnh lại bị ngắt quãng bởi những tiếng vỗ tay. Tới phần phản biện, tất những câu hỏi nêu ra đều được anh giải đáp thỏa đáng, thậm chí còn cung cấp thêm nhiều chi tiết và thông tin mới.
Buổi hội thảo đã thành công ngoài dự kiến. Dư âm của nó khiến các cơ quan khoa học phải chủ động mời Lê Đình Quỳ tiếp tục báo cáo, thuyết trình thêm ba lần nữa: Lần thứ nhất, tại Viện Nghiên cứu Khí tượng Thái Bình Dương, do Tiến sĩ Toán Nguyễn Đình Quang chủ trì (năm 1985); lần thứ hai, tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt Xô cho hàng ngàn công chúng yêu Thiên Văn - Vũ Trụ (năm 1987); và đặc biệt là lần thứ ba, tại Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ V trước Tiểu ban Thiên Văn và Vật lý Địa cầu (tháng 3 năm 2001).
Đã 10 năm chờ phản biện, các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn nói gì?
Tính từ năm 1984, sau 20 năm kể từ khi lần đầu tiên Lê Đình Quỳ được phép báo cáo những nghiên cứu của mình qua Hội thảo khoa học cấp Nhà nước, năm 2004 ông quyết định cho xuất bản thử nghiệm công trình ấy thành cuốn sách song ngữ Việt - Anh mang tên “Giả thuyết mới về nguồn gốc hệ Mặt Trời”, với mục đích… chờ ý kiến phản biện.
Vậy nội dung cuốn sách trên viết gì? Và các nhà khoa học đánh giá như thế nào?
Theo Lê Đình Quỳ cho biết: Sau khi đã nghiên cứu các giả thuyết nói về “Nguồn gốc hệ Mặt Trời” của Laplase và Otomit, cùng thuyết “Từ thuỷ động” của Hôin, tôi dựng mô hình giả thuyết này bằng “lịch trình các vụ nổ”, nghĩa là theo hướng “phân rã” chứ không phải “tích tụ”. Để xây dựng giả thuyết mới này, ông đã hệ thống 12 điều bí ẩn của hệ Mặt Trời, rồi tìm ra một nguyên lý mới để giải mã chúng. Ví dụ: Nguồn gốc, khối lượng và nhiệt lượng của Mặt Trời từ đâu sinh ra? Điều kiện vật lý bí ẩn nào đã tạo nên sự sắp xếp kỳ lạ của các Hành Tinh thuộc hệ Mặt Trời? Tại sao những Hành Tinh lớn có tỷ trọng nhẹ lại nằm ở vị trí xa Mặt Trời, những Hành Tinh bé có tỷ trọng nặng lại nằm ở gần Mặt Trời? Lực vật lý bí ẩn nào đã tác động lên các Hành Tinh để chúng chuyển động theo cùng một hướng với chiều tự quay của Mặt Trời có chu kỳ chính xác? Và tại sao các quỹ đạo chuyển động đó lại hơi elip mà không tròn? Tại sao các Hành Tinh lại chuyển động trên cùng một mặt phẳng, trùng với xích đạo Mặt Trời? Trục tự quay của các Hành Tinh tại sao lại có độ nghiêng khác nhau so với mặt phẳng hoàng đạo? Tại sao trong hệ Mặt Trời theo quan sát Thiên Văn thì sao Kim và sao Thiên Vương có chiều tự quay ngược so với chiều quay của các Hành Tinh khác? Tại sao vật chất cấu tạo nên các Hành Tinh có tỷ trọng khác nhau? Tuổi khác nhau? Tốc độ tự quay khác nhau? Từ trường của Mặt Trời và các Hành Tinh do đâu mà có? Lực hấp dẫn giữa Mặt Trời và các Hành Tinh còn phụ thuộc vào một đại lượng vật lý bí ẩn nào? Tại sao trong hệ Mặt Trời, Trái Đất lại có sự sống? Sự sống đó có phải gieo từ Vũ Trụ vào hay không? Hay chính môi trường Trái Đất, Mặt Trời và các Hành Tinh đã tạo ra sự sống?
Hàng loạt câu hỏi làm đau đầu các nhà nghiên cứu Thiên Văn và Vũ Trụ thế giới nhiều thế kỷ nay, đã được Lê Đình Quỳ nêu ra và tự giải đáp.
Sinh thời, Giáo sư Phạm Viết Trinh (nguyên Chủ tịch Hội Thiên Văn Vũ Trụ Việt Nam) rất quan tâm và trân trọng công trình khoa học của Lê Đình Quỳ. Ông là người đã có mặt trong tất cả những cuộc thuyết trình của nhà nghiên cứu trẻ. Năm 2000, Giáo sư Phạm Viết Trinh đã giới thiệu và kết nạp Lê Đình Quỳ vào Hội Thiên Văn và Vũ Trụ Việt Nam. Bốn năm sau, Giáo sư đã trực tiếp viết lời giới thiệu cho phiên bản in thử nghiệm cuốn sách Giả thuyết mới về nguồn gốc Hệ Mặt Trời của Lê Đình Quỳ và hết lời ca ngợi tác giả cuốn sách: “Tôi đánh giá cao tinh thần hăng say lao động khoa học của ông Lê Đình Quỳ, tâm đắc với ý tưởng của ông về nguồn gốc hệ Mặt Trời được bắt đầu từ các vụ nổ. Thiên Văn học là khoa học nghiên cứu các thiên thể, cấu trúc của hệ thiên thể và là quy luật tiến hoá nói chung của vật chất trong Vũ Trụ. Nó là một khoa học được ra đời sớm bậc nhất và hiện nay vẫn là một mũi nhọn của khoa học hiện đại. Vũ Trụ mênh mông, huyền bí, hấp dẫn”.
Hàng ngàn phiên bản in thử nghiệm cuốn sách Giả thuyết mới về nguồn gốc hệ Mặt Trời của Lê Đình Quỳ đã được phát hành rộng rãi. Một số bản đã được gửi ra nước ngoài, trong đó có Liên Xô (cũ) và cả quê hương của tác giả lý thuyết “Vụ Nổ Lớn” (Big Bang) nổi tiếng thế giới… Cũng cần phải nói thêm: Ngay từ năm 1985, nghĩa là sau khi Lê Đình Quỳ báo cáo công trình nghiên cứu của mình với Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước một năm, nội dung nghiên cứu của anh đã được công bố trên sóng của Đài Phát thanh Moskva. Sau này, khi phiên bản in thử nghiệm cuốn sách Giả thuyết mới về nguồn gốc hệ Mặt Trời ra đời, thì một phần của tác phẩm cũng đã được Hội Thiên văn Trẻ Việt Nam giới thiệu trên website www.thienvanvietnam.org… Nhưng cho đến nay, sau 30 năm báo cáo công trình khoa học nói trên và 10 năm tròn công khai hóa và minh bạch kết quả nghiên cứu này, tác giả vẫn chưa nhận được một ý kiến trái chiều nào.
Bởi thế, nhằm ngày đẹp trời đầu tháng 5 năm 2014, nhân dịp sinh nhật tròn tuổi 75 của mình, thông qua Nhà Xuất bản Công an nhân dân, Nhà nghiên cứu Lê Đình Quỳ đã chính thức cho công bố công trình Mật mã Vũ Trụ (còn được gọi là Giả thuyết mới về nguồn gốc Vũ Trụ và Hệ Mặt Trời bằng song ngữ Việt - Anh.
Hà Nội, cuối tháng 4 năm 2014