Nhà văn hoá Hữu Ngọc: “Cầu thủ" ngoại hạng

Thứ Sáu, 27/01/2006, 09:44
Nhà văn hóa Hữu Ngọc còn được gọi là dịch giả, nhà giáo dục, người lãng mạn cuối cùng của thế kỷ XX (do học trò cũ của ông ở Mỹ gọi), người xuất nhập khẩu văn hóa (do ông là soạn giả những cuốn sách giới thiệu các nền văn hóa Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Nhật... bằng tiếng Việt, và các cuốn về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh, tiếng Pháp), nhà... "đá bóng quốc tế". Danh hiệu này khó hiểu nhất, ông lại có vẻ thích thú được gọi như vậy? 

Đây là một trong nhiều hoạt động văn hóa của ông: thuyết trình về văn hóa Việt cho người nước ngoài, từ dăm năm nay trở thành hoạt động thường xuyên của ông.

- Có lẽ bác khoái xem đá bóng? - Tôi hỏi.

- Tôi cũng ảnh hưởng một số trí thức Pháp ngày trước, trong khi cả thế giới say mê môn bóng đá thì họ cho đây là trò chơi bị "tâm lý đám đông" chi phối (Gustave Lebon), người xem thụ động. Còn tôi, "giao lưu quốc tế" là... bản thân mình đá bóng, có cái ham riêng của nó...

- Ông từng làm công tác địch vận trong kháng chiến chống Pháp, việc thuyết trình cho người nước ngoài nghe có lẽ từ ngày ấy? - Tôi gợi hỏi.      

- Có lẽ nó manh nha từ trước nữa, khi còn đi học ở trường Bưởi, thầy tổ chức cho học sinh tập tóm tắt tiểu thuyết bằng tiếng Pháp. Lần đầu tiên, năm 15 tuổi, tôi đứng lên tóm tắt một tác phẩm của Francois Coppée trước cả lớp trong 15 phút. Thấy được thầy khen, tôi bắt đầu tự tin. Sau lại may mắn được học thầy Nguyễn Mạnh Tường ở ban Tú tài, thầy nổi tiếng là nhà hùng biện (22 tuổi đã hai bằng tiến sĩ luật và văn chương), rồi học thầy Foulon dạy triết rất hay. Về sau làm việc với anh Nguyễn Khắc Viện, ảnh hưởng cách nói cô đọng của anh....

Từ vài chục năm nay, nhiều lần ông từng được Vua, Hoàng hậu, Công chúa Na Uy, rồi Vua, Hoàng hậu Thụy Điển, Thống đốc bang Hawaii và gia đình... sang Việt Nam là mời ông đến, để được nghe ông giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Còn các Đại sứ quán nước ngoài đóng ở Việt Nam thường xuyên nhờ ông thuyết trình những vấn đề văn hóa. Đặc biệt, có lần ông được mời nói về văn hóa Việt Nam cho 20 đại sứ của Thụy Điển khu vực châu Á họp ở Hà Nội, mà chỉ nói trong 10 phút. Ông từng tổ chức cho Sứ quán Thụy Điển và Đan Mạch khóa học ngắn ngày và những chuyến dã ngoại, như du lịch ven sông Hồng bằng ca nô, đi thăm các đền chùa nổi tiếng. Đó là cách "vừa chơi vừa học" ông quen dùng! Ông còn được Thụy Điển và Đan Mạch mời làm Giám đốc Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa, Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam nhiều năm nay, hỗ trợ cho văn hóa Việt Nam. 

Càng ngày, những người nước ngoài càng hiểu: muốn làm ăn thành công ở Việt Nam, dù trong lĩnh vực kinh tế, không thể không biết về văn hóa, phong tục Việt. Nó như chiếc chìa khóa tâm hồn con người bản địa.    

- Cách đây hai tháng (tháng 9-2005), tôi đến nói ở khách sạn Sofitel Metropole, người nghe là hơn 70 giáo sư và cựu sinh viên 3 trường đại học lớn ở Mỹ (Harvard, Yale, Stanford). Thấy tôi cầm cuốn Wandering through Vietnamese culture (Lãng du trong văn hóa Việt Nam, hơn 1.000 trang, ông viết), họ biết một tiếng đồng hồ tôi nói là rút gọn từ cuốn này. Họ nghe lúc đầu hơi xét nét, nhưng sau là thái độ rất chăm chú. Mười lăm phút chất vấn không đủ cho những câu hỏi sâu. Có người nói: "Tôi đã đọc tài liệu về Việt Nam hàng năm nay, nhưng không sáng ra bằng nghe ông nói một giờ". Rồi người này xin tôi cả tờ giấy lớn tôi vẽ sơ đồ văn hóa Việt Nam căng trên bảng. Hôm sau, họ cử người đến NXB Thế giới mua 28 cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam. Cuốn sách nặng gần hai ký, trong khi khách du lịch rất ngại mang nặng... Tôi cho như vậy là "thắng"!

Ông chỉ vào bìa cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam có hình cây đa (đây là bức họa của họa sĩ Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925):

- Theo tôi, có thể dùng hình ảnh cây đa của Nam Sơn với gốc và 4 cành chính để gợi cấu trúc, các đặc điểm và diễn biến văn hóa Việt Nam qua các chặng đường lịch sử 3.000 năm... Con số 4.000 năm trước đây là do cảm tính. Nay cần xác định trên cơ sở khoa học: Thời kỳ các Vua Hùng dựng nước tương ứng với thời kỳ văn minh Đông Sơn, thời đại đồ đồng (từ thế kỷ VII đến thế kỷ III trước Công nguyên). Đại Việt sử lược cũng xác định thế kỷ thứ VII. Con số 3.000 năm có đủ chứng cớ đáng tin với hai tiêu chí lịch sử: sự xuất hiện của sơ kỳ thời đại kim khí và chứng cứ bằng văn bản. Văn hóa gốc của Việt Nam thuộc nền văn minh sông Hồng, là một bộ phận của văn minh lúa nước Đông Nam Á. Gốc đó được bảo tồn, được làm phong phú thêm qua tiếp biến với các nền văn hóa khác (acculturation). --PageBreak--

- Xin bác cho biết những lần tiếp biến văn hóa?

Ông Hữu Ngọc:

- Lần thứ nhất, với Trung Quốc trong 2.000 năm, với hai giai đoạn: thời Bắc thuộc (179 trước Công nguyên đến 938), thời các vương quyền độc lập của ta (938-1858). Lần tiếp biến thứ hai là với Pháp (phương Tây) thời Pháp thuộc (1858-1945). Tiếp biến văn hóa lần thứ ba là thời quốc tế hóa vấn đề Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chủ yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và chống Mỹ cho đến năm 1975. Thời kỳ này, miền Bắc tiếp biến văn hóa với các nước XHCN, miền Nam với văn hóa phương Tây. Lần tiếp biến thứ tư thì đang trước mắt ta đây: Thời kỳ đổi mới từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước với hai yếu tố kinh tế thị trường và chính sách mở cửa, được đánh dấu bởi toàn cầu hóa, khu vực hóa (ASEAN) và Pháp ngữ hóa (Francophonie) vào những năm 90...

Thời kỳ thao luyện của ông, tôi cho đó là 10 năm dạy tiếng Anh, tiếng Pháp ở các trường trung học, 5 năm trước và 5 năm sau Cách mạng Tháng Tám (1940-1950). Giữa thời kỳ này, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, ông được cử làm sĩ quan Ban Liên kiểm Pháp - Việt, giai đoạn luôn có sự gây hấn của lính Pháp ở các thành phố trước ngày kháng chiến toàn quốc 19/12/1946.

Đến năm 1950 thì giặc Pháp lấn ra khu III, nơi ông dạy học, làm báo địch vận tiếng Pháp L Etincelle và làm Chủ tịch Văn hóa kháng chiến Nam Định. Ông được điều lên Việt Bắc làm Trưởng ban Giáo dục tù hàng binh Âu Phi. Ông soạn thảo tài liệu cho các trưởng trại. Làm sao cho tù hàng binh hiểu chúng đã tham gia một cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Nhưng tù hàng binh còn được giác ngộ qua sinh hoạt hàng ngày: Những người chỉ huy và bộ đội không đeo quân hàm ăn chung với nhau những khẩu phần ít ỏi, trong khi suất ăn của tù binh có khi gấp đôi, gấp ba họ. Bộ đội nhường cả thuốc men của họ cho tù binh. Ở trại Cao Bằng có cả hai đại tá Charton và Lepage, sau về Pháp, Charton đã viết bài báo “Nhà tù không có song sắt” kể về những điều trên, họ hiểu ra: đúng là một cuộc chiến  tranh của nhân dân, của toàn dân. Nước Pháp không thể thắng được vì thế!

Chính sách khoan hồng với tù binh, Cụ Hồ ứng dụng sách lược "tâm công" của bậc tiền nhân Nguyễn Trãi, tiến công bằng tâm lý, hình như chưa một nước nào làm giống thế. Có thể làm một luận án tiến sĩ về vấn đề này! (Ý kiến ông Hữu Ngọc).    

Giai đoạn II: Sau năm 1954, trở về Thủ đô, Hữu Ngọc làm các báo đối ngoại. Tờ Le Viet Nam Démocratique Trần Đức Thảo làm Tổng Biên tập thì ông làm Thư ký tòa soạn, tờ Viet Nam en Marche do Hữu Ngọc làm Tổng Biên tập tồn tại được 7 năm. Năm 1970, ông Nguyễn Khắc Viện làm Giám đốc NXB Ngoại văn mời Hữu Ngọc làm Phó Giám đốc, sau thay ông làm Giám đốc.

Khi Việt Nam thống nhất đất nước, tổ chức UNESCO luôn mời đại diện Việt Nam tham dự, hợp tác trên các hoạt động văn hóa quốc tế.

Năm 1978, UNESCO tổ chức một Hội thảo châu Á với mục đích soạn thảo một bộ tự điển gồm các từ thuộc tiêu chí văn hóa của châu Á. Hội thảo tổ chức ở Tehran (Iran). Hữu Ngọc được cử đi là vinh dự, nhưng kèm theo là bao khó khăn một mình ông phải tự xoay xỏa trong thời điểm các chuyến đi nước tư bản cá thể như vậy khá hiếm. Chạy cả tuần lễ lên Bộ Tài chính mới mượn được bộ comple đen rộng thùng thình với vóc người 39 ký như ông. Kèm theo là... 5 đôla để tiêu vặt.

Ở sân bay Tehran, Hữu Ngọc bị rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu: vali thì bị thất lạc, gọi điện cho tổ chức UNESCO không ai trả lời. Hỏi giá khách sạn một đêm 30 đôla mà giật mình. May thay, ra đến hàng rào sân bay thì gặp một anh người Iran cao lêu nghêu giơ tấm giấy có chữ "ông Ngốc". Bị gọi là “ông Ngốc” mà lại mừng hú vì không sợ bị bỏ rơi nơi xứ lạ! Ở Hội thảo, Hữu Ngọc được bầu là Phó Chủ tịch, điều hành một buổi thảo luận và trình bày về văn hóa Việt Nam trong 7-8 phút. "Đó là cuộc "đá bóng" đầu tiên của tôi ở phương Tây!" - Hữu Ngọc xác định. Sau đó, ông được UNESCO cử đi Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản... "đá bóng" tiếp...        

Sau đó là những chuyến đi liên tục như đi Paris 7 lần có ghé sang Bỉ, đi Tây Đức, một lèo đi nói chuyện ở cả 8 thành phố lớn. Đi Thụy Điển 3 lần, rồi đi Mỹ...

Từ giữa năm 1990, nhất là dăm năm nay, ông phải "đá bóng" liên tục, rất nhiều khách du lịch Mỹ, Pháp, Australia... sang đến Việt Nam là đề nghị được nghe ông Hữu Ngọc nói về văn hóa Việt.

Có lẽ do ông Hữu Ngọc là một trong số ít người đi tiên phong hội nhập vào cái làng toàn cầu mà chúng ta đang cố gắng vươn tới trong sự đồng cảm với một nhân loại lớn cùng chung ước vọng hòa bình, phát triển...

Ông Hữu Ngọc từng có luận điểm độc đáo: Cái ngẫu nhiên chi phối 70% cuộc đời ta, ông không tin bói toán, tử vi mà tin cái ngẫu nhiên khoa học. Mới nghe dường như vô lý với ông, con người tưởng phải 70% là ý chí và nghị lực làm nên cuộc đời mình! Thực ra, trong khoa học, điều này cũng từng được dẫn chứng ở tầm vĩ mô: Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận trong cuốn Hỗn độn và hài hòa (NXB Khoa học kỹ thuật 2003) viết về cú hích của một thiên thạch lớn vào Trái đất, vượt khỏi mọi quy luật, tính toán của khoa học, đã tiêu diệt loài khủng long, mở đường sống cho những động vật có vú, trong đó có loài người phát sinh, phát triển, chẳng là một ngẫu nhiên lớn đó ư?

Vân Long
.
.