Nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa: Cuộc đời cần có những thằng hề
“Ma xó” của ẩm thực Sài Gòn
Trong truyện ngắn mở đầu cuốn sách Hạt bụi bên nhau (NXB Văn hóa Văn nghệ, TP HCM 2012), Lê Văn Nghĩa viết về món ăn phổ biến trên đường phố Sài Gòn: Bánh mì bì. Dưới hình thức tiểu phẩm với kết thúc bất ngờ khiến người đọc vừa cười xen lẫn ngậm ngùi, Bánh mì bì không những để lại dư vị của một món ăn mà còn là dư vị của tình người. Nói về các món ăn của phố Sài Gòn, có lẽ Lê Văn Nghĩa là một “con ma xó”, thế nhưng khi viết truyện ông lại tiết chế hết mực.
Chẳng hạn về món bánh mì bì Sài Gòn, Lê Văn Nghĩa cho biết nơi bán món này ngon nhất nằm trên góc đường Điện Biên Phủ - Mai Thị Lưu thuộc quận 1 của một bà cụ, gọi là bánh mì bà già nhưng không có bảng hiệu. Nước dùng cho bánh mì bì ngon nhất phải là nước mắm “rin” chứ không phải nước thịt hay xì dầu.
Rành rẽ các món ăn đường phố Sài Gòn, trong đó có nhiều món vừa được thế giới vinh danh, đơn giản vì Lê Văn Nghĩa sinh ra và lớn lên ở thành phố này. Không chỉ biết rành các món ăn, thức uống ngon và nơi đâu có bán, Lê Văn Nghĩa còn biết rành xuất xứ các hàng quán của Sài Gòn.
Cà phê hè phố cũng là một nét đặc trưng của Sài Gòn, dân nghiền nhâm nhi ly cà phê vỉa hè và đọc dăm tờ báo vào buổi sáng đều biết đến quán cóc nằm trên hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch, quận 1. Con hẻm này rất nổi tiếng vì sinh thời chốn này là nơi nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn và gia đình cư ngụ. Quán cà phê đầu hẻm 47 do một đôi vợ chồng người Huế đứng tuổi làm chủ. Nhà văn Trần Nhã Thụy gần như sáng nào cũng ngồi ở đây và anh đã viết tản văn rất hay về quán này.
Tình cờ, Lê Văn Nghĩa đọc được bài viết của Trần Nhã Thụy và ông đã gặp Thụy cung cấp thêm thông tin. Thì ra cái quán cóc ấy do chính mẹ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng lập, sau này mới chuyển sự quản lý cho đôi vợ chồng người Huế kia. Trần Nhã Thụy nghe vậy há mồm: “Thế à”. Nếu không phải là Lê Văn Nghĩa hay những người sinh sống lâu năm, yêu Sài Gòn như ruột thịt thì không thể nào để tâm nhớ đến những sự thay đổi của thành phố này, dù là đổi thay nhỏ như cái quán cà phê cóc.
Lê Văn Nghĩa cho biết ông đang hoàn thành cuốn sách về ẩm thực Sài Gòn với lời “tuyên bố”: “Các nhà văn, nhà báo viết về Sài Gòn nhiều rồi, tôi muốn viết về Sài Gòn với tư cách một người sinh ra và lớn lên ở đây xem thế nào”. Tuyên bố xong Lê Văn Nghĩa cười hì hì nhìn ra đường phố đang chật kín người xe trong một buổi chiều Sài Gòn không mưa.
Trong Hạt bụi bên nhau - được chia làm hai phần “truyện ngắn” và “trào phúng”, Lê Văn Nghĩa có một truyện ngắn viết về nghề làm hề ở các gánh hát. Dường như Lê Văn Nghĩa rất thích nhân vật “thằng hề” vì trong rất nhiều cuốn sách đã in của ông, “thằng hề” thường xuyên xuất hiện. “Thằng hề” vừa là nghề kiếm sống trong các gánh hát, vừa là một biểu trưng của số phận. Khi tham gia gánh hát… cuộc đời, gần như ai cũng muốn đóng vai chính diện, người hùng, nhưng đôi khi số phận run rủi ta phải làm thằng hề mua vui cho thiên hạ. Cuộc đời cần có những thằng hề cũng như cần những nghề nghiệp khác nếu mỗi người biết diễn trọn vai của mình.
Trong công việc hàng ngày, Lê Văn Nghĩa cũng luôn ý thức “diễn trọn vai” của mình. Ông từng là chủ biên bán nguyệt san Tuổi trẻ cười, tờ báo trào phúng này hàng năm có giải thưởng “Cù nèo vàng” dành cho các nghệ sĩ cống hiến trên lĩnh vực sân khấu và giải “Trái cóc xanh” nhằm phê phán những hiện tượng chưa đẹp trong năm. Khi có người hỏi tại sao giải “Cù nèo vàng” lại không trao cho lĩnh vực văn chương, nhất là thể loại trào phúng?
Lê Văn Nghĩa thẳng thắn: “Người viết trào phúng ở ta hiện nay không nhiều, chỉ quẩn quanh một số tác giả. Gần như năm nào tôi cũng có tác phẩm trào phúng in trên Tuổi trẻ cười rồi xuất bản sách. Nếu hết người để trao giải thì thế nào cũng đến lượt tôi nhận giải ở chính tờ báo mà mình đang làm. Tôi nhận giải thì cũng được thôi, nhưng như vậy không khách quan. Tôi muốn mọi sự phải rõ ràng, chứ tự trao giải cho mình là điều tối kị”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Sài Gòn, sau những năm tháng đấu tranh trong phong trào học sinh sinh viên miền Nam, bị tù đày và đời làm báo, ông chuẩn bị chính thức về hưu vào năm 2015. Ít người biết rằng Lê Văn Nghĩa vẽ tranh rất đẹp và là chồng của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh. Ông còn là nhà sưu tập sách cổ với rất nhiều tác phẩm giá trị và là người sưu tập máy nghe nhạc, băng đĩa cũ với số lượng khủng.
Về chuyện vẽ tranh của Lê Văn Nghĩa cũng thể hiện tính cách cẩn trọng của ông như khi làm báo và phát ngôn. Hiện, có rất nhiều nhà văn lấn sân sang hội họa, Lê Văn Nghĩa cũng mê vẽ như vậy. Song, để cầm cọ vẽ những gì mình thích, Lê Văn Nghĩa đã xách cặp đi học vẽ đàng hoàng. Tất nhiên, ông học trong những giờ tranh thủ xong công việc. Không chỉ học vẽ, Lê Văn Nghĩa còn học hát ở lớp thanh nhạc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Ông học hát không phải để thành danh ca, học hát đơn giản để hát đúng nhạc trong các quán bar, phòng trà hay tụ điểm hát với nhau mua vui cùng bè bạn. Điều này chứng tỏ, với Lê Văn Nghĩa thì mọi cuộc chơi đều phải chơi cho đúng cách, dù chỉ là hát với nhau cũng phải biết cách hát.
Trở về thời con nít của xóm nhỏ Sài Gòn
Lê Văn Nghĩa bắt đầu viết về thời con nít của anh với tập truyện dài Mùa Hè năm Petrus. Đây là tập truyện kể về thời đi học của anh ở ngôi trường trung học nổi tiếng mang tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường chuyên Lê Hồng Phong ở TP HCM). Sau hai năm phát hành, Mùa Hè năm Petrus tái bản bốn lần với số lượng in lên đến 10 ngàn cuốn. Điều này chứng tỏ ký ức của riêng Lê Văn Nghĩa đã chạm trúng phần tuổi thơ của rất nhiều người. Hơn nữa, bạn đọc hiện nay cũng tìm thấy được một phần thuộc về quá khứ tưởng như đã khuất lấp…
Mới đây, Lê Văn Nghĩa tiếp tục đào sâu vào ký ức bằng tập truyện có cái tên dài lòng thòng: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (NXB Trẻ). Tên truyện đã dài, đã thế trên trang bìa còn có thêm dòng chữ: “Truyện dài dành cho thiếu nhi, nhưng người lớn đọc cũng hổng sao, mà người già đọc càng khoái”.
Về cái tên tập truyện dài thòng này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hay nhà báo Dương Thành Truyền đã góp ý cắt bớt cho dễ nhớ, song Lê Văn Nghĩa vẫn kiên quyết giữ gần như nguyên vẹn. Hỏi thì anh cho biết: “Tên truyện dài như vậy mới chuyển tải hết nội dung trong sách”.
Truyện dài Chú chiếu bóng… dày hơn 300 trang in kể về những trò chơi của “tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”. Thời gian truyện vào khoảng những năm 1960, không gian truyện là một xóm nghèo ở ngoại ô Sài Gòn. Như những đứa con nít khác, tụi nhỏ trong truyện này của Lê Văn Nghĩa cũng có đủ các niềm vui, chiêu trò láu cá khiến người đọc bật cười.
Một thời Sài Gòn xưa hiện lên đủ đầy như một cuốn phim tư liệu được bảo quản thật tốt trong ký ức của Lê Văn Nghĩa. Và thật ngạc nhiên với thế hệ người đọc hôm nay, khi có nhiều thông tin được đưa vào sách vẫn như còn rất mới.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cảm thấy rất thú vị khi đọc bản thảo Chú chiếu bóng… và “ông trùm” truyện thiếu nhi hiện nay đã viết lời giới thiệu cho tác phẩm này một cách trân trọng. Nguyễn Nhật Ánh đánh giá: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học”.
Trong xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của tụi con nít, Lê Văn Nghĩa đã tái dựng lại đời sống một thời. Nguyễn Nhật Ánh viết: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.
Không chỉ khiến những nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi như Nguyễn Nhật Ánh ngạc nhiên, truyện về thời con nít của Lê Văn Nghĩa còn khiến cả những nhà văn viết về chiến tranh như Bảo Ninh sửng sốt.
Tác giả Nỗi buồn chiến tranh khi đọc Mùa Hè năm Petrus của Lê Văn Nghĩa, đã phải thốt lên: “Không đến nỗi phải ngã ngửa ra vì sửng sốt, song tôi thấy ngạc nhiên vô cùng trước thực cảnh của Sài Gòn, nhất là của các trường học ở Sài Gòn thuở xưa hiện lên trong những trang sách. Thôi thì không nói rằng sự học hành của cái lớp tứ 7 ấy tốt hơn của tôi, mà là ngang bằng, nhưng ngay cả thế cũng đâu có thể. Phải kém xa tôi chứ, làm sao mà nhà văn Lê Văn Nghĩa và các bạn đồng niên lại có thể được hưởng một môi trường giáo dục học ra học, chơi ra chơi, trò ra trò, thầy ra thầy, như vậy. Phải, nhất là những người thầy. Như tôi vẫn tưởng thì ở Sài Gòn ngày trước, không thể nào các thầy giáo lại là những nhà trí thức mẫu mực đáng kính, thông tuệ và nhân hậu nhường ấy, tạo tấm gương sáng và để dấu ấn sâu sắc bền lâu trong tâm khảm, tâm tính, lối sống, lối nghĩ của học trò đến như vậy”.