Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Niềm vui thi thoảng, nỗi buồn mênh mang

Chủ Nhật, 09/09/2012, 16:35
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói, ông là người tỉnh táo, tỉnh trong đời riêng và tỉnh trong nghệ thuật. Ông không ảo tưởng vào chính mình, coi mình chỉ là hạt bụi trong tiến trình lịch sử lâu dài của dân tộc. Biết mình, biết người, ông trân trọng yêu thương bạn bè và những tài năng. Dù đã đi qua một cuộc đời, mà ông vẫn nói rằng: “Đã đau khổ đến tột cùng, niềm vui thi thoảng, nỗi buồn mênh mang”.

1. Vóc người nhỏ, mái tóc bạc như cước và cặp kính lão, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có phong thái nho nhã của một bậc túc nho. Ngồi nói chuyện với ông, cái chất Nghệ thân thương, mộc mạc, dù đi cả đời vẫn không bị trộn lẫn, pha tạp với sự khí khái, thẳng thắn của người miền Trung khiến người đối diện thấy ấm áp. Tuổi 80, ông càng thấu hiểu những lẽ đời, nhưng ở ông vẫn không có vẻ của một ông già ẩn dật. Những âm hưởng của cuộc sống đương đại, vẫn vọng vào tâm hồn ông những khát vọng khôn nguôi. Ông bà sống ở căn hộ tập thể này từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Con ngõ Khương Trung ngày đó còn rộng rãi, giờ đã ken chật những người. Các con ông lớn lên, cũng không rời xa nơi thân quen này. Một phần vì điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp. Một phần vì ông muốn gia đình quần tụ. “Tôi không quan tâm đến những thứ ngoài mình. Danh vọng, tiền bạc cũng chỉ là phù du mà thôi. Chỉ có sự sáng tạo đích thực của người nghệ sĩ mới ở lại với cuộc sống này”.

Một ấm trà nóng, bên một góc cửa sổ nhỏ, phủ màu xanh của cây khế nhà hàng xóm, trở thành chỗ làm việc lý tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trong không gian chật hẹp này. Trên bàn làm việc vẫn dang dở những bản thảo ông viết rồi gạch xóa để hoàn thiện một cách tốt nhất tác phẩm của mình. Mới đây, ông đã thay từ “nắng biển” thành “chớp biển” trong bài Xa khơi. Ông theo dõi những đứa con tinh thần của mình, ngay cả khi nó đã trưởng thành và có chỗ đứng trong lòng công chúng. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn không thôi khắc khoải về từng con chữ, từng nốt nhạc trong từng bài hát. Thế nên, bài hát nào của ông cũng đeo đẳng hàng chục năm. Xa khơi, mất 7-8 năm. Mơ quê mất 12 năm. Tiếng hát giữa rừng Pác Bó mất 6 năm.

Ẩn sau cái vẻ bình yên của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là một tâm hồn giông bão, đi qua những biến động của thời cuộc. Trước những biến động đó, con người thật bé nhỏ và cô đơn. Với người nghệ sĩ, thì sự cô đơn là tuyệt đối… Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chưa từng viết một ca khúc về trận đánh, về chiến thắng. Sở trường của ông chỉ viết những ca khúc trữ tình. Thế nên hầu hết các ca khúc của ông đều gặp những nỗi đoạn trường. 1958, Nguyễn Tài Tuệ viết Lời ca gửi Noọng, sau này đổi lại là Mùa xuân gọi bạn. Bài hát mang âm hưởng của dân ca Tày Nùng.

Năm 1959, nhà nước tổ chức một chuyến đi biểu diễn tại Liên hoan Thanh niên Thế giới, người đứng ra tổ chức là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Họ yêu cầu tìm bài hát nhưng không được nói về tiếng súng mà chỉ nói về hòa bình và yêu thương. Mọi người tìm mãi không có bài hát nào. Lúc đó, ông từ Lào Cai về thăm đoàn ca múa nhạc. Mọi người hỏi xem ông có bài hát trữ tình nào không. Nguyễn Tài Tuệ khoe Lời ca gửi Noọng. Mọi người nghe, mê quá, chọn ngay. Nhưng bài hát lại gạt tên tác giả ra ngoài và đề là dân ca Nùng, vì lúc đó, tên tuổi của ông cũng chỉ là “cỏ dại”. Nguyễn Tài Tuệ muốn lấy lại tên của mình, nhưng tận hai năm sau, Lời ca gửi Noọng mới được trả lại đúng tên người đã sinh ra nó. Cái tên Nguyễn Tài Tuệ dần dần được hé lộ… Khi Lời ca gửi Noọng nổi tiếng và ngay lập tức bị cấm vì không phục vụ mục đích kháng chiến, kiến quốc. Mãi đến năm 1976, bài hát mới được phổ biến trở lại. 

Mỗi bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đều có môt thân phận riêng, trắc trở. Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, bài hát mừng sinh nhật Bác mà ông và nhạc sĩ Quốc Hương muốn viết tặng Người (và đó cũng là bài hát duy nhất nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết về Bác Hồ). Bài hát dựa trên nền điệu hát Then của người Tày, hồi đó bị cho là thứ nhạc tâm linh, duy tâm, không thể dùng để ca ngợi lãnh tụ. Thế nên, cũng bị cấm phổ biến.

Rồi sau này, ông viết Xa khơi, bị đánh tơi bời. Năm 1963, Bộ Văn hóa - Đài Tiếng nói Việt Nam - Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ban Thống nhất Trung ương đã tổ chức một cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật. Bài Xa khơi lấy cảm hứng từ chuyến đi thực tế đến vùng đất đau thương Vĩnh Linh - Quảng Trị, tận mắt chứng kiến sự chia lìa đau đớn của đất nước. Đi thực tế từ năm 1958 nhưng đến tận 1963, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ mới viết Xa khơi. Khi bài hát gửi lên hội đồng giám khảo đã bị vứt ra ngoài, cho là tác phẩm đề cập đến những giá trị thấp kém, tiểu tư sản trong khi cả nước đang gồng mình lên chiến đấu. Sau nhiều tranh cãi, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương đã lên tiếng ủng hộ và đề nghị cho thu thanh tất cả các bài hát phát lên đài tiếng nói và lắng nghe dư luận. Xa khơi cùng với tiếng hát bay bổng của ca sĩ Tân Nhân đã làm nên một cơn sốt ngày đó. Trên những chặng đường Trường Sơn khói lửa, có những vị tướng đã bất chợt lắng nghe. Ông bảo cả đoàn quân dừng lại. Rất nhiều phản hồi tốt đã được gửi về đài. Hồi đó, bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người của nhạc sĩ Trần Kiết Tường cũng “có vấn đề”. Nhưng cuối cùng hai bài hát này đều được giải và ở lại với thời gian.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bảo, ông luôn cảm thấy lạc lõng giữa mọi người, bởi trong khi các nhạc sĩ viết những ca khúc về chiến thắng, thì ông, sâu thẳm trong những nỗi niềm diệu vợi. Nhưng, trong tâm thế của một người sáng tạo, Nguyễn Tài Tuệ luôn vững vàng, tự tin, bởi ông biết, giá trị cuối cùng của mọi sự sáng tạo là nhân văn, chạm đến cõi lòng. Chính cái gốc rễ văn hóa của cha ông, ánh sáng của những tư tưởng minh triết phương Tây thấm vào ông đã giúp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ luôn có một tâm thế vững vàng trước những biến động của thời cuộc.

2. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh ra trong một gia đình Nho giáo. Dòng họ Nguyễn Tài còn có một người nổi tiếng là Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn. Từ 6-7 tuổi, ông đã được bố mẹ gửi vào Sài Gòn học văn hóa. Mảnh đất văn hóa Nghệ Tĩnh của những điệu hò câu ví đã thấm vào ông từ những ngày thơ bé khi lẽo đẽo theo các bà, các chị ra bến sông hát ví dặm. Nước mắt cậu bé Tuệ cứ chảy dài vì những cuộc chia ly. Ông vốn là người đa cảm, nhiều lần, mẹ đã cấm Nguyễn Tài Tuệ đi theo đám hát, vì sợ cậu bé lại khóc, thấy khổ cho con quá, nhưng ông nhất quyết khộng chịu… Tâm hồn Nguyễn Tài Tuệ được hun đúc lên từ những câu hát ví dặm, hát phường vải của Nghệ Tĩnh. Và vốn Hán học từ bố...

Từ nhỏ, Nguyễn Tài Tuệ đã ý thức được sự học trong cuộc đời mình. Đôi lần ông đã cầm bút sáng tác. Tốt nghiệp cấp 3, bố mẹ gửi Nguyễn Tài Tuệ ra Hà Nội để theo học ngành sư phạm, về làm thầy giáo. Có lần đi tham dự Đại hội Thanh niên ở Nhà hát Lớn, Nguyễn Tài Tuệ bị choáng ngợp bởi một chân trời mới được mở ra trước mắt mình. Lúc đó, ông mới biết đến Văn Cao, đến Lưu Hữu Phước, đến những tác phẩm lớn của nền âm nhạc nước nhà. Sự mê hoặc của âm nhạc đã cuốn ông đi. Nguyễn Tài Tuệ gia nhập làm diễn viên ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Sau đó một thời gian, ông được cử đi làm cố vấn chương trình cho đoàn nghệ thuật ở Lao - Hà - Yên, để phục vụ kháng chiến. Bối cảnh miền núi thơ mộng và lãng mạn đã thôi thúc ông cầm bút sáng tác. Con người đầy khát vọng trong ông không chỉ dừng lại ở đó. Nguyễn Tài Tuệ từ bỏ ca hát và chuyển sang sáng tác.

29 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được cử sang Học viện Âm nhạc Bình Nhưỡng học, trong tay không có một tấm bằng sơ cấp, trung cấp nào. Các giáo viên ở đây ngạc nhiên vì từ trước đến giờ chưa có một học sinh nào “cá biệt” như vậy. Còn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ bình tĩnh xin được kiểm tra trình độ. Hơn một tháng, nào hòa thanh, phối khí, cho đến những kiến thức cơ bản về lý luận, triết học, đều được Nguyễn Tài Tuệ trả lời một cách thấu đáo. Mọi người ngạc nhiên, hỏi ông học ở đâu. Nhạc sĩ chỉ cười, ông tự học, học từ sự thôi thúc của chính mình. “Sự nỗ lực đã giúp tôi chiến thắng mọi áp lực, có lúc đưa tôi đến đỉnh cao của sự sáng tạo. Tôi cho rằng, tài năng chỉ chiếm 1% thôi, còn lại 99% là sự nỗ lực của người nghệ sĩ”. Ông quan niệm, mỗi nghệ sĩ, trước hết là một nhà văn hóa - cái nền tảng cơ bản về tri thức cho mọi sự sáng tạo. Ông có những tiêu chí rất cụ thể cho mình và các học trò, ngoài các tiêu chí mà ông rất thấm nhuần của nhà triết học người Đức, Nietzsche.

Nguyễn Tài Tuệ nổi tiếng với phương châm bốn chữ T: Tài năng thiên phú, chỉ chiếm 1%. Chữ T thứ hai là trí tuệ và tri thức của thời đại, đó là suối nguồn văn hóa của đất nước, cái nôi hình thành nhân cách và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Chữ T thứ ba là chữ Tâm. Đó là sự dấn thân, là lòng tự trọng, thành thật với chính mình, gạt ra ngoài những bon chen danh lợi. Và chữ T cuối cùng, đó chính là tầm cỡ của tác phẩm. Con số đó không vượt quá 5% tổng số lượng văn nghệ sĩ. Bởi theo ông, không có tuyệt tác nghĩa là không có gì. Nhiều người đến khi chết vẫn phải khóc vì hơn 300 tác phẩm mà vẫn không để lại cho đời được một kiệt tác...

Hàng ngày, trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam hay trong các cuộc thi lớn, vẫn vang lên tiếng hát của Xa khơi, của Tiếng hát giữa rừng Pác Bó và những tác phẩm khác của ông. Ông chọn âm hưởng dân gian, bởi nó nằm trong xương tủy, trong mạch máu của dân tộc. Và nó sẽ chạm đến mỗi trái tim gần gụi, yêu thương. Nói như nhạc sĩ Lương Nguyên, Nguyễn Tài Tuệ là một trong những nhạc sĩ giỏi nhất trong phát triển âm nhạc dân gian.

Những vinh quang, giải thưởng đối với người nhạc sĩ già không quá quan trọng, bởi hàng ngày, trong không gian chật hẹp ấy, ông vẫn cần mẫn làm việc, cho đến hơi thở cuối cùng, để hoàn thiện nhất những tác phẩm của mình. Bên cạnh ông, luôn có bà, một cô gái Hà Nội gốc, đảm đang, dám hy sinh sự nghiệp của mình để chăm lo cho chồng con. Những phiền muộn đã đi qua, và dường như nó chưa bao giờ làm cho con người này nao núng hay tuyệt vọng…

Khánh Linh
.
.