Nhà văn Sơn Tùng: Sự sống hồi sinh từ trang viết

Thứ Tư, 03/08/2011, 15:14
Con ngõ nhỏ ở phố Văn Chương vẫn cũ kỹ theo thời gian. Đã bao lần tôi bước chân vào đó, qua những lấm lem của bụi than tổ ong, của xe cộ và hàng quán ăn, để vào căn gác nhỏ trò chuyện cùng ông. Nhưng lần này, căn phòng nhỏ vốn cũ kỹ và chật chội của ông bỗng trở nên trống trải vô cùng.

Ông nằm đó, trên giường bệnh. Cơ thể gần như khô lại. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn sáng. Ngày 14/7/2011, Chủ tịch nước vừa ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng. Khi nhận được tin, ông đã khóc...

1. Một năm nhà văn Sơn Tùng nằm bất động trên giường bệnh. Ông không còn cử động được nữa. Mọi sinh hoạt đều do bà Hồng Mai, vợ của ông đảm nhiệm.

Bà Mai kể: "Không hiểu sao mấy hôm nay tâm trạng ông bất ổn, ông hay buồn và thở dài, đôi khi thấy nước mắt ứa ra trên khóe mắt nhăn nheo của ông". Có lẽ bà hiểu.

Một con người kiên cường và nghị lực như ông, một con người đã dũng cảm từ cõi chết trở về để làm nên những kỳ tích như nhà văn Sơn Tùng, thì hẳn ông sẽ buồn rất nhiều. Bởi ông ý thức được sự bất lực của chính mình trước thời gian. Nhiều dự định vẫn còn dang dở. Cuốn sách Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn, cuốn sách ông gửi vào đó rất nhiều tâm huyết về Bác vẫn chỉ mới được một phần.

Nhà văn Sơn Tùng cùng bạn hữu.

Cả câu chuyện về biển quê ông, về người bạn thân thiết, nhạc sĩ Văn Cao, tất cả đã sắp sẵn trên bàn và trong trí nhớ lạ lùng của ông. Vậy mà… Nhà văn Sơn Tùng nằm đó, bất lực nhìn thời gian trôi, nén chặt tất cả vào tận trái tim mình. Mới hiểu, nỗi buồn của ông thấm thía đến thế nào.

Tôi không biết bắt đầu câu chuyện về người anh hùng cầm bút này như thế nào nữa khi đến ngôi nhà nhỏ của ông vào những ngày này. Dường như ông vẫn đang bắt đầu một cuộc chiến đấu mới, với những đau đớn trong cơ thể, với sự bất lực trước thời gian của mình.

Con người mà cái chết tưởng như không thể chạm tới này, trở về từ chiến trường khói lửa năm 1972 vĩnh viễn mất 81% thương tật. 14 mảnh đạn nằm trong cơ thể, 3 viên đạn nằm trong đầu không thể mổ để lấy ra. Một bàn tay trái bị liệt, bàn tay phải ba ngón co quắp.

Vậy mà, như một kỳ tích, trong cuộc chiến vật lộn với những đau đớn về thể xác, có những lúc tưởng như: "Tôi nằm bất động, tay phải bị co gấp ngang ngực. Cơn đau quằn quại, bỏng rát hành hạ tôi từng giây. Họ muốn cắt hạch giao cảm để cứu sống tôi. Nhưng nếu không còn biết cảm, biết đau nữa thì tôi làm sao mà viết được. Dần dà thân thể tôi được vá víu thành sẹo…

Nhưng tôi bị mất trí. Nếu tôi mất trí nhớ, tôi chỉ còn là cái xác không hồn, vật vờ giữa thế gian, sống làm chi. Nhìn trang giấy không thấy chữ, giấy trắng, đầu mình cũng trắng. Tôi bị lên cơn co giật thần kinh, nhạy cảm từ trường, đùng một cái ngã vật xuống. Mỗi lần ngã xuống, được nâng dậy, tôi hệ thống lại dần, cảm nhận dần dần sự sống".

Từ những cảm nhận đầu tiên về sự sống khi từ cõi chết trở về, nhà văn Sơn Tùng đã từ chối mọi đề nghị đi điều trị ở Trung Quốc hay bất cứ đâu, để tự khâu lành những vết thương cho mình. Trong những cơn đau đớn vật vã về thể xác, trong những hoảng loạn về tinh thần, ông mơ hồ nhận ra, sự sống thuộc về ông, và tự ông phải cứu chính mình, chứ không ai khác.

Bắt đầu từ cái chòi nhỏ ở số 105 Nguyễn Trường Tộ, chái phía sau nhà của một anh bạn, và sau này là căn phòng tập thể 8m2 ở cái ngõ Văn Chương cũ kỹ không có cả nhà vệ sinh này, nhà văn Sơn Tùng đã bắt đầu hồi sinh. Sự hồi sinh từ thể xác và tâm hồn của một con người yêu sự sống, yêu nghề viết như một lẽ sống của cuộc đời.

Sau cuộc hồi phục kỳ diệu của trí nhớ, nhà văn Sơn Tùng bắt đầu những trang viết đầu tiên. Những Con người con đường, Lõm, Anh họa sỹ mù, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Phú, Búp sen xanh… ra đời từ đó.

Tôi bước vào phòng làm việc của ông, căn phòng vắng và lạnh, dù mọi thứ ở đây vẫn còn nguyên vẹn. Tưởng như những bon chen, ồn ào nơi phố thị đều bỏ lại ngoài kia, và trở nên xa lạ trong căn phòng nhỏ ngổn ngang sách của ông. Giữa lối đi là một tấm phản, vừa là nơi tiếp những người bạn thân tình, vừa là chỗ ngủ của ông. Tôi đã nhiều lần được vào đó, được cùng ông lần giở lại những kỷ vật, những tư liệu quý giá. Vậy mà…

Trong căn gác nhỏ không vướng bụi trần này, nhà văn anh hùng của chúng ta lặng lẽ nén chịu những cơn đau, lặng lẽ viết và cho ra đời những cuốn sách quý. Một mình một cõi. Và trên hành trình gian khó đó, nhà văn Sơn Tùng đã tự xác nhận một lối đi riêng, không bị pha tạp hay trộn lẫn vào ai.

Giáo sư Phan Ngọc đã từng đánh giá: "Sơn Tùng có phong cách của Tư Mã Thiên, gặp bất cứ sự kiện gì cũng tìm hiểu đến nơi đến chốn tại nơi xảy ra và hỏi những người chứng kiến. Nó khác xa với phương pháp viết sử theo trí tưởng tượng của các nhà tiểu thuyết thời Pháp thuộc. Và nhà văn Sơn Tùng viết theo những đòi hỏi của trái tim người nghệ sĩ. Tự trái tim ấy sẽ dẫn đến cách làm như vậy. Thời đại xem tiểu thuyết để tiêu khiển dần dần sẽ nhường cho thời đại xem tiểu thuyết thay đổi thế giới. Và chính lối đi riêng không lẫn vào ai đó đã làm nên một phong cách Sơn Tùng độc đáo trong văn học Việt Nam".

Với nhà văn Sơn Tùng, thì sự thanh sạch đến mức, ngay cả những hào quang của ngày hôm nay cũng chưa bao giờ chạm vào ông. Bởi lẽ, ông viết từ nhu cầu tự thân, viết để tự chữa lành những vết thương, những đau đớn về thể xác, và cả những đau đớn về cuộc ưu thời mẫn thế của mình. Hay nói cách khác, văn chương giải thoát ông khỏi những cơn đau.

Vậy mà, cả đời ông, những năm sương gió đạn bom ở chiến trường, ngủ trong rừng, ngủ dưới hầm. Rồi bốn mươi năm bị thương nặng, làm nhà văn nổi tiếng, vẫn ở trong căn nhà nhỏ 8m2, về sau đổi thành 16m2. Và chỉ đến khi ông tai biến nặng từ bệnh viện trở về, bà Hồng Mai mới thu xếp kê một chiếc giường trong căn phòng chật hẹp. Từ lúc đó, ông mới được nằm giường. Đã bốn mươi năm nay, ông vẫn giữ thói quen, dậy từ 3h sáng, tắm rửa, thắp hương lên bàn thờ Bác và bàn thờ gia tiên, ngồi thiền và cột bút vào ngón tay để viết.

Nhà văn Thiên Sơn kể: "Tôi đã chứng kiến cuộc sống của ông khó khăn đến thế nào khi ông cứ phải chống chọi với những cơn đau vết thương chiến tranh và mang trong lòng những nỗi niềm nhân thế. Chỉ có điều, trước mọi người, ông thường cố nén và hòa đồng để quên đi những cơn đau ấy. Còn những lúc vắng khách, nếu đau quá thì ông ngồi thiền trên tấm phản trong phòng văn. Đau ít hơn, thì ông nằm tạm nghỉ, nhưng tay vẫn cầm tờ báo say mê đọc. Lúc vết thương dịu cơn đau thì ông say mê viết. Có lúc say mê quá, máu từ  vết thương trên đầu thấm ướt đỏ cả cổ áo mà ông không hề biết".

2. Nhưng tôi muốn dành một phần trong bài viết này cho bà Mai, người vợ hiền của nhà văn Sơn Tùng. Nếu không có bà, chưa hẳn chúng ta sẽ có một nhà văn Sơn Tùng anh hùng của ngày hôm nay. Người phụ nữ lặng lẽ ấy là bà Phan Hồng Mai.

Phải có một tình yêu lớn hơn tất cả, thì cô y tá của Bệnh viện Hữu Nghị mới từ bỏ công việc của mình để tình nguyện lấy và chăm sóc nhà văn Sơn Tùng khi ông ở chiến trường, đang giành giật từng ngày với sự sống. Bà Mai vừa kể chuyện, vừa lấy khăn ướt lau mặt cho ông.

Một tuần nay, ông đã trở lại nếp sinh hoạt cũ, như một nhà tu hành, mỗi bữa chỉ lưng bát cơm cùng với một chút rau. Bà Mai còn nhớ, hôm đó, đúng ngày 26/6, ông dậy tắm và ngồi thiền. Bà lúi húi trong bếp không để ý, huyết áp của ông đột ngột tăng cao. Khi đưa ông vào viện cấp cứu trở về, chiếc đồng hồ trong phòng làm việc của ông cũng chết lặng ở 6h30.

Bà thu hết những ấm chén cũ hàng ngày ông vẫn tiếp khách, cả chiếc đồng hồ, bà để đứng im như thế. Đối với bà, thời gian đã ngưng đọng lại kể từ khi ông bị ốm. Phải đến khi ông từ bệnh viện trở về, bà thấy ngôi nhà thăm thẳm, và chống chếnh quá. Bà Mai đi mua pin lắp vào đồng hồ, và sắp đặt bộ ấm chén cũ của ông lại. Nhìn thấy nó, ngôi nhà của bà bớt cô quạnh.

Bà đã đi bên cạnh cuộc đời ông gần 40 năm, lo cho ông từng bữa ăn giấc ngủ để ông có thể tiếp tục sống và hiến thân cho sự nghiệp của mình. Chiến tranh vừa kết thúc, bà dìu ông vào Nam ra Bắc lấy tư liệu. Hàng ngày bà chạy vạy, gánh vác cho ông từng việc nhỏ đến việc lớn trong nhà.

Bạn bè đến hội tụ, chiếu văn trong con ngõ nhỏ Văn Chương ấy, mấy chục năm trời đều một mình bà lo chuyện cơm nước. Thương ông, hiểu ông, bà yêu ông một cách tuyệt đối, đến mức, mọi điều ông nói, đối với bà là chân lý. Nên khi ông ngã bệnh, bà thấy mình mất phương hướng. Nhiều tâm sự vẫn còn đó, bà không biết nói với ai.

Nhà văn Sơn Tùng, ngoài tình nghĩa vợ chồng, đối với bà Mai, ông còn là một người bạn tri kỷ. Dù thế giới của hai người có những tách biệt, nhưng nói chuyện với bà tôi hiểu, họ đã gắn kết tâm hồn nhau bằng những yêu thương, bằng sự sẻ chia, và thấu hiểu. Thế nên, tình yêu của ông với bà, còn cả sự mang ơn.

Bà cầm chặt tay ông, những ngón tay co quắp, gầy guộc, chỉ còn trơ lại xương, mà xót xa. Gần 40 năm nay, bà đã cầm chặt bàn tay thương tật của ông như thế. Và đã đi cùng ông trong một hành trình dài của kiếp người, đưa ông trở về từ cõi chết bằng tình yêu, bằng sự trân trọng và giúp ông thực hiện những tâm nguyện của mình với nghề viết.

Ông vẫn nằm lặng lẽ trên giường bệnh, cảm nhận từng ngày sự hữu hạn của thời gian. Cuộc đời một nhà văn anh hùng không màng đến danh vọng như ông, thì điều còn lại sẽ là tác phẩm. Và những giá trị mà ông theo đuổi đã chạm tới tâm thức cội nguồn của dân tộc, đó cùng là một cách, ông sẽ ở lại với cuộc đời

Hà Linh
.
.