Nhà văn Thạch Lam: Mạnh hơn cái chết

Thứ Tư, 05/05/2010, 10:09
Trong các nhà văn thành viên của Tự Lực văn đoàn, Thạch Lam là người có số lượng đầu sách thuộc loại ít ỏi. Không chỉ bởi ông viết kỹ, đến độ... khó tính, mà còn bởi ông mất sớm, lúc chưa đầy 32 tuổi. Nhưng, mượn cách của Hoài Thanh khi vinh danh Nguyễn Nhược Pháp, ta có thể nói: "Văn in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai  bằng Thạch Lam".

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của tác giả những thiên tuyệt bút "Gió đầu mùa", "Hà Nội băm sáu phố phường", xin góp cùng bạn đọc một  số mẩu chuyện với những tình tiết  còn ít người biết về con người giàu lòng trắc ẩn: Thạch Lam

Mảnh mai nhưng không yếu đuối

Trong bài tùy bút "Một đêm họp đưa ma Phụng" viết năm 1939, nhà văn Nguyễn Tuân đã có mấy dòng cho thấy thể chất "cầm lỏng được cái chết" của Thạch Lam: "Thế Lữ, Tchya, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Đoàn Phú Tứ, Thạch Lam... đều là những người đủ tư cách để sớm lên đường lắm. Ngực người nào cũng lép như cái đồng hồ Ômêga trông nghiêng. Những người trẻ trung này nếu có nằm xuống cũng nhẹ nhàng lắm đây".

Quả thực, theo những gì mà người thân của Thạch Lam kể lại, mặc dù cao tới 1m70, nhưng sức khỏe của Thạch Lam lại rất không tương xứng với chiều cao của ông. Có thể nói, ông thuộc dạng "thể chất yếu". Hẳn là vì thế mà ông rất năng chơi thể thao (ông chơi tennis vào loại khá), và có thời kỳ, ông cùng người anh rể tương lai tên gọi Nguyễn Kim Hoàn đi học võ nghệ.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thế, chị gái Thạch Lam từng kể lại thì: "Hồi nhỏ, tôi dút dát bao nhiêu thì Vinh (tên thật của Thạch Lam là Nguyễn Tường Sáu, sau đổi thành Nguyễn Tường Vinh, rồi Nguyễn Tường Lân - PTC ) bạo dạn bấy nhiêu. Tuy tôi hơn nó một tuổi nhưng việc gì cũng phải nghe theo nó cả. Cũng nhờ tính bạo dạn này, Vinh đã giúp đỡ mẹ tôi được nhiều việc. Nhưng cũng làm cả nhà hoảng hồn nhiều lần...".

Và, một trong những việc ông làm cả nhà hoảng hồn là việc cưới xin của ông. Khác với tất cả các anh trai đều lấy vợ qua mai mối, được bố mẹ chấp thuận mới coi mặt nhau, rồi cưới, Thạch Lam lấy vợ hoàn toàn do sự lựa chọn của cá nhân ông. Không những vậy, vợ ông (bà Nguyễn Thị Sáu, người Ninh Bình) trước khi đến với Thạch Lam đã có một đời chồng. Bởi vậy, Thạch Lam quyết định cưới trước rồi mới nhờ chị gái "về trình với gia đình sau". Đến nước này gia đình Thạch Lam đành chỉ còn cách ưng thuận.

Rất may, vợ Thạch Lam là một người đàn bà rất mực chu toàn với chồng con. Theo bà Nguyễn Thị Thế thì về đường ăn uống, Thạch Lam rất khó tính "cà phê bao giờ cũng phải do tay vợ pha, người khác pha là không bao giờ uống". Sau khi Thạch Lam mất, mặc dù còn trẻ đẹp, bà Sáu vẫn ở vậy nuôi con. Trong ba người con của bà với nhà văn Thạch Lam, người con gái cả Nguyễn Thị Kim Dung sau này là vợ của Trung tướng chính quyền Sài Gòn Ngô Quang Trưởng và người con trai út Nguyễn Tường Giang mặc dù tốt nghiệp bác sĩ song cũng nối nghiệp cha viết văn làm thơ...

Nhân nói về tính quyết đoán, tư duy "độc lập tự chủ" của Thạch Lam, ta có thể thấy: Mặc dù là em trai của hai nhà văn danh tiếng Nhất Linh và Hoàng Đạo, song Thạch Lam không để cuộc sống cũng như quan điểm sáng tác của  mình bị cuốn theo đường hướng của các anh. Chẳng thế mà, khi so sánh cốt cách và sự nghiệp sáng tác của Thạch Lam với Nhất Linh, Hoàng Đạo (và cả Khái Hưng), từ năm 1972, nhà văn Vũ Bằng đã đưa ra nhận xét: "muốn nói đến một người tôn thờ nhân bản thực sự, một người thương yêu xót xa đồng bào từ tâm can tì phế thương ra thì người ấy chính là Thạch Lam".

Thích nhẹ nhàng, ưa tĩnh mịch

Vẫn nhà văn Vũ Bằng, khi nhận xét về lối sống tao nhã của Thạch Lam, đã viết rằng: "Nghĩ lại thì trong suốt cuộc đời anh, cái gì cũng nhẹ nhàng: Nhẹ nhàng từ cử chỉ, từ tiếng nói, nhẹ nhàng từ câu nói, từ bước đi... dường như nếu bước mạnh thì đất nó đau".

Nhà văn Đỗ Đức Thu nhận thấy "Thạch Lam rất thận trọng trong việc giao du. Bạn bè của anh có thể đếm trên đầu ngón tay. Thỉnh thoảng mới có người lui tới cái nhà cạnh Tây Hồ. Khách phần nhiều cũng yên lặng như chủ, đó là những người có thể ngồi im hàng giờ cạnh khay chè, đã đạt đến cái thuật "đối diện đàm tâm" của các bậc túc nho".

Bà Nguyễn Thị Thế kể lại những năm tháng cuối cùng của người em trai (Thạch Lam mất ngày 27/6/1942 vì bệnh lao): "Đau ốm, chú không cho bất cứ bạn bè hay họ hàng nào vào thăm. Chỉ người thân trong nhà mới được vào phòng thôi. Vì thích cây liễu nên chú bắt kê giường làm sao cho chú nằm, vẫn nhìn thấy cành liễu rủ xuống khung cửa sổ. Một hôm thằng người nhà không biết, dứt xuống mấy cành lòa xòa sát đầu. Khi tôi sang, chú kể chuyện và cứ tiếc mãi. Từ đó về sau, tôi phải dặn tất cả mọi người không ai được dứt một cái lá nào của chú". Tình tiết làm tôi không thể không nhớ tới bối cảnh trong truyện ngắn "Chiếc lá cuối cùng" của nhà văn Mỹ O.Henry.

Cũng theo hồi ức của bà Nguyễn Thị Thế thì bản tính Thạch Lam "ưa tĩnh mịch nên khi có con, vú em được lệnh cấm không được ru và cũng cấm không được để nó khóc. Ngoài cổng, có khi chú còn cho treo một cái biển đề: "Ai hỏi gì xin lên tòa soạn". Và bà Thế kết luận, những tháng ngày cuối đời, Thạch Lam "khó tính đến nỗi hầu như chỉ có thím là chiều chuộng được chú, còn tôi và mẹ tôi cũng đành chịu".

Thẳng thắn và minh bạch

Cách đây ít năm, Nhà xuất bản Văn học của ta có cho ấn hành cuốn tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của nhà văn Pháp Marcel Proust. Hẳn ít người biết rằng, ngay từ cuối những năm những năm 30 của thế kỉ trước, Thạch Lam đã dịch và giới thiệu với bạn đọc Hà thành cuốn tiểu thuyết này.

Chỉ có điều, ở bản dịch này, Thạch Lam đã dịch sai một số chi tiết. Chẳng hạn, trong nguyên bản có câu chuyện "La Petite Madeleine", Thạch Lam dịch là "Cô bé Madeleine". Thực ra, xem chuyện người ta có thể thấy "La Petite Madeleine", có nghĩa là "Cái bánh Madeleine".

Điều đáng nói hơn cả là sau một thời gian dài (đến gần ba tuần) bản dịch đó được in trên báo Ngày Nay, vẫn chưa có ai phát hiện và lên tiếng về sai sót đó cả. Chợt một ngày, cũng trên tờ báo đó, Thạch Lam thẳng thắn nêu cái nhầm của mình. Ông thú nhận điều sai lầm đó ông biết được là nhờ sự mách bảo của một độc giả. Tác giả ngỏ ý cảm ơn độc giả nọ và mong sẽ nhận được nhiều chỉ dẫn về những khiếm khuyết khác.

Nếu đối chiếu với việc ngày nay, có những trường hợp sai sót rành rành, mặc dù được bạn đọc viết thư góp ý kỹ càng, chi tiết, song nhiều người vẫn muốn lờ đi, cho qua, ta sẽ thấy động thái trên của Thạch Lam thực đáng quý.

Còn có một "ông đồ" trong truyện ngắn của Thạch Lam

Bạn đọc yêu văn học nước ta hẳn không mấy ai không biết đến tên tuổi nhà thơ Vũ Đình Liên và bài thơ bất hủ "Ông đồ". Bài thơ này cho thấy sự biến thiên của thời cuộc đã tác động lớn lao đến một số phận người trong xã hội. Vì bài thơ có nói đến mưa xuân, đến hoa đào nở, đến câu đối, đến giấy đỏ... cho nên cũng có rất nhiều duyên cớ để người ta nhắc tới, điểm tới vào các dịp Tết Nguyên đán, gợi cho ta nhớ tới một tầng lớp người đáng kính mà các bạn trẻ ngày nay dường như ít có cơ gặp lại...

Bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên ra mắt lần đầu năm 1936, trên báo Tinh hoa. Nhiều bạn trẻ hôm nay sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng, trên báo Phong hóa số ra vào tháng giêng năm ấy, có đăng truyện ngắn "Ông đồ nho" của nhà văn Thạch Lam, một truyện ngắn khi đọc ta có cảm tưởng như đó chính là xuất xứ cho bài thơ của Vũ Đình Liên, hoặc giả - là sự triển khai bằng văn xuôi bài thơ nói trên. Bởi đối chiếu hai tác phẩm nói trên, ta thấy chúng có ý tưởng và tinh thần khá gần gũi nhau.

Vì nhiều bạn đã thuộc bài thơ "Ông đồ", tôi chỉ xin trích ra ở đây một số nội dung, một số đoạn trong truyện ngắn "Ông đồ nho" của Thạch Lam. Ví dụ: "Mỗi năm tết đến, ngày phiên chợ cuối năm, bao giờ cũng có một ông đồ đến thuê cái hiên nhà tôi để viết câu đối bán. Ông là người đã già, râu tóc đã bạc phơ cả và chữ viết rất tốt. Vì vậy, chữ ông viết ra bán rất chạy, và người ta tranh nhau mua".

Có một điểm hơi khác với bài thơ của Vũ Đình Liên (ông đồ chịu sự tác động của một xã hội đang trên đà Âu hóa, bút lông được thay bằng bút sắt), ông đồ trong truyện của Thạch Lam đã bị mất khách vì một người bán tranh Tàu. Tranh của anh chàng này vẽ những cô gái hồng hào, mũm mĩm, giá lại rẻ, khiến không ai thiết gì mua câu đối của ông cụ nữa.

Nhà văn Thạch Lam đã viết về tình cảnh này của ông cụ bằng một đoạn văn thật cảm động: "Cụ ngồi suốt buổi chợ mà không bán được tí gì. Cụ thu xếp bút nghiên gọi tôi đến (tức tác giả, bấy giờ còn bé - PTC) ẵm vào lòng rồi bảo rằng: "Năm nay không có xu nào cho em ăn quà em ạ!". Tôi ngẩng lên thì thấy ông cụ rơm rớm nước mắt. Đến tối, thầy tôi ra đòi tiền thuê hiên, ông cụ không có, thầy tôi bắt ngay cái bút và hai vế câu đối rồi đuổi ông cụ đi. Từ năm sau, tôi không thấy cụ đem bán chữ nữa. Hỏi người vú tôi thì vú bảo nghe đâu ông cụ nghèo túng đã chết từ tháng giêng kia rồi và không có con cái gì cả".

Tuy có một vài tiểu tiết khác nhau, nhưng ở bài thơ của Vũ Đình Liên và truyện ngắn của Thạch Lam đều có một điểm chung: Đó là lòng thương người vô tận. Đọc xong hai tác phẩm nói trên, chúng ta không thể giấu được lòng thương cảm

Phạm Thành Chung
.
.