Nhà văn Nguyễn Thành Nhân: Lãng tử sống đời nhẹ nhàng
- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mùi Tết - “Mùi của ký ức”
- Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu: Để bền bỉ, nhà văn phải có chút lầm lỳ
- Nhà văn Nguyễn Văn Học: Trăn trở với vết thương môi sinh
1. Khoảng năm 2004, nhà thơ Lê Minh Quốc tặng tôi cuốn tiểu thuyết Mùa xa nhà của tác giả Nguyễn Thành Nhân, bảo: “Đọc đi. Sách viết về Campuchia của tụi mình đấy!”. Giọng Quốc luôn sôi nổi. Ờ, mà sao Quốc lại nói “Campuchia của tụi mình”? Ở bên đó chỉ dăm năm nhưng dường như đất nước đó thấm vào chúng tôi hơn cả đời người. Vết hằn chiến tranh là vết hằn sâu nhất đối với lính trận. Nhưng dạo đó, chúng tôi chưa viết nhiều về chiến trường K.
Vì nhiều lý do. Khi cầm sách của Nhân, nhìn qua cái tên, tôi đã thầm cảm phục. Tên tiểu thuyết quá hay. Thường những cuốn sách viết về chiến tranh đều mang những cái tên nồng mùi súng đạn. Nhưng, tên sách của Nhân gợi cảm quá, gần gũi quá và gắn với chúng tôi quá. Nó rất trẻ, lãng mạn, hồn thơ dâng đầy. Ngay trong lòng mình, sát bên người mình mà mình chẳng nghĩ ra.
Nhà văn Nguyễn Thành Nhân (bìa phải) cùng đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. |
Tôi hình dung tác giả là người cao lớn, tính trầm và rất yêu ngôi nhà của mình. Đọc xong, ít lâu sau, vào Sài Gòn, gặp Quốc, tôi hỏi: “Nguyễn Thành Nhân sống ở đâu?”. “Gần nhà mình”, Quốc đáp. “Bữa nào ghé Nhân chơi?”. “OK! Y sống hay lắm! Làm bảo vệ sân Thống Nhất. Sống đời rất nhẹ nhàng”. Sống nhẹ nhàng là thế nào? Người lính trở về đời thường, nhịp sống cũ bị đứt gãy, làm sao nhẹ nhàng được?
Nhớ những lần cùng Quốc lang thang đi thăm mấy nhà văn, đến nhà ai cũng đều không gặp. Dạo đó chưa có điện thoại di động. Hai đứa về nhà lại chúi đầu vào sách. Sau này, cũng mấy lần, nhà văn Đoàn Thạch Biền nối điện thoại cho tôi nói chuyện với tác giả Mùa xa nhà. Nghe giọng nhỏ nhẹ, khiêm nhường, ấm áp của Nhân, trong lòng tôi giữ mãi cảm giác tin yêu.
Gặp Nhân, chỉ có một hình dung của tôi không đúng. Anh không cao lớn mà tầm thước. Chắc do thức khuya nhiều. Chẳng gì, khi đi lính, Nhân cũng là chỉ huy trung đội hỏa lực 12 ly 7. Mỗi khẩu phải có 3 lính phục vụ. Trong chiến tranh, có lần, trung đội của Nhân phải rút lui. Nhân ra lệnh cho lính tráng phải chạy đúng đội hình. Nhỡ đang rút, địch phục, giá súng chiến đấu ngay. Thiếu một người không tác chiến được. Đấy là người có trách nhiệm và kỷ luật.
Nhân vật chính trong Mùa xa nhà là Huy và Quân, dân Sài Gòn. Họ nhập ngũ. Tình yêu văn chương thuở học trò va đập với sự khốc liệt của chiến tranh, khiến hai người lính gần gũi nhau. Họ cùng chứng kiến những đồng đội thân yêu hy sinh một cách không ngờ. Những cảm xúc và suy tư của Huy trong mối tình với cô gái Khmer và những độc thoại của người lính làm nghĩa vụ quốc tế giữa bao lời nghi kị... Tất cả được anh viết “thẳng một lèo” từ trái tim trinh trắng. Cuốn tiểu thuyết được bạn đọc đón nhận trân trọng. Vì nó thật. Được viết từ cảm xúc rực lửa trận mạc, từ bàn tay còn mùi khói súng.
Anh tâm sự: “Ngày mới lớn, tôi không mong trở thành nhà văn hay dịch giả. Từ đầu, tôi chỉ là một người rất yêu thơ và một người làm thơ trầm lặng. Tất cả những gì xảy ra sau này đều do vận mệnh đời tôi. Nhưng, nếu không có đồng đội tôi, không có những trận đánh đẫm máu, không có những ký ức đau thương, chắc sẽ không có Mùa xa nhà nào hết. Tôi trở thành nhà văn chính nhờ những đồng đội đã nằm xuống của mình”. Cuốn tiểu thuyết này được anh hoàn thành vào giao thừa tết Kỷ Mão 1999. Đến nay, nó đã được tái bản 3 lần.
Nhà báo Thanh Vũ đã nhận xét: “Huy, nhân vật “như một người dẫn truyện” đã từng dằn vặt trước câu hỏi: “Tại sao mình đánh nhau ở đây?” và bị nước ngoài ví như “lính Mỹ xâm lược”, đã được Quân, một nhân vật được coi là một nửa khác của Huy, trả lời: “Bản chất những người lính tụi mình khác với bản chất những người lính Mỹ. Lính Mỹ không hiểu dân Việt, do đó, hoặc họ sợ hoặc họ coi thường, khinh rẻ dân ta. Còn chúng ta và dân Campuchia không khác gì nhau mấy. Chúng ta và họ có cùng một nền tảng bản sắc văn hóa như nhau. Chúng ta hiểu họ, thương mến họ. Và những người dân chất phác này cũng hiểu và thương mến chúng ta”. Tôi nghĩ Mùa xa nhà chính là muốn nói điều này”.
Và có lần, Nguyễn Thành Nhân trở lại Campuchia, đến những phum, những khum mình đóng quân và chiến đấu. Xa nhau bao năm trời nhưng những người dân Khmer vẫn nhận ra anh. Họ gọi tên anh như thuở trước: “Nhân duset” (Nhân súng đại liên). Những lời thăm hỏi, chuyện trò giữa người lính Việt và dân làng thật chân tình mà sâu sắc. Có cảm giác như Nhân là người của làng đi xa về lại. Sự trở về của anh do trái tim thúc giục. Bởi anh đã gắn bó với quê hương Chùa Tháp từ thời trai trẻ.
Những ngày ở Campuchia, với bản tính chân thật và lòng ham hiểu biết, đi đến đâu, Nhân và đồng đội của anh cũng được dân Khmer yêu mến. Để ghi lòng tạc dạ tình cảm của người dân, anh nhờ đồng đội xăm lên vai phải 2 chữ Khmer Nức chinic (có nghĩa nhớ mãi). Còn ở cổ tay phải, anh tự xăm cho mình hình trái tim bao bọc tên của một cô gái Khmer.
Nhân kể: “Hồi đó, kỹ thuật xăm rất đơn giản. Dùng bút bi vẽ hình cần xăm, rồi xăm theo đó. Mực xăm là quai hay đế dép râu, đốt rụi. Lấy tro trộn với kem đánh răng. 3 cây kim may quấn chỉ, chấm vào hỗn hợp đen đó mỗi nhát xăm. Làm theo cách đó, thường phải xăm đến lần thứ ba, lớp biểu bì dưới cùng mới ăn mực. Lần xăm đầu không xi nhê. Lần thứ hai ê chút xíu. Lần thứ ba mới thật sự đau. Chả có chút thuốc tê nào can thiệp”. Biểu tượng tình cảm của Nhân đấy. “Một lần là trăm năm” như ca từ Trịnh Công Sơn: “Tình yêu như vết cháy trên da thịt người”.
2. Cuộc sống của Nguyễn Thành Nhân trôi nhẹ nhàng theo cách của anh. Năm 1983, thi đại học lần đầu, hỏng. Năm 1988, ra quân, thi lần hai, Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, đậu mà cũng như hỏng. Vì không có tiền đóng học phí. Anh đi làm phụ hồ. Công việc thất thường.
Những năm tháng ở Campuchia dâng trào trong anh nỗi nhớ rừng, nhớ thiên nhiên. Đang đầy khát vọng sống, anh gia nhập Tổng đội Thanh niên xung phong, lên Đắc Nông khai hoang. Trần mình trong bụi đỏ mùa khô và bùn đỏ mùa mưa, tâm hồn anh vẫn khát khao những chân trời cao đẹp.
Xong công việc ở Đắc Nông, trở lại Sài Gòn, anh thi đại học lần ba. Thi Đại học Ngoại ngữ, Khoa Tiếng Anh. Con đường đến giảng đường đại học của anh thật gian truân. Vòng qua chiến trường máu lửa, lên cao nguyên vỡ hoang mới đến được giảng đường.
Hiểu thấu giá trị từng ngày, anh học theo cách của người từng trải. Nghĩa là học để sử dụng tiếng Anh vào công việc cụ thể. Làm sao để ứng dụng ngoại ngữ vào công việc mưu sinh. Sau đó, nhờ biết ngoại ngữ, anh tìm được công việc ở Sở Thể dục thể thao thành phố. Công việc ở đó còn liên quan đến nhiều kiến thức khác, anh học Đại học Luật tại chức.
Nhưng, giữa những dấu mốc trong cuộc đời, Nguyễn Thành Nhân vẫn viết và luôn viết. Anh viết cho chính mình, cho người thân, cho đồng đội. Anh viết, không có nhu cầu đăng báo. Được đăng thì tốt. Không thì thôi.
Tôi nhớ những câu chuyện anh viết. Chuyện nào cũng có lời đề tặng trân trọng những người thương yêu. Anh tặng bà ngoại truyện Bán trâu khi kể về một người bà, cả đời có đôi trâu làm vốn, nhờ đứa cháu chăm. Khi gần đất xa trời, bà muốn bán, lấy cớ sắp vô hợp tác nhưng mục đích là để giải phóng cho đứa cháu. Nó sẽ lên thành phố để lớn khôn.
Anh viết bài thơ Uyển ca với lời đề từ “Kính yêu tặng mẹ”. Rồi sau này, khi có nhiều tác phẩm được in, bao giờ anh cũng dành một cuốn để tặng mẹ với những lời biết ơn chân thành nhất, dù khi ấy, mẹ anh đã mất.
Anh viết truyện ngắn về những đồng đội không trở về thành phố, về một cựu binh tình cờ gặp khi anh ghé mua vé số mà ngờ ngợ nhận ra, về nối ám ảnh khi anh phải điều một đồng đội đi đơn vị khác khi anh này lười vác cái “đầu bò” (đế khẩu 12 ly 7 - cách gọi của lính) khiến anh là chỉ huy phải nhường cây AK cho anh ta... Những truyện ngắn như Lục bình, Xa vắng... nói về những mất mát, rạn vỡ trong trái tim và cuộc đời người lính hậu chiến.
Rồi anh làm thơ. Hai tập thơ mang tên Lá cỏ như những trang nhật ký đời chiến binh. Anh viết trường ca về nhà thơ và em bé với cảm xúc dâng trào của một tâm hồn trong trẻo. Rồi anh viết nhạc. Nhiều ca sĩ hát nhạc của anh. Tất cả những “gia tài” này, anh cất giữ trên trang cá nhân.
Ngoài ra, anh còn viết tiểu luận. Cuốn Vũ điệu buồn của chữ là những dòng suy tưởng chân thành về nghề viết. Sau những dòng chia sẻ ấy, người đọc nhận thấy nhân cách lương thiện của một nhà văn.
Nhưng, với Nguyễn Thành Nhân, nhiều nhất vẫn là dịch. Anh dịch kịch, dịch truyện ngắn, truyện kinh dị, truyện thiếu nhi... Nhiều nhất vẫn là tiểu thuyết. Anh muốn mang hương thơm cỏ lạ của thế giới về tặng bạn đọc quê nhà. Anh đặc biệt yêu thích nữ văn sĩ Virginia Woolf (1882-1941). Nhiều tác phẩm của bà như Đến ngọn hải đăng, Căn phòng riêng, Bà Dalloway... lần lượt được anh chuyển ngữ. Đến nay, anh đã dịch được hơn 40 tác phẩm.
Dịch nhiều nhưng anh vẫn giữ nguyên tắc. Anh tâm sự: “Mỗi tác phẩm đều có một vấn đề khác nhau và tâm niệm của tôi là phải chuyển tải đúng tinh thần tác phẩm. Mỗi tác giả đều có phong cách riêng, khi dịch tôi cố gắng giữ văn phong của họ”.
Đặc biệt, Nguyễn Thành Nhân còn tự dịch tiểu thuyết Mùa xa nhà của mình sang tiếng Anh. Khi tôi sang Campuchia, đến Battambang, thấy trong Trung tâm Nghiên cứu hòa bình và xung đột (Centre for Peace and Conflict Studies) - một tổ chức phi chính phủ của Australia - có cuốn sách của Nhân bằng tiếng Anh. Mọi người đều đọc và dùng làm tư liệu.
Trong tình trạng những tác phẩm văn học về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Khmer thoát họa diệt chủng của các nhà văn Việt Nam còn chưa được dịch ra tiếng Anh và tiếng Khmer thì sự cố gắng của nhà văn Nguyễn Thành Nhân cần được khích lệ và ghi nhận.
3. Nguyễn Thành Nhân cứ thầm lặng sống và lao động như vậy. Với anh, được ngồi trước trang giấy, bên ngọn đèn, làm công việc yêu thích là hạnh phúc nhất đời. Anh yêu nhiều nhưng cuộc tình nào cũng mang lại cho anh những nỗi buồn vô hạn.
Anh không có căn phòng riêng của mình nên chẳng lo ai chiếm hữu. Anh không nuôi chó để khỏi lo mất lòng hàng xóm. Anh không nuôi chim vì thích nghe chim hót giữa vòm xanh. Nhiều lần anh được tặng hoa nhưng không có lọ để cắm.
Căn phòng anh thuê chỉ có sách. Trên giường, dưới gầm, quanh chân bàn, chân ghế... đều là sách. Những cuốn sách sống bên anh. Không phải là những cuốn sách nằm im trên giá. Anh thích là người lao động tự do, không phải đi họp đúng giờ hay chờ lên lương xét thưởng.
“Thanh tĩnh được hay không, chỉ do lòng mình... Sống sao cho lòng mình thanh thản cũng là chuyện khó” - anh viết như vậy.
Và như thơ anh: Đời tôi ráng sống như cây/ Chồi non qua đất sẽ dày dạn thôi/ Bão dông rừng cháy một thời/ Miễn là chưa chết, mai rồi sẽ tươi/ Tôi đi tới tận nguồn cơn/ Để mai có chết không hờn oán chi/ Tôi đi, tôi đi, tôi đi/ Bài ca lãng tử thầm thì trên môi (Lãng tử ca).