Những thế kỷ quanh tôi
Khi đó, năm 1960, tôi là cô bé mới 14 tuổi, đang học vẽ tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Trường nằm ở 42 phố Yết Kiêu, nên thay vì hồi xưa gọi là Trường Mỹ thuật Đông Dương, sau gọi là Trường Mỹ thuật Hà Nội, chúng tôi gọi là Trường Mỹ thuật Yết Kiêu cho phân biệt với Trường Mỹ thuật Công nghiệp ở Đê La Thành, Ô Chợ Dừa.
Hằng năm, chúng tôi được cho đi thực tế về nông thôn, sống cùng các gia đình nông dân, ăn ngủ tại nhà họ, rồi theo họ đi làm, cũng lội xuống ruộng gặt lúa, gánh lúa, đẩy xe bò, quét nhà, quét sân, gánh nước, vớt bèo hoa dâu, băm bèo, .v.v...
Sau ít ngày lao động, chúng tôi bắt đầu được đi vẽ. Chúng tôi tản ra khắp làng, khắp cánh đồng, đứa vẽ nếp nhà dưới bụi tre, vẽ cánh đồng lúa, ngôi nhà với đống rơm, con gà, con trâu, con bò; rồi ký họa các em bé, các ông, các bà nông dân đang gánh lúa, gặt lúa, hay cấy lúa, gieo mạ, tùy theo mùa vụ; vẽ các cô gái e thẹn đội nón, khăn trùm đầu, người khỏe mạnh, ngực căng tràn, má đỏ hây hây. Ôi, muôn vàn thứ lạ lẫm, hấp dẫn ở vùng quê để chúng tôi tha hồ vẽ!
Kia là cổng làng, rêu phong cổ kính, kia là con đường làng, gạch đỏ mòn vẹt theo những vết chân bao đời qua lại. Rồi giếng nước giữa làng, các cô gái giặt giũ, kéo nước từ giếng lên, nước trong vắt, mát rượi. Tàng cây rủ bóng, ánh nắng lung linh rớt những giọt vàng xuống ngọn cây, rơi lấp lánh trên tóc, trên áo, trên thành giếng và lấp loáng dưới lòng giếng, đan xen màu xanh ngăn ngắt, màu rêu trên gạch đỏ, màu đá xám.
Những người nông dân đang vừa kéo nước, giặt giũ, tắm gội, vừa râm ran nói chuyện. Chúng tôi tản ra khắp nơi, đứa âm thầm đứng chăm chú vẽ trâu bò, đàn lợn, bầy gà; đứa tỉa tót bụi khoai nước; đứa nhờ cụ ông hay cụ bà ngồi im để ký họa bột màu, thuốc nước, chì than...
...Ngày ấy, Hà Nội rất nhỏ. Ra đến vùng Thụy Khuê - Bưởi đã là xa, bên sông Tô Lịch đã là ngoại thành, đầy ruộng lúa, đường đất, trâu bò. Năm thứ nhất, chúng tôi thực tập ở làng Mọc (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), đã gọi là "nông thôn".
Ở làng Mọc, quê gốc nhà văn Nguyễn Tuân, người bạn thân thiết của bố tôi - nhà văn Kim Lân. Vào một buổi sớm, đang lang thang đi vẽ, bỗng vấp phải một vật dưới chân, đứng sững lại, cúi xuống nhìn: một pho tượng nằm lăn lóc bên bờ ao, mép bên kia là ruộng lúa, pho tượng lấm bùn đất, chắc bị vứt bỏ ở đây từ lâu.
Đó là pho Thị Giả, hai tay giơ lên cầm tấm khăn điều, mặt phấn hồng rạn theo năm tháng, mắt đen láy, môi cắn chỉ, vành khăn cuốn trên đầu, thắt lưng, áo chùng tầng tầng, lớp lớp buông rủ trên váy đen, đi hài mũi đỏ, sơn mài màu then đen, màu son đỏ thắm, xanh lục, vàng thư, thấp thoáng đôi chỗ dát vàng, nước sơn son thiếp vàng đã được che phủ thấm đượm một màu mà chỉ có thể gọi là "Màu thời gian" - Màu trầm mặc linh thiêng bao đời thấm đượm bởi mưa, bởi nắng, bởi gió, bởi hơi ấm của con người, với lòng tôn kính hướng tới. Một loại màu mà chỉ bao kiếp người đã qua, được thời gian thấm đẫm tạo nên mà không một nghệ nhân nào làm được.
Tôi đứng như chết trân. Mặc dù bị bùn đất bám vào, có đôi chỗ đã bị xây xát, tượng vẫn ngồn ngộn một vẻ đẹp như trêu ngươi, thách thức.
Tôi run run cúi xuống, nâng bức tượng lên, bức tượng nhìn tôi, tôi nhìn bức tượng, tưởng như tôi đang quay lại mấy trăm năm trước để hòa hồn mình vào tượng. "Chúng tôi" đã gặp nhau.
Tôi nâng niu, từ tốn tắm cho pho tượng, màu sắc, hình hài thắm đượm lộ dần ra, khuôn mặt ửng hồng, mắt lá răm long lanh, môi thắm mỉm cười nhìn tôi. Tôi ngồi xuống bờ ruộng, hai tay ôm pho tượng vào lòng, bỗng hiểu rằng đời tôi đã sang trang mới, một niềm say mê, yêu thương, tôn kính lan tỏa khắp toàn thân.
Tâm hồn tôi tràn vào pho tượng, vào hồn cốt của tổ tiên dân tộc, tôi đã lặng ngồi bên bờ ruộng, hai tay ôm pho tượng vào lòng mình thật lâu - một tuyệt tác của cha ông bị vứt lăn lóc bên đường. Tôi đã tìm được pho tượng hay pho tượng đã tìm được tôi - để rồi mở đầu cho một mối lương duyên gắn chặt, đi suốt cuộc đời tôi đến tận bây giờ.
Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này của cha ông. Hóa ra điêu khắc, tượng, chạm khắc gỗ ở nước ta đã có hàng nghìn năm, tượng gỗ mộc chạm trên các đình, chùa, nhà cửa, đến tượng to, nhỏ được sơn son thiếp vàng, tô màu trong các đình, chùa - cho đến các bức chạm hoành phi, câu đối, cửa võng... của cha ông đã đi trước hội họa từ rất lâu, mãi sau này mới có tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống tô màu trên giấy, giấy dó, giấy điệp, nhưng chưa thể gọi là tranh nghệ thuật bác học được, chưa có hình họa, sáng tối...
Đến năm 1925, người Pháp sang mở Trường Mỹ thuật Đông Dương, mới có nền hội họa Việt Nam như hiện nay. Thăng trầm của nghệ thuật cũng theo dòng lịch sử của đất nước mà thăng trầm theo.
Đã có một thời bài trừ mê tín dị đoan, những bức tượng, chạm khắc, hoành phi, câu đối, cuốn thư, cửa võng từ bao đời ở các đình, chùa, miếu mạo của tổ tiên bị coi là "không phù hợp thời cuộc" đã bị đốt phá, chẻ làm củi đun, vứt xuống sông, xuống hồ như một phong trào được coi là "tiến bộ", đả phá phong kiến, mê tín...
Vô vàn tác phẩm đẹp đã bị nằm trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó mà biến mất, bị tiêu hủy, bị tàn phá, hủy hoại không thương tiếc. Pho tượng Thị Giả tôi nhặt được ven bờ ao ngày nào năm xưa chính là “nạn nhân” của một thời đã qua ấy.
Thị Giả như một cái gõ đầu tiên vào nơi sâu thẳm của tâm hồn, đã thức tỉnh cho tôi nhìn thấy, thấu hiểu hay ngộ ra một cái đẹp của sự sáng tạo rất Việt Nam mà cha ông sáng tạo nên.
Bắt đầu đam mê từ đó, hơn 50 năm qua, tôi đã dành gần như cả đời mình để sưu tập những pho tượng bị vứt lăn lóc, hay sưu tập tượng cũ bị mẻ hoặc đã bị bỏ, để thay thế bằng những pho tượng mới, bóng bẩy, vô hồn.
Tôi đã mua lại những pho tượng bị ruồng bỏ để gìn giữ trong bộ sưu tập của mình. Một phần bộ sưu tập ấy tôi đã tặng bố tôi, người sành chơi cây lá cá chim. Bố tôi không dư dả tiền để mua đồ cổ. Ngoài đồ con gái cả tặng, những đồ bố tôi có đều là do bố trao đổi với bạn bè.
Tôi là người đầu tiên sưu tập đồ cổ trong gia đình, lâu sau có Thành Chương, sau nữa là Mạnh Đức. Chúng tôi không chỉ là những nhà sưu tập, mà còn đủ trình độ thẩm định về chất liệu, kỹ thuật thủ công chế tác, đời của cổ vật, càng say mê càng phải am hiểu, đổ nhiều tâm sức công phu thì mới là "biết chơi", mới nuôi dưỡng được niềm đam mê ấy và làm giàu có phong phú những tài sản tinh thần của mình.
Dù đồ cổ còn hàm chứa cả giá trị vật chất, song tôi luôn xem những cổ vật là dấu ấn văn hóa của thời đại, xuyên qua những thế kỷ là hiện vật của lịch sử.
Khoảng gần 20 năm nay, em trai tôi, Nguyễn Mạnh Đức thường được mời làm họa sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh, một lý do mà các đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng, Đoàn Minh Phượng hay các đạo diễn tiếng tăm trong nước như: Đào Bá Sơn, Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang tín nhiệm mời Đức tham gia thành phần chính, bởi em tôi sẵn rất nhiều đồ, lại hiểu biết rất nhà nghề.
Bối cảnh và đạo cụ phim không chỉ cần đẹp, chuẩn mà còn hợp với thời đại, thời điểm của truyện phim, góp phần vào ấn tượng của tác phẩm, tạo tiền đề tốt cho diễn xuất của diễn viên và giá trị thẩm mỹ văn hóa của phim.
Tôi là một trong những người đặt nền móng cho Xưởng Mỹ thuật Quốc gia, sau này là Công ty Mỹ thuật Trung ương. Chính tôi cũng đề xuất lãnh đạo cơ quan ngày ấy sản xuất để giữ nguyên mẫu các loại tượng, tránh đề phòng thất lạc hoặc bị mua bán không còn mẫu vật.
Tôi đã gìn giữ được nhiều tác phẩm tuyệt đẹp của cha ông mà một thời ấu trĩ chưa biết đánh giá đúng, không gìn giữ, nâng niu, quý giá. Và rồi thế sự xoay vần, cái đang bị rẻ rúng, coi thường, lại trở thành tài sản nghệ thuật quốc gia đại diện cho nền văn hóa nghệ thuật của một dân tộc, đúng như theo quy luật của những gì đích thực sẽ được trân quý.
Những ngôi nhà của tôi ở luôn là bảo tàng cá nhân, nhà nào cũng chật ních đồ và sách. Tôi sống giữa đồ cổ như những thế kỷ tụ lại quanh mình, đó là điều kỳ diệu cổ vật đã đem đến cho người biết yêu chúng.
Ngôi nhà ở 452 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP Hồ Chí Minh mà tôi định cư từ 1984, thuộc một chung cư lâu năm có từ trước giải phóng. Căn hộ ở tầng 2 sâu 30m, ngang 9m, tầng 3 có phòng hơn 100m, kế bên phòng của nhạc sĩ Trần Tiến.
Đầu năm 2015, chúng tôi buồn bã khi được thông báo: chung cư nằm trong diện thanh lý cùng một số chung cư khác. Trần Tiến sở hữu căn hộ cao cấp ở quận 1, sống chủ yếu ở Vũng Tàu; còn tôi thì luyến tiếc phải xa nơi đã sống hơn 30 năm. Cây hoa giấy tôi trồng trước cổng nhà 25 năm xanh tốt, nở 4 màu hoa: hồng điều - vàng - trắng - đỏ thẫm.
Trong đợt tôi dọn nhà từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2015, dù không va chạm nào, cây tự dưng ngã soài, trùm cả đường, lá héo. Chắc là cây buồn lắm, cây không muốn xa tôi. Tôi không muốn sống xa cây vì nhà mới của tôi ở quận 1 Sài Gòn không có đất để trồng, lại phải sửa chữa cả năm mới xong, mà sự sống của cây thì không chờ được.
Về đất mới, hay là vẫn được gần chủ mà cây lại sống và nở hoa. Tôi đành cho chặt bỏ cành lá, mang gốc về trồng ở khu vườn mua từ năm 2014 tại Bến Lức (Long An), cách Sài Gòn gần 40km. Hầu hết bộ sưu tập được đưa về đây, 15 thanh niên thợ đóng gói, vận chuyển cật lực trong 3 tháng, chở 40 chuyến xe tải đồ (loại xe 2,5 tấn). Đấy là thành quả tích góp cả đời tôi.
Hệ thống đồ cổ của tôi có từ thế kỷ 4, đến cả các đời Lý - Trần - Lê - Mạc - Nguyễn. Tôi không thích đồ gốm xanh trắng của Trung Quốc, chỉ thích đồ Việt Nam. Thạp, bình vôi, lọ, âu, đĩa, ghè, hộp phấn, tủ, hoành phi câu đối, cuốn thư, cửa võng, tủ sập bàn ghế tượng Phật, tượng mẫu, tượng Quan Âm, các Thị giả (nữ hầu), Thế Âm Thế Chí, tiên đồng ngọc nữ,...
Trên khu đất ở Long An rộng 5.000m², tôi đang xây bảo tàng, để trưng bày đồ cổ và những bức tranh mà tôi sẽ không bao giờ bán. Gallery Hiền Minh, cùng tên với công ty mà tôi làm Giám đốc, sau nhiều năm ở Đồng Khởi, về phố đồ cổ 38 Lê Công Kiều, đấy cũng là nơi mà khách chuộng đồ cổ có thể tìm đến để xem, tư vấn, có được những món đồ đích thực Việt Nam và xem tranh, tượng của tôi.
Tôi đã có những tác phẩm điêu khắc được khách sạn 6 sao mua để trưng bày. Tôi quý từng phút thời gian vì còn quá nhiều việc phải làm, không chỉ là đam mê, mà các dự án thuộc về trách nhiệm của người nghệ sỹ đặt ra trong bổn phận cống hiến.
Và tôi đã có hàng nghìn năm ở quanh mình, điều kỳ diệu vô giá mà những hiện vật, với số phận và tâm hồn của chúng đã về với tôi, thuộc về tôi, trao gửi cho tôi một sứ mệnh bảo tồn mà tuổi 70, tôi vẫn không mệt mỏi và dừng lại.
Những tác phẩm nghệ thuật của tổ tiên, cha ông, của một đất nước hay của nhân loại, lắm khi phải chịu thử thách, lênh đênh theo thời cuộc. Nhưng cái Đẹp đích thực rồi sẽ tìm được nơi nương tựa, được bảo vệ, được nâng niu, trân trọng để cùng nhau đi qua mọi sóng gió thăng trầm của cuộc sống, và tìm được chỗ đứng đích thực - chỗ đứng của sự sáng tạo, của văn hóa, nghệ thuật của con người, của một dân tộc, của nhân loại. Đó là chỗ đứng của tâm hồn, của sáng tạo, của cái Đẹp đích thực - Cái Đẹp Vĩnh hằng.