Nhà văn Phùng Văn Khai: Kẻ chân thành hào sảng

Thứ Ba, 10/08/2010, 14:45
Bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lần đầu gặp hắn tại một quán bia cách đây quãng hai năm. Chẳng biết hắn ngồi ở đấy từ bao giờ với nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà thơ Lê Quang Sinh. Cũng chẳng biết trước khi tôi đến, hắn đã "nã", đã "keng" bao nhiêu cốc rồi. Chỉ biết sau khi Sương Nguyệt Minh giới thiệu: Đây là nhà văn trẻ Phùng Văn Khai, thì hắn cụng ly với tôi dăm lần.

Sau đó, hắn bấu, hắn véo tôi đến đau điếng cả người và nói đi nói lại luôn mồm: Chào nhà thơ…"Họ nhà rùa"! Em rất thích… bài… thơ… này… của… anh. Rồi hắn đọc đi đọc lại, nghe đến sốt ruột: Úp mặt vào đất không sợ lấm bùn/ Ngửa mặt nhìn trời không sợ héo…

Hắn làm cho cuộc uống bia căng lên đến mức không bình thường. Mấy lần đứng dậy, tôi định bụng bỏ đi. Không hiểu sao lúc đó tôi lại nghĩ: Có lẽ hắn đang say. Chả nên chấp kẻ say. Vả lại, từ bấy đến giờ, tuy rơi vào tình thế quá chén nhưng hắn vẫn không phát ngôn bừa bãi, lung tung và không tỏ ra hung hãn, bất cần… Và tôi ngồi im chịu trận.

Không ngờ sự chịu trận lần ấy của tôi lại có ích. Ít ra từ sau bữa ấy, tôi còn ngồi với hắn, còn đi với hắn nhiều lần nữa và trở thành một người bạn vong niên của hắn. Tuy nhiên, nếu có ai hỏi tôi: Từ lần thứ hai, lần thứ ba… gặp lại hắn ở đâu, thì tôi không còn nhớ được cụ thể nữa. Tôi chỉ nhớ: Đã gặp một con người thẳng thắn, chân thành, hào sảng; đã gặp một nhà văn, một nhà báo sục sôi, nhiệt huyết đang qua tuổi "tam thập nhi lập" để bước tới tuổi "tứ thập nhi bất hoặc".

Tôi nhớ nhất là cách nay không lâu đã cùng hắn đi công tác vào tận xã biên giới Moray gần Chư Momray để tìm hiểu về một vùng đất, về những con người đang ngày đêm gắn bó với nguồn "vàng trắng" của Tây Nguyên. Chính ở nơi đây, tôi mới hiểu: Hắn hiện là một người đi lại nhiều, viết nhiều, có nhiều kỷ niệm với Tây Nguyên, có lẽ chỉ sau nhà văn Nguyên Ngọc và nhà văn Trunng Trung Đỉnh. Có lẽ vì thế mà tôi đã nói nửa đùa nửa thật với hắn: Nếu sau này có viết về ông, tôi sẽ đặt tên bài viết của mình là: "Có ba người vào Tây Nguyên" hoặc "Người thứ ba vào Tây Nguyên" chẳng hạn.    

Trong lần ấy, hắn đã "ôn nghèo nhớ khổ". Nào là đã từng lang bạt kỳ hồ một thời gian. Nào là đã đi lính thay cậu em trai vì nó yếu quá. Nào là làm đủ nghề trong lính từ đào đá, gác kho, chăn bò đến lái xe. Nào là phải thi đại học đến 3 lần mới xong.

Riêng cái chuyện thi đại học, hắn nhớ lại: Em đã thi vào đủ 3 trường đấy. Thứ nhất là Trường Sỹ quan Tăng thiết giáp. Thứ hai là Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thứ ba là Trường Đại học Văn hóa. Nói chung, em rất vất vả về đường học hành.

- Sao ông không chọn thi vào Trường Đại học Văn hóa (Trường Viết văn Nguyễn Du cũ) ngay từ đầu?

- Thì làm sao biết được, anh. Cuộc đời có lắm khi phải thử sức chứ! Mà thi ngay từ đầu, chắc gì đã đỗ !

- Vậy là trong cái rủi cũng có cái may. Giá như ông thi đỗ vào một trong hai trường trước, tình hình có khi lại khác đấy.

- Chẳng khác được đâu, vì con đường viết văn là con đường em đã ấp ủ từ nhỏ và đã chọn từ rất sớm.

 Hắn kể: Cái "sự nghiệp" viết văn của em được khởi đầu từ… báo tường. Cái hồi còn là lính của Trung đoàn 421 Sư đoàn 306 (bộ binh), em đã được giao cùng một lúc làm hai tờ báo tường cho một tiểu đoàn đấy. Hồi ấy em làm nhiều thơ lắm, kể cả thơ ứng tác. Bài thơ đầu tay em làm có tên là "Đêm gác nhớ em".

Tôi phải nói khó, hắn mới đọc cho tôi nghe một khổ thơ ngây ngô và dễ thương ở thuở ban đầu của hắn. Trước khi đọc, hắn còn rào đón: Anh hãy coi đây là kỷ niệm ban đầu của em thôi đấy nhé. Tôi gật gù và nghe hắn đọc:

Anh đứng gác đêm nay trời lạnh quá
Sương mù giăng khắp mảnh tình quê
Nỗi buồn dâng chất chứa sơn khê
Quê hương gợi cảm cầu tre nhớ về…

Có lẽ khả năng ban đầu về "năng khiếu văn học" của hắn được ghi nhận qua truyện ngắn "Lính tò te". Truyện ngắn này của hắn được giải một cuộc thi viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội của Tổng cục Chính trị vào năm 1994. Nhưng tin vui này đến với hắn rất chậm. Lý do: Cuối năm 1994, hắn chuyển đơn vị. Khi người ta báo tin "được giải" thì hắn không còn ở đơn vị cũ nữa. Ngay lập tức, theo lối "quân lệnh như sơn", Quân đoàn 2 bèn cử một người đóng thế hắn để nhận giải. Rồi giải thưởng (bằng chứng nhận và 500 nghìn đồng) được niêm phong cẩn thận tại Phòng Văn hóa văn nghệ Quân đội. Giải được trao cuối năm 1994 thì đến đầu năm 1995, hắn mới biết.--PageBreak--

Tôi không hiểu lúc ấy, hắn vui mừng đến thế nào. Chứ như tôi, hồi còn làm lính Miền Tây Nam Bộ, vào năm 1976, dù chỉ được đăng một bài thơ trên tờ tin Quân khu 9 thôi, đã sướng rơn, ngỡ mình đang bay bổng khỏi mặt đất từ bao giờ. Mà bài thơ hồi ấy của tôi, bây giờ đọc lại, thấy nó đại ngôn ơi là đại ngôn:

Đất nước mình có bao nhiêu hố bom
Mỗi hố bom là hình ảnh của người Việt Nam ta đánh giặc
Dưới hố bom là khát vọng quân thù
Trên hố bom là ánh sáng mùa thu
Và hương cỏ hương cây thơm từ lòng đất…

Tất nhiên, sau "Lính tò te", hắn còn có một số truyện ngắn khác được đăng, được chú ý trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và  Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần.

Nhưng như người đời thường nói: Trong cái rủi có cái may. Ít nhất có đến hai lần, hắn gặp được quý nhân.

Quý nhân thứ nhất là nhà văn Khuất Quang Thụy. Nhờ Khuất Quang Thụy mà hắn được mời tham dự Trại viết năm 1995 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và được vỡ vạc ra nhiều thứ. Tại đây, hắn có dịp tiếp xúc, giao lưu với nhiều cây bút trẻ khác mà sau này đều đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Sương Nguyệt Minh, Lò Cao Nhum, Phạm Trọng Thanh, Mạnh Lê, Nguyễn Trọng Hoàn, Trần Thanh Hà, Như Bình, Nguyễn Hữu Quý…

Quý nhân thứ hai là nhà văn Chi Phan, Giám đốc Truyền hình Quân đội. Do biết hắn từ trước, lại thấy hắn rất nhiệt tình, tốt bụng một cách vô tư, trong một lần xuống cơ sở làm việc, nhà văn Chi Phan đã hỏi hắn một câu khá bất ngờ: Cậu có muốn về Truyền hình Quân đội không?

Thời gian chuyển về Truyền hình Quân đội cũng là khoảng thời gian hắn tham gia thực hiện nhiều phim tài liệu, nhiều cuộc giao lưu truyền hình. Riêng về mảng phim tài liệu, ít nhất hắn đã làm được 50 cái mà đa phần trong số này là chân dung các văn nghệ sĩ.

Từ 1995 đến nay, hắn đã xuất bản cả chục tập thơ, truyện ngắn, phê bình và tiểu thuyết (cuốn đầu tiên: "Khúc dạo đầu của binh nhì", cuốn mới nhất: "Phác họa các chân dung văn học"). Trong những năm từ 2000 đến 2006, hắn đã nhận nhiều giải thưởng văn học, trong đó đáng kể có Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Giải thưởng Văn học 5 năm Bộ Quốc phòng.

Về những truyện ngắn viết về đề tài người lính của hắn, có nhà phê bình đánh giá: "Ở đề tài này, với vốn am hiểu sâu sắc về quân ngũ đã khiến tác giả nhập vai một cách xuất sắc… Ngôn ngữ truyện trong sáng, có giá trị gợi hình, gợi cảm lớn, nhất là các từ ngữ miêu tả tâm trạng được sử dụng một cách chính xác. Văn ngôn giản dị mà không sơ sài, đã sử dụng một cách triệt để các từ thuần Việt tạo ra cảm giác gần gũi".

Còn tác giả "Bến không chồng" - nhà văn Dương Hướng thì nhận xét về tiểu thuyết "Hư thực" của hắn như sau: "Có thể nói, nghệ thuật xây dựng truyện của Phùng Văn Khai là hồi ức về những giấc mơ. Với "Hư thực", các chi tiết, hình ảnh luôn ở trạng thái phiếm định. Toàn bộ cuốn truyện được hình thành trên một chuỗi sự kiện của những ảo giác. Tác giả khai thác các sự kiện cùng với trạng thái tâm lý vào lúc mà vùng tiềm thức được kích hoạt với một năng lượng đủ mạnh, có khả năng tái tạo những hình ảnh nguyên thủy để giải thích cho những bí mật thời hiện tại".

Với tôi, hắn là kẻ yêu văn chương đến độ và coi văn chương là chốn nghiêm túc. Không thế tại sao hắn lại có những dòng suy nghĩ về nghề văn máu thịt đến thế này: "Tôi cho rằng văn chương là một nghề đặc biệt khó khăn nhưng nó cũng luôn có sức mê dụ đặc biệt… Nghề văn phải cho nhiều hơn nhận, tích nhiều hơn tiêu, vì nó đem đến sự bình an cho tâm hồn nên phải thủy chung, quyết theo đến tận cùng cho dù hệ lụy là khổ đau hay hạnh phúc. Và tôi đang bước trên con đường ấy…".

Bên cạnh nhà văn Phùng Văn Khai, còn có nhà làm sách Phùng Văn Khai nữa. Hắn nói: "Thật ra trên danh nghĩa, vợ em là chủ nhà sách Như Quỳnh, còn em chỉ đứng cạnh vợ em thôi. Cái hồi mới nhảy vào địa hạt này, nhà sách của em in liền 4 tập "Bão táp triều Trần" với số lượng 2.000 cuốn và trả nhuận bút tác giả 46 triệu đồng.

Tính đến nay, nhà sách Như Quỳnh ít ra cũng in được 2 cuốn sách đáng nhớ: "Bão táp triều Trần" của Hoàng Quốc Hải (Giải thưởng Thăng Long - Hà Nội), "Một ngày là trăm năm" của Phạm Quang Đẩu (Giải thưởng Mê Kông). Nhưng nghề này cũng gian nan lắm. Ban đầu vì cả tin, em đã in khá nhiều sách văn học và có thời điểm, gần 2 tỷ đồng tiền sách bị "đắp  chiếu". Nhưng cũng nhờ nhà sách này mà em in giúp nhiều tác phẩm cho nhiều tác giả là người ở các địa phương phía Bắc chưa mấy tên tuổi".

Gần đây, hắn còn đứng ra in mấy bộ sách cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội và trả 10 triệu đồng bản quyền đàng hoàng. Riêng cuốn "Thơ từ cuộc thi thơ", nhà sách Như Quỳnh cũng đứng ra in và gần như biếu không Tạp chí Văn nghệ Quân đội quãng 20 triệu đồng.

- Thế có lần nào trong đời, ông cả tin nữa không?

- Có chứ. Ấy là lần em bị một người quen lừa vay 200 triệu đồng. Sau, phải mất 2 năm, phải thuê người mới đòi được một nửa.

Bây giờ, tuy chỉ là một nhà văn thượng úy, công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhưng hắn vẫn vui. Bên cạnh vai trò nhà văn, hắn còn có vai trò nhà báo nữa. Theo tôi được biết, bất kể một sự kiện nóng nào xảy ra (bão lụt, bộ đội hy sinh…) ở bất cứ đâu, hầu như hắn đều có mặt. Có lần nhờ một bài báo của hắn mà một doanh nghiệp (Công ty 711, Binh đoàn 15) đã tặng trên 100 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Lê Văn Phượng.

Thỉnh thoảng, tôi lại đọc câu thơ của hắn: Ta phải làm gì với rơm rác của ta. Rồi tôi trêu hắn: Một người mà còn băn khoăn với cả rơm rác của mình như thế, thì không thể xem thường được đâu

Đặng Huy Giang
.
.