Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương: Tiếng dạ, tiếng thương!

Thứ Tư, 08/10/2008, 10:15
Gần nửa năm qua, cứ bật kênh ITV, chiều nào cũng vang lên ca khúc của ông "Tình ta biển bạc đồng xanh" bên cạnh những cái tên ca khúc cho tuổi học trò như "Cầu vồng khuyết", "Con lật đật", "Một vòng trái đất"… ITV là kênh truyền hình tự lựa chọn, ca khúc được phát hay không phụ thuộc vào việc nó có được nhắn tin yêu cầu nhiều hay không. Thế nên, sự yêu thích trở nên công bằng, và sự lộn xộn trong việc sắp xếp ca khúc của một chương trình đã không còn phản cảm.

Người ta giật mình, dường như bên cạnh những ầm ào của dòng âm nhạc giải trí, vẫn có một lượng người không nhỏ muốn đi tìm những giai điệu vàng son mà tưởng như sau nhiều năm đã lãng quên.

Có lẽ cuộc đời ông thuộc về Huế. Cái tên của ông bị chìm lấp nhiều cũng bởi đời sống trầm lặng ở Huế. Và âm nhạc của ông không phải thứ âm nhạc ai cũng tiếp nhận được, ai cũng muốn lắng nghe. Như sự an nhiên của Huế, những giai điệu của Hoàng Sông Hương thường man mác buồn nhưng không bi lụy. Hoàng Sông Hương là cái tên gần như không có mặt trên báo chí. Và ông cũng chưa bao giờ tự nói về mình. Hai cô con gái của ông, hai ca sỹ nổi tiếng của Sài Gòn, Mỹ Lệ và Hương Giang, cũng ít hát ca khúc của cha mình. Và họ cũng kiệm lời khi nhắc về gia đình. Nhưng vẫn có một dòng chảy liền mạch trong gia đình nghệ thuật này. Cả sự hy sinh lặng lẽ của một nghệ sỹ đích thực, chấp nhận làm cái bóng cho chồng con, để họ trở thành những nghệ sỹ nổi tiếng. Hoàng Sông Hương không phải là người của những đám đông công chúng ồn ào. Ông là sự chia sẻ từng ngày.

Ca sỹ Mỹ Lệ, lần đầu tiên chia sẻ với công chúng về cha mình và có lẽ đây cũng là hé mở đầu tiên về người nghệ sỹ lơ mơ, tài hoa này. Ông là nhạc sỹ tài hoa nhưng cũng là người phục chế đàn danh tiếng nhất Việt Nam.

Tôi đang làm công việc của một người sản xuất. Nhưng công việc ấy trở nên áp lực hơn rất nhiều, bởi đây là đĩa nhạc duy nhất trong đời sáng tác của ba mình. Ba tôi đã không hề có tham vọng làm âm nhạc như một cách mưu danh. Nên ông cần có được một đĩa nhạc kỷ niệm sạch sẽ và nghệ thuật. Ba ấp ủ việc làm đĩa nhạc từ lâu rồi. Nhưng tôi bận chuyện của mình mà cứ lần lữa mãi. Ba muốn có một album toàn những bài tình ca Huế, vì đây là mảnh đất gắn liền với quãng thời gian hoạt động âm nhạc sung sức nhất của ông. Rất nhiều bài hát hay về Huế đã được ông sáng tác, nhưng chỉ mới được biểu diễn nhiều tại địa phương này và chỉ có một số chưa nhiều những ca khúc được biết đến trong những album của NSND Thu Hiền, Quang Linh, Vân Khánh…

Trong gần 15 năm sống ở Huế, ba tôi đã viết rất nhiều và dường như mỗi miền đất nước ông đến, ông đã viết tặng nơi ấy một bài, không ít bài đã trở nên quen thuộc và người ta hay gọi đùa là "tỉnh ca". Tôi sẽ chọn từ 30 ca khúc về Huế để làm album 10 bài, ba tôi thích cái tên "Tiếng dạ, tiếng thương" và đó cũng sẽ là chủ đề album. Trong những ngày bận bịu mưu sinh, lấy chồng và nuôi hai con nhỏ, có những khi vội và mệt, tôi quên mất hẳn ý nghĩ rằng, mình vẫn còn nợ ba một lời hứa. Có những đêm, trên đường đi hát trở về nhà, tôi thấy mũi mình cay cay. Chúng ta sinh con mới hiểu lòng cha mẹ. Cha mẹ nuôi con như cái nợ đồng lần. Có ai mong chờ con báo hiếu mình đâu. Nhưng chúng ta sẽ nhận được điều gì từ con cái, khi chúng ta còn chưa biết cách yêu ba mẹ mình bằng một phần bé nhỏ cái tình yêu ba mẹ đã dành cho?

Tôi cảm thấy day dứt nhiều. Và khi con gái tôi bắt đầu đến trường, tôi nghĩ rằng, lần này phải làm bằng được đĩa nhạc cho ba, dù vất vả và tôi phải làm gần hết những công việc của một người biên tập và sản xuất. Đến giờ thì album đã thu âm và mix hoàn thiện. Album tôi làm như món quà cho ba, nhưng mục đích chính không chỉ có vậy, mà còn muốn giới thiệu với khán giả chân dung âm nhạc của ba, hiền lành, nhẹ nhàng và sâu lắng như những gì thuộc về Huế. Tôi thấy rằng, nhạc về Huế cũng là đại diện của một trong những dòng nhạc đang thịnh hành và được quan tâm tại Việt Nam. Nó rất riêng, riêng như cải lương, tuồng, chèo vậy…

"Tình ta biển bạc đồng xanh" là ca khúc quen thuộc nhất của ba tôi với khán giả cả nước. Nhưng đây gần như là sáng tác đầu tay của ông trong thời kỳ chống Mỹ. Lúc đó ba đang học tại Nhạc viện Hà Nội và nó được thu âm bởi các nghệ sỹ nổi tiếng, được phổ biến rộng trên đài phát thanh, nên nó được nhiều người nhớ đến hơn. Khi ba về lại Huế, dường như những ca khúc của ba cũng bị chìm lấp hơn. Nhưng tôi thích những bài hát khác của ba nhiều hơn "Tình ta biển bạc đồng xanh", cũng bởi một chút tình với Huế.

Người thợ đàn tài hoa

Tôi ảnh hưởng cả tính cách, tư duy sống của cả ba lẫn mẹ. Ở ba, tôi học được ở ông một điều không dễ dàng, rằng không có gì là không thể. Ba tôi thông minh, tháo vát, nhiều tài vặt, ông đã dạy tôi rằng, bất cứ điều gì mình muốn, khó khăn mấy cũng có thể làm được. Thuở nhỏ, tôi không tự hào vì ba mình là một nhạc sỹ. Khi ấy cuộc sống khó khăn, mọi thứ đều là thứ yếu trước việc duy trì cuộc sống. Và tôi tự hào vì ba tôi là người thợ đàn tài hoa bậc nhất. Tôi từng nghĩ rằng, nếu vì những công việc tỉ mẩn của một người thợ đàn mà ba tôi sáng tác ít hơn cũng không phải là điều tồi tệ. Bởi ba đã làm được nhiều việc hơn những khuôn nhạc.

Hồi trước, ông nội tôi vốn làm nghề mộc, nhưng ba tôi thì chỉ mê âm nhạc, đến độ tự đóng cho mình một cây đàn violon rồi xin ông nội cho đi học bằng mọi giá. Nhưng ông nội tôi đã không đồng ý. Vậy là ba tôi đã tự mày mò học đánh đàn trên cây đàn tự chế của mình. Sau này, khi đã trở thành nhạc sỹ, công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Bình Trị Thiên, ông đã đóng không biết bao nhiêu là đàn guitar điện tử, lead, bass cho tất cả các nhạc công từ đoàn chuyên nghiệp đến không chuyên tại Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng.

Ngày ấy vẫn còn bao cấp, rất khó để kiếm được đàn ngoại nhập hay đàn Fender, nên những cây đàn của ba đã giúp các nghệ sỹ đi diễn dọc miền Trung. Bên cạnh đó, ông cũng phục chế, sửa chữa lại từ violon, cello, contrebass, nhiều nhất là đàn piano của Liên Xô được trang bị cho các đoàn ca nhạc. Không chỉ có vậy, ba cũng là người có thể đóng được đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, phục chế được cả đàn tam thập lục Trung Quốc. Ai cũng nói, ba tôi khéo tay, đóng cây nào tiếng đàn cũng rất vang, rất tốt. Khi tôi đang học nhạc viện, chơi cello, nên ba cũng phục chế một cây đàn cello Trung Quốc đã được thanh lý để tôi tập thêm ở nhà. Nhưng rồi sau này, mấy trận lũ lụt đã khiến nó hỏng nặng đến mức không phục chế được. Đó là món quà lớn của ba mà tôi đã để vuột mất. Và tôi vẫn cứ tiếc mãi về những điều này. Tôi vẫn hay nói với con tôi rằng, trong mắt mẹ, ông ngoại đích thị là một… siêu nhân.

Nghệ sỹ không nhớ tên con

Ba tôi là một người nghệ sỹ lơ mơ. Ông rất hay đãng trí. Rất nhiều khi ông không nhớ nổi tên con và ông đặt tên tôi cũng thành hai… phiên bản. Và ông hoàn toàn không nhớ điều ấy, để rồi tôi gặp không ít rắc rối vì có tới… hai tên. Trên giấy khai sinh, ba đặt tên tôi là Hoàng Nhật Lệ. Nhưng đến khi 7 tuổi, ba dắt tôi đi thi vào Nhạc viện Huế, ba lại đăng ký thành Mỹ Lệ. Từ đó, mọi giấy tờ, từ bằng tốt nghiệp đại học cho đến chứng minh nhân dân, bằng lái xe đều ghi tên Mỹ Lệ. Cho đến khi vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, để chuyển hộ khẩu, tôi buộc phải đi xác minh giấy tờ. Thế là được một phen vất vả, tìm mọi cách để chuyển trở lại tên cho giống với giấy khai sinh ban đầu.

Ba có một niềm say mê thứ hai đó chính là hội họa và ông có cảm hứng lớn đó là vẽ chân dung con gái. Sự "đa zi năng" của ba đã ảnh hưởng lên tôi nhiều thứ, từ nhỏ tôi đã nghe ba tập tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, ca Huế, rồi chơi cả nhạc cụ Tây phương lẫn nhạc cụ dân tộc, nên sau này tôi đã nhạy cảm hơn với tất cả các dòng nhạc. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn thoải mái trong những dòng nhạc này.

Không muốn một người chồng giống cha

Giai đoạn bao cấp, gia đình khó khăn nhất, nhưng người chèo lái lại không phải là ba mà là mẹ. Mẹ tháo vát và nghị lực. Từ một giọng hát đẹp, nhan sắc nức tiếng Bình Trị Thiên, mẹ đã từ giã nghệ thuật, không theo con đường ca hát chuyên nghiệp để trở thành một dược sỹ. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, từ bỏ một niềm đam mê hào quang không phải dễ. Và chính vì điều ấy, tôi đã hiểu mẹ yêu ba con tôi như thế nào và đã hy sinh tới mức nào cho chồng, con. Mẹ vừa đi làm vừa chăm sóc con cái, lèo lái đưa gia đình với chồng và 5 con nhỏ qua thời khó khăn một cách nhẹ nhàng. Mãi cho đến tận bây giờ mẹ vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình. Lúc khó khăn nhất, tôi vừa đi học vừa tranh thủ về nhà phụ giúp mẹ sản xuất philatop, làm bia hơi, chăn nuôi lợn gà để nuôi gia đình…

Ba tôi là người hiền lành, dễ chịu, thường không ghét ai bao giờ, kể cả những người chơi xấu mình. Sự thông thái, khéo tay của ông thì tôi nghĩ hiếm có người đàn ông nào đạt được. Nhưng tôi đã không chọn người đàn ông của đời mình theo tiêu chuẩn của ba. Bởi ông là người vô tâm. Ông ít quan tâm chăm sóc gia đình. Chẳng biết có phải nghệ sỹ thì thường như vậy không, nhưng đôi khi trong thời tuổi dại tôi cũng thấy tủi thân và thương mẹ. Ba tôi có thể đi lang thang cả ngày để tìm một ý nhạc, nhưng không hề quan tâm xem vợ con đang xoay trở thế nào giữa lúc cuộc sống khó khăn. Đứa con nào đi học, đứa con nào đau ốm, ba cũng không hề biết. Hình ảnh một nghệ sỹ vô tâm từ ba đã ăn vào tiềm thức của tôi, đến mức tôi chưa bao giờ yêu một người đàn ông làm nghệ thuật.

Tôi không trách cha mình, bởi sáng tạo nghệ sỹ là một thứ sáng tạo khắc nghiệt và đôi khi chúng ta phải biết chấp nhận. Tôi cũng không có ý định cho con mình làm ca sỹ và không có kế hoạch để biến con mình thành người nổi tiếng. Nhưng tôi muốn con mình được sống trong âm nhạc từ nhỏ. Vì tôi luôn tin rằng, âm nhạc như vitamin của đời sống. Riêng điều này thì tôi phải cảm ơn ba, bởi ba đã giúp tôi có được nguồn vi lượng lớn từ âm nhạc. Sau khi phát hành album cho ba, tôi sẽ bắt tay vào thực hiện liveshow đầu tiên của mình sau ba năm vắng bóng. Live show của tôi mang tên "Mỹ Lệ in symphony"!

Ca sỹ Mỹ Lệ
.
.