Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Viết để sống lại những ký ức
Nhà văn Nguyễn Hồng Thái là một người viết văn như thế. Văn của anh, cho dù có nói tới một điều gì đó rất xa, rất gần, có những thứ rất lớn lao, có những thứ rất nhỏ bé, nhưng nó đều là những khoảnh khắc mà anh đã lưu giữ trong niềm nhớ của mình.
- Thưa nhà văn Nguyễn Hồng Thái, "Ngôi nhà bên triền sông" là tập sách thứ 3 của anh, tập truyện với những câu chuyện giản dị nhưng thấm đẫm tình người. Dường như những truyện ngắn ấy của anh được khởi nguồn từ những câu chuyện có thật, đang diễn ra đâu đây, gần gũi xung quanh ta mà nhà văn được chứng kiến như là người trong cuộc vậy. Vậy đâu là khởi nguồn của những truyện mà anh cảm thấy tâm đắc?
- Gần như 11 truyện ngắn trong "Ngôi nhà bên triền sông" là những câu chuyện tôi hư cấu hoàn toàn. Hư cấu về cốt truyện, về nhân vật và tình huống truyện. Thế nhưng câu chuyện từ trang sách ấy được hiện lên diễn ra trong một vùng đất cụ thể, thân quen như ruột rà mà tôi đã từng sống, từng yêu da diết.
Vì thế chăng mà không khí truyện sống động, chân thực như cuộc đời thật. Nhiều bạn đọc khi đọc truyện của tôi cứ hỏi một câu thật đáng yêu: "Chuyện ấy có thật không anh?". Ngay người ruột thịt của tôi cũng vậy, cứ hỏi nhau, cái nhân vật ông chủ hiệu sách trong "Hiệu sách miền đất đỏ" ấy là ai nhỉ? Rồi cứ băn khoăn đi tìm trong cái thị trấn Thái Hòa, Nghệ An nơi có dòng sông Hiếu chảy qua cái hiệu sách nhân dân đã mất ấy… xem nguyên mẫu còn sống hay đã chết, hoàn cảnh của ông có đúng như trong sách không?
Hay như "Ngôi nhà bên triền sông", nhân vật chính là người mẹ vợ đáng kính của tôi với những tâm tính, lời nói những vất vả, chịu thương, chịu khó, hi sinh tất cả để cùng chồng nuôi 7 người con trưởng thành qua một thời chiến tranh, bao cấp rồi thị trường sau này. Đọc truyện, mấy anh em cứ hỏi nhau: "Đúng là mẹ mình rồi, đúng là đám tang mẹ mình rồi, nhưng làm gì có đoạn sau nhỉ?".
Hay như truyện ngắn "Người không gõ cửa", nhân vật chính là ông Tịnh, tôi đã lấy nguyên mẫu từ vị Trưởng thôn làng Đục Khê, ở chùa Hương, một người lính từng đi qua chiến tranh đã cư xử với cuộc đời thấm đẫm tình người, sáng trong, đúng đạo, đẹp như cổ tích vậy.
Sau khi đăng truyện ngắn này trên báo Văn nghệ Công an, tôi đã rủ nhà thơ Phạm Khải và các bạn văn về lại chùa Hương tặng quà, thăm lại nguyên mẫu đã kể cho tôi tình tiết câu chuyện hơn chục năm trước, nay tuổi đã "xưa nay hiếm"… Đêm đó, chúng tôi đi thuyền trên Suối Yến vào Thiên Trù ngủ chờ hôm sau lễ Phật, ông cựu Trưởng thôn làng Đục Khê Vương Thế Tỉnh cười ý nhị: "Chú bịa giỏi thật!".
- Người ta thường… nghi ngờ sự mềm mại của những nhà văn vốn khoác trên mình bộ quân phục nói chung và của ngành công an nói riêng. Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Hồng Thái lại thuyết phục người đọc bởi những câu chuyện mượt mà, sâu lắng. Có những câu chuyện của anh đầy tính triết lý cuộc đời. Điều này chắc hẳn đã được anh trải nghiệm qua chặng đường mình đã sống, đã viết?
- Cách đây mấy hôm, tôi đi cùng với Trung tướng, nhà văn Hữu Ước và nhà thơ Hồng Thanh Quang đến viếng Thiếu tướng, nhà văn Dũng Hà, cố Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hôm ấy, tôi cứ tự hỏi, vì sao trong bom rơi, lửa đạn, giữa cái sống, cái chết ở chiến trường khốc liệt mà một lớp nhà văn quân đội từ Dũng Hà, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hồ Phương, rồi Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai… họ viết văn hay đến thế, nhiều trang văn mềm mại thế, như được chăm chút, tỉa tót trong một không gian tĩnh lặng của thời bình. Mà có phải viết một trang đâu. Hàng nghìn, hàng vạn trang ấy chứ? Tôi buột miệng nói với Hồng Thanh Quang: "Họ xứng đáng được phong anh hùng tất cả!".
Tôi nghĩ, màu quân phục,hay màu áo không liên quan nhiều lắm đến sự lấp lánh, đẹp của văn chương. Đó là sự trải nghiệm, chắt chiu từ cuộc đời và cả sự khổ luyện trong hành trình phấn đấu trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, đã là nhà văn thì câu chữ phải hay, phải đẹp mới chở được "đạo", chở được triết lý cuộc đời tới bạn đọc khó tính. Phải chăng, nhà văn khác nhà triết học chặt chẽ là như thế?
- Hầu hết những câu chuyện của anh trong tập "Ngôi nhà bên triền sông" đều có sự hiện diện của tuổi ấu thơ hoặc quê hương nơi anh sinh thành, khôn lớn. Đúng như người ta nói: "Những gì ở tuổi thơ vẫn luôn còn mãi?…
- Tôi có một tuổi thơ đói khổ và mong manh trong bom đạn thời chiến tranh chống Mỹ của vùng Khu 4 cũ. Ngày ấy mà được ăn một bữa no là đã khó lắm. Nồi cơm thì bé, con cái thì đông. Cơm không đủ để mẹ xới đầy bát cho mỗi con đang tuổi ăn để lớn hàng ngày. Giờ mới thấy thương mẹ hồi đó hẳn đau lòng lắm. Nhưng chiến tranh mà. Pháo kích và bom Mỹ dường như ngày nào chả bỏ xuống làng quê Diễn Châu, Nghệ An của tôi.
Người cô ruột và hai đứa con nhỏ cùng tuổi tôi bị bom Mỹ sát hại trong một đêm không còn nguyên xác. Sáng ra, tôi và bố tôi phải đi khắp nơi tìm lượm xương thịt của ba mẹ con và cả mái tóc của cô tôi vương trên ngọn tre ám khói. Làng tôi bây giờ có một ngày giỗ chung cho hàng chục người là vậy.
Chúng tôi học dưới hầm chữ A với ngọn đèn dầu trong tiếng bom rung chuyển. Thế mà sau này thành được nhà báo, nhà văn kể cũng… lạ. Những ấn tượng về tuổi thơ luôn đầy ắp và mãnh liệt trong tâm khảm của tôi là vì thế. Chỉ cần "chép sử" một thời ấy, cũng đã sắp thành nhà văn rồi. Nông thôn, làng quê là thế mạnh, là sở trường của tôi. Tôi mà viết về thành thị, hẳn là chẳng có ai đọc!
- Tôi thì thích sự êm ái, ngọt ngào và cũng đầy chiêm nghiệm của "Ngôi nhà bên triền sông", sự hiếu học của những người con xứ Nghệ trong "Hiệu sách miền đất đỏ", nhưng tôi cũng thích sự ly kỳ, nhân văn trong những câu chuyện mang tính vụ án như "Người vắng mặt ở phiên tòa", "Cuộc truy đuổi nghiệt ngã"… Anh có lợi thế của một người học văn và sự sắc sảo của một trinh sát công an. Bản thân anh, anh thấy mình hợp với tạng nào?
- Vụ án, hay câu chuyện có tính hình sự không phải là cái đích văn chương của tôi. Những câu chuyện có tính hấp dẫn, kịch tính muôn đời ấy chỉ là cái cớ để tôi mong muốn chuyển tải những chiêm nghiệm ở đời. Ví như qua câu chuyện người lái xe gây tai nạn chết người chẳng hạn. Anh ta đã nói dối cơ quan công an, nhờ người em nhận tội hộ.
Thế nhưng cũng chính người lái xe này sau đó đã ra mộ nạn nhân thú tội vì theo anh ta, không thể giấu được người chết, không thể lừa dối được linh hồn. Chuyện "Người vắng mặt ở phiên tòa" cũng vậy. Nhân vật chính là một chiến sỹ công an chống ma túy bị một người bạn là tội phạm lừa nên đã vô tình tham gia vào một đường dây buôn ma túy.
Trước khi ra tòa, người chiến sĩ ấy ghi lại thư cho con gái, lặng lẽ ra đi với tâm nguyện mình làm mình chịu, không để liên lụy đến con. Có lẽ tôi hợp với cách đi sâu khai thác thế giới nội tâm của người chiến sĩ công an và mổ xẻ tâm lý tội phạm. Từ đó để chiêm nghiệm. Nó cho phép nhà văn "tung tẩy" hơn. Tôi không ham cách "đuổi bắt" và "vây ráp" mang tính báo chí đơn giản…
- Trước "Ngôi nhà bên triền sông", anh đã có tập truyện ngắn "Đối mặt" và tiểu thuyết "Đất nóng" là những cuốn sách viết về đề tài nóng của ngành công an cũng như những trăn trở, tự vấn của những người từng tham chiến ở hai phía trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã qua. Anh có thể chia sẻ tâm trạng của anh khi viết về những đề tài ấy?
- Tôi có một thời gian được phân công làm trinh sát, sỹ quan phản gián nên có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ và tìm hiểu quan điểm về cuộc chiến tranh mà mình có mặt với tư cách tuổi thơ ở vùng tuyến lửa. Nói chuyện với nhiều bà con bỏ nước, vượt biên ra nước ngoài kiếm sống cái thời khó khăn nhất của đất nước lúc chúng ta bị bao vây, cấm vận, tôi càng hiểu thêm những lý do tham chiến của nhiều người Việt thuộc phía bên kia. Sau cuộc chiến, họ cũng đau đớn, dằn vặt lắm.
Tiểu thuyết "Đất nóng" của tôi lấy đề tài về trại giam, nhưng có nhiều chương nói về vấn đề nhạy cảm này. Trong tiểu thuyết này (NXB Thanh niên, 2005, tái bản 2006), nhân vật chính là một sỹ quan của chính quyền Sài Gòn cũ, sau khi cải tạo đã vượt biên sang Mỹ, nhưng suốt đời cứ đau đáu về một người quản giáo trẻ đã giúp chữa bệnh hiểm nghèo cho mình nên đã tìm về trại tù ngày xưa bàn cách đầu tư như một sự trả ơn.
Cả hai đã cư xử với nhau như thế nào, họ nói về cuộc chiến vừa qua ra sao với lòng vị tha của những người cùng bọc trăm trứng? Rất mừng là những dự báo thời cuộc của tôi trong "Đất nóng" đến nay vẫn thấy diễn ra trong cuộc sống giống như mình "vẽ" ra, tưởng tượng ra. Một giám thị trại giam ở Phú Thọ vừa điện thoại nói với tôi: "Đất nóng là cuốn sách gối đầu giường của mình. Tôi đang thực hiện ở trại giam này rất nhiều ý tưởng của ông đấy…".
Không biết có phải anh ấy cho tôi "đi tàu bay giấy" không, nhưng chỉ cần trừ đi một nửa để động viên, tôi cũng thấy vui lắm rồi… Với tôi, khi đặt bút viết, tôi luôn răn mình, "ăn cây nào, rào cây ấy", cứ mảng đề tài công an, cứ mảnh đất người chiến sỹ công an mà khai phá. Rồi cứ "cày sâu, cuốc bẫm", miệt mài, rèn văn, thế nào cũng có ngày thành công. Mà không thành công thì cũng thành nhân. Mình có lợi thế về công an mà bỏ đi không viết thì quá… dại!
- Nghe nói, sau tập truyện ngắn này, anh đã có ý tưởng cho một tập tiểu thuyết mới. Có thể nói bút lực của anh đang trong thời kỳ sung sức?
- Tôi đang khởi thảo một cuốn tiểu thuyết nữa về đề tài công an. Tôi đã ấp ủ câu chuyện này hơn mười lăm năm nay. Cốt truyện thì đã có, thậm chí đã có đề cương, chương hồi, vấn đề là chọn một cách viết như thế nào để không sa vào "tra tấn" người đọc.
Nguyên mẫu của tôi là vợ chồng người cán bộ công an suốt đời chiến đấu sinh tử, họ không có con cái, làm đến Giám đốc CA một tỉnh, nhưng cuối đời, ông bị cáo buộc là CIA (?!). Ông vừa mất. Tôi từng hứa đi tàu vào thăm ông lúc còn sống nhưng đã không thực hiện được. Có lẽ người vợ cô đơn còn lại hẳn đang chờ mong được đọc cuốn sách của tôi chăng?
Càng ngày, tôi càng thấu hiểu một điều, dường như khi đã chọn nghề công an là những người chân chính đã tự nguyện chấp nhận mình phải mạo hiểm, thua thiệt, phải chấp nhận mất mát hàng ngày, thậm chí phải hi sinh cả danh dự và tính mạng của mình. Thời chiến cũng thế. Thời bình cũng vậy… Cứ nghĩ đến vợ chồng nguyên mẫu ấy ngoài đời là tôi thấy xấu hổ. Tại sao mình vẫn chưa viết?
- Xin cảm ơn anh.