Nhà văn Nguyễn Hiếu: “Em không phải là người nổi tiếng”
Nhưng nghiệp viết văn của Nguyễn Hiếu thật không mấy suôn sẻ. Anh in bài thơ đầu tiên trên báo Văn Nghệ vào năm 1973 - Thư và thơ gửi Người lái máy bay ta bắn rơi máy bay Mỹ, bút danh Bài Phong, tặng anh hùng phi công Lê Thanh Đạo cùng quê Chèm với Nguyễn Hiếu. Nhà thơ Phạm Hổ khi biên tập đã đặt lại đầu đề bài thơ này là Xung quanh một chiến công.
Rồi anh lại gặt hái tiếp giải khuyến khích thơ với bài "Người đứng giữa ước mơ và niềm mơ ước". Giải thưởng trị giá suýt soát 100 đồng do chính tay nhà thơ Xuân Diệu trao tặng tại nhà hàng Bôđêga Tràng Tiền.
Cũng vào năm đó, Nguyễn Hiếu hoàn thành cuốn tiểu thuyết "Những tháng năm tuổi trẻ" dày gần 1.000 trang với ngót 100 nhân vật thanh niên ở mọi thành phần trong xã hội. Cuốn tiểu thuyết này đến nay vẫn giữ nguyên là một bản thảo chưa in. Khoảng năm 75 - 76 của thế kỷ trước, Nguyễn Hiếu được báo Lao động in truyện ngắn "Hai chị em cùng nghề".
Sau một khoảng lặng khá dài cho đến 1984, Nhà xuất bản Hà Nội đã in tập truyện ngắn "Truyện cái vòi nước" của anh. Tác phẩm đầu tiên này có nhiều điểm đặc biệt. Đây là tập truyện ngắn hài hước được in gần như song song với tập truyện ngắn hài hước nổi tiếng "Những người thích đùa" của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin.
Điểm thứ hai là tập truyện ngắn được ra đời với sự thực hiện của khá nhiều “đại gia” trong làng văn nghệ. Nhà văn chuyên viết đề tài lịch sử Hà Ân biên tập, họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ bìa, Vũ Cao ký quyết định xuất bản với lời đánh giá miệng: "Đọc của Hiếu, thấy cái cười gần và quen hơn cái cười của ông nhà văn người Thổ".
Sau tập truyện ngắn này, Nguyễn Hiếu dừng lại đúng bốn năm, hình như anh có ý định ngẫm ngợi lại những gì đã viết ra trong một đoạn đầu 15 năm đi vào cái nghiệp văn chương đầy gian lao, khổ ải này. Mãi đến năm 1988, anh mới cho ra tiểu thuyết đầu tiên "Vết xoáy trước ngực làng".
Rồi như dòng nước đã được khơi đúng mạch, trong năm năm cuối thập kỷ 80, đầu 90; Nguyễn Hiếu đã cho ra đời mười một tiểu thuyết với những cái tên khá ấn tượng: "Bụi đường", "Quá cảnh", "Người đàn bà quỉ ám", "Chân trời vỡ đôi", "Chuyện tình người điên", "Em ở nơi đâu", "Vầng trăng hững hờ" , "Những mảnh trần gian", "Tôi bán mình"... cùng với tập truyện ngắn hài: "Cười dành cho tất cả" - NXBTN in năm 1991.
Bình quân một năm nhà văn này cho in hơn hai tiểu thuyết. Có thể coi là một kỷ lục trong làng tiểu thuyết Việt
Mặc dù ta chưa bàn sâu đến chất lượng tiểu thuyết của Nguyễn Hiếu, nhưng với một khối lượng đáng kể, một sức lao động cần mẫn như thế, thì điều đáng nói về 11 cuốn sách này là sự không giống ai của Nguyễn Hiếu (chữ của nhà văn Phong Thu).
Nhà văn đàn anh Ma Văn Kháng dạo đó từng khen Nguyễn Hiếu: "Chú đúng là lực sĩ của văn xuôi Việt
Nguyễn Hiếu là nhà văn ưa tìm tòi cách thể hiện, ở mỗi tiểu thuyết, anh lại tìm ra một cách kết cấu hết sức phù hợp. Như trong "Chân trời vỡ đôi" (NXB Pháp lý), thì dòng chảy sự kiện của cuốn sách dựa trên những câu hỏi của điều tra viên cùng câu trả lời của phạm nhân.
Ngoài sự tạo ra tính huyền thoại hay cảm giác ảo, hình như Nguyễn Hiếu là người viết đầu tiên ở xứ ta lấy chữ cái đặt tên cho nhân vật. Cách chơi này được anh thể hiện trong cuốn "Lặng lẽ cuối cùng", in năm 1996 - viết về sự băng hoại của giới công chức vào giai đoạn đầu của thời kinh tế mở cửa.
Nhà văn Lê Lựu gặp Nguyễn Hiếu ở sân Bộ GTVT, nói choang choang: "Cuốn tiểu thuyết này xứng đáng được giải của Hội lắm. Nhưng cho giải xong, cãi nhau phải biết…".
Tính theo tuổi ta, vào năm Mậu Tý này, Nguyễn Hiếu đã bước sang tuổi 61 và nếu lấy mốc in cuốn sách đầu tiên vào năm 1984, thì sự nghiệp văn chương của anh đã qua 24 năm. --PageBreak--
Bằng sự lao động theo kiểu rô bốt, gia tài văn nghiệp của con người này đã có 17 tiểu thuyết; ngoài ra còn ba cuốn nữa đang rập rình in, một cuốn tâm đắc đang trong máy tính suýt soát 700 trang - vị chi tiểu thuyết là 21 cuốn, một chuyện dài dành cho thiếu nhi cùng 5 tập truyện ngắn, hai kịch bản sân khấu, ba phim truyền hình…
Đó là không kể gần 10 cuốn in chung với đủ thể loại truyện vừa, truyện ngắn, truyện dành cho thiếu nhi. Nhưng dù từ góc độ nào khi nhìn vào số lượng này, có thể thấy Nguyễn Hiếu đầy đủ cái tạng của một tiểu thuyết gia.
Cũng trong thời gian những năm 88 - 89; lại thấy không ít bài thơ đăng trên báo Văn nghệ Trung ương và nhất là Văn nghệ TPHCM ký tên Nguyễn Hiếu; trong đó có những bài ít nhiều tạo ra chấn động…
Bài thơ: "Em gái tôi lấy chồng xứ Huế" - sau khi in trên báo được nhà thơ Vũ Quần Phương tuyển chọn vào tập thơ "Mưa đền cây" - gồm những bài thơ hay viết về phụ nữ. Gần đây, lục lọi trong đống tư liệu của Nguyễn Hiếu đã cho in trên báo gần hai trăm bài thơ, trong đó có hai bài thơ được dịch ra hai thứ tiếng Anh, Pháp đăng trên báo Phụ nữ Việt
Nhưng rồi Nguyễn Hiếu chưa yên. Đang làm thơ, viết truyện, đột nhiên anh tung ra các bài phê bình. Tất nhiên, so với sáng tác thì lượng bài phê bình của Nguyễn Hiếu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bài đầu tiên "Đi tìm các nhà phê bình"; đăng trên báo Văn nghệ vào khoảng năm 89, lập tức làm một biên tập viên nổi đoá lên, gán cho nhà phê bình nghiệp dư này quyền lực của Cái thắt lưng của nhà phê bình. Bài thứ hai cách đây khoảng ba bốn năm, - Phê bình sự phê bình có tính phê bình - cũng làm không ít các nhà phê bình chạm nọc.
Cho đến năm ngoái Nguyễn Hiếu lại tung lên báo Người Hà Nội bài Chỉ tại các nhà phê bình mang tính bình luận thì đúng hơn, nhưng cũng làm đôi nhà phê bình không hài lòng... Chưa hết, lại đến thể loại kịch; đã tạo ra nỗi u hoài đeo đẳng Nguyễn Hiếu ba, bốn chục năm nay… Nhưng mảng này xin để phần tư của bài viết sẽ trình bày.
Rõ ràng tuy là nhà viết văn xuôi mà chủ yếu là tiểu thuyết, nhưng cây bút của anh chàng làng Chèm này quá nhiều ngõ ngách. Một lần khi đã ngà ngà, Nguyễn Hiếu ề à với giọng khàn khàn, y tuôn ra một câu có vẻ học cách ăn nói của tiền bối: "Đã là văn chương thì chẳng có thể loại nào là xa lạ với em cả...".
Sau thời gian đó, Nguyễn Hiếu bắt đầu mê mải viết kịch. Sau này trong nhiều lần chuyện trò với Nguyễn Hiếu, tôi mới biết một sự trùng hợp của nhà văn này với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Họ là hai người đồng tuế.
Về thời gian sung sức trong sáng tác thì cũng gần như nhau. Cả hai không hẹn mà nên, đều cho ra những tác phẩm kịch với đề tài tương tự trong cùng một thời điểm. Chỉ có điều, Lưu Quang Vũ thì liên tiếp được dựng, còn Nguyễn Hiếu thì thòm thèm đứng chầu rìa ở ngoài.
Khi "Tôi và chúng ta" tạo ra một sự kiện lớn, thì Nguyễn Hiếu có kịch bản “Mổ xẻ một sự kiện" không kém gay cấn và dữ dội. Khi Vũ có "Lời nói dối cuối cùng" và "Tin ở hoa hồng" thì Nguyễn Hiếu có "Cu Tũn thích làm người lớn" và "Quân khu chúng tôi chọn chỉ huy". Đây là hai kịch bản Nguyễn Hiếu đọc ở Nhà hát Tuổi trẻ thời Giám đốc Hà Nhân.
Với: "Cu Tũn thích làm người lớn", Giám đốc Hà Nhân tỏ ra rất thích thú, nhưng cũng không trả lời rõ nguyên nhân vì sao Nhà hát không dựng vở này. Sau khi nghe kịch bản, bà chỉ lặng lẽ đưa cho Nguyễn Hiếu cùng cậu con trai (có tên gọi ở nhà là Tũn, đi cùng bố), gói xà phòng bột. Tác giả Vũ Hải nghe kịch bản này xong, bảo Nguyễn Hiếu: "Em chỉ mong viết được một trang của Cu Tũn..."--PageBreak--
Ngay với đề tài quân đội, khi Vũ đã tung ra "Lời thề thứ 9", thì trước khi đi dự lớp nâng cao do Đài TNVN cử đi Moskva; Nguyễn Hiếu cũng kịp dự một trại viết của Văn nghệ quân đội và cho ra đời "Trong chiến tranh không có huyền thoại" với cốt chuyện hấp dẫn và lời thoại đầy gai góc.
Nhưng rồi, kịch bản này sau khi nhận 30 nghìn đồng tiêu chuẩn của trại viết năm 1989; sau này mới được in trong tập "Kịch Nguyễn Hiếu" được tặng giải B của LHVHNT VN năm 2003... Sau khi Lưu Quang Vũ qua đời do tai nạn giao thông, Nguyễn Hiếu tự nhiên cảm thấy gánh nặng về kịch bản rơi vào vai mình.
Anh như lên đồng, viết liền một mạch tám kịch bản và lại mòn chân đi đến các đoàn kịch nhưng cả tám vở này, không hiểu sao, đều không được chấp nhận. Nguyễn Hiếu ta thực sự lấy làm buồn phiền lắm. Chỉ có điều, sự buồn phiền này không làm gã chùng tay viết kịch. Chính vì thế, vào đầu thế kỷ XXI, mỗi năm anh đều viết ít nhất một kịch bản.
Nhưng số lượng kịch bản của Nguyễn Hiếu được dàn dựng vẫn thật hiếm hoi. Vở "Trò đùa của dân" được Đài Truyền hình dựng; vở "Linh hồn đông lạnh" thì mặc dù đạo diễn Đỗ Kỷ thực sự bị hấp dẫn, nhưng đến nay khâu duyệt vở này vẫn đang trong bế tắc. Trong năm Đinh Hợi (2007), Nguyễn Hiếu gửi Đoàn kịch Quân đội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội 3 kịch bản, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Đấy là chưa kể khi thấy NSND Doãn Hoàng Giang vào làm giám khảo hội diễn đạo diễn sân khấu trẻ, Nguyễn Hiếu có gửi 6 kịch bản nhờ đàn anh giới thiệu cho sân khấu phía Nam; nhưng sau gần hai tháng cũng chưa thấy động tĩnh gì... Vì thế, mỗi khi nhắc về kịch, lại thấy mặt Nguyễn Hiếu đần ra hiện rõ một nỗi đau.
Tôi cứ tự hỏi xem mình có thể cắt nghĩa nguyên nhân của sự tắc cống này hay không, thì Nguyễn Hiếu chau mày một lúc rồi mới thì thào: "Báo cáo bác. Thứ nhất, em cho là cái số của em. Thứ hai, có thể do kịch của em khác với kịch của thiên hạ quá.
Em viết viễn tưởng để nói ngày nay trong "Linh hồn đông lạnh", em viết hình sự để nói về hệ lụy nông dân mất đất trong "Vụ giết người xảy ra lúc chập tối". Em lấy huyền thoại tiên, quỉ dữ, cây cỏ để thương tiếc cho hoa đào Hà Nội bị mất đi bởi những kẻ trọc phú trong "Mùa đào vẫn nở". Đấy là chưa kể em rất nghiện sự tuỳ hứng trong kịch, sự song trùng...
Lạ quá, gai quá người ta cũng khó dùng là phải thôi. Hơn nữa, hình như mả nhà em không táng vào nơi có hình sân khấu cũng nên. Kịch bản của em không được dựng thì đúng là truyền thống của em rồi... "Tôi hỏi: "Cậu nghĩ gì về những nhà viết kịch được dựng". Nguyễn Hiếu lại đần mặt ra: "Dù sao cũng là người làm nghề văn chương, nên trên đời này em phục nhất ba người.
Viết nhiều, đa dạng, nhưng giỏi nhất là làm kịch bản các lễ hội, đó là Nguyễn Khắc Phục. Người thứ hai là Lưu Quang Vũ trong kết cấu kịch. Vũ chỉ cần túm được một chi tiết là Vũ chạy ngay được đường dây cốt chuyện của vở. Mà kịch của Vũ lại chặt chẽ, dễ dựng, chỉ cần thực hiện đúng ý đồ kịch bản đã hấp dẫn rồi.
Nhiều đạo diễn thích kịch Vũ là vì vậy. Người thứ ba em phục là Ma Văn Kháng. Ông này có biệt tài kết cấu truyện ngắn. Về mặt này, bố Kháng "bợm" và có năng khiếu bẩm sinh trời cho bác ạ...". Thấy Nguyễn Hiếu đang bốc, tôi bèn ngắt lời anh: "Thế còn cậu - tiểu thuyết, thơ, kịch, phê bình... được chơi với người nổi tiếng, tôi thấy thơm lây...".
Nguyễn Hiếu cười khì: "Đâu có, em chỉ lao động, lao động cật lực... em là dân Chèm mà... em là nhà văn chưa bao giờ nổi tiếng cả...". Tôi cười vui: "Vậy thì, tôi sẽ "tiết lộ" đôi dòng về người viết văn không nổi tiếng Nguyễn Hiếu nhé, đúng vào năm tuổi của cậu, Mậu Tý 2008 này...