Nhà văn Nguyễn Quốc Trung: Từ cuộc đời trầm mặc
Con người ông đậm chất từng trải, với nhiều năm ở mặt trận và không có đam mê nào khác ngoài sáng tác văn học và đọc sách. Ngôi nhà ông sống, từ tầng trệt đến tầng ba, là những giá sách ngất ngưởng bên tường. Khi về công tác tại Sài Gòn, tôi gần ông và được trò chuyện cùng ông, lắm lúc thấy ông cô đơn giữa một biển người. Ông cứ lủi thủi một mình, đi, viết, đọc, tìm tòi và sáng tạo…
1. Nguyễn Quốc Trung ít nói về mình. Nhưng một lần, trong trận thác mưa chiều đổ xuống khiến nhiều con đường biến thành sông, chúng tôi nán lại ở cơ quan, trong căn phòng ở lầu 9, tòa cao ốc, ông đã kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm tháng ngày ông sống ở đất nước Chùa Tháp. Đó là khi ông đến với những phum sóc vừa qua họa diệt chủng Pôn Pốt, hoang vắng người đã ba năm, cỏ gai trùm lên sàn nhà, xác người bị vứt xuống giếng, trâu nhà hung dữ như trâu rừng, lợn nhà đã thành lợn hoang.
Bộ đội tình nguyện Việt
Cuộc đời Nguyễn Quốc Trung cũng như phần đông người lính đi qua chiến tranh có những vất vả, khó khăn riêng, nhất là khi trở về sống ở đô thị lớn. Nhưng ông lại cho rằng mình may mắn được làm việc tại Sài Gòn, được học hỏi nhiều trí thức hàng đầu như Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà nghiên cứu Phật học Minh Chi, nhà văn Anh Đức, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, họa sỹ Hoàng Tích Chù, nhà nghiên cứu đạo Thiên chúa Nguyễn Khắc Dương…
Ông đã học được từ các trí thức ấy không chỉ khối kiến thức đồ sộ mà cả phong cách sống và làm việc trong thời đại phát triển, hội nhập. Trong nhiều bài viết, ông đề cao vốn tri thức như sức mạnh của nhà văn. Tôi gặp ông lần đầu cách đây gần 7 năm, khi đó ông đã mang quân hàm Đại tá.
Gặp ông tại đơn vị và nói chuyện với ông tôi mới biết ông đã từng chịu những cơn sốt rét ác tính ở chiến trường Campuchia. Ông là người thích nước, mỗi ngày tắm đến 4 - 5 lần, nguyên nhân do hồi ở Báttambong mùa khô thiếu nước đến mức không có nước ăn, người nám bụi. Khi về tuyến sau ông tắm như để bù, rồi thành thói quen.
Người quen ông bảo, Nguyễn Quốc Trung không biết xài tiền. Quả thật, tôi thấy ông chẳng bao giờ tiêu xài gì, ngày ba bữa rất đạm bạc. Gần đây, được gần gũi ông, tôi mới hiểu rằng, ông còn phải vực dậy một dòng họ thời trước nhiều khoa bảng ở xứ Nghệ, nhưng nay trầm xuống. Trong nhà ông có một tiểu đội sinh viên đang học các trường đại học, ông phải gồng mình lên để chu cấp.
Ông cũng rất tốt bụng với bạn bè và đồng đội. Vốn sinh ra ở mảnh đất nghèo miền Trung, lại trải qua nhiều năm vật lộn ở khắp các chiến trường, vì thế ông cần kiệm để âm thầm làm công tác từ thiện. Ông luôn biết ơn Quân đội và Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đã tạo cho ông được sống và làm công việc mà ông đam mê, là sáng tác văn học. Các tác phẩm của ông chính là tâm hồn, tình cảm, tư duy của ông gửi gắm đến các nhân vật.
2. Nguyễn Quốc Trung trong hàng ngũ một cánh quân sang giải phóng đất nước Chùa Tháp và đã viết các tập truyện ngắn: Người đàn bà hồn nhiên, Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ. Các tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Đất không đổi màu. Đây là những cuốn sách tôi đã đọc và thực sự tạo cho tôi cảm hứng. Nguyễn Quốc Trung đã thể hiện thành công mảng hiện thực về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây
Tác giả hiểu sâu vốn văn hóa dân gian Campuchia và hiện thực khắc nghiệt của chiến trường nơi đây. Ông luôn chọn lọc chữ nghĩa để nêu bật tính cách nhân vật. Cuộc chiến tranh ở biên giới đã đi qua ba mươi lăm năm, nhưng những trang viết giàu chất tư liệu, đậm tính nhân văn trong những tác phẩm ấy vẫn mới mẻ, cuốn hút.
Trước đó, ông có truyện ngắn Những tia chớp phía trân trời được giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn giải phóng, viết về mối tình của một người lính trên biên giới và cô thanh niên xung phong. Truyện này được nhà thơ Chế Lan Viên, thành viên ban giám khảo đánh giá cao. Có thể nói, từ truyện ngắn này, Nguyễn Quốc Trung đã có một phong cách viết truyện ngắn riêng, giàu tính hiện thực, đậm chất bi hài, kết thúc tạo được bất ngờ, số phận nhân vật có hậu.
Tác giả quan niệm rằng, với tư duy truyền thống người Việt chúng ta, luôn mong muốn cuộc đời kết thúc có hậu vì thế văn chương của ông cũng vậy. Nguyễn Quốc Trung thể hiện đề tài người lính Quân đội nhân dân Việt
Ông đi nhiều trong gần 10 năm ở chiến trường Campuchia, ông là người đã đến nhà tù Tungsteng khi xác người vô tội chưa phân hủy bên cạnh rất nhiều đầu lâu, đó là tội ác “trời không dung, đất không tha” của bè lũ diệt chủng. Ông lý giải nguyên nhân dẫn đến tội ác với nhân dân của một đội quân mất bản chất chính trị và thấy được sự tiêu vong của đám diệt chủng.
Trong thời gian ấy, ông đã chứng kiến tình yêu thương nhân dân Chùa Tháp của bộ đội Việt Nam, khi họ bớt khẩu hần ăn hàng ngày của mình để giúp đỡ nhân dân trong các trại diệt chủng, rồi đưa dân về phum sóc, dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống…
Ông đã tiếp cận tình quốc tế ở cấp độ văn hóa. Đặc biệt, ông đã giải quyết vấn đề thể hiện con người nước bạn qua các nhân vật, một cách hữu hiệu, với đầy đủ tính cách người Khmer. Trong những năm ở Campuchia, nhà văn gặp gỡ nhân dân, tìm hiểu văn hóa dân gian Khmer qua truyện kể, ca dao, tục ngữ nên ngôn ngữ nhân vật không bị “sống sượng” hoặc “Việt
Chính những nhân vật của tiểu thuyết Dần, Trân, Quyền, Lý với nét tính cách riêng đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, nhân hậu của con người Việt
3. Sau đó, Nguyễn Quốc Trung cho ra mắt tiểu thuyết Người đàn bà khóc mướn, tác phẩm này đạt Giải thưởng văn học Mê kong. Nội dung tác phẩm phản ánh mối tình của một người lính tình nguyện sinh ra và lớn lên ở một làng có tục khóc mướn và một nữ đào hát từng là vũ nữ hoàng gia. Mối tình huyền thoại này mang nhiều biểu tượng.
Đây là cuốn sách thể hiện sự thật sâu sắc. Nguồn văn hóa dân gian Việt-Khmer được tái hiện vô cùng hấp dẫn. Bước ra từ cuộc chiến đấu tại chiến trường, ông đã gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh, ông hiểu và nhận ra sự chuyển động hết sức nhanh chóng của một thành phố hiện đại vào bậc nhất cả nước. Nhiều truyện ngắn của ông gắn liền với số phận của con người thời kỳ đổi mới với những bi kịch không giống nhau.
Truyện ngắn Đêm trừ tịch là sự thoái hóa của một số người có quyền chức. Thoái hóa mà họ tưởng là sống thức thời; Người đàn bà hồn nhiên báo hiệu một lối sống chuộng ngoại thái quá; các truyện Dời nhà lên phố, Chuyện tình cuối mùa, phản ánh về đất đai với người nông dân, khi người nông dân mất đất trồng trọt cũng là lúc họ phải đối mặt với bi kịch, tha hóa. Truyện Cõi u minh kể về số phận một người dân miệt vườn trong thời đô thị hóa. Các truyện này có tiếng vang trước hết là nhờ chất “thời sự”, rất bức xúc ở trong truyện ngắn của ông. Truyện của ông thường có cái chất “quyết liệt”.
Ví dụ truyện ngắn Mùa hái điều. Hai anh bộ đội cũ giờ trở thành người hái điều thuê cho một chủ vườn điều lớn nhất vùng Long Khánh, “thôi thì thời thế đã thay đổi mình làm gì kiếm được đồng tiền lương thiện để nuôi sống bản thân và gia đình là được”. Nông dân bán đất trở thành người làm thuê. Trong mảnh đất đó có nghĩa trang liệt sĩ của trận đánh Xuân Lộc năm nào. Lúc đào đất làm nhà, thì bắt gặp hai bộ hài cốt liệt sĩ, lão Ba Ngư - ông chủ mua đất bảo: “Tụi bay vứt xuống sông cho tao”.
Anh Giang, bộ đội làm thuê, xông vào hắn, suýt xảy ra trận ẩu đả. Rồi vợ hắn đem tiền ra biếu, anh bảo: “Tôi không thèm lấy đồng tiền nhơ bẩn này. Tôi đòi chồng bà phải tự tay lượm hài cốt đồng đội tôi, mai táng tử tế. Nếu không, tôi sẽ đưa ra pháp luật”. Từ đó anh Giang và anh Thuận không đi hái điều thuê nữa.
Các anh nhận được chân bảo vệ cho một xí nghiệp may ở Tân Bình, gác cả đêm lẫn ngày, mỗi tháng mỗi người được mấy trăm ngàn đồng, trong lúc tòa nhà ba tầng của Ba Ngư đã sừng sững tọa lạc trên đất khu nghĩa trang năm nào. Đây là truyện dữ dội nhất viết về hiện thực thời kỳ đất nước chuyển sang kinh tế thị trường.
4. Cốt truyện của Nguyễn Quốc Trung đều lấy thẳng từ những chất liệu có tính thời sự nóng bỏng như thế. Truyện Dời nhà lên phố của ông, một truyện dữ dội về người nông dân bán đất, được giải truyện ngắn hay của báo Văn nghệ, cũng là một đề tài rất thời sự. Chất làm báo và chất lính, đó là hai nét đặc sắc, là điểm mạnh của Nguyễn Quốc Trung.
Trên cấp độ nào đó, nền văn hóa hôm nay nghiêng về lượng thông tin, cho nên văn học và báo chí có sự pha trộn cũng dễ chấp nhận. Giáo sư Mai Quốc Liên nhận xét: “Văn hay phải từ từng câu văn. Câu văn của Nguyễn Quốc Trung có chuốt lọc, có hàm lượng tri thức cao. Anh viết tương đối kỹ, và tương đối thoải mái vì anh “sống” với chất liệu. Không hoa hòe hoa sói, không có những câu văn điệu nghệ mà mỏng tang. Nói chung là văn có chất”. Nhà văn Anh Đức thì khen chất hài trong truyện ngắn của Nguyễn Quốc Trung.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã để lại những tác phẩm hay cho đời. Đó là niềm tin, tình yêu và lòng nhân ái với cuộc đời hôm nay, với mai sau của ông.
Sài Gòn, ngày 6/8/2013