Nhạc sĩ Thanh Tùng: Trả về hư không Giọt nắng bên thềm

Thứ Bảy, 26/03/2016, 09:46
Nhạc sĩ Thanh Tùng, ông bạn tôi, đã chia tay đời vào sáng nay ở Hà Nội, sau một thời gian dài lâm trọng bệnh. Giờ ông đã gặp lại người vợ yêu thương của mình, sau bao nhiêu ngày “Một mình”.


Bốn năm trước, khi ông ngã bệnh tôi có viết bài viết này. Và giờ đây, mượn lời thương cũ như một nén nhang tưởng nhớ ông.

Chờ cho đến lúc phai tàn.

Tôi đau lòng nhìn người đàn ông gầy gò, nhỏ thó, ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn trước mặt. Mái tóc ông lơ thơ làm cho vầng trán càng rộng, đôi má hóp làm cái miệng như móm hơn, trên gương mặt tiều tụy chỉ còn đôi mắt là vẫn tinh anh. Ôi, đã có một thời ông thường ghé nhà tôi, không trên chiếc Datsun trắng thì cũng chiếc Mercedes 220 xanh hoặc chiếc Traction cổ kềnh càng hai màu đen đỏ. 

Cao lớn, đẹp trai, da trắng tươi, kể chuyện tiếu lâm cực duyên, nói cười rổn rảng, năm bảy căn nhà, xài tiền như nước, bạn bè ai gặp khó khăn chỉ cần nói một tiếng là móc ngay tiền ra đưa… Quý mến thằng con trai còi cọc của tôi chưa biết đọc chữ mà đã gọi đúng tên mọi chiếc xe hơi chạy trước mắt, ông cứ mang từng hộp sâm Hàn Quốc tới bắt tôi hấp cơm cho nó ăn mau lớn. 

Ông và các bạn trong nhóm nhạc sĩ Những người bạn (*) uống rượu phà phà, hết chai này đến chai khác, toàn rượu ngoại mắc tiền do ông đem tới. Thời cực thịnh ông vừa giàu vừa nổi tiếng.

Giàu nhờ vợ còn nổi tiếng thì nhờ những Ngôi sao cô đơn, Hãy chôn tôi với cây đàn guitar, Lời tỏ tình của mùa xuân, Giọt sương trên mí mắt, Mưa ngâu, Hát với chú ve con, Tình không biên giới… Ông chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật ở Đoàn Ca múa Bông Sen, đồng thời xây dựng dàn nhạc nhẹ Đài Truyền hình TP HCM thập niên 1980, một dreamteam với những Mạnh Trinh, Lý Được, Sĩ Thanh, Ngọc Bích…

Tôi thân với ông từ  ngày tôi đem cuốn Vĩnh biệt mùa hè tới đưa ông: “Anh Tùng làm ơn đọc rồi viết một ca khúc giùm tôi, làm soundtrack cho bộ phim ông Lê Hoàng Hoa đang quay” (**). Ông trợn mắt: “Tại sao tôi phải làm điều này?”. Tôi cười: “Vì lúc trước tôi nghe Ngọc Bích hát Ngôi sao cô đơn của anh hay quá nên mới nổi hứng viết nên cuốn tiểu thuyết cùng tên. Giờ anh phải đọc sách của tôi và viết nhạc lại cho huề”.

Tôi cứ nhớ mãi khoảng sân nhỏ trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, quận 1 có gốc khế, nơi ông và bạn bè thường ngồi nhậu mỗi chiều, chen lẫn tiếng cụng ly là những tràng cười hào sảng. Đó là nơi ông đàn hát cho chúng tôi nghe bài Hoa tím ngoài sân khi vừa viết xong, vừa cười vừa kể thoạt đầu đã viết là Hoa khế ngoài sân, nhưng rồi lại sợ bà con hiểu lầm là… mồng gà hoa khế - tên gọi hai căn bệnh xã hội -  nên phải sửa lại. Cũng là nơi lần đầu ông phát hiện vũng nước tiểu của mình bị kiến bu đầy, báo hiệu căn bệnh tiểu đường quái ác đã hành hạ ông suýt chết mấy lần đến tận bây giờ.

Nhạc sĩ Thanh Tùng lúc đã ngã bệnh.

Rồi chị Minh, vợ ông, bất ngờ bị bệnh nặng và mất… Dù rất bận rộn chuyện làm ăn nhưng chị vẫn thường đích thân lo tiệc nhậu cho chồng khi bạn bè đến nhà. Bạn ông ai cũng kính nể chị, một tay làm ra tiền nhưng luôn quý người chồng nghệ sĩ hết mực. 

Bạn bè nể một, thấy ông nể hai, ba. Nhưng không rõ lắm ông yêu vợ cỡ nào, vì vẫn đều đều tham gia những cuộc vui với “những bông hoa nhỏ”, rồi bar pub vũ trường, mátxa bia ôm… thảy đều không từ. Chỉ có một nguyên tắc cho tôi hiểu ông nể vợ: ai muốn ngồi cạnh ông là phải chùi thật sạch son phấn. Ông giải thích ngắn gọn: “Sợ bà ấy buồn”.

Chỉ khi chị Minh mất, mới thấy ông thương vợ thế nào, khi Lối cũ ta về bất ngờ ra đời, thấm đẫm kỷ niệm ngày xưa ở Nghi Tàm với niềm thương tiếc khôn nguôi: Dù cho bên anh nay em không còn nữa/ Biết chăng trong con tim anh luôn hằng nhơ/á Người yêu ơi nay em đã bỏ anh đi/ Sao em nỡ bỏ anh đi mãi.

Đó cũng là lúc ông đi uống nhiều nhất. Từ trưa, đến chiều, đến khuya, có hôm một, hai giờ sáng mới về đến nhà, như để nuốt hết nỗi buồn vào lòng. Bạn bè ông rất đông, thay ca chia sẻ với ông trong ngày, vì làm sao đu theo nổi ông (hai người có mặt bên ông nhiều nhất trong thời gian ấy là Trịnh Công Sơn và Từ Huy, nay cũng đều đã… lên đường!). Sau Lối cũ ta về, là Em và tôi, Trái tim không ngủ yên…, bài nào cũng nhanh chóng chinh phục người nghe. Tôi từng ngạc nhiên hỏi ông sáng tác vào lúc nào trong ngày, ông nói lúc khuya đi nhậu về, một mình một bóng trong phòng, không ngủ được. Nghệ sĩ sáng tác luôn là người cô đơn, trước trang viết của mình. Với ông, sự cô đơn ấy còn đậm đặc hơn. 

Rồi Một mình được tung ra (lần đầu do Mỹ Linh hát), gây rưng rưng không chỉ cho bất cứ ai từng bị mất mát, và tôi tin không ai cô đơn bằng ông khi viết ca khúc ấy. Chỉ có bằng một sự cô đơn và nhớ thương tuyệt đối người ta mới có thể viết: Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên/ Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên/ Bao đêm tôi đã một mình nhớ em/ Ðêm nay tôi lại một mình. Và, Vắng em đời còn ai với ai/ Ngất ngây men rượu say/ Ðêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ/ Cô đơn, cùng với tôi về.

Ông không phải là thần thánh, có tài, lại nhiều tiền, sống hào hoa. Không ít phụ nữ đẹp muốn đến với ông, lúc đó. Cũng có lúc đã tưởng ông chọn chung sống với một cô người mẫu. Nhưng rồi ông lại một mình, chăm sóc ba đứa con, cho đi học bên Mỹ, rồi tất cả cùng trở về, quây quần bên ông. Bệnh thì ngày càng nặng - bởi có kiêng cữ gì đâu, lại không ai chăm sóc!                        

Giờ đây tôi và ông đang ngồi trong một ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh, đồ sộ hơn nhiều so với căn ở ngõ Cây Điệp ngày nào. Có dàn huỳnh anh nở vàng rực mấy bờ tường, có hồ nước cá chép Nhật lượn lờ, có đàn gà tre thảnh thơi mổ thóc, và có mấy con chó nằm khoanh đuôi đuổi ruồi không bay trong chuồng sắt. Căn nhà đẹp nhưng buồn bã, nhất là khi nhìn mấy con chó bó gối kia.

Nhạc sĩ Thanh Tùng thời còn công tác ở Đoàn Ca múa Bông Sen.

Sau cơn đột quỵ xuất huyết não năm 2008 tưởng không qua khỏi, giờ đây ông đi bằng xe lăn và nói rất khó khăn, từng tiếng một, đôi khi phải bút đàm. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra suốt hai tiếng mà chỉ được vài câu, như sau: “Vừa có show kỷ niệm 5 năm ngày mất của Từ Huy, do gia đình tổ chức ở Nhà văn hóa thanh niên… Anh Bảo Phúc thì mất 2 năm rồi… Anh Sơn 10 năm… Nhanh quá phải không anh? Anh có còn nhớ về các anh ấy?”. “Sao không?… Bạn bè… Đời… vô nghĩa…”. “Anh vẫn đọc báo, xem tivi hàng ngày?”. “Vẫn…”. “Anh đã có một tình yêu rất bền, đẹp, dù đứt đoạn. Anh Sơn cũng có một cuộc tình còn lãng mạn hơn. Có phải những cuộc tình buồn sẽ dễ đưa đến những tác phẩm bất tử?”. “Hên xui…”. “Anh nghĩ gì về cuốn Thư tình cho một người của anh Sơn?”. “Tôi nghĩ… nếu được… hỏi, anh Sơn sẽ… không… đồng ý…”. “Vừa rồi ở Hà Nội ông Trần Bình có làm mấy đêm show ca khúc của anh. Anh có ra?”. “Không”. “Anh có thích làm lại một show ở TP HCM?”. “Thích”. Rồi anh cười, đôi mắt sáng đầy hứng khởi như ngày nào… “Bia?”. Bác sĩ cho uống bia lại rồi à? - Tôi trợn mắt. “Rồi… Ngày… 4 lon, trưa 2… chiều 2… Có thể… 3…”.

Tôi uống với ông hai lon bia, chạnh lòng nghĩ tới bao tiệc nhậu ngày xưa, bao gương mặt bạn bè một thời giờ đâu vắng cả… Bia rượu từng chảy như suối, rồi bao nhiêu son phấn vây quanh… Thấy buồn như chưa bao giờ buồn hơn… Câu cuối cùng tôi hỏi ông trước khi ra về: “Anh vẫn nhớ chị Minh nhiều?”. Ông gật đầu, đôi mắt chợt buồn hẳn, xa xăm.

Tôi tin giờ đây càng một mình ông càng nhớ chị ấy nhiều hơn. Nhớ gốc khế trong căn nhà ở ngõ Cây Điệp, nhớ phố xưa Nghi Tàm, nhớ những khóm cúc vàng bên thềm nhà… 

Tôi mở điện thoại của mình cho ông nghe lại Mỹ Dung và ông hát Hoa cúc vàng, gần như là bài hát cuối cùng của ông trước ngày bị đột quỵ và cũng là bài mà tôi thích không thua gì bài Một mình: Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về/ Ta lại ngồi bên nhau, nghe gió lay cành khế/ Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về/ Anh lại ngồi bên em, chờ con nắng ghé qua thềm/ Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà/ Sao chưa về thăm anh, anh nhớ em nhiều lắm đấy/ Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng/ Đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn.

Bây giờ cũng đang là mùa thu, trong vườn có chút nắng vàng như mật, nhưng không có khóm cúc nào mà chỉ có mình ông đang cô đơn tàn tạ dần.

***

Ông ngồi một mình nhìn theo tôi ra về.

Tạm biệt nhạc sĩ Thanh Tùng! Chắc khó hy vọng ông có thể làm thêm được một ca khúc nào nữa, nhưng với nhiều người nghe, tôi nghĩ chỉ cần mỗi Một mình của ông là cũng đã đủ để ông sẽ sống mãi trong họ…

                                     4/10/2011

___________________

* Thành lập ngày 8-3-1991. Gồm: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Vũ Hoàng. Mục đích động viên nhau sáng tác, trong thời kỳ đầu, hàng tháng họ đều gặp nhau để giới thiệu sáng tác của mình. Ai không có ca khúc mới sẽ bị phạt đãi chầu nhậu hôm ấy.

**  Phim truyện nhựa, với các diễn viên: Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Lê Cung Bắc… Hãng phim Giải Phóng sản xuất năm 1992.

Nguyễn Đông Thức
.
.