Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đi cùng năm tháng với “biển bạc đồng xanh”
Với vóc dáng nhỏ bé, đi nhẹ, nói khẽ và nụ cười thường trực trên khuôn mặt sáng, Hoàng Sông Hương thu hút người đối diện với những câu chuyện dí dỏm rất đời. Gặp ông, người ta thường mường tượng đến thầy giáo làng hiền lành, đã nghỉ hưu, ít ai nghĩ đó là người viết nhạc, nhất lại là những ca khúc với từ ngữ tình ca cuộn trào, ào ạt như sóng biển, hay tỏa rộng, bát ngát như đồng ruộng, núi rừng.
Với một “gia tài” âm nhạc giàu có, Hoàng Sông Hương đóng đinh trong nền âm nhạc nước nhà bằng nhiều tác phẩm như: “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Phố biển tình anh”, “Tiếng dạ - tiếng thương”, “Nhật Lệ trăng huyền thoại”, “Giọng hò quê hương”, “Lời ru trên sóng”, “Tình ca rừng và biển”, “Tình người hương lúa”, “Tâm tình với sông Gianh”…
Trong nhiều chương trình ca múa nhạc lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh..., Hoàng Sông Hương vinh dự khi tác phẩm của mình thường được chọn. Nhiều ca sĩ chọn bài hát do ông sáng tác đã mê hoặc khán giả bởi ca từ đẹp, gần gũi. Có điều, rất nhiều người biết đến các bài hát và hát các bài hát như Tình ta biển bạc đồng xanh, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Tiếng dạ - tiếng thương... nhưng không nhiều người biết đến tác giả Hoàng Sông Hương.
Nhấp ngụm cà phê đắng chát, ông cười: “Nhạc sĩ ở tỉnh lẻ mà, có đi mô mà ai biết”. Đúng vậy, ở bất cứ chương trình ca nhạc lớn nào, hầu như không ai một lần thấy nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, dù có thể trong chương trình đó có “hai ba đứa con tinh thần” của ông được ca sĩ chọn để thể hiện. Hàng chục năm trời, người dân vùng cát Quảng Bình vẫn thấy ông chạy chiếc xe máy hết địa phương này, xã nọ trong tỉnh để tìm hiểu, để thổi hồn vào các ca từ của mình. Ông hầu như không rời mảnh đất Đồng Hới, loanh quanh trong “biển bạc, đồng xanh” không đến các thành phố lớn.
Hơn 50 năm sáng tác nhạc, để lại nhiều tác phẩm đóng đinh trong lòng khán giả nhưng những bài viết về ông, về tác phẩm của ông trên báo chí, sách vở nghiên cứu âm nhạc... chỉ đếm trên đầu năm ngón tay. Vì vậy, khi viết về nhạc sĩ Hoàng Sông Hương vừa dễ vừa khó cho người cầm bút.
Khó bởi gặp ông, nói chuyện với ông, ông rất kiệm lời khi nói về mình, tác phẩm của mình, tư liệu viết về ông lại hầu như không có. Nhưng dễ ở chỗ, cuộc đời ông, gia tài âm nhạc của ông như cánh đồng bát ngát, chưa mấy ai cày xới, vì vậy câu chữ viết về người nhạc sĩ không bị bó chặt, cũng dào dạt như biển, như rừng ông từng viết vậy.
Trước năm 1990, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương sống ở Huế cùng vợ con. Vợ ông, người con gái đẹp đất kinh kỳ vì mê tiếng đàn, tiếng sáo mà dứt áo theo chàng trai nghèo vùng cát Quảng Bình. Để rồi, như có lần ca sĩ Mỹ Lệ, con gái nhạc sĩ Hoàng Sông Hương thổ lộ: “Một mình mẹ lo lắng cho cả nhà, ba nhiều khi còn không nhớ tên con”.
Có lẽ đó chỉ là cách nói bóng gió của Mỹ Lệ về ba mình, khi ông dành hết thời gian cho âm nhạc và ca từ. Có thể, việc nhà ông “nhác” nhưng việc giới thiệu hình ảnh quê hương miền Trung qua âm nhạc thì Hoàng Sông Hương đã làm rất tốt.
Từ đất Huế kinh kỳ đến Quảng Trị yêu thương, Quảng Bình quê mẹ, qua ngôn ngữ âm nhạc của ông, người ta bắt gặp hình ảnh mỗi vùng quê một khác nhưng đều chất chứa sự mộc mạc, giản dị và đầy nghĩa tình cả trong tình yêu, nỗi nhớ và công việc, sinh hoạt hằng ngày. Những ngày ở Huế, khi gặp ý thơ của nhà báo Lê Anh Phong, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã viết “Nếu anh chọn sắc màu áo tím/ Xin hãy về thành Huế cùng em/ Nón nghiêng nghiêng nụ cười rạng rỡ...”, thiết nghĩ chẳng ai dùng âm nhạc mà giới thiệu đặc trưng về Huế đầy đủ như ông. Chỉ vài dòng nhạc, ông đã vẽ rõ hình ảnh đẹp của người con con gái Huế qua trang phục áo tím, nón trắng và nụ cười rạng rỡ.
Về Quảng Bình, ông viết ca khúc Huyền thoại trăng Nhật Lệ, khi hát lên, người nghe thấy hình ảnh Quảng Bình chất chứa, xếp chồng trong đó “Bập bềnh ru ngọn sóng/ Điệu hát tình lênh đênh/ Nhật Lệ trăng huyền thoại/ Sóng vỗ vào tim anh/ Anh đến bóng lung linh/ Miên man nồm Đồng Hới/ Phải vì dòng sông xanh/ Hay vì say hồng nở...”. Chỉ mấy câu ngắn ngủi đã đầy đủ những nét riêng biệt của thành phố Đồng Hới, nơi có sông Nhật Lệ chảy qua, có cửa biển nằm trong lòng thành phố. Những chiều hè gió nồm thổi mát, người ta đi dọc các con đường trồng đầy hoa hồng để ra biển hoặc chiều muộn ngồi trên sông Nhật Lệ chờ để ngắm trăng lên.
Xuất thân từ vùng quê sông nước của thành phố Đồng Hới nên âm hưởng, hình ảnh trong ca từ của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đậm chất vùng cát Quảng Bình. Có năng khiếu từ nhỏ nên khi mới 18 tuổi (1960), Hoàng Sông Hương được tuyển chọn vào Đoàn văn công Quảng Bình. Ông làm nhiều đồng nghiệp, bạn bè nể phục bởi có thể làm và chơi được rất nhiều loại đàn từ violon, ghi-ta đến các nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, bầu, sáo, nhị...
Có lẽ, cũng nhờ vậy mà âm hưởng dân ca, ca dao Bình Trị Thiên thiết tha, sâu lắng thấm đẫm trong lời nhạc của Hoàng Sông Hương. Theo nhạc sĩ Dương Viết Chiến: “Tài năng âm nhạc của Hoàng Sông Hương được hình thành khá sớm nên anh đã có những ca khúc đầu tay, sáng tác theo lối phổ nhạc vào lời ca, phát triển theo cảm xúc, tùy hứng một cách ngẫu nhiên, vậy mà lại rất đúng với kỹ thuật sáng tác, cả về khúc thức và hòa thanh: Tiếng hát đò đưa, Những con đò sông nước miền Trung, Hò kéo gỗ của anh là những ca khúc sáng tác theo hướng đó... Đây là những ca khúc sôi động mãnh liệt nhưng không ồn ào mà đằm thắm, trữ tình, giàu chất dân ca sâu lắng với giai điệu ngọt ngào sông nước, man mác những điệu hò miền Trung dễ thương, dễ mến, dễ đi vào lòng người. Cho nên, âm nhạc của Hoàng Sông Hương đã hòa nhập theo trào lưu âm nhạc đương đại, kết tinh thành những bản tình ca, đặc biệt là đối với tuổi trẻ...”.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đi cùng năm tháng với những bản nhạc của mình. |
Trong kho tàng âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đóng đinh với nhiều ca khúc, song đến Tình ta biển bạc đồng xanh thì ông thực sự bước vào ngôi đền thiêng của âm nhạc nước nhà để sống mãi với thời gian. Gần 50 năm qua, ca khúc này vẫn luôn được nhiều ca sĩ lựa chọn hàng đầu để hát trong nhiều chương trình ca nhạc lớn.
Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, Tình ta biển bạc đồng xanh lại được các cặp song ca thể hiện thành công từ Phan Huấn - Tuyết Thanh khi ca khúc mới ra đời (thập niên 70 thế kỷ XX) đến sau này có Thu Hiền - Trung Đức, Thanh Hiền - Đức Long, Tuấn Anh - Tân Nhàn và nay Trọng Tấn - Anh Thơ... Tình ta biển bạc đồng xanh được Hoàng Sông Hương sáng tác vào năm 1973 khi cả đất nước đang hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Quảng Bình quê hương ông, nơi được ví như hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, điểm dừng chân cuối cùng của những người lính vào Nam chiến đấu. Hằng ngày chứng kiến những đoàn quân trùng trùng ra trận, rồi về lại cánh đồng quê bát ngát mùi lúa mới, ra biển thấy ngư dân tất bật với những chuyến đánh bắt đầy ắp cá tôm..., Hoàng Sông Hương đã có dự cảm ngày chiến thắng đến gần.
Ông nói: “Tôi nuôi ý tưởng sáng tác một bài hát không còn tiếng súng, không có hình ảnh của chiến tranh mà chỉ có sự tươi vui của cuộc sống mới, người dân hăng say lao động, hạnh phúc tràn đầy. Hay đúng hơn, tôi ao ước sáng tạo ra một bài nhạc xanh trong cảm thức hòa bình”.
Ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh khi ông sáng tác xong cũng chỉ được hát trong khu vực Bình Trị Thiên, ít người biết đến. Đến năm 1976, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương gửi Tình ta biển bạc đồng xanh ra Đài Tiếng nói Việt Nam, được đôi song ca Phan Huấn - Tuyết Thanh thể hiện. Bài hát lập tức gây tiếng vang lớn, lời bài hát như lời động viên thôi thúc mọi người thi đua lao động, sản xuất.
Những hình ảnh gần gũi thân thương ẩn hiện trong từng câu hát “hải âu vui sóng xô”, “cánh cò bay trên thảm lụa”, “cá bạc đầy khoang”, “lúa vàng trĩu bông”... trong Tình ta biển bạc đồng xanh gắn bó với mọi người từ khi ra đời cho đến nay là vì vậy. Cùng với các tác phẩm Tiếng hát đò đưa, Giọng hò quê hương, Tình ca rừng và biển và Tình ta biển bạc đồng xanh, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã gắn tên mình vào kho tàng âm nhạc nước nhà, vinh dự được xếp vào những “Bài ca đi cùng năm tháng”.
Trong gần 50 năm miệt mài hoạt động nghệ thuật và sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng cao đối với những “đứa con” âm nhạc của mình. Năm 1969, nhạc sĩ đạt giải B với ca khúc Tiếng hát đò đưa do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng. Năm 1976, tác phẩm Tình ta biển bạc đồng xanh đạt Giải B của Bộ Nông nghiệp. Năm 1980, tác phẩm Thành Huế chúng mình thương (thơ Lê Anh Phong) đạt Giải A "Bông sen trắng" tại Bình Trị Thiên. Năm 1983, tác phẩm Giọng hò quê hương đoạt Huy chương vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm Phố biển tình anh (thơ Văn Lợi) của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đoạt Giải C của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1992. Tiếp đó, năm 1995, ông tiếp tục đoạt giải B do Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng với tác phẩm Tiếng dạ - tiếng thương, do chính con gái mình là ca sĩ Mỹ Lệ trình bày gửi bài hát dự thi qua băng. Tại Quảng Bình, ông đã nhiều lần liên tục đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư: Lần thứ nhất (1991-1995), lần thứ hai (1996-2000), lần thứ ba (2001-2005) và lần thứ tư (2006-2010)... Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là người duy nhất vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật trong lĩnh vực âm nhạc của tỉnh Quảng Bình. |