Nhạc sĩ Huy Thục và những bài ca đi cùng năm tháng
“Đi cùng các đơn vị chiến đấu ở Cam Lộ, Khe Sanh, hình ảnh các cô gái Vân Kiều gùi trên vai những quả đạn pháo, tên lửa nặng trĩu, vẫn với chiếc đàn Ta Lư đeo trước ngực, cất tiếng ca mừng các anh giải phóng quân đã làm tôi xúc động viết nên những nốt nhạc đầu tiên cho Tiếng đàn Ta Lư”, nhạc sĩ tâm sự.
Tiếng đàn Ta Lư là bài hát đầu tiên nhạc sĩ Huy Thục chính thức dùng tên thật của mình sau hàng loạt những sáng tác ký tên Lê Anh Chiến: Cô gái Pa Kô, Chào đường 9 anh hùng, Tiếng hát trên đường quê hương.
Hồi đó, sau những chiến công lừng lẫy của quân dân Quảng Trị, nhân dân khắp hai miền Nam - Bắc được nghe những ca khúc vừa trữ tình vừa hùng tráng, mang đậm dấu ấn miền Trung, người ta nghĩ Lê Anh Chiến là một thanh niên Quảng Trị sáng tác ca ngợi quê hương mình.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Lê Anh Chiến là ai? Có phải một tài năng mới xuất hiện”? Nhưng rồi họ được biết Lê Anh Chiến là tên một cháu bé mới mấy tháng tuổi đang sống với mẹ là chị Nguyễn Thúy Nga ở Trường Nghệ thuật quân đội. Bố Lê Anh Chiến là nhạc sĩ Huy Thục lúc bấy giờ là một chiến sĩ quân giải phóng Quảng Trị. Huy Thục lấy bút danh tên con trong những ca khúc mới sáng tác của mình cũng như nhạc sĩ Hoàng Vân đổi tên là Y Na, nhạc sĩ Trọng Loan mang tên Hương Lan.
Đội xung kích Đoàn ca múa Tổng Cục chính trị, trong đó có Huy Thục, Minh Tiến, Loan Trinh, Bích Nguyệt, Vân Anh, đang biểu diễn phục vụ quân dân miền Tây Hướng Hóa thì một tin chiến thắng vang tới: Mười pháo thủ do Bùi Ngọc Đủ chỉ huy đã mưu trí đánh bại một cuộc tập kích của 200 lính thủy đánh bộ Mỹ vào khu vực trận địa và kho đạn của một trung đoàn pháo mặt trận Quảng Trị.
Sau 15 đợt xung kích thất bại, đơn vị lính Mỹ đã phải đưa hàng chục thương binh rút lui về căn cứ ở cao điểm 241 phía tây Cam Lộ. Bùi Ngọc Đủ cùng cả tập thể 10 pháo thủ của đơn vị đều được thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, được khắp hai miền Nam - Bắc nhắc đến với cái tên “1 thắng 20”.
Huy Thục cùng một số anh em văn công và một đoàn nhà báo lên tận “cao điểm không tên” nơi đơn vị Bùi Ngọc Đủ vừa chiến đấu. Huy Thục hỏi Bùi Ngọc Đủ: “Trên mảnh đất khô cằn xa hậu cứ này các anh sống ra sao?”. Bùi Ngọc Đủ trả lời: “Ăn thì rau lá trên rừng, uống thì xuống suối La La chân đồi”.
Trong khi các sĩ quan, phóng viên phỏng vấn các dũng sĩ “1 thắng 20” về diễn biến trận đánh thì Huy Thục xuống bên con suối La La sáng tác bài hát: Ơi dòng suối La La với những lời ca bay bổng: “Ai qua suối La La, nghe dòng suối reo ca: chiến công 10 dũng sĩ, xông lên như thác đổ...". Sau đó ít lâu đội văn công nhận lệnh ra Bắc.
Cuối tháng 9/1969, sau ngày Bác Hồ mất, Huy Thục xin trở lại Bắc Quảng Trị. Những đêm ra mặt trận trên con đường mang tên Bác, anh gặp từng đoàn, từng đoàn thanh niên Nam tiến. Họ là những công nhân Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Duyên Hải; là những nông dân trên cánh đồng quê hương “5 tấn”; là những thanh niên mới tốt nghiệp đại học và cả một số giáo viên các Trường đại học Tổng hợp, Sư phạm, Bách khoa… ở nhiều địa phương, địa bàn hoạt động khác nhau nhưng ai nấy đều chung một khí thế hào hùng “Nhớ Bác Hồ, biến đau thương thành sức mạnh”. Thế là bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân của Huy Thục hình thành với những câu đầu tiên:
Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận
Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác
Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ
Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào.
Tiếp đến mùa xuân đại thắng năm 1975, các bạn văn công của Huy Thục lại có mặt trong giải phóng Huế (25/3/1975), giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975) và rồi đến 30/4/1975, các anh chị đã có mặt ở Sài Gòn vừa giải phóng. Ở đâu Huy Thục cũng có những sáng tác đầy ấn tượng.
Mấy chục năm sau trên Tây Nguyên, Huy Thục gặp lại Bùi Ngọc Đủ. Tại Kon Tầng, Măng Giang (Gia Lai), cháu Hải con anh Đủ chuyện trò với chúng tôi: “Bố cháu vừa đi sản xuất trên nương cà phê, hồ tiêu về gặp bác Huy Thục. Thế là hai người ôm lấy nhau. Bố cháu khóc, bác Huy Thục cũng khóc khi cảm động nhớ đến các bạn, kể chuyện lần bác gặp bố cháu trên ngọn đồi “Không tên”, bên dòng suối La La nơi bác sáng tác bài Ơi dòng suối La La…”
Sau khi gặp Bùi Ngọc Đủ ở Tây Nguyên ít lâu, Huy Thục có dịp trở lại Hướng Hóa, Đắk Krông với những người bạn Pa Kô, Vân Kiều năm xưa, vẫn những người bạn cũ đã để lại ở Huy Thục bao ấn tượng sâu đậm.
Một đồng chí bí thư chi bộ mời Huy Thục uống rượu. Vì dạ dày bị đau nặng, Huy Thục khéo léo khước từ. Anh bạn Vân Kiều nói: “Huy Thục ngày nay khác xưa rồi. Trước đây trong bom đạn Trường Sơn, Huy Thục vẫn uống rượu, ăn thịt rừng với người Vân Kiều. Nay về Thủ đô sung sướng Huy Thục không uống với mình nữa. Thế là không tốt đâu”.
“Huy Thục ngày nay vẫn như trước đây thôi, vẫn yêu quý người Vân Kiều, yêu quý quê hương Đắk Krông, không bao giờ quên những ngày tháng gian khổ ác liệt trong kháng chiến đâu. Huy Thục không uống được rượu vì cái dạ dày bị đau vừa phải cắt hơn một nửa rồi. Bác sĩ không cho được uống rượu đâu”. Huy Thục nói xong, liền vén cao áo để lộ một vết sẹo dài trên ổ bụng.
Anh bạn vừa trách Thục tiến lên phía trước gục đầu vào vai Thục khóc nói: “Mình xin lỗi Thục. Mình đã hiểu Thục rồi”.
Sự cảm động thể hiện trên ánh mắt mọi người. Tất cả cùng reo vang. Mấy cô gái Vân Kiều rực rỡ trong chiếc váy dân tộc nhiều màu sắc, với chiếc đàn Ta Lư nhỏ xinh hát vang bài Cô gái Pa Kô với lời hát đã được dịch sang tiếng Pa Kô.
Những tiếng hát Tiếng đàn Ta Lư, Bác đang cùng chúng cháu hành quân vang khắp khu rừng Đắk Krông .
Tháng 9/2001, nhạc sĩ Huy Thục được Chủ tịch nước tặng giải thưởng cấp Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật với những bài hát Tiếng đàn Ta Lư, Ơi dòng suối La La, Bác đang cùng chúng cháu hành quân và một số sáng tác khác của anh.
Năm 2004, nhiều sáng tác kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 50 năm Giải phóng Thủ đô, 60 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam của Huy Thục đã được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và nhiều ca khúc của nhạc sĩ đã trở thành “Những bài ca không thể nào quên”, “Những bài ca đi cùng năm tháng"