Nhà văn Ngô Thảo: Người không tuổi

Thứ Sáu, 12/04/2019, 17:13
Chỉ ba năm nữa thôi, Ngô Thảo chạm đến tuổi 80, vậy mà vẫn ngời ngời phong độ, nhìn trông hệt như một lão gia thành đạt, no đủ dư thừa và cũng không kém phần sang trọng. 


Áo quần lúc nào cũng chỉn chu, đi đâu cũng có tài xế riêng đưa đón, một bước lên xe xuống ngựa. 

Không những thế, từ thủa nào đã được vây quanh bởi những mỹ nữ xinh tươi, từ diễn viên đình đám của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, đến những nữ nhà báo mà ngòi bút sắc lẹm tựa dao, được phái đẹp ấy chiều chuộng, ve vuốt hết mực. Các bạn trong giới văn chương, thi ca nghệ thuật thì khỏi nói rồi, ông nhiều tri kỉ, thân thiết đến độ một lời khó nói hết ra. Họ sống, chết đều yêu Ngô Thảo. Nhưng không phải là không có người ghét, ghét đến chí chết cũng có, mà người tốt ghét hẳn hoi...

Ông sinh ra ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, mảnh đất ấy thật tàn khốc và dữ dội trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nơi có những địa danh đã đi vào thơ ca trong tâm khảm con người với cầu Hiều Lương, sông Bến Thuỷ, địa đạo Vịnh Mốc. 

Năm 1961, 20 tuổi, chàng trai trẻ Ngô Thảo đang học năm thứ nhất khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có bài viết trên Tạp chí Văn nghệ. Năng khiếu và tư chất văn chương sớm bộc lộ, lựa chọn đầu đời đã đưa ông đi hết năm tháng sau này với nghề cầm bút. 

Năm 1965, 24 tuổi chàng thanh niên trẻ tuổi đã gia nhập quân đội và sau này đi chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Trong những năm tháng vào sinh ra tử, cận kề với tử thần, giữa sống và chết chỉ là một khoảnh khắc vô cùng mong manh, đã từng ăn những hạt gạo nhuốm đầy máu và đong đầy nước mắt, có những ngày ăn lá rừng hoặc củ mài thay cơm. 

Chiến tranh dữ dội và tàn khốc, bom nổ trước mặt sau lưng, giữa tứ bề súng đạn, những người lính trẻ cầm súng ra trận và không hẹn ngày trở về, Ngô Thảo tự tay chôn cất những người đồng đội.

Chính cánh rừng xanh xào xạc lá, nơi chôn cất các anh, những người lính trẻ tuổi hai mươi đã hằn sâu trong kí ức của một nhà  văn đa cảm và đầy lòng trắc ẩn. Từ Trung đội trưởng trinh sát, Chính trị viên phó Đại đội, trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 368. 

Năm 1971, nhà văn Ngô Thảo về Học viện Chính trị rồi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến tháng 12 năm 1985. 

Nhà số 4 Lý Nam Đế, địa chỉ quen thuộc gần vườn hoa hàng Đậu, là đại bản doanh của các nhà văn quân đội thời ấy, cũng là nơi mà cánh văn nghệ sĩ thường lui tới: Văn Phác, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Thanh Tịnh, Nguyên Ngọc, Xuân Khánh, Phùng Quán, Nhị Ca, Chính Hữu, Nguyễn Thi, Tào Mạt, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách, Nguyễn Khải, Bùi Minh Quốc, Phạm Ngọc Cảnh, Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang, Anh Ngọc, Vương Trí Nhàn... rồi đến các nhà văn trẻ vào sau như Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh... 

Ngô Thảo có một thói quen đặc biệt hay, đó là ông luôn mang theo người một cuốn sổ nhỏ, ghi chép cẩn thận tỉ mỉ những điều mắt thấy, tai nghe từ những người bạn văn. Ông không bỏ sót một lời, chấm, phẩy, ngoặc đơn, ngoặc kép đàng hoàng cẩn thận, những câu chuyện văn chương qua lời kể dí dỏm, bất ngờ. 

Cho đến tận giờ đã qua đi hàng thập niên, mà những cuốn sổ ấy vẫn  vẹn nguyên nét chữ của ngày nào. Với ai ông cũng đều trân trọng. Giờ ông có cả một gia tài đồ sộ những kí ức, những kỉ niệm nguyên vẹn xa xưa, những người bạn ấy lần lượt đi vào cõi thế, Ngô Thảo lần dở những cuốn hồi kí rồi chỉnh chang cẩn thận, ra sách như một việc tri âm với những cố nhân yêu quý của đời mình.

Rời nhà số 4 Lý Nam Đế, ông về làm ở Hội Nghệ sĩ sân khấu, với chức Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, sau này làm Phó Tổng thư kí thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. “Người có tình thương thì gặp ai cũng thương”, câu đó thật đúng với Ngô Thảo. 

Lúc làm Tổng biên tập Tạp chí Sân khấu, quyển tạp chí ấy mỗi tháng một số, in màu trên nền giấy trắng thơm mùi mực, lại lắm lúc thấy Ngô Thảo rủ mấy nhà báo trẻ đi ăn trưa, rồi lôi trong cặp sách ra một phong bì, cẩn thận mở phong bì lấy ra hai cái ảnh nhỏ, đưa cho một nhà báo có tiếng vẽ chân dung rất giỏi qua ngòi bút. 

Chẳng được gặp người đâu, chỉ biết đây là một nữ diễn viên tuổi xế chiều đã có nhiều thành tích đóng góp cho sân khấu, qua những vở diễn mà nghe Ngô Thảo kể. Ông liệt kê đầu dòng,  rồi kể về người ta vài câu. Ngày ấy, điện thoại cũng chưa tiện liên lạc như bây giờ, zalo, hay facebook càng không hề có. Chỉ qua hai cái ảnh nhỏ mà đến tháng sau đã thấy nhân vật ấy điềm nhiên có bài trên tờ Tạp chí Sân khấu rồi. 

Ông bảo: “Có những nghệ sĩ thầm lặng, cả đời cống hiến, ở cái nơi đèo heo hút gió, hay làng quê nào đó chả ai để ý, chả mấy ai biết đâu được như các diễn viên phố thị trên này. Viết một bài để động viên, ghi nhận sự cống hiến của người ta cho người ta vui, thêm động lực”... 

Ông yêu thương người, tình yêu ấy trải khắp, có nhà báo nghèo, thật sự cũng chả biết có nghèo lắm không, trên văn đàn cũng là người có tiếng. Nhưng với ông, họ ở quê ra phố, người thân thích không có, lấy đâu ra tiền mà sinh hoạt ở cái thành phố đắt đỏ này?! 

Trông vào mấy đồng tiền lương còm cõi, khổ quá, không khéo giữ thân biết đâu xảy ra tệ nạn. Gặp, ông lại móc ví, sợ người khác biết, lặng lẽ đưa tay xuống gầm bàn dấm dúi đưa tiền.

Ông vẫn luôn như vậy cả với người quen hay không quen. Một ngày, đang mơ màng thả hồn mây gió, chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia ông bảo có một nhân vật khổ lắm, chị trước đây là diễn viên cải lương, bây giờ nghỉ việc, nhà ở ngõ chợ Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, đã phải đi bán máu đến 13 lần để có tiền nuôi mẹ già và con trai. 

Ông bảo vừa đọc bài viết ấy trên báo, rồi rủ tôi: “Đi thôi”. Và thế là tôi và ông tất tả đến nhà người phụ nữ khổ sở kia. Nhà cheo leo trên căn gác xép nhỏ, bé như chuồng chim, ông cầm một phong bì khá dày đưa cho chị, trò chuyện qua lại một hồi, chúng tôi chào chị ra về. Một thời gian ngắn sau, thấy chị gọi điện cho ông xin hoặc vay tiền để mua xe máy cho con trai. 

Ngô Thảo vốn dĩ tính hào sảng, không so đo tính toán, những chuyện như vậy thì nhiều lắm. Khi đất nước thanh bình, không còn tiếng súng, cứ đến tháng 4 mùa hoa loa kèn dọc dài trên những tuyến phố, hương hoa thơm mát dịu, gió đầu hè thổi, những chú ve bắt đầu kêu râm ran, là ông lại chuẩn bị hành trang trong cái balô vừa đủ đựng hành lí quay lại chiến trường xưa, thăm lại những người đồng đội cũ. 

Những người lính năm nào đã được quy tập về nghĩa trang Trường Sơn, các anh nằm đó trong không gian yên bình, tĩnh lặng. Ông đến thắp nhang từng ngôi mộ, một mảnh kí ức khi xưa cứ chập chờn ẩn hiện. 

Nhà văn Ngô Thảo cùng bạn bè.

Ở đây, mỗi tấc đất trên quê hương Vĩnh Linh, Quảng Trị, ngấm đầy máu và hoa. Mảnh đất mà người lính Lê Bá Dương đã viết: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm”. 

Cả Thành cổ Quảng Trị có tượng đài người lính bất tử như nhắc nhở ta về một thời quá khứ với 81 ngày đêm dữ dội và khốc liệt của chiến tranh. Ngô Thảo tri ân với những người lính đã khuất và tìm đến cả những địa chỉ người mẹ có con ra trận, những người mẹ đã trở thành biểu tượng của bà mẹ Việt Nam anh hùng qua thời kì chống Mĩ. 

Thời gian không ngừng trôi, và những người mẹ tuổi cao, sức yếu, lưng còng dần nằm xuống, nhưng di chứng của cuộc chiến tranh đã để lại những phận người với chất độc hoá học điôxin kì dị, nỗi nghèo túng, sự thảm thương đeo bám những con người lành hiền vô tội ở mảnh đất một nắng hai sương, trên quê hương ông. Ông lại gom góp, chắt chiu cho những chuyến từ thiện dài ngày.

Cho đến nay, ông và vợ vẫn sống trong một căn nhà rộng rãi trên con ngõ nhỏ, phố Hàng Bông, Hà Nội. Căn nhà đó, thi thoảng lại đầy ắp tiếng cười lúc bạn bè trà dư tửu hậu, ôn cố tri tân, những mảng ghép kí ức xa xa vọng về, những người ngày nào còn vui vẻ qua năm tháng lại lần lượt ra đi, cái ghế đó trống dần, vắng lặng những gương mặt thân quen.

Cuộc đời lại kéo ông về thực tại, ông có của để dành là hai cô con gái - những người sáng lập ra Công ty BHD, một công ty truyền thông tư nhân nổi tiếng ở Việt Nam. Chẳng cầu mà được, chẳng mong mà tới, phúc đến: Danh, lợi, tình, tiền ông đều đề huề, no đủ cả. Ngô Thảo giờ vẫn tung tẩy với đời như một tiên ông hiền từ và khoẻ mạnh. 

Trần Mỹ Hiền
.
.