Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Cần mẫn cày ải từng con chữ...
- Nhà văn Mường Mán: Thênh thang cõi mộng bao la cõi đời
- Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sống mới khó làm sao!
- Nhà văn Ngô Thảo: Người không tuổi
Có những câu chuyện được lắng đọng từ những vùng đất anh đặt chân qua dọc chiều dài đất nước được đưa vào văn chương như là một lẽ tự nhiên.
Từng là lính bộ đội cụ Hồ, Thế Hùng yêu văn chương và quyết định đổi thay với việc bắt đầu vào học tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Anh trở thành một nhà văn với nhiều tác phẩm được ghi dấu ấn trong lòng bạn bè, độc giả. Với anh, viết văn là một công việc chưa từng có một ngày ngừng nghỉ lao động con chữ...
Nhà văn Thế Hùng cho biết, anh đang chờ đón cuốn sách mới nhất, tiểu thuyết Kẻ nằm, người ngồi ra đời. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai và là cuốn sách thứ mười của anh.
Thế Hùng cho biết cuốn sách này được anh "thai nghén" trong một thời gian khá lâu bởi nó hoàn toàn khác với những tác phẩm đã ra đời trước đây của anh. Với thủ pháp khuếch đại, giễu nhại, dân gian hóa tiếng cười để chuyển tải chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Đẩy về tiếng nói bình dân nhưng lại nhắm đến tầng lớp tinh hoa…
Sự ra đời của đứa con tinh thần thực sự là một sự kiện đặc biệt mà bất kỳ nhà văn nhà thơ, người viết nào cũng luôn hồi hộp chờ đợi. Riêng với Thế Hùng, điều này còn đáng đợi trông hơn, khi cuốn sách này, vì nhiều lý do nên ra đời trễ mất mấy năm.
Thế Hùng tại Trường Sa. |
Anh cho rằng, đây là một cuốn tiểu thuyết anh đã dụng công rất nhiều khi viết. Chính vì dụng công như thế nên đây cũng là cuốn tiểu thuyết, trước khi mang đi nhà in, anh gửi nhờ nhiều nhà văn đọc góp ý nhất, đa số họ thích và dành cho anh những lời xuýt xoa vì câu chuyện của anh lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối.
Vui nhất là có mấy nhà văn khi đọc đến một đoạn quen quen, bỗng mắng yêu anh: “Sao mày lại viết về tao?”. Cũng có nhà văn thì bảo: “Đổi tên nhân vật ấy đi, để thế người ta nghĩ đó là anh đấy”.
Gặp những câu như thế, anh cười và nói lại rằng tất cả những nhân vật trong tiểu thuyết đều là chính... bản thân tác giả phân thân ra mà thôi.
Nói thế nhưng rồi anh vẫn phải đổi tên đến mấy nhân vật. Còn cái tên sách Kẻ nằm, người ngồi cũng là một suy nghĩ lao lung, cuối cùng nó đã đến với anh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt.
Và chỉ có thể dõi theo suốt chặng đường của cuốn tiểu thuyết mới thấy rằng, điều bí ẩn thực ra cực kỳ đơn giản, như cuộc sống thường nhật được bê vào tiểu thuyết, các nhân vật "sống" trong thân phận thật sự của chính mình, không chỉ trên trang sách.
Mỗi một nhà văn dù ít dù nhiều đều mang dấu ấn của cuộc đời mình lên trang sách, và Thế Hùng không phải là một ngoại lệ. Đối với anh, những năm tháng đã qua thực sự là những trải nghiệm để viết nên những trang tiểu thuyết đời mình.
Anh đã có các tập truyện sách: Đàn chim về sau bão, Truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng, Ngược đàn, Người đi bỏ mặc câu thề, Họ vẫn chưa về, Liu điu dòng họ và tiểu thuyết Lối nho nhỏ và anh vẫn khẳng định rằng, tất cả những gì anh viết đều được đọc, được học, được thấy, được trải nghiệm qua cuộc sống.
Từ những gì đã tích góp ấy, sáng tác là việc chắp cho sự thật một đôi cánh tưởng tượng mà nên, chính vì thế có thể nói tất cả các nhà văn đều là những người có trí tưởng tượng vô cùng phong phú.
Đối với anh cái gọi là “nguyên mẫu” chỉ mang tính tương đối, lắng đọng qua thời gian, những niềm vui, những thành công, những nỗi đau. Nguyên mẫu muốn thành công và trở thành hình tượng nhân vật điển hình, chắc chắn phải nhờ sự chắp cánh của các nhà văn.
Thế Hùng kể lại, thực ra câu chuyện anh đến với văn chương cũng đầy... ngẫu hứng! Nó như một sự sắp đặt của số phận. Ngày mới vào lính (1992), anh được phân công trông coi ao nuôi cá của đơn vị. Những lúc buồn, rỗi, anh chỉ đọc sách và thú thực là một số cuốn sách viết dở đã thôi thúc anh cầm bút viết.
Anh nghĩ rằng viết như thế này thì mình cũng viết được. Thế là anh viết, cũng không biết tiểu thuyết hay truyện ngắn nữa, nhưng sau đó anh chuyển đơn vị rồi đi học, những trang viết đầu tay đó đã lạc đâu mất.
Bẵng đi một thời gian, công việc nhà binh cuốn anh đi, anh cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện viết lách, sau đó được lên làm một chức vụ nho nhỏ kiêm luôn Bí thư đoàn, anh bắt đầu viết tin cho báo quân khu, sau đó mới sáng tác trở lại, rồi được giải.
Ngay sau đó đúng đợt Trường Viết văn Nguyễn Du tuyển sinh, được lãnh đạo để ý và được cho đi thi, thi đỗ và đi học tại môi trường văn chương chuyên nghiệp.
Cũng từ đó anh theo đuổi sự nghiệp sáng tác cho đến bây giờ. Ngẫm đi ngẫm lại, anh vẫn cho rằng, chỉ có thể là văn chương mới mang lại cho anh một nguồn cảm hứng bất tận về đời sống, về các câu chuyện nhặt nhạnh được của những va đập đời thường.
Văn chương có thể làm cho cuộc đời lung linh, huyền ảo đến tận cùng, nhưng cũng làm cho sự khốn khổ, nước mắt đến tận cùng. Đều là từ ngòi bút của nhà văn, để cuộc sống trở nên đa chiều và cũng có tác động tới đời sống.
Ở một khía cạnh nào đó, Thế Hùng, như rất nhiều những người yêu văn chương khác, là một chú ong cần mẫn cày ải trên cánh đồng chữ nghĩa của mình, để có một mùa vàng bội thu theo cách riêng, đầy viên mãn trong tâm tưởng và tâm thế của riêng mình.
Nhà văn Thế Hùng cho rằng, nghề văn là một nghề đặc biệt, chỉ dành cho những người có khả năng đặc biệt, có thể ít, có thể nhiều. Nói vậy không phải để thần thánh hóa nghề văn mà chỉ muốn nói rằng người có khả năng đặc biệt không quá nhiều, trong muôn vàn khả năng đặc biệt của con người trong đó có đặc biệt về sáng tác…
Anh trưởng thành trong tay bút, và hòa nhập thực sự trong đời sống văn chương cho tới hôm nay là nhờ những người thầy, những người bạn trong nghề. Đặc biệt, kiến văn của anh thay đổi nhờ dành nhiều thời gian đọc các tác phẩm của bạn bè, của các bậc thầy văn chương trong nước và trên thế giới.
Mỗi một tác giả đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng không trộn lẫn, để có thể nhận diện gương mặt về thế hệ mình và những điều văn chương đang phản ánh. Bởi hầu hết, những trạng huống của cuộc sống đời thường đều là chất liệu để nhà văn cất cánh.
Cái "tạng" của Thế Hùng chỉ viết những điều gì mình thuộc nhất, đã chuyển hóa như cơm canh chuyển thành máu thịt. Nên đọc truyện của anh có sự gần gũi, thấm đẫm những cảm xúc tận cùng trái tim.
Mỗi câu chuyện, tác giả thực sự sống cùng với nó. Tính cách sinh ra số phận, anh là người sống khá trầm lặng, không quen giao tiếp rộng rãi, nói chuyện không hoạt khẩu, không biết nói lời ngon ngọt, không mấy quan tâm đến những thứ hào nhoáng bên ngoài. Bởi vậy mà cái duyên của Thế Hùng, kể cả trong đời thường lẫn trong văn chương, như nhiều người nhận xét, cứ "lẩn vào trong".
Với quan niệm mỗi con người đều có số phận định sẵn, nên nếu có phải lựa chọn lại thì anh chắc chắn cũng sẽ chọn văn chương. Mà nói đúng hơn là văn chương đã chọn người cầm bút. Bởi nếu không như thế thì có lẽ giờ đây, Thế Hùng đã là một sĩ quan chỉ huy trong quân đội như một thời anh đã từng trải qua thời thanh niên sôi nổi.
Niềm vui lớn nhất của Thế Hùng hiện tại là sau giờ làm việc trên công sở, trở về nhà cùng gia đình nhỏ, một gia đình có người vợ tháo vát và ba cô con gái xinh xắn.
Thế Hùng tại quê nhà Hà Tĩnh. |
Ngôi nhà anh ở cạnh triền sông Đuống êm đềm thơ mộng, chỉ mở cánh cửa ra là khí lành ùa vào, bởi vậy, khó có thể ngăn nổi cảm xúc của người cầm bút khi ngồi cạnh chiếc bàn nơi triền sông đầy gió, để mặc cho câu chữ nhảy múa và những nhân vật đi lại trên trang sách của mình. Những lúc đó, ký ức về quê hương Hà Tĩnh nhiều nắng gió, ký ức về gia đình, mẹ cha, về những cằn cỗi nhọc nhằn tuổi thơ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn anh trong sáng tác.
Người ta vẫn nói, mỗi nhà văn khi xuất bản một tác phẩm đều rơi vào cảm giác "rỗng" vì họ hoàn toàn dốc toàn tâm toàn lực cho trang viết. Thế Hùng cũng đã có những cảm xúc tận cùng rỗng ấy trong những cuốn sách đã hoàn thành.
Điển hình như cuốn tiểu thuyết Họ vẫn chưa về (năm 2009) ra mắt bạn đọc và đoạt giải Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thủ đô, đó là một cuốn sách Thế Hùng dốc toàn tâm, toàn lực cho trang viết và thực sự có cảm giác mình bị chới với bởi đã đi đến tận cùng những thân phận trong từng trang sách. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, với một nhà văn chuyên nghiệp thì cảm giác ấy đến và đi rất nhanh.
Bởi vì anh đối diện hàng ngày với công việc biên tập truyện ngắn tại báo Văn nghệ Công an. Có những câu chuyện không phải của mình nhưng khiến mình đắm chìm trong cảm giác tận cùng của cuộc đời, của số phận.
Nhà văn Thế Hùng đang chờ đợi cuốn sách mới của mình. Cuốn sách này mang lại cho anh cảm giác khác hơn. Anh tìm được sự cân bằng trong những câu chuyện dí dỏm văn chương mà những trang sách tự nó có quyền được sống một đời sống riêng ngoài tác giả.
"Cha mẹ sinh con trời sinh tính", mỗi một tác phẩm ra đời thì nó đã vượt ra ngoài tầm tay của tác giả. Anh đang chờ sách ra mắt với tâm trạng phấn chấn, hồi hộp, còn sự đón nhận và chia sẻ của độc giả như thế nào thì không thể biết trước được. Bởi như nhà văn Italo Calvino đã nói: "Một tác phẩm cổ điển là một cuốn sách chẳng bao giờ kết thúc điều nó cần phải nói"...