Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An: Muốn làm cán bộ, phải có dũng khí
Trong lời tôn vinh nhân dịp trao giải thưởng Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục cho ông Nguyễn Sự cuối tháng 3/2012, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh: “Là một nhà lãnh đạo có quan hệ rất rộng rãi và thân thiết với nhiều nhà khoa học uyên bác, nhiều nhà văn hóa - giáo dục tâm huyết, lại gắn bó sâu sắc với nhân dân trong đời sống hằng ngày, Nguyễn Sự đã thật sự thu hút được về mình cả tầm cao và chiều sâu trí tuệ và tâm hồn của họ, để trở thành người truyền cảm hứng cho Hội An, một trong những không gian văn hóa độc đáo của nước ta ngày nay…”.
Tôi đã có dịp được trò chuyện với Nguyễn Sự từ năm 2007, sau khi ông được tôn vinh Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi Mới. Ông đã tiếp tôi cùng nhà văn Trần Kỳ Trung trong phòng làm việc chung khá rộng và rất ồn ào ở cơ quan và đã rủ rỉ tâm sự mọi điều mà tôi muốn biết. Mới gặp lần đầu nhưng phong cách của ông không hề có gì khách khí mà rất chân tình, giản dị, như thể gặp người tâm giao từ lâu… Những điều mà ông đã nói với tôi hôm đó cho tới giờ vẫn rất sống động và mới mẻ…
- Hồng Thanh Quang: Tôi có nghe nói ông từng là người lính của chiến trường K, có đúng vậy không ạ?
- Ông Nguyễn Sự: Ban đầu tôi làm giáo viên dạy môn tự nhiên. Nhưng tới năm 1976, năm có đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên của miền
- Và ông không cảm thấy hối tiếc vì quãng thời gian ở trong quân ngũ?
- Sao lại hối tiếc? Quãng 7 năm ở bộ đội đã tôi luyện cho tôi hiểu ra mọi thứ, ngộ ra nhiều điều và trong đó ngộ ra được một điều rất quan trọng là, kể cả mình là một ông quan chức hay một người dân thì vẫn phải sống như thế nào để sau này mình không cảm thấy tự xấu hổ về mình. Và quan trọng hơn nữa, mình không được làm điều gì để sau này phải xấu hổ với con cái mình.
- Theo tôi hiểu, với một người đàn ông, thời gian ở trong quân ngũ dài lâu hay ngắn ngủi là tùy hoàn cảnh từng người, nhưng đã ở trong quân ngũ là đã được rèn luyện để nhìn cuộc đời một cách đúng đắn nhất, để hướng thiện. Với ông, điều đó giúp được những gì trong công việc hiện nay?
- Giúp được nhiều lắm. Đã ở trong quân ngũ rồi thì mình biết, anh em, đồng chí là phải cư xử tốt với nhau; hoàn cảnh nhà binh càng làm sâu đậm thêm tình đồng chí, tình anh em, buộc mọi người xung quanh phải tốt với nhau, không thể có cách nào khác được. Cái thứ hai, những người lính với nhau thì không so đo hơn thiệt, miễn là cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Thứ ba, nói cho cùng, cuộc đời nó cũng rất là đơn giản thôi, mọi người sống chung quanh mình cũng như mình, vẫn chỉ có một ba lô, vẫn một chiếc giường, không anh nào sang trọng hơn anh nào…
Tất cả những điều đó nó tôi luyện con người sống đúng với bản chất và làm việc gì cũng đến nơi đến chốn. Anh phải làm thế nào đó để không gây phiền lòng cho mọi người xung quanh… Đấy chính là cái nền tảng mà cuộc đời bộ đội đã tạo cho tôi để tôi tiếp tục đi tới.
- Đúng, ông nói rất đúng. Tức là muốn tôi luyện con người thì phải buộc vào gian khó. Không thể tôi luyện bản lĩnh của con người trong sung sướng được và chính vì thế, quân đội là môi trường thích hợp nhất để tôi luyện con người. Từ chuyện này, tôi lại muốn liên tưởng đến một số cách làm du lịch. Nếu đây là điểm du lịch cho con người thư giãn thì phải tạo đủ tiện nghi. Nhưng nếu đó là điểm du lịch để hành hương thì không nên chiều theo tất cả nhu cầu bình thường và không nên tạo ra những gì êm ái quá. Tôi muốn nói thế này, nếu ta đi hành hương lên những chỗ linh thiêng thì ta cần phải trải qua từng ấy bậc đá cheo leo, phải tự đi bộ từng ấy bước thì mới tiếp cận được ý nghĩa của cái thâm sâu ở nơi hành hương. Nhưng nếu thay vào đó lại là những cái cáp treo thì điều này đôi khi tưởng là hay, nhưng lắm lúc lại rất không có lợi cho việc hành hương. Ông có nghĩ như thế không?
- Anh nói thế cũng đúng. Tôi nghĩ rằng mỗi nơi phải làm du lịch theo đúng cách thích hợp nhất với điều kiện của mình. Xuất phát điểm khác nhau thì phải làm du lịch theo những cách khác nhau. Tôi nghĩ, Hội An xuất phát điểm là một nền văn hóa vật thể, tức là khách du lịch đến Hội An thoạt đầu là để khám phá khu phố cổ. Nhưng rồi đến Hội An càng nhiều thì người ta lại càng thích thú không chỉ về mặt kiến trúc của phố Hội, vì chỉ cần đi vài ngày là hết khu phố cổ đó. Khách du lịch thích ở Hội An cả một cái gì đó rất là lung linh, không chỉ bằng những đèn lồng mà sự lung linh ở đây lại thấm vào lòng họ từ nếp sống của người dân Hội An, từ cách hành xử của người dân Hội An. Điều này cực kỳ quan trọng để khách du lịch đến Hội An lại có cảm giác như được trở về nhà của họ. Một cảm giác rất yên bình và thân thiện…
- Nếu so với thời ông còn nhỏ, thời ông còn trẻ, ông có cảm thấy Hội An đã đổi khác nhiều không? Ông có cảm thấy tính cách, phong cách ứng xử của người Hội An có thay đổi nhiều hơn trong quá trình tăng trưởng du lịch?
- Chuyện là như thế này: Tôi sinh ra ở vùng quê Cẩm Thanh, cách trung tâm thành phố đây khoảng 4 cây số. Rồi lớn lên tôi vào học ở Trường Trần Quý Cáp, cũng được tiếp xúc nhiều nhưng lúc đó cũng không để ý nhận xét gì lắm. Sau khi đi bộ đội, trở về Hội An với tư cách cán bộ lãnh đạo, thì mình mới có thời gian mà ngẫm lại, nhìn lại. Mình mới thấy rằng, việc thay đổi là không thể tránh khỏi, có những cái thay đổi nhanh chóng. Duy chỉ có một điều tôi thấy rằng từ khi tôi còn nhỏ đến giờ vẫn không thay đổi: nếu ở các đô thị khác thì nhà nào nhà nấy cửa đóng then cài nhưng ở Hội An thì việc đó hoàn toàn không có.
Ở Hội An từ xưa đến giờ, một việc nào đó xảy ra ở trên phố này, thì ngày mai, tới quán cà phê là ta biết liền. Không phải người ở đây hay “buôn dưa lê” đâu, mà đơn giản là người Hội An rất quan tâm tới nhau. Nếu nhà ai đó hôm nay có một ông nào đó bị đau ốm và qua đời, thì mọi người quen biết với ông ấy sẽ biết tin ngay dù gia đình chưa đi đưa tin; và ai đã quen với người quá cố, dù chỉ sơ sơ thôi, thì đều sẽ cố gắng tới tập trung để đưa ma, dù gia đình người đã chết chưa biết đó là ai… Hôm nay anh làm việc gì tốt hay việc gì xấu ở Hội An thì ngày mai người ta cũng biết ngay… Nhưng như vậy không phải ở đây người ta nhiều chuyện mà là người ta rất quan tâm đến nhau. Điều đó hiện nay vẫn tồn tại trong Hội An này.
- Đó là nếp sống làng mạc, xóm mạc, chứ không phải phố thị theo cách hiểu thông thường…
- Nhà ở Hội An không bao giờ cửa đóng then cài. Còn người Hội An, bây giờ có nhiều người giàu lắm nhưng dù giàu có đến cỡ nào cũng không hợm hĩnh, không thể hiện là mình rất giàu có. Thậm chí có việc ở Hội An người ta làm từ thiện có thể hàng mấy trăm triệu đồng nhưng người ta vẫn không nói tên ra. Nếu thấy việc cần giúp những hoàn cảnh khó khăn là họ đóng góp nhưng họ không muốn tuyên truyền tên của họ và số tiền họ đóng góp, họ chỉ cần sự đóng góp của họ đến được địa chỉ thực sự cần thiết.
Nếp sống yên bình ở Hội An còn tạo cho con người ở đây cái tính không thích mạo hiểm, người ta chỉ làm những gì người ta biết chắc. Tôi còn nhớ, hồi mới phát triển du lịch ở Hội An, khi Công ty Du lịch Hội An tuyển nhân viên vào làm khách sạn thì không ai đi làm cả. Bởi người dân họ nghĩ là vào khách sạn làm là phải thế này thế nọ, nên dù thất nghiệp, họ cũng không vào làm. Chỉ khi đã tìm hiểu rõ là làm lễ tân khách sạn là như thế nào, làm nhân viên dọn phòng là như thế nào thì người Hội An mới xin vào làm… Nói thật, tôi làm lãnh đạo chủ chốt ở đây đã 13-14 năm, từ Chủ tịch đến bây giờ làm Bí thư, nhưng tôi chưa thấy có trường hợp nào ở Hội An bị phá sản. Bí quyết đơn giản là: cái gì không chắc thì không làm.
- Theo ông, nhờ những điều kiện khách quan nào mà người Hội An giữ được những nét tính cách như ông vừa nói? Nhờ địa lý, vật lý hay có một cái gì đấy theo kiểu địa linh nhân kiệt đặc thù ở đây?
- Chuyện này nếu lý giải rành rẽ thì có lẽ sẽ là hơi dài một chút. Trước hết, Hội An cách đây 300 - 400 năm là một thương cảng, mở cửa giao lưu kinh tế với các nước rồi, mà giao lưu rất quyết liệt đấy. Tàu thuyền nhiều nước ra vào cảng Hội An. Văn hóa nhiều nước cũng thâm nhập vào Hội An. Bản thân người Hội An tiếp thu tất cả những thứ đó một cách có chọn lọc và biến những cái tinh hoa nhất thành cái của Hội An và của Việt Nam. Phải nói rằng, cách đây 300 - 400 năm, các cụ đã thể hiện bản lĩnh rất vững rồi, dù rằng giao lưu với rất nhiều nước trong điều kiện như vậy nhưng vẫn giữ được mình, và làm giàu có mình hơn, lấy những cái của bên ngoài làm giàu cho mình.
- Cách đây độ khoảng 400 năm, cư dân ở Hội An là những người dân bản địa hay là những người từ các vùng khác đến đây sinh cơ lập nghiệp?
- Hội An có mấy đặc điểm như thế này: Thứ nhất, những người đầu tiên tới đây dựng làng lập phố nguồn gốc cũng từ ngoài Bắc vào. Thứ hai, văn hóa Hội An được hình thành từ tầng văn hoá rất sâu, từ văn hoá Chămpa, Sa Huỳnh… Tại đây cũng có bộ phận người Hoa rất lớn cư trú, đặc biệt ở trong khu phố cổ. Thời Chúa Nguyễn đã có cả phố Nhật… Mọi người đã chung sống với nhau rất hoà bình.
Một đặc điểm nữa của Hội An là, phố và làng không cách xa nhau mấy. Ở phố thì như anh biết, phố là văn minh, nó sẽ phát triển. Nhưng đặc điểm văn hoá Làng Hội An rất mạnh mẽ, chính cái văn hoá Làng nó níu kéo sự phát triển văn hoá Phố ở chừng mực thỏa đáng. Và cũng chính cái Phố này, cái nếp sống thị dân này lại lôi kéo phát triển văn hoá Làng để không lạc hậu. Thành ra, người trong phố ra vùng nông thôn thì anh biết người đó là người trong phố; nhưng khi người nông thôn ra phố thì anh lại không biết đó là người nông thôn. Hai điều đó bổ sung cho nhau để Hội An phát triển một cách lâu bền.
- Phát triển nhưng vẫn rất nền nếp…
- Đó chính là sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Và chính điều đó đã tạo nên đặc điểm tính cách của người Hội An. Bây giờ trong khu phố cổ vẫn còn không ít gia tộc sống theo kiểu tứ đại đồng đường, tức là bốn thế hệ đều sống chung trong một ngôi nhà. Sống như thế, sáng mở mắt ra anh đã thấy ngay bàn thờ tổ tiên, dù không bị buộc phải thắp hương nhưng anh cũng thêm phần ý thức gắn bó với cộng đồng. Và nếu anh lỡ làm việc gì sai quấy thì về nhà, nhìn thấy những người thân của mình, anh sẽ cảm thấy thêm xấu hổ bội phần…
Hội An đã có thời kỳ gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn, người dân phải bán đi nhiều thứ để mưu sinh nhưng họ dứt khoát không bán hoành phi câu đối, không dỡ nhà bán đi… Tất nhiên, cuộc sống bây giờ đã có nhiều thay đổi, văn minh hơn. Nhưng chúng tôi vẫn có điều nghĩ ngợi là làm sao để lớp trẻ bây giờ vẫn tự hào về mảnh đất đã sinh ra chúng như những thế hệ đi trước. Chúng phải tự hào về nếp sống truyền thống của người Hội An và bản thân phải cảm thấy có trách nhiệm với nó…
- Ở Hà Nội, theo những gì tôi biết, có một vấn đề rất khó giải quyết là, làm sao ở trong những điều kiện vật chất cổ kính mà lại sống được theo kiểu hiện đại. Cực khó! Theo ông, ở Hội An có cách làm nào tương đối ổn thỏa không? Làm thế nào vẫn giữ được những ngôi nhà cổ nhưng lại vẫn có được những tiện nghi của nền văn minh đương đại? Nên kết hợp hai yếu tố này như thế nào?
- Vấn đề anh vừa đặt ra cũng là điều mà anh em lãnh đạo thành phố chúng tôi đang rất trăn trở. Chúng ta đang sống ở thế kỷ XXI nên ngôi nhà dành cho nếp sinh hoạt của thế kỷ XVIII- XIX dĩ nhiên là không đáp ứng được các yêu cầu của chúng ta. Vậy nên chúng tôi cũng cho phép cải tạo lại những công trình phụ trong những ngôi nhà cổ, thậm chí cả phòng ngủ, cho thích hợp với điều kiện hiện đại, nhưng không được phá vỡ cấu trúc cũ. Người dân Hội An đã chấp nhận điều này…
Thứ hai, đối với những người dân có nhu cầu ra sống ở bên ngoài để lưu giữ những ngôi nhà cổ nguyên trạng thì chúng tôi cũng sẵn sàng cấp đất cho họ. Nói cho cùng, cần phải làm cho người dân hiểu được rằng, lưu giữ được càng nguyên bản những ngôi nhà cổ là chúng ta càng lưu giữ được di sản văn hóa của cha ông và cũng là lưu giữ nguồn lợi kinh tế chung của Hội An. Hai cái này khác nhau nhưng thực ra lại hòa quyện làm một.
- Điều đó rất quan trọng…
- Nếu Hội An mất phố cổ thì không ai đến đây làm gì nữa. Không chỉ cần làm cho người dân hiểu điều này mà phải làm cho họ có được lợi ích từ ngành du lịch ở phố cổ.
- Chính quyền Hội An đã làm như thế nào để được như thế? Tại Hà Nội chẳng hạn, theo những gì tôi biết, lắm khi khu vực được gọi là phố cổ bị khai thác khá mạnh, thí dụ để làm chợ đêm chẳng hạn, nhưng những người dân cư trú ở chính đấy lại không được hưởng mấy lợi ích. Vì thế không ít người họ không chấp nhận cách bảo tồn phố cổ như thế. Vậy ở Hội An đã làm cách nào để thực sự cho người dân nhìn thấy rất rõ rằng, nếu họ gìn giữ những ngôi nhà cổ của họ một cách cẩn trọng và chi tiết thì họ thực sự có lợi nhỡn tiền?
- Chúng tôi quảng bá di tích để cho khu phố cổ đông khách. Và tại đấy, cho phép người dân kinh doanh rộng rãi, chỉ cấm những mặt hàng làm mất mỹ quan chung thôi. Khách du lịch sẽ tới những nơi như thế, tập trung ăn uống, mua hàng lưu niệm. Và chủ nhân của những ngôi nhà như thế sẽ được lợi. Và một khi họ càng phát đạt thì họ càng có trách nhiệm trong việc bảo vệ các di tích.
Ngay cả đối với nhà tầng trệt trong hẻm mà khách du lịch ít khi vào thì nếu họ muốn kinh doanh, họ cũng phải gìn giữ ngôi nhà cổ của mình giống như nhà mặt phố. Và một khi họ chấp nhận yêu cầu này thì chúng tôi cũng cho phép họ ra vỉa hè đầu hẻm buôn bán. Vậy là ngay cả những người ở trong hẻm cũng được hưởng lợi vì khu phố của họ hấp dẫn khách du lịch nhờ bảo tồn tốt các di tích.
Thực tế hiện nay, tôi không dám nói tất cả nhưng rõ ràng là những nhà ở mặt tiền đều giàu lên, có thể là do bản thân anh tự kinh doanh, có thể là do anh cho thuê cửa hàng. Mới hôm qua thôi có một cô giáo thuê một cái nhà mà người ta yêu cầu phải trả 5 năm, trả luôn một lần là 360 triệu đồng, diện tích chỉ có 20 mét vuông thôi. Và như vậy nếu anh có một căn nhà trong khu phố cổ cho thuê kinh doanh là bán sách thôi với giá 360 triệu đồng trong 5 năm, thì với số tiền đó anh có thể ra ngoài mua đất xây nhà để sống đàng hoàng, mà căn nhà trong phố cổ vẫn là của anh. Nói thật với anh, phát triển du lịch ở bất cứ nơi nào, chứ không chỉ trong phố cổ mà anh, nếu anh chỉ mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư và chủ dự án không thôi thì đảm bảo du lịch sẽ không bền vững.
- Rất đúng!
- Muốn phát triển bất cứ một dự án du lịch nào thì cũng phải tính tới việc, cộng đồng xung quanh anh, những người dân sở tại sẽ được lợi gì từ dự án ấy. Cái đó mới là cái bền vững nhất, lâu dài nhất. Chính cái cộng đồng sở tại ấy sẽ gìn giữ môi trường này, gìn giữ tất cả những gì mà bản thân trong dự án của anh không có hay không đáp ứng được, như cảnh quan, môi trường, nếp sống. Kể cả vấn đề trật tự người ta cũng tự giữ, vệ sinh người ta cũng tự giữ vì họ được hưởng lợi từ đây. Một khi anh là chủ đầu tư, anh thu được triệu đồng thì tôi cũng phải thu được trăm nghìn đồng từ những dịch vụ khác. Đó, vấn đề là như vậy.
- Tức là theo tôi hiểu thì trong thành phố Hội An, chính quyền đã tạo được một nếp làm việc để cái lợi của từng cá nhân cũng mặc nhiên mang đến cái lợi chung của cộng đồng và cái lợi chung của cộng đồng cũng được điều hoà để từng cá nhân được lợi. Và điều này không những tác động đến những người làm kinh doanh du lịch mà tác động đến ngay cả các cán bộ chính quyền viên chức của thành phố. Bởi vì sao? Vì những viên chức hiểu rằng, thực sự làm tốt cho cái chung có lợi thì tôi cũng có lợi cá nhân, dân giàu thì người góp phần tạo điều kiện cho dân làm giàu cũng mát mặt chứ! Có đúng không ạ?
- Đúng thế!
- Làm cách nào mà chính quyền Hội An điều hoà được các mâu thuẫn cũng như thói quen quan liêu cố hữu của bộ máy viên chức? Làm thế nào mà chính quyền Hội An đã tạo dựng nên được cách tư duy cho viên chức: tôi sẵn sàng thông thoáng các thủ tục để cho dân làm ăn phát đạt dù tôi không được cái gì cụ thể trao vào tay ngay nhưng tôi biết rằng, một khi người dân làm ăn phát đạt thì chắc chắn tôi cũng được hưởng lợi từ việc đó một cách trực tiếp và nhanh chóng?
- Tôi xin phép được nói thế này, ở Hội An chúng tôi, muốn làm cán bộ phải có dũng khí: một khi anh đã nhận cương vị này thì anh cần phải hiểu rằng lương anh chỉ có ngần ấy thôi nhưng anh vẫn phải luôn làm tốt chức trách của mình. Phải có dũng khí thì mới làm cán bộ. Phải có bản lĩnh để chịu đựng.
Cá nhân tôi không yêu cầu anh em cán bộ phải sống một cách kham khổ đâu, anh em giàu lên là mình mừng, nhưng không có nghĩa đặt ra lệ mặc nhiên rằng, tôi cấp cho anh một cái giấy kinh doanh để anh làm giàu lên 1 tỷ thì tôi cũng phải có năm bảy chục triệu tiền đâu. Điều đó dứt khoát không, và nếu có đi chăng nữa thì đó là chuyện lén lút cá nhân ở đâu đấy chứ chúng tôi dứt khoát không chịu công nhận cái lệ không thành văn đó. Không chỉ tôi mà hầu như tất cả các cán bộ ở Hội An đều có quan niệm như thế.
Tôi vẫn nói rằng, nếu anh thấy làm việc trong bộ máy nhà nước không đủ sống và anh cần bung ra thì anh cứ bung ra, tôi sẵn sàng “chiều”. Nhưng nếu anh chấp nhận vào làm ở cơ quan nhà nước rồi thì anh phải xác định rằng, đồng lương của anh chỉ chừng đó thôi, không có cách nào khác. Vào làm trong cơ quan nhà nước không phải để mưu cầu lợi ích cá nhân “ngoài luồng”… Tôi muốn thử lý giải, tại sao lại còn tệ nạn nhũng nhiễu, tôi chỉ mới nói tới chuyện nhũng nhiễu thôi chứ chưa nói tới chuyện tham nhũng.
Theo tôi, người ta phải làm kinh tế xong rồi mới nên đi làm chính trị. Nếu còn tình trạng kiếm tìm một vị trí nào đó trong bộ máy công quyền để tìm kiếm lợi ích kinh tế thì tất yếu tệ nạn nhũng nhiễu, tham nhũng vẫn còn. Cái đó là bi kịch đối với người dân. Nếu tôi biết được trong bộ phận mà tôi điều hành có hiện tượng đó thì tôi sẽ xử lý rất kiên quyết.
- Tức là ở trong bộ máy điều hành hiện nay ở Hội An, trong giai đoạn hiện nay, thì với phương châm của anh, làm cán bộ tức là phải dám dấn thân, tức là mình phải có ham muốn cống hiến cho cộng đồng, chứ không phải bây giờ làm cán bộ để làm giàu?
- Đúng, quan niệm của anh em chúng tôi là như vậy.
- Ở các địa phương khác, đồng lương viên chức nhà nước rất khó đáp ứng với nhu cầu mức sống trung bình của xã hội. Vậy tại Hội An, với điều kiện làm ăn kinh tế có rất nhiều người giàu thì làm thế nào ông giữ được tâm lý ổn định cho các cán bộ của mình, nếu như chính quyền không có cách gì khác để tự cải thiện mức sống của cán bộ chúng ta một cách chính đáng, để họ có thêm điều kiện tận tụy hơn với công việc của họ?
- Tôi biết là ở Hà Nội thì khác, ở thành phố Hồ Chí Minh cũng khác, nhưng ở Hội An thì với đồng lương viên chức của mình, chúng tôi cũng đủ sống. Thực ra, đã làm cán bộ thì anh phải biết tự làm vừa lòng với mình, tôi nói, phải biết tri túc!
- Vâng, đúng rồi, “tri túc thường túc, chung thân bất nhục”…
- Anh phải tự biết thế nào là đủ! Nói thật, nếu bây giờ một tháng anh thu một tỷ đồng đi chăng nữa nhưng nếu ham muốn của anh ghê gớm lắm thì anh vẫn cảm thấy thiếu. Phải biết “tri túc” thôi. Không chỉ nhìn lên mà phải nhìn xuống nữa. Như ở xã Cẩm Thanh quê tôi, 95% số gia đình có công với cách mạng, 70% là gia đình liệt sĩ. Tôi nhìn những gia đình liệt sĩ đó và tôi nhìn những cán bộ từ thời kháng chiến bây giờ về hưu, có thu nhập rất thấp, thì phải thấy rằng, bây giờ mình đang sướng gấp nhiều lần các đồng chí ấy. Thậm chí có những Bà mẹ Việt
- Tôi rất hiểu tâm tư của ông. Bởi vì ông đã được rèn luyện trải qua nhiều sự như thế nên ông mới tư duy như thế. Nhưng làm thế nào để những thế hệ tương lai của chúng ta, được trưởng thành trong những điều kiện thuận lợi gấp nghìn lần chúng ta ngày xưa, mà vẫn có thể hiểu được như ông, tư duy như ông? Theo ông có thể làm như thế nào? Những đứa con của ông chẳng hạn, làm thế nào để truyền cái nhiệt huyết của ông, cảm quan của ông về cuộc sống này, cái tâm lý tri thức của ông về cuộc sống này để cho các cháu, để cho thế hệ mới của Việt
- Bây giờ phải nói như thế này: Tôi nghĩ rằng, các cháu thế hệ sau này có đủ điều kiện, đủ trí tuệ, đủ khả năng làm giàu một cách chính đáng, nhưng phải hiểu giá trị của đồng bạc như thế nào, và bản thân cái lớp người sau này khi đã giàu lên rồi thì phải hiểu trước đó đã ra sao. Một mặt chúng ta khuyến khích con cái mình làm giàu, nhưng mặt khác cũng phải giúp chúng hiểu rõ hơn về quá khứ, về những giai đoạn đã qua. Để chúng hiểu rằng, những người đi trước cũng đã làm hết sức của họ, đã sống rất xứng đáng với thời của họ và rất xứng đáng được kính trọng. Nói thật, tôi vẫn cứ nghĩ rằng việc giáo dục lịch sử của chúng ta hiện nay vẫn chưa ngang tầm nhiệm vụ… Nhưng thôi, đó là chuyện ở tầm vĩ mô.
- Ông có nghĩ rằng, ông đang là một trong những người mơ mộng cuối cùng của Hội An không, trong cách nhìn về vấn đề rồi cách xử lý và cả cách sống của ông nữa? Ông có nghĩ rằng ông vẫn là con người của những trang sách của một thời giàu có về lý tưởng và không quá coi trọng vật chất?
- Anh Quang ạ, có lẽ ở Hội An không chỉ còn một mình tôi như thế đâu, còn rất nhiều người như vậy. Và tôi nhìn lại những anh lãnh đạo cũ của Hội An, nay các anh ấy đã về hưu rồi, bây giờ tôi cũng xúc động. Cũng ở vị trí như tôi bây giờ, mà họ đã phải vô cùng khổ, nhưng đều đã tận tâm hoàn thành chức phận của mình.
- Thông thường đội ngũ cán bộ của chúng ta thường phấn đấu làm tốt chức trách hiện tại của mình để thăng tiến trong tương lai. Nếu được lên chức, anh muốn được làm công việc gì?
- Nói thế này không phải là tôi không muốn tiến bộ đâu, nhưng từ không chỉ một năm nay, tôi đã ngộ ra rằng, công việc nào mình làm được tốt nhất thì mình nên cứ làm công việc ấy. Điều quan trọng nhất đối với một con người không phải là cái ghế anh ngồi như thế nào, mà là làm sao anh xứng đáng với nó.
Bây giờ, khả năng của tôi chỉ làm được trong phạm vi như thế này, nếu đưa tôi lên nữa mà tôi không làm được, thì vị trí đó có là gì đi chăng nữa thì tự bản thân mình cảm thấy xấu hổ. Do đó, tôi nói thật với anh, bây giờ tôi không nói là không ham muốn thăng tiến nhưng tôi ở tầm tầm như thế này, điều kiện, môi trường như thế này thì tôi sẽ làm được, nhưng đưa tôi đi đến một nơi khác thì tôi không làm được.
- Chưa chắc tôi làm được, chứ không thể nói là không làm được. Biết đâu ông sẽ làm được và làm tốt… Và chuyện đó là của tổ chức chứ đâu phải do chúng ta tự quyết định...
- Ngày xưa có lần tôi nói đùa rằng, nếu Cù lao Chàm của Hội An mà tách ra thành huyện đảo thì tôi sẽ xung phong ra ngoài đó làm lãnh đạo 5 năm để góp phần cải thiện môi trường và phát triển du lịch... Mơ ước đơn giản thế thôi! Mà tôi không mơ ước cho riêng tôi mà cho một địa phương. Nếu Cù lao Chàm phát triển được, thì dù tôi ở vị trí nào, thậm chí chỉ là một anh tổ trưởng tổ dân phố thôi cũng đã sướng cái đời nông dân này lắm rồi (cười sảng khoái)…