Nhà văn Nguyễn Hồng Thái: Nâng niu từng con chữ

Thứ Tư, 13/04/2016, 16:34
Anh là người trầm lặng, ít ồn ào nhưng lại có những bước đi chắc chắn trong cuộc đời và sự nghiệp. Từ một chiến sĩ CAND, anh trở thành nhà văn, nhà báo, và hiện nay là Đại tá, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân.


Người ta vẫn nói rằng, cuộc đời của mỗi con người đều được số phận sắp đặt, thì nhà văn Nguyễn Hồng Thái dường như là cơ may chăng khi được sinh ra vào một ngày đẹp trời ở mảnh đất xứ Nghệ nhiều thương khó, và anh, dù là ở cương vị nào, thì vẫn là một Nguyễn Hồng Thái đầy chân tình, đầy nhỏ nhẹ bên những trang viết về ký ức đời mình, về quê hương, về mẹ, về đồng đội và về những ngày tháng đã đi qua...

Tôi vẫn từng quan niệm rằng, bất cứ ai cầm bút viết văn cũng đều mang trong mình một sứ mệnh nào đó. Sứ mệnh ấy chẳng có gì quá lớn lao, có khi đó chỉ là sứ mệnh đối với làng xóm, quê hương, hay chỉ đơn giản là sứ mệnh đối với gia đình, bè bạn, thậm chí, đó chỉ là sứ mệnh đối với những ký ức đã qua của mình trong những khoảnh khắc của hoài niệm, của nhung nhớ. 

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái là một người viết văn như thế. Văn của anh, cho dù có nói tới một điều gì đó rất xa, rất gần, có những thứ rất lớn lao, có những thứ rất nhỏ bé, nhưng nó đều là những khoảnh khắc mà anh đã lưu giữ trong niềm nhớ của mình.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái chia sẻ rằng, anh có một tuổi thơ đói khổ và mong manh trong bom đạn thời chiến tranh chống Mỹ của vùng Khu 4 cũ. Ngày ấy mà được ăn một bữa no đã là khó lắm. Nồi cơm thì bé, con cái thì đông, mẹ không có mà xới đầy cho tuổi nhỏ đang cần lớn hằng ngày. Giờ mới thấy thương mẹ, hồi đó hẳn bà đau lòng lắm. 

Nhưng chiến tranh mà. Pháo kích và bom Mỹ dường như ngày nào cũng bỏ xuống làng quê Diễn Châu, Nghệ An của tôi. Người cô ruột và hai đứa con nhỏ cùng tuổi anh bị bom Mỹ sát hại trong đêm, không còn nguyên xác. Sáng ra, anh và bố mình phải đi tìm khắp nơi xương thịt của ba mẹ con và cả mái tóc của người cô vương trên ngọn tre ám khói. Làng anh bây giờ có một ngày giỗ chung cho hàng chục người là vậy.

Anh và các bạn cùng thời học trong hầm chữ A với ngọn đèn dầu trong tiếng bom rung chuyển, thế mà sau này thành được nhà báo, nhà văn kể cũng… lạ. Những ấn tượng về tuổi thơ luôn đầy ắp và mãnh liệt trong tâm khảm của anh là vì thế. Chỉ cần “chép sử” một thời ấy, cũng đã sắp thành nhà văn rồi.

Tôi thích sự êm dịu, ngọt ngào và cũng đầy chiêm nghiệm của nhà văn Nguyễn Hồng Thái trong truyện ngắn Ngôi nhà bên triền sông, sự hiếu học và tôn thờ con chữ của những người con xứ Nghệ trong Hiệu sách miền đất đỏ, nhưng tôi cũng thích sự ly kỳ, nhân văn, giàu cảm xúc trong những câu chuyện mang tính vụ án như Người vắng mặt ở phiên tòa, Cuộc truy đuổi nghiệt ngã... 

Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Trong vai trò nào thì Nguyễn Hồng Thái vẫn làm tròn vai người kể chuyện, dẫn dắt có chủ định mà không hề trộn lẫn. Anh chia sẻ: “Vụ án, hay câu chuyện có tính hình sự không phải là cái đích văn chương của tôi. Những câu chuyện có tính hấp dẫn, kịch tính muôn đời ấy chỉ là cái cớ để tôi mong muốn chuyển tải những chiêm nghiệm ở đời.

Ví như qua câu chuyện người lái xe gây tai nạn chết người chẳng hạn. Anh ta đã nói dối Cơ quan Công an, nhờ người em nhận tội hộ. Thế nhưng cũng chính người lái xe này sau đó đã ra mộ nạn nhân thú tội vì theo anh ta, không thể giấu được người chết, không thể lừa dối được linh hồn.

Câu chuyện trong Người vắng mặt ở phiên tòa cũng vậy; nhân vật chính là một chiến sĩ công an chống ma túy bị một người bạn là tội phạm lừa nên đã vô tình tham gia vào một đường dây buôn ma túy.

Trước khi ra tòa, người chiến sĩ ấy ghi lại thư cho con gái, lặng lẽ ra đi với tâm nguyện mình làm mình chịu, không để liên lụy đến con. Có lẽ tôi hợp với cách đi sâu khai thác thế giới nội tâm của người chiến sĩ công an và mổ xẻ tâm lý tội phạm. Từ đó để chiêm nghiệm. Nó cho phép nhà văn “tung tẩy” hơn. Tôi không ham cách “đuổi bắt” và “vây ráp” mang tính báo chí đơn giản…”. 

Chính vì không thể “ăn xổi” một cách đơn giản hoặc “tiểu thuyết hóa” các câu chuyện hình sự, nên nhà văn Nguyễn Hồng Thái đã có hai cuốn sách Đối mặt và tiểu thuyết Đất nóng là những cuốn sách viết về đề tài “nóng” của ngành Công an cũng như những trăn trở, tự vấn của những người từng tham chiến ở hai phía trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã qua.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thiều từng so sánh anh như một hậu duệ của nhà văn công an Lê Tri Kỷ khi ông nhận xét về tập truyện ngắn Đối mặt: “Tập truyện có 14 truyện ngắn... nhưng tôi đọc một mạch, càng đọc càng ham. Đọc xong, tôi phải đọc lại lần nữa, bởi truyện của anh có một ma lực hấp dẫn, hấp dẫn kỳ lạ...”. 

Về cuốn tiểu thuyết Đất nóng với những luận đề về chiến tranh, về quan hệ thời hậu chiến, anh chia sẻ: “Tôi có một thời gian được phân công làm trinh sát, sĩ quan phản gián nên có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ và tìm hiểu quan điểm về cuộc chiến tranh mà mình có mặt với tư cách tuổi thơ ở vùng tuyến lửa. 

Nói chuyện với nhiều bà con bỏ nước, vượt biên ra nước ngoài kiếm sống cái thời khó khăn nhất của đất nước, lúc chúng ta bị bao vây, cấm vận, tôi càng hiểu thêm những lý do tham chiến của nhiều người Việt thuộc “phía bên kia”. Sau cuộc chiến, họ cũng đau đớn, dằn vặt lắm. Tiểu thuyết Đất nóng của tôi lấy đề tài về trại giam, nhưng có nhiều chương nói về vấn đề nhạy cảm này. 

Trong tiểu thuyết này (NXB Thanh niên 2005), tái bản 2006, 2016, nhân vật chính là một sĩ quan của chính quyền Sài Gòn cũ, sau khi cải tạo đã vượt biên sang Mỹ, nhưng suốt đời cứ đau đáu về một người quản giáo trẻ từng giúp chữa bệnh hiểm nghèo cho mình nên đã tìm về trại tù ngày xưa bàn cách đầu tư như một sự trả ơn. 

Cả hai đã cư xử với nhau như thế nào, họ nói về cuộc chiến vừa qua ra sao với lòng vị tha của những người cùng bọc trăm trứng? Rất mừng là những dự báo thời cuộc của tôi trong Đất nóng đến này vẫn thấy diễn ra trong cuộc sống giống như mình “vẽ” ra, tưởng tượng ra. 

Một giám thị trại giam ở Phú Thọ vừa điện thoại nói với tôi: “Đất nóng là cuốn sách gối đầu giường của mình. Tôi đang thực hiện ở trại giam này rất nhiều ý tưởng của ông đấy...”. Không biết có phải anh ấy cho tôi “đi tàu bay giấy” không, nhưng chỉ cần trừ đi một nửa để động viên,  tôi cũng thấy vui lắm rồi...

Năm 2015, nhà văn Nguyễn Hồng Thái đang giữ chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân được điều động sang làm Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Công an nhân dân, anh như cá từ hồ văn vươn ra biển lớn mênh mông là sách và chữ nghĩa để dành trọn đam mê và tâm huyết cho những trang sách. 

Nhà văn Hồng Thái chia sẻ, anh buộc phải đi trên con đường chưa chuẩn bị tâm thế lựa chọn vì môi trường xuất bản chưa được xã hội đánh giá đúng sứ mệnh văn hóa to lớn của nó, lại không phải một nghề được coi là “quyền lực thứ tư” như báo chí. Song, qua thời gian ngắn, anh coi đây sẽ là nơi kiếm tìm những mảnh vụn hạnh phúc lọc ra từ những nhọc nhằn dâng hiến, góp phần làm nên những trang văn tươi mới không chỉ về Lực lượng Công an. 

Anh quan niệm rằng, không có nghề nào chỉ có vất vả mà không có niềm vui và ngược lại, không có nghề nào chỉ có hạnh phúc mà không trải qua đau đớn, vật vã. Ai hiểu hết, trải hết tận cùng hai mặt như một tờ giấy của công việc ấy, hẳn sẽ tìm thấy niềm say mê để thủy chung.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hồng Thái.

Anh từng là tác giả trẻ đoạt giải Nhất, giải Cây bút Vàng lần thứ nhất thì nay, trong vai trò giám đốc, tổng biên tập, đứng ra cùng Chi Hội nhà văn Công an tổ chức giải Cây bút Vàng lần thứ 3 đã là một cái duyên kỳ ngộ để anh nâng niu, trân trọng nghề viết. 

Anh đứng ra cùng anh em tổ chức những bộ sách đồ sộ hàm chứa giá trị chất xám lớn của các thế hệ cán bộ lãnh đạo ngành Công an, đúc kết những bài học kinh nghiệm xương máu bảo vệ nền an ninh trật tự của đất nước, những bộ sách ghi lại chiến công của Lực lượng Công an trong cuộc đấu tranh bảo vệ quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. 

Là một người viết, nhà văn Nguyễn Hồng Thái lăn xả thành tâm, mời gọi tha thiết được nhiều cây bút, nhà văn nổi tiếng tụ về với NXB, cũng là tụ về với Lực lượng CAND để sáng tạo nên hình tượng cao đẹp về người chiến sĩ CAND trong dòng chảy văn học về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

Người ta thường nói rằng, văn chương là cái nghiệp, cái nghiệp cứ đeo đẳng như một mối lương duyên. Tôi từng chứng kiến nhà văn Nguyễn Hồng Thái uống rượu cùng bạn hữu để mừng một cuốn sách mới, hồn nhiên và đầy tâm huyết kể về những dự định phối hợp với nước ngoài liên kết in sách, phát hành sách điện tử của Nhà xuất bản CAND; đang chuẩn bị khai trương, lập văn phòng thường trú tại miền Trung - Tây Nguyên và ở châu Âu.

Rồi, trong men chếnh choáng, anh thường nói về mẹ, về quê xứ Nghệ “Yêu ai thật là yêu/ Ghét ai rành là ghét/ Những người dân xứ này/ Không nhùng nhằng khoảng giữa” (thơ Hoàng Trần Cương), cái miền thơ ấu trong anh ám ảnh suốt cuộc đời dù bây giờ trên đầu anh đã hai thứ tóc. 

Cái nỗi ám ảnh về một miền quê chịu nhiều đau thương của bom đạn chiến tranh, miền quê nghèo khổ quanh năm “bóng mẹ ta ngồi, cái nghèo in vào vách” nhưng con người vẫn sống hồn nhiên, yêu thương mọi nhẽ để nuôi dạy các con khôn lớn. Làng quê đã cho anh một người vợ đảm đang, tháo vát, chị Trần Thị Thu Hằng, hiện là Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô. 

Trong truyện ngắn Ngôi nhà bên triền sông có hình ảnh nguyên mẫu là người mẹ vợ đã vượt qua bom đạn để nuôi 7 người con khôn lớn, đầy ám ảnh. Cái làng quê của anh, đã có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ lớn lên, trưởng thành để lại những dấu ấn tên tuổi trong văn chương đương đại như nhà văn Thanh Châu, Sơn Tùng, Đào Xuân Tùng, Trần Hữu Thung, Võ Văn Trực, Nguyễn Trọng Tạo, Thái Bá Tân, Thiên Sơn...

Anh thấm đẫm cái tuổi thơ đói khổ ấy, để mỗi lần ngồi trước trang viết, sau tất cả những công việc, ký tá bận rộn trong cương vị giám đốc, anh lại được ngồi đắm chìm trong những câu chuyện, những mảnh đời, những số phận đã gặp, đã chuyện trò... Và khi đó con chữ thay lời nói, anh viết nên những câu chuyện, những bài báo chân dung đầy thương cảm. 

Tôi không bàn đến giọng văn, tôi không bàn đến thi pháp, tôi không bàn đến phong cách, chỉ biết rằng, đọc văn Nguyễn Hồng Thái, lòng bỗng chùng lại, có lúc ứa nước mắt, muốn sống chậm, muốn được cảm nhận, muốn được trở về bên miền quê có con sông Lam xanh mướt, để được nghe tiếng ru của mẹ, nghe điệu hò trên con sông quê hương, để sống với những nhân vật văn học hút hồn vừa bước ra từ những trang sách ấm nóng của anh. Hoặc chí ít cũng sẽ tốt với nhau nhiều hơn có thể, bởi vì cuộc đời là vô thường, sự sống đôi khi mong manh quá đỗi.

Trong cái “chất” ấy, Nguyễn Hồng Thái không chỉ là nhà văn chỉ biết cảm nhận vẻ đẹp, sự tinh khiết, nhân hậu ở đời mà anh còn là một đại tá công an mang trong mình quá nhiều chức phận, những ký ức, những cuộc đánh án và chứng kiến đủ những sinh tử của kiếp người khi những tên tội phạm với bản năng thú tính có thể cướp đi tính mạng của con người trong chớp mắt, anh đã chứng kiến tất cả và đau đớn tái hiện lên trên trang viết. 

Nâng niu từng con chữ để góp ban mai nảy mầm điều tử tế và lòng thơm thảo, tin yêu ở tâm hồn con người, tin vào chân - thiện - mỹ, điều mà bất cứ nền văn chương ở mảnh đất nào cũng hướng về. Và tôi gặp điều đó, nhưng rất riêng, rất duyên trong văn Nguyễn Hồng Thái.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.