Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Còn đây cũng một chữ tình

Thứ Sáu, 06/01/2012, 16:15
Sự rung động, những tình cảm, tình yêu bột phát khi tham gia phong trào sinh viên đã làm cho cuộc sống đấu tranh phong phú hơn, và cũng làm cho tiếng ca của nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập mạnh mẽ hơn, sâu lắng hơn. Tình yêu (cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng) là chất men không thể thiếu trong nguời nghệ sĩ.

Ký ức tuổi thơ và những khúc ca của chàng sinh viên trẻ

Cha Tôn Thất Lập người Huế, ông tham gia Việt Minh và đi vắng suốt. Cậu bé Lập sinh ra ở quê ngoại Đà Nẵng và đi học mẫu giáo ở Trường Tàu, gần nhà thờ Con Gà. Người nhỏ xíu mà Lập hát hay và hay hát lắm. Thường cứ đầu giờ, Lập được bồng lên bàn để hát trước cả lớp. Thích chí, cậu cố rống to, to đến nỗi tụt cả quần.

Cha đi vắng, năm 1945, mẹ gánh Lập đi tản cư, phải cho thêm cục đá vào cho cân với đầu kia của gánh gạo. Lập hòa mình với những cô bé, cậu bé thôn quê, đi đào khoai, mót lúa, hồn nhiên trêu chọc nhau lúc tắm sông, và lim dim mơ mộng dưới những khóm tre xào xạc buổi trưa hè. Thiên nhiên tươi đẹp và những câu ca dao, những lời ru của mẹ đã đọng lại trong tâm trí của Lập, như những giọt nắng đẹp lúc ban mai. Lớn lên chút nữa, cha bị thương, được nghỉ dài hạn và cả gia đình ra Huế, Lập nhớ tiếng đàn kìm của cha đêm đêm với những bài ca cổ. Cậu mơ ước sau này trở thành nhạc sĩ.

Lập học ở Huế từ tiểu học đến hết trung học phổ thông. Mặc dù học ban Toán, nhưng chàng thanh niên lại thích xem phim về cuộc đời của các nhạc sĩ như F.Schubert, F.Chopin; thích thơ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận; mê những truyện ngắn lãng mạn của A.Daudet và mê văn chương Tự lực Văn đoàn. Sau này, chàng thanh niên tham gia phong trào Xuống đường cũng vì ảnh hưởng cái chất lãng mạn của một số nhân vật trong Tự lực Văn đoàn.

Đến giờ, Tôn Thất  Lập vẫn còn nhớ một đoạn văn Tự lực Văn đoàn đã khiến anh xao xuyến, đại ý như sau: Chiều cuối năm, một mình anh lên đồi, nhìn xuống những cánh đồng, những vạt bông cải vàng ươm rực rỡ. Bỗng thấy trào lên tình yêu quê hương, muốn làm cái gì đó cho quê hương. Từ cái tinh thần tráng sĩ theo kiểu tiểu tư sản đó, Lập tham gia Cách mạng.

Dễ hiểu vì sao, chất lãng mạn, trữ tình tràn ngập trong cả những bài hát đấu tranh của Tôn Thất  Lập: “Đồng lúa reo tay người rộn ràng. Lời hát nhanh vang dậy đầu làng” - Đồng lúa reo. Anh cũng rất nhớ những câu chuyện lịch sử thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX mà cha thường kể với lời nhắn nhủ: Tay bẩn thì dùng nước để rửa, Nước (đất nước - PQA) bẩn thì lấy máu rửa.

Có một kỷ niệm mà sau này, khi sáng tác những bài hát xuống đường, Tôn Thất Lập thường nhớ tới. Ngày còn nhỏ đi học, Lập có một anh bạn tên Hồng, lúc nào cũng bênh Lập và thương Lập lắm. Một hôm, máy bay Pháp ào đến, lũ nhỏ chạy vào hầm chữ S. Lập nhỏ người, chạy chậm, Hồng vội đẩy cậu vào trong, còn mình thì nằm ngay phía ngoài nên trúng đạn và đã mất. Cú sốc ấy đã in đậm trong lòng cậu bé Lập. Bên cạnh nỗi đau chung về thân phận người dân dưới thời Mỹ - ngụy, những bài hát đấu tranh của Tôn Thất Lập sau này có gốc rễ từ nỗi đau riêng, từ tình người như thế.

Người nghệ sĩ vốn nhạy cảm, Tôn Thất  Lập đã sáng tác bài Hát trong tù nhờ sự động viên, khích lệ của anh em, đồng chí, và đặc biệt, nhờ tình cảm với một cô gái trẻ. Đó là vào năm 1970, anh bị bắt lần đầu vào Sở Cảnh sát Đô thành. Ngồi trong xe bịt bùng, ngắm Sài Gòn qua lỗ nhỏ, Lập chưa bao giờ thấy thành phố đẹp như vậy.

Vào khám, khi phát bộ đồ tù, tên cai tù nói với anh: “Mày vào đây, mặc bộ đồ tù này là suốt đời nghe”. Một hai ngày đầu, Lập buồn và lo lắng, không chịu ăn gì cả. Sau rồi nghe được một giọng con gái rất dễ thương văng vẳng qua đường ống nước: “Anh sinh viên ơi, đấu tranh còn dài lâu, ăn đi cho có sức”.

Vậy là Lập thấy cảm động và vững dạ hơn. Mấy hôm sau, sáng 19/5, Lập được nghe đồng đội hát bài Hát cho dân tôi nghe do anh sáng tác. Cảm động quá, tự hào quá, Tôn Thất Lập đã sáng tác ngay bài Hát trong tù, rồi dạy dần từng câu cho đồng chí của mình.

Sự rung động, những tình cảm, tình yêu bột phát khi tham gia phong trào sinh viên đã làm cho cuộc sống đấu tranh phong phú hơn, và cũng làm cho tiếng ca của nhạc sĩ sinh viên Tôn Thất Lập mạnh mẽ hơn, sâu lắng hơn. Tình yêu (cả nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng) là chất men không thể thiếu trong nguời nghệ sĩ.

Năm 1973, là cánh chim đầu đàn của phong trào học sinh sinh viên miền Nam, anh được bố trí qua Pháp, qua Bỉ, Canađa… hoạt động cho lực lượng thứ ba. Tiếng hát của Tôn Thất  Lập đã khích lệ lòng yêu nước của bà con Việt kiều và giúp thế giới hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh bảo vệ dân tộc ở Việt Nam. Tại Canađa, khi được phỏng vấn trực tiếp trên Đài Truyền hình, Tôn Thất  Lập đã yêu cầu phải có cả cô bạn người Mỹ Judy Danelson. Anh đã ấn tượng và có cảm tình với cô gái này từ khi gặp cô tham gia biểu tình trước cổng Đại học Dược khoa Sài Gòn. Khi cô đang phát biểu kêu gọi hòa bình, thì cảnh sát ngụy đến uy hiếp, mọi người bỏ chạy, còn cô vẫn ở lại. Anh vẫn thầm mến cô vì sự khẳng khái khi cô trả lời phỏng vấn trên Truyền hình Canađa.

- Cô là người Mỹ, sao lại tham gia phong trào chống Mỹ?

- Chính phong trào sinh viên ở Việt Nam đang phục hồi danh dự cho người Mỹ.

Cô gái này không lấy chồng vì tôn thờ chủ nghĩa tự do, và cô cũng đã có lúc làm cho nhạc sĩ họ Tôn cảm động. Không biết Tôn Thất Lập đã gặp bao nhiêu người có thể khiến trái tim anh xao xuyến trên bước đường tham gia Cách mạng - sáng tác và đấu tranh trước ngày Giải phóng năm 1975. Chỉ biết rằng với anh, tình yêu và lý tưởng là một, và anh sống hết mình cho những gì khiến mình cảm động và tin tưởng. Nhưng vốn là người nhỏ nhẹ, trầm tính, tình yêu đến với anh thường cũng nhẹ nhàng, kín đáo. Rất yêu đấy, mà dường như vẫn biết điểm dừng để khỏi bi lụy, để không làm hỏng những điều tốt đẹp.

“Mưa thì thầm” và những bản tình ca 

Mưa xuất hiện nhiều trong những bản tình ca của Tôn Thất Lập ở cả giai đoạn những năm đầu 1960, lẫn cả sau này. Tình ca của nhạc sĩ họ Tôn có vẻ giống như những tiếng mưa thì thầm, đẹp mà buồn, lãng đãng phiêu linh: “Mưa thì thầm làn mưa rất xa. Trời không nắng khi vầng mây qua. Em thì thầm là em rất gần. Tình như không nói là tình trăm năm”.

Một số tác phẩm của nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Tả cảnh để nói về tình, để rút lại ý tứ sâu xa: Tình không nói mới bền vững trăm năm. Có một kỷ niệm khi Tôn Thất Lập sang Nhật làm giám khảo cho Liên hoan Những tác phẩm âm nhạc dân gian các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Phía bạn cử một cô thư kí giúp nhạc sĩ trong mười ngày ở đó. Cô gái xinh đẹp, thông minh, luôn hỏi những câu hỏi đào sâu vào bản chất vấn đề. Cô rất thích nhạc sĩ và anh cũng có những rung động nhất định. Tuy xa xôi, nhưng năm nào cô cũng gửi thiệp chúc Tết anh.

Và Tôn Thất Lập nhớ buổi trưa cuối cùng trước lúc chia tay, trời mưa - những cơn mưa bóng mây lúc gần lúc xa. Và thế là một tứ thơ - tứ nhạc đã ra đời. Anh xác định: Những phút rung động có thể bắt gặp trong suốt cuộc đời một con người. Chỉ cần ta biết giữ gìn, không vượt qua ranh giới, thì đó sẽ là một tình cảm, một kỉ niệm không bao giờ phai mờ. Bởi vậy, nên “tình như không nói là tình trăm năm”. Đây là một trong những bài hát của Tôn Thất Lập được nhiều người yêu thích. Đó cũng là một tiền đề cho triết lý về tình yêu trong bài Tình yêu là mãi mãi sáng tác đầu những năm 90, khi nhạc sĩ đang thời sung sức nhất: “Rồi một ngày ta xa cách nhau. Hãy yêu nhau như trong tình đầu. Vì một ngày ta thương mến nhau. Khắp tinh cầu xua đi bao lạnh giá”.

Một tình yêu chân thành sẽ làm cho con người tốt đẹp hơn, cuộc sống ấm áp hơn. Tình yêu, tình người sẽ xóa bớt thương đau trên chốn nhân gian. Cái tư duy toán học trong những năm theo học ban Toán ở trung học cùng với những tác phẩm triết học, văn học mà Tôn Thất Lập yêu thích đã giúp nhạc sĩ nâng tầm triết lý cho những ca từ giàu chất thơ của mình.   

Tôn Thất Lập là người dễ rung động, rung động trước tình người và vẻ đẹp cuộc sống ở nhiều cung bậc khác nhau của nó. Năm 13 tuổi, trong một buổi lễ phát phần thưởng cuối năm của nhà trường, Lập được đóng một vai trong vở kịch Công chúa ngủ trong rừng cùng một cô bạn tên là Khúc Hoàng Yến. Cô đẹp và hát bài Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương rất hay, khiến chàng thiếu niên Lập vẫn còn nhớ đến bây giờ.

Cảm và nhớ vậy thôi! Khi học đệ nhất ở Huế, Lập là trưởng ban văn nghệ, chỉ huy hợp xướng của nhà trường. Có một cô gái trong dàn hợp xướng, tên là Tạ Đạo Huệ. Hai người kết nhau, tình yêu tuổi học trò mơ mộng. Buổi chiều, chàng trai trẻ đưa nữ sinh áo trắng đi học về qua những hàng cây nhãn thấp lè tè trong Thành Nội. Ánh đèn đường chiếu xuống, khiến Lập liên tưởng đến những ngọn nến. Cảm xúc ấy khiến anh sáng tác Những con đường nhỏ - một nhạc phẩm nổi tiếng được nhiều nguời yêu thích trong tập Phố ca, xuất bản những năm đầu 1960: “Ngỡ rằng đã vùi quên tháng ngày. Chuyện tình xưa cũng phôi phai. Em về một thoáng mưa bay, nhưng kỉ niệm có quên ai. Chiều chiều hàng cây thắp nến, là lúc tan trường, tiễn em về phố quen…”.

Năm 1960, lần đầu tiên Tôn Thất  Lập lĩnh nhuận bút cho tác phẩm Tiếng hát về khuya in trên đĩa ASIA. Chính Trịnh Công Sơn đi Sài Gòn lấy nhuận bút về cho Lập. Hồi đó, nhuận bút lớn đến nỗi đủ cho chàng trai trẻ đi chơi Đà Lạt một tuần mới hết.

Cũng trong tập Phố ca có bài Buổi sáng chim bay: “Đưa chim bay về núi xa rồi. Một đêm mưa rơi. Một tình đầy vơi. Đưa em xa tình đã quên người... Đưa em đi Thu vàng ngủ trên vai xuôi. Mây hồng nằm xa trên môi em hát trên trời chim bay”. Nhân vật chính khiến nhạc sĩ trẻ xao xuyến là cô Ngọc Trâm, con gái một ông Trưởng ty Thuế vụ thời ấy. Cô rung động vì những sáng tác của Tôn Thất  Lập rất nhẹ nhàng nhưng dễ lắng sâu vào trong một cõi tình không bờ bến. Nhưng rồi hai người lại chia tay nhau vì anh sinh viên Tôn Thất  Lập phải vào Sài Gòn theo tiếng gọi của phong trào đấu tranh. Buổi sáng tiễn nhau trên sân bay, tứ thơ và tứ nhạc trữ tình đã ra đời.

Sau 50 năm sáng tác, nhạc sĩ tâm sự: “Con người muốn có những rung động sâu xa phải yêu thế giới, yêu nhân loại, yêu quê hương mình. Tình yêu càng rộng lớn thì tác phẩm càng vươn tới những đỉnh cao. Trên thế giới, những bản tình ca hay xuất phát từ những mối tình lớn, như Romeo và Juliet chẳng hạn”.

Với nhạc sĩ họ Tôn, giai đoạn sáng tác sau này không có khái niệm tình riêng tách rời Tình yêu theo nghĩa rộng. Bài Tình ca mùa xuân sáng tác sau năm 1975, anh dành tặng người vợ yêu - một người phụ nữ đẹp, tính cách mạnh và cởi mở trong suy nghĩ - như anh tâm sự. Bài hát nghe rất ngọt ngào, sôi nổi, nhưng trong tình riêng vẫn có cảm xúc về một tình yêu bao la với mùa xuân đất nước: “Nửa đêm nghe xuân về. Nghe đời lên rất trẻ. Gọi tên anh thầm nhớ. Lời ru em dạt dào…Em đứng hát bên trời. Hát tặng anh xuân này. Bài ca của quê hương. Bài ca của yêu thương”…

Từ năm 1959, khi trả lời phỏng vấn trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào đêm giao thừa, khi được hỏi về những nhạc sĩ có ảnh hưởng lớn trong công chúng mà Trịnh Công Sơn thích, nhạc sĩ họ Trịnh đã nói: “Theo tôi có Tôn Thất Lập”.

Năm 1990, trong bài tựa cho tập Phố ca tái bản của Tôn Thất  Lập, Trịnh Công Sơn viết: “Tôn Thất Lập đã đến với âm nhạc bằng những tình khúc, mặc dù trong chiến tranh anh được biết đến nhiều như một nhạc sĩ của phong trào...“Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em -  trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian”. Có một thời anh cũng đã nhắc đến cái sứ mệnh ấy của tiếng hát và tôi nghĩ rằng anh chẳng phải là con người dễ quên để không thể một ngày nào đó thông báo cho chúng ta tin mừng về sự giải thoát”. Đúng như những gì Tôn Thất  Lập thường tâm niệm, với anh, âm nhạc là “lẽ sống và là cách để bản thân mỗi người tự giải thoát mình”!

Phan Quỳnh Anh
.
.