Nhà văn Trang Thế Hy: Người hiền Nam Bộ
Những người cầm bút trong làng văn Nam Bộ, mỗi khi nói chuyện với nhau nhắc đến nhà văn Trang Thế Hy, thường lặp lại cụm từ này của ông: “Đi chỗ khác chơi”. Nguyên văn cụm từ này được ông Tư Sâm nói vào tháng 10/1992: “Tôi sẽ rời thành phố để đi chỗ khác chơi vì đã hoàn thành nhiệm vụ”.
Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, ông Tư Sâm nói câu đó khi nhận sổ hưu từ cơ quan Hội. Ông Tư Sâm “đi chỗ khác chơi” một hơi dài mãi đến năm 2007 mới trở lại TP HCM và nơi đầu tiên ông đi thăm là Củ Chi – mảnh đất ông gắn bó cả một thời bom đạn.
Khi “đi chỗ khác chơi”, ông đã trả lại căn nhà mà nhà nước cấp trong khu tập thể văn nghệ sĩ nằm trên một con đường trung tâm Sài Gòn. Nơi đây có nhiều nghệ sĩ tên tuổi cùng lưu trú. Sau này, khu nhà được hóa giá và các nghệ sĩ thống nhất bán, mỗi hộ chia được một khoảng tiền rất to. Nhiều người thấy tiếc cho ông Tư Sâm, nếu ông không đi chỗ khác chơi, thì cũng được một khoản tiền lớn để không phải sống thanh bần như hôm nay.
Nhà văn Trang Thế Hy sinh ngày 9/10/1924 tại Bến Tre, năm 2014 này trời cho ông 90 tuổi. Ở tuổi của ông Tư, rất nhiều người đãng trí, nhớ nhớ quên quên nhầm lẫn đủ điều. Vậy nhưng, trí nhớ của ông vẫn sáng rõ mọi sự kiện mà ông từng trải qua, cũng như nhớ rất chi tiết những gì ông đã đọc. Mỗi ngày ông Tư đều dành thời gian để đọc sách báo, ông theo dõi rất kỹ các sự kiện văn chương không kém các nhà báo viết lĩnh vực này.
Ông Tư Sâm rất quý bạn viết, nhất là bạn viết trẻ và đọc rất kỹ những tác phẩm của người trẻ có tài. Đặc biệt ông quý Nguyễn Ngọc Tư, khi Tư ra tiểu thuyết Sông, ông đọc và có nhận xét rõ ràng những chỗ nào được và chưa được. Không riêng gì Nguyễn Ngọc Tư, những người viết thế hệ hậu sinh khác đều được ông đọc kỹ. Nếu tác phẩm của họ có phẩm chất của một tài năng, ông càng đọc kỹ và mong chờ tác phẩm tiếp theo. Ông rất buồn khi bạn viết trẻ mà ông quý chỉ viết được một vài truyện rồi biến mất.
Nhiều người biết đến nhà văn Trang Thế Hy qua bài hát Quán bên đường do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ Cuộc đời của ông, ký bút danh Minh Phẩm. Hẳn nhiên thôi, vì bài hát được ca sĩ trình diễn, thu âm dễ lan tỏa hơn những dòng chữ nằm im trên sách báo. Bài thơ này in trên báo Vui sống năm 1959 tại Sài Gòn do nhà văn Bình Nguyên Lộc thực hiện. Nguyên gốc bài thơ có tên Đắng và ngọt, nhưng Bình Nguyên Lộc cho rằng cái vị của cuộc đời đa dạng lắm chứ không chỉ có đắng và ngọt nên sửa lại tên bài thơ.
Năm 2009, NXB Thanh Niên in tập thơ song ngữ Đắng và ngọt, đây cũng là tập thơ đầu tay của ông Tư Sâm. Và mới đây, tập thơ này được NXB Trẻ mua bản quyền cùng với nhiều tác phẩm văn xuôi khác; Đắng và ngọt được dịch lại sang tiếng Anh chỉn chu hơn so với bản dịch năm 2009.
Xin nói thêm, một dạo nhiều người có nhầm lẫn đôi chút khi cho rằng bài thơ Đắng và ngọt là của nhà văn Bình Nguyên Lộc sáng tác tự in trên báo của mình. Sự nhầm lẫn này cũng có lý do, vì thời điểm bài thơ in trên Vui sống, nhà văn Trang Thế Hy đang ở trong chiến khu. Người đang ở trong chiến khu thì ít ai viết như thế này: Nghe anh theo nghề viết/ Nghệ thuật là gì em muốn biết/ Mùi tanh nói mùi thơm/ Cây bút cầm trên tay: cần câu cơm/ Đó, em ơi! Nghệ thuật/ Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật / Rồi đôi ta nhìn nhau/ Không ai đánh mà nghe đau. Còn khi phổ nhạc, Phạm Duy đã chỉnh sửa đôi chút để hợp với khuôn nhạc Quán bên đường: Rồi em hỏi anh: làm chi?/ Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì?/ Ðời thối phải nói là thơm/ Ngòi bút là chiếc cần câu miếng cơm/ Em hỏi nghệ thuật là chi?/ Là đui, là điếc, là câm mà đi/ Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau/ Nào có ai đánh mà sao lòng đau.
So với nhiều nhà văn cùng thời, Trang Thế Hy là người viết rất ít. Khi còn làm việc ở Hội Nhà văn TP HCM, thỉnh thoảng ông mới in một truyện trên báo Văn nghệ TP HCM. Số đầu sách ông viết cũng ít như thế nhưng cuốn sách nào ra đời cũng tạo nên dư luận trong làng văn. Ông khó nhọc mài từng chữ và dường như ông viết cho những người chủ động tìm đọc văn Trang Thế Hy chứ không phải viết cho những người đọc thụ động theo kiểu truyền miệng: sách này hay đọc đi!
Bởi văn của ông Tư Sâm như nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc: “Trang Thế Hy là người chăm chút đi tìm những cái đẹp nhỏ nhoi, lẩn khuất, bị bỏ quên, hoặc ở trong những góc hẻo của cuộc đời, hoặc bị vùi trong bùn đất của nghèo khốn”.
Và cũng theo Nguyên Ngọc: “Mới đọc anh thường có cảm giác anh viết rất dễ, thực ra tôi cho đó là một cảm giác đánh lừa, để viết được như vậy, anh nắm kỹ trên từng chữ chẳng thua gì ông Nguyễn Tuân kia đâu”.
Tiếp xúc với ông Tư Sâm và nghe ông nói chuyện, có thể nhận ra ông cẩn trọng từng lời. Người như ông sống và viết có thể hòa vào một, đắn đót từng lời từng chữ kiểu của một trí thức đọc sách bằng tiếng Pháp và rất yêu thơ Tagore.
Năm 2011, NXB Trẻ tái bản tập truyện Vết thương thứ 13 và đưa vào tủ sách Mỗi nhà văn một tác phẩm, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu biên tập tủ sách này cho biết: “Tôi đã có dịp chứng kiến sức làm việc không biết mệt mỏi của ông. Ông đã ngồi lại chỉnh sửa từng trang bản thảo, bỏ chữ này thêm chữ kia vào từng trang sách, vào từng truyện ngắn với mong mỏi là bạn đọc được tiếp nhận một văn bản có trách nhiệm của nhà văn - một công việc mà tôi thấy những nhà văn lớn tuổi thế hệ trước hay làm như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Trang Thế Hy”.
Với những nhà văn nghiêm cẩn với nghề, ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên và cũng là cái cuối cùng tạo nên một tác phẩm. Trong một lần đến thăm nhà văn tại Bến Tre cùng với nhà thơ Lê Minh Quốc, ông Tư Sâm cho biết ông viết được nhờ học lời nói của trẻ nhỏ. Lạ nhỉ, một nhà văn được đánh giá là một trong những đại thụ của văn học Nam Bộ mà lại đi học ngôn ngữ của bọn trẻ nít? Thế nhưng, đọc truyện Vết thương thứ 13 của ông và nhiều truyện khác mới thấy ông đưa lời nói hàng ngày của bọn trẻ con vào rất ngọt, kiểu như cụm từ “đi chỗ khác chơi”.
Chân dung nhà văn Trang Thế Hy do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ. |
Trong Vết thương thứ 13, thông qua nhân vật chị Châu, nhà văn Trang Thế Hy trình bày những suy tư về chiến tranh thật ấn tượng. Khi có người tặng tác phẩm Giã từ vũ khí của Hemingway, chị Châu cho rằng dịch không đạt.
Vậy dịch thế nào cho đúng với tinh thần của tác phẩm, nhân vật xưng “tôi” đã “nói bừa cho xuôi: “Vĩnh biệt chốn ba quân”. Chị Châu lắc đầu vì “chốn ba quân nghe Hồ Biểu Chánh quá, hơi xưa. Vĩnh biệt thì không ổn. Vĩnh biệt thường được dùng trong tình yêu nghĩa là miệng nói vĩnh biệt mà lòng còn bịn rịn. Nói với chiến tranh phải dứt khoát hơn, cộc cằn hơn… Theo tôi, phải dịch: “Nghỉ chơi với súng ống”.
Lê Minh Quốc cười khoái chí khi biết chi tiết này, cho rằng: “Nói nghỉ chơi không nghiêm túc. Nó là ngôn ngữ của trẻ con ở lứa tuổi còn giành ăn, còn cà nanh tình thương của cha mẹ. Thời hạn nghỉ chơi của trẻ con rất phù du, giận đó rồi thương đó, đếm bằng giờ bằng phút, không phải bằng năm tháng. Nhưng cái quý là ở chất dứt khoát và quyết liệt của hai tiếng nghỉ chơi lúc nó được xướng lên. Những nhà văn ham văn chương thích những ngôn từ gợi cảm nhưng mơ hồ, đầy tráo trở kiểu như vĩnh biệt, giã từ nên nghe trẻ con nói mà học viết... Suy nghĩ của nhà văn Trang Thế Hy về nghệ thuật viết văn quả là độc đáo”.
Nghiêm cẩn với nghề viết là vậy, song trong đời thường ông Tư Sâm rất hóm hỉnh, mắt ông sáng lên khi nghe một câu chuyện vui, xóa đi gương mặt buồn như chân dung Trang Thế Hy do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ tặng đặt ở nhà ông bên cạnh ngổn ngang sách báo.
Nhiều nhà văn lớn tuổi, bạn ông Tư từ thời ở khu cho biết, ông Tư Sâm nấu ăn rất ngon, mà người nấu ăn ngon hẳn phải có cái lưỡi rất tinh để nêm nếm. Tôi chưa được ăn món ăn do ông nấu nhưng được uống rượu do ông tinh tuyển. Xung quanh bàn tiếp khách của ông có đủ các loại vỏ chai dùng đựng rất nhiều rượu mà ông Tư đảm bảo là ngon. Tôi rất thích món rượu ổi do ông ngâm từ ổi trong vườn nhà. Mùi thơm của rượu ổi rất lạ.
Một lần đến thăm ông Tư Sâm cùng anh Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, anh Nhựt với ông là đồng hương. Khi tôi thắc mắc sao ông Tư có nhiều chai rượu để đầy gầm bàn như vậy, anh Minh Nhựt giải thích: “Mỗi chai chứa một loại rượu, tùy theo loại khách ông già mời mỗi loại khác nhau”.
Đang ngồi trò chuyện cùng ông trong nhà thì ngoài vườn rụng xuống một tàu dừa. Ông Tư nghe tiếng tàu dừa rụng cười cười nói: “Có tiền rồi”. Hóa ra mỗi tàu dừa khô rụng xuống sẽ có người đến mua và đây là tiền uống trà, hút thuốc của ông. Mỗi khi về quê Bến Tre, Nguyễn Minh Nhựt thường tranh thủ ghé thăm ông Tư Sâm. (Như rất nhiều nhà văn khác ở miền Tây đi lên Sài Gòn ngang qua Mỹ Tho, thể nào cũng tạt sang Bến Tre thăm ông Tư). Mỗi khi như thế, Nhựt đều chuẩn bị một cái phong bì nho nhỏ nhét vào túi ông Tư.
Nhận quà ông nói vui: “Tiếp tế nữa hả”. Ở tuổi 90, luật trời ai cũng yếu đi, nhưng dù thế nào chăng nữa ông vẫn nhâm nhi ly rượu, vẫn hút thuốc, vẫn đọc và vẫn cười xòa trước sự đời như câu thơ của ông: “Tiếc thay, những lời nói dối ta phải nghe hằng ngày, lại là những lời nói dối không nhân ái!”.