Nhà văn Trang Thế Hy: Tiếng hát và tiếng khóc
- Nhà văn Trang Thế Hy: Người hiền Nam Bộ
- Nhà văn Trang Thế Hy: Người “đi chỗ khác chơi”
- Nhà văn Trang Thế Hy: Hết duyên thì “đi chỗ khác chơi”
Nhà văn Trang Thế Hy mất lúc 0h50 ngày 8-12-2015 tại nhà riêng (khu phố 1, phường Phú Tân, Bến Tre), an táng tại đất nhà vào ngày 10-12-2015.
“Hơn hai mươi năm ông "đi chỗ khác chơi"/ đêm đêm, tôi ngồi vào bàn viết/ không nghe tiếng gõ cửa/ vẫn ông ngồi đó/ đôi mắt nheo cười/ tẩu thuốc khóe môi/ trên tay, ly rượu nhỏ:/ "Ê nhóc!/ may lắm thì tụi mình chỉ là người truyền giảng hy vọng/ người bào chế thuốc giảm đau/ thế thôi nghe, đừng tưởng bở, nhà thơ!". Những câu thơ khắc họa đúng tính cách nhà văn Trang Thế Hy của bạn thơ Cao Xuân Sơn, đột ngột ùa về trong trí nhớ.
Nếu nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến có câu nói trứ danh “Cái nước mình, nó thế”, thì câu “Đi chỗ khác chơi” của nhà văn Trang Thế Hy cũng nổi tiếng không kém. Và bản thân ông đã sống như thế. Chừng hai mươi năm trước, thỉnh thoảng còn gặp ông ở Hội Nhà văn TP HCM, nhưng sau đó mới hay, ông bỏ tất cả để trở về “ẩn dật” tại Bến Tre.
Ở nhà văn ấy, từ văn chương đến phong cách sống gần như một “ẩn sĩ”. Nói như thế không ngoa ngôn, đố ai có thể tìm thấy những tuyên bố, tuyên ngôn loạn xị của ông trên các diễn đàn ồn ào tiếp thị nhằm “đánh bóng” tên tuổi.
Lật lại nhật ký, mới nhớ lại chính xác lần đến thăm tư gia nhà văn Trang Thế Hy là ngày 10-10-2011. Lúc đó, tập sách Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê do tôi biên soạn vừa in xong. Đơn vị xuất bản là NXB Kim Đồng đã thực hiện nghĩa cử tặng một số sách tại Nhà Lưu niệm của nhà văn Hương rừng Cà Mau ở Tiền Giang. Trên đường về, mọi người rủ nhau tạt qua thăm nhà văn Trang Thế Hy.
Ngồi trước vòm cây xanh, gió thoảng mát, anh em báo chí, xuất bản đã có cuộc trò chuyện thân mật. Còn nhớ rằng, qua sự quan sát ông, mới thấy nhận xét của nhà thơ Cao Xuân Sơn là chính xác. Rằng, trong cuộc hàn huyên thân mật ấy, thỉnh thoảng, tác giả Vết thương thứ mười ba lại tỏ ra quan tâm đến các chị em nhiều hơn một chút.
“Đó là tính cách của người am hiểu văn hóa, văn chương Pháp, thường hay gallant với phụ nữ”, Sơn nói đúng. Ở gương mặt chân thành, đôn hậu ấy, lời nói nhỏ nhẹ nhưng hai con mắt sáng đã toát lên sự điềm đạm, lịch lãm của một người từng trải, thanh lịch.
Dù viết sớm, nổi tiếng sớm nhưng mãi đến năm 1964, Trang Thế Hy mới in tác phẩm đầu tay Nắng đẹp miền quê ngoại. Có lẽ cũng cần nhắc lại, một trong những truyện ngắn tạo nên dấu ấn Trang Thế Hy chính là Anh Thơm râu rồng được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn học nghệ thuật Giải phóng (1960-1965).
Thế nhưng bẵng đi một thời gian dài, năm 1981, ông mới “tái xuất giang hồ” với tập truyện ngắn Mưa ấm. Nhân vật anh Thơm trong truyện ngắn trên có biệt danh “râu rồng” vì bộ râu cằm khác người, từ nhỏ đi ở đợ, nhiều lần bị hương quản Xung nhận đầu dìm dưới nước nhưng vẫn thoát chết.
Nhà văn Trang Thế Hy qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Trung. |
Sau này, sa vào tay kẻ thù, anh cũng bị những đòn tra tấn tương tự nhưng nhờ có kinh nghiệm nên sống sót: “Tôi nghĩ đây là thứ kinh nghiệm chua xót quá, chắc không ai muốn có những kinh nghiệm như vậy trong đời mình”. Đọc lại truyện ngắn ra đời đã lâu nhưng vẫn còn thấm thía, bùi ngùi quá đỗi.
Có thể nói, Trang Thế Hy viết không nhiều. Chính ông tự nhận: “Tuổi đời và tuổi nghề khá cao nhưng số lượng tác phẩm lại quá mỏng: chưa đầy hai mươi bài thơ, khoảng trên dưới nửa trăm truyện ngắn, chừng bốn hay năm tiểu thuyết, truyện vừa in nhiều ký trên nhật báo, tuần báo, tạp chí”.
Dù viết ít, nhưng văn chương của ông vẫn cứ lừng lững trong nền văn học Việt Nam hiện đại, bởi lẽ hơn ai hết ông tự ý thức, rất ý thức đến sứ mệnh người cầm bút.
Nói gì thì nói, với Trang Thế Hy đó chính là Nợ nước mắt - tên một tác phẩm được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1991) - vì thế, ông viết kỹ, cẩn trọng với từng chữ. Không quá lời, khi có nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận sự cẩn trọng từng con chữ ở Trang Thế Hy cũng nhọc công không kém gì “ông vua tùy bút” Nguyễn Tuân.
Những gì của ông để lại, những con chữ ấy vẫn như còn đang cựa quậy trên trang viết, nó vẫn tươi mới và còn có ý nghĩa của thời cuộc. Mà nghĩ cho cùng văn chương thời buổi nào cũng thế, nếu ngòi bút nhà văn khai thác đến tận cùng nỗi đau, số phận của người cùng khổ, qua đó, thắp lên niềm hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn vẫn là cốt lõi của muôn đời. Nói như Trang Thế Hy, nhà văn “chỉ là người truyền giảng hy vọng”, "người bào chế thuốc giảm đau".
Lâu nay, đọc ông, rất thích và nhiều người cũng thích truyện ngắn Con mèo hoang và nhà thơ có gia cư. Dù thế nào đi nữa, nhà văn ấy dù sống trong hoàn cảnh bi đát, nghèo túng như Điền - nhân vật nhà văn trong truyện ngắn Giăng sáng của Nam Cao, thì họ vẫn không ngừng nuôi dưỡng sự hy vọng vì: “Nó giúp ông vùng vẫy ngoi ra khỏi nỗi cô độc bi thảm và chỉ hướng cho ông vươn tới niềm cô đơn cao quý của một người cầm bút”…
Hầu hết các truyện ngắn của Trang Thế Hy, dù viết về đề tài gì, nhưng ẩn sâu ở đó chính là quan niệm về nghề. Thấp thoáng đâu đó, từ Một thiếu nữ không đáng kể, Chút hào quang từ mảnh vỡ, Một nghệ sĩ buồn thích đùa… đến Rác và hoa, Tiếng hát và tiếng khóc vẫn là sự đau đáu, tự vấn về sứ mệnh cầm bút.
Chẳng hạn, chàng nghệ sĩ nghèo khi nghe lời tâm sự của người đàn bà bán thuốc lá bên vỉa hè, tự nhủ: “Tôi nghe đó là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi khổ đau lớn của đám đông thầm lặng”.
Suy nghĩ này, xuyên suốt trong sự nghiệp của Trang Thế Hy.
Ông còn bảo: “Chức năng của văn chương là thanh lọc tâm hồn người viết và cung cấp thuốc giảm đau cho người đọc. “Cái Đẹp sẽ cứu rỗi thế giới”. Tôi vừa si mê vừa hoài nghi lời tiên tri ấy của Dostoievky. Nhưng tôi cả tin rằng nếu như cái Đẹp cứu rỗi được thế giới thì trong cái Đẹp vĩ đại, mênh mông cao rộng không có đường biên ấy có cái Đẹp của văn chương”.
Ngày về Bến Tre thăm ông, thú thật, lần đầu tiên tôi mới biết nhà văn Trang Thế Hy có làm khá nhiều thơ. Điều thú vị nhất, lúc đó, ông khiêm tốn, nhã nhặn không đọc thơ của ông như mọi người yêu cầu mà đọc thơ của Tagore lại bằng… tiếng Pháp.
Thử tưởng tượng, ở một vùng quê nghèo, chiều xế bóng, rít rít tiếng chim ca, bươm bướm bay thấp thoáng trên nhành đào, cây bưởi lại nghe du dương ngôn ngữ của Victor Hugo, Lamartine… còn gì thú vị hơn?
Khi làm thơ, ông thường ký bút danh Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Song Diệp, Văn Minh Phẩm… và chắc chắn bạn đọc khó quên bài thơ Đắng và ngọt.
Tháng 9-1969, khi đang là chủ bút tờ báo Vui sống, nhà văn Bình Nguyên Lộc đọc bản thảo bài thơ Đắng và ngọt, cảm thấy cái tựa “chưa tiêu biểu cho cái vị đa tố chất của cuộc đời” nên đổi lại Cuộc đời.
Qua tập thơ Đắng và ngọt, ông cũng gửi gắm ở đó một quan niệm: “Nghe anh theo nghề viết/ Nghệ thuật là gì em muốn biết/ Mùi tanh nói mùi thơm/ Cây bút cầm tay: cần câu cơm/ Đó, em ơi! Nghệ thuật:/ Nhắm mắt quay lưng chào sự thật”.
Sự tự vấn này nghe ra vẫn còn chua chát, thống thiết.
Nhà văn Nguyễn Hồ cho biết: “Từ căn phòng nhỏ trong ngôi nhà bảy tầng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ở TP Hồ Chí Minh cho đến căn nhà cũ kỹ liêu xiêu ở ấp 1 xã Hữu Định, giáp thị xã Bến Tre, Trang Thế Hy vẫn sống đạm bạc và theo đuổi văn chương thuỷ chung, nồng nàn cũng như những ngày ở chiến khu và chiến trường ác liệt".
Ở Củ Chi, nơi ông viết Quê hương thứ hai của người du kích, ông nổi danh là chú Tư bù tọt, đêm đêm xách đèn dầu soi cóc nhái tăng chất đạm cho bữa ăn. Ở một góc vườn dừa ven chợ Cái Mít (Giồng Trôm - Bến Tre năm 1968) trong toạ độ pháo bầy, hàng năm trời, người ta biết đến một “ông già ba đồng”, có nghĩa là mức tiêu dùng ba đồng bạc nửa xị rượu mua tại quán bà Năm Gặp ở đầu Giồng Chủ mỗi ngày, khi ngơi bom pháo.
Năm Mậu Thân 1968, trên đường chiến dịch, tôi ghé qua đây thăm ông, chứng kiến cảnh sống “tri túc” của ông mà chạnh lòng. Sáng sớm, cái bồng lép xẹp của ông được bọc kín bằng vải nilon trông giống như một trái bí, sẵn sàng nhận xuống bùn khi chạy càn.
Nhà văn chỉ để bên ngoài, trong túi áo bà ba, tấm vải mùng chừng nửa mét vuông để làm vó bắt tép. Cái vó nhỏ xíu đặt xuống mương vườn với một chút cám, thế mà cũng dụ được những chú tép bầu tối thiểu đủ làm ngọt một tô canh mướp non với rau bù ngót.
Thế mà cái khu vườn hoang ông tá túc lúc nào cũng rộn tiếng cười của cánh văn nghệ kháng chiến. Rồi “công nghệ” sống tri túc, đạm bạc ấy được tiếp tục tại lầu hai cao ốc giữa trung tâm Sài Gòn, bên mấy chậu khổ qua, một dề rau đắng đất làm lắng dịu cái ồn ã thị thành để ông có thể nghĩ suy về Nợ nước mắt, Gió nấm mối, Rác và hoa, Vết thương thứ mười ba, Hai người nhìn mưa dầm...”. Một nhận xét của người đã từng có thời sống chung với Trang Thế Hy ít nhiều cho thấy thêm một góc “đời thường” của ông.
Lâu nay, thường có nhận xét người Nam Bộ xuề xòa, hòa đồng, vui vẻ thân thiện, thường giúp đỡ những ai yếu thế v.v… Điều này đúng, nhưng với nhà văn Trang Thế Hy có lẽ phải bổ sung thêm một tính cách nữa. Rằng, khác với nhiều người, dù đã đến lúc không còn viết được nữa, cảm hứng đã tàn lụi nhưng vẫn tiếc nuối hào quang của tiếng vỗ tay, thèm thuồng những lời ca ngợi nên cứ “bẹo hình hài rao lên bán”, Trang Thế Hy thì không.
Với ông “đi chỗ khác chơi” vẫn là sự lựa chọn đầy tính cách, hào khí của một người Nam Bộ, quê hương Bến Tre, nơi đã từng cưu mang thi sĩ anh hùng Đồ Chiểu. Đó là sự trực tính. Không uốn éo. Không “bẹo hình bẹo dạng”. Không cưa sừng làm nghé. Không lập lờ.
“Khi biết mình không viết được nữa thì đi chỗ khác chơi. Đừng bẹo hình bẹo dạng ở chốn trường văn trận bút để bắt độc giả lỡ yêu mến mình đọc những lời lếu láo”.
Theo bạn thơ Cao Xuân Sơn, người có thời ở chung căn hộ với trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa chừng hai mươi năm trước, sinh thời Trang Thế Hy thường ngâm hai câu thơ của Nguyễn Du:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn;
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
(Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang).
Âu đó cũng là tấc lòng của một “người hiền Nam Bộ” vậy.