Nhớ thầy Trần Quốc Vượng

Thứ Tư, 27/03/2019, 17:00
Chúng tôi là những sinh viên khóa đầu tiên của chuyên ngành Lịch sử văn hóa Việt Nam (sau này là Văn hóa học), Khoa Lịch sử (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Một ngành học mới mẻ, "sinh sau đẻ muộn" so với bề dày truyền thống của các ngành học khác về lịch sử. Vì là khóa "khai ngành", nên chúng tôi được đặc biệt "ưu ái" về mọi mặt, nhất là đội ngũ các thầy cô tham gia giảng dạy. 

Trong đó, có các chuyên gia đầu ngành như: Phạm Đức Dương, Nguyễn Thừa Hỷ, Trần Lâm Biền, Nguyễn Hải Kế, Lâm Thị Mỹ Dung, Đỗ Lai Thúy… 

Khi đó, GS Trần Quốc Vượng, vừa là người sáng lập, vừa là chủ nhiệm bộ môn đầu tiên của ngành học, thầy cũng nhận trọng trách lên lớp cho đám sinh viên chúng tôi - cái lũ mà thầy Vượng hay gọi là "các ông, các bà" và có "kính thưa, kính gửi" đàng hoàng.

Vào năm học, tôi được ông Nguyễn Hải Kế (khi đó là Phó chủ nhiệm bộ môn) phân công qua đưa đón thầy Vượng lên lớp. 

Ngày đầu tiên lên lớp, ông Kế có dặn tôi: "Cậu nhớ mua mấy lon bia 333 hay Tiger, thêm cả bao thuốc Vina nữa nhé, mang lên lớp cho thầy Vượng". Lúc đó, tôi ngạc nhiên lắm, rồi thắc mắc "sao lại bia và thuốc trong giờ học nhỉ?". 

Đón và đưa thầy lên lớp, tôi ngồi bàn đầu, vừa nghe giảng, vừa rót bia ra cốc, rồi mới biết đến câu: "No beer, no class" của ông Vượng. Trong khi giảng, tay cầm cốc bia, tay cầm điếu thuốc, vừa nhâm nhi, vừa giảng bài, thi thoảng ông đến tận chỗ sinh viên, vỗ vai nói bằng cái giọng khề khà: "Ông có hiểu không?". 

Càng về cuối buổi học, bài học càng hấp dẫn, chúng tôi mải nghe, chả ai ghi chép được gì sất, nhưng đứa nào đứa nấy "mắt chữ O, mồm chữ A", quên cả giờ nghỉ giải lao. Những lúc đó, sinh viên các lớp khác vào ngồi nghe ké, kín hết cả chỗ, cửa sổ ngoài hành lang cũng chẳng còn chỗ trống. Không chỉ hấp dẫn về bài giảng, ông Vượng cũng có phong cách (style) riêng biệt/chả giống ai. 

Ông thường "khoe" với đám sinh viên chúng tôi, là ông chỉ sử dụng hàng "xịn", áo phông lacoste, quần bò hiệu "lì vai" (levis), giày thể thao adidas, nhưng được phối với chiếc mũ, áo gile và chiếc túi vải, tất cả bằng chất liệu thổ cẩm. 

Đặc biệt, là chiếc đồng hồ "điện tử" đeo tay của Nhật, mà thời học sinh phổ thông chúng tôi thường sử dụng. Khoe đến chiếc đồng hồ, ông cởi khỏi tay và "hạ thủy" nó vào cốc bia; cả lớp tôi "ồ" lên đầy ngạc nhiên, như chia buồn với thầy về sự "ra đi" của nó. Nhưng "bé cái nhầm", đồng hồ xịn vẫn không hề hấn gì, lấy từ cốc bia ra, lau sạch, đeo lại tay, thầy tiếp tục vừa nhâm nhi, vừa kể chuyện.

Sự hấp dẫn trong bài giảng của ông Vượng, chính là sự phong phú về tri thức trải nghiệm qua thực tế điền dã và được nghiệm sinh dưới góc nhìn đa chiều, cởi mở. Tri thức nghiệm sinh trên nền tảng thực tiễn đó luôn được đánh giá bằng lý thuyết, phương pháp cụ thể.

Ông thường nói: "Tôi học từ dân", lý thuyết và tri thức khoa học thường được tham chiếu/đối sánh với tri thức dân gian. Điều đặc biệt đó, chính là những lý thuyết, phương pháp khoa học luôn được ông áp dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn với bối cảnh cụ thể ở Việt Nam. Với lối diễn ngôn dí dỏm, khí chất phóng khoáng, tinh thần thẳng thắn, trao đổi cởi mở… bài giảng về các vấn đề của văn hóa Việt Nam thường ở dưới dạng câu chuyện/chuyện kể, vì vậy mà đám sinh viên chúng tôi thường nhớ rất lâu. Tôi nhớ, lần đó ông có giảng về "tri thức dân gian" và những bí quyết (know how) ở những làng nghề truyền thống ở châu thổ sông Hồng/Bắc Bộ. Ở các làng quê có thầy lang chữa bệnh gãy xương, trật khớp giỏi, thường thì có truyền thống hành nghề đạo chích. Vì hay đi đêm, trèo tường, khoét vách, bị sơ sẩy, trượt chân mà không thể công khai chữa trị, đành tự nắn, hoặc tìm lá lẩu mà bó chữa. 

Lâu ngày, dần hình thành các kỹ năng, tri thức chữa bệnh xương khớp mà trở thành truyền thống. Sau này, kinh nghiệm được tích lũy, rồi xuất hiện những thầy lang hành nghề chữa bệnh xương khớp nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới.

Rồi ông dạy cho chúng tôi biết nhìn ra và chấp nhận những nghịch lý của đời sống tự nhiên và xã hội. Tôi còn nhớ, khi ông giảng về ẩm thực, theo kiểu nghiệm sinh dân gian mùa nào thức nấy, nhưng ông chỉ ra những mâu thuẫn của tự nhiên theo từng mùa. Mùa đông lạnh, nhưng cây trái, rau củ lại thiên về tính hàn/âm; mùa hạ nóng nhưng cây trái, rau củ lại thiên về tính nhiệt/dương. Đây chính là sự bù đắp của tự nhiên theo quy luật âm dương. Mùa đông lạnh, cơ thể không thoát khí, hay sinh nóng trong, tự nhiên bù đắp bằng tính hàn/âm. Ngược lại, mùa hạ nóng, cơ thể ra mồ hôi, thoát khí, hay sinh lạnh trong, tự nhiên bù đắp bằng tính nhiệt/dương.

Thu hoạch lớn nhất của chúng tôi sau những giờ được học ông Vượng là hệ thống lý thuyết địa văn hóa, địa lịch sử. Trên cơ sở diện mạo địa hình, khí hậu và hệ sinh thái, Trần Quốc Vượng đã chỉ ra căn cước văn hóa của từng vùng. 

Bài học đó gắn với việc lý giải về cội nguồn làm nghề sông nước, chài lưới của vương triều Trần (1225-1400) trong lịch sử. Để rồi từ nguồn gốc gắn cuộc đời với môi trường sông nước - biển đã đem lại những thắng lợi vĩ đại cho vua tôi, quân dân Đại Việt. 

Môi trường, địa lý và các yếu tố sinh thái sông - biển đã tạo cho người họ Trần có thể lực khỏe mạnh, khí chất can trường, liều lĩnh, quyết đoán và đầy tham vọng. Rồi cả cái cách ông giải thích về diện mạo tự nhiên của Thăng Long - Hà Nội, là một thành phố sông hồ, "Nhị Hà quanh bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này". 

Thủ đô này nằm trong lòng/ở giữa một tứ giác nước, có những con sông bản mệnh bao quanh, đường sông trở thành hệ thống giao thông huyết mạch, lan tỏa - vươn ra các vùng miền/trấn xung quanh. Đê điều ngăn lũ, vô tình đã biến các nhánh sông nằm trong đê mà trở thành hồ (hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm…). 

GS Trần Quốc Vượng trong một chuyến điền dã với sinh viên.

Từ đó, Thăng Long - Hà Nội đã mang trong đó đặc trưng/quy luật "hội tụ - kết tinh - lan tỏa" các giá trị văn hóa, lịch sử. Theo ông, đứng từ Thăng Long, nhìn ra "tứ trấn/xứ": Đông (Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh); Tây/Đoài (Hà Đông - Sơn Tây, Vĩnh Phúc, một phần Phú Thọ); Nam (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên); Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang).

Mỗi trấn/xứ có một tính cách/căn cước văn hóa riêng biệt, dân xứ Đông thì "gấu", "táo tợn"; dân xứ Bắc thì khéo léo, giỏi kinh doanh/buôn bán - nhất là vai trò của người phụ nữ, các bà các mẹ đảm đang, tháo vát, khéo léo.

Sau mỗi buổi dạy, ông thường rủ tôi: "Cậu có bận gì không? Nếu không bận, thì đi ăn trưa cùng tôi?". Sinh viên như tôi, có việc gì đâu mà bận. "Vâng ạ, em không bận gì cả". Thế là đi kiếm cái quán bia nào đó, thầy trò lại ngồi nhâm nhi. Ông không ăn hay uống được nhiều, nhưng thích lai rai; vừa uống, vừa hút thuốc.

Lúc này, tôi mới có cơ hội hầu chuyện, hỏi ông những việc cho riêng mình. Quê tôi ở Gia Viễn, Ninh Bình; ông bảo: cậu là con cháu vua Đinh và gốc Mường. Họ Đinh nhà cậu là dòng nhà quan lang (Đinh, Quách, Bạch, Hà), nhưng đã được Việt hóa, khi cụ Đinh Bộ Lĩnh nắm giữ quyền lực và dựng nghiệp ở kinh sư Hoa Lư. 

Rồi, thầy còn hỏi tôi sinh vào giờ, ngày, tháng, năm nào? Sau này tôi mới biết, ông là người xem tử vi có "số má" ở Hà Nội. Khi đó, vì còn trẻ, lại là sinh viên, nên tôi không quan tâm lắm và không có ý thức để giữ lại lá số và ghi chép những lời ông "đọc số" cho tôi. Nhưng tôi nhớ có chi tiết, khi hỏi về công danh - sự nghiệp. 

Ông nói, cung "quan lộc" của cậu có chính tinh là "Thái dương" nhẽ ra rất tốt, những bị hãm, nên số không được làm quan, tức chỉ làm lính. Có cố gắng/phấn đấu thì cũng rất mệt mỏi, mà cơ đồ lại không bền, dễ bị đổ bể. Ông phán thêm, số cậu được nhờ vợ "Thân cư Thê", có "Cự môn", hay cãi vã/khắc khẩu, nhưng không bỏ được nhau…

Bây giờ ngẫm lại, mới thấy những gì ông nói đều trúng cả. Và càng ngẫm thì lại càng nhớ ông hơn!

TS. Đinh Đức Tiến (Khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn)
.
.