Nhà văn Ma Văn Kháng: Sống còn để mang thương tích

Thứ Năm, 08/09/2011, 11:19
Lâu lắm rồi, trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) của Hội Nhà văn Việt Nam vắng bóng Ma Văn Kháng. Cuộc đời nhọc nhằn vất vả và sức lao động khủng khiếp đã khiến ông ngã quị. Giờ đây nhà văn đang phải chung sống với 3 cái stents đặt trong động mạch vành. Ông ít tham gia vào những sự kiện của Hội, cũng ít ra ngoài giao du với bạn bè.

Tưởng như văn nghiệp của nhà văn lão thành này sẽ dừng lại ở đó, với hơn 50 năm cầm bút không mệt mỏi. Thế rồi bỗng nhiên ông trở lại, sau những đau đớn nhọc nhằn của bệnh tật, tiểu thuyết "Một mình một ngựa" đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2009. Và vừa mới đây, là hai tiểu thuyết dày dặn "Bóng đêm" và "Bến bờ".

1. Hình ảnh nhà văn Ma Văn Kháng, với chiếc túi thổ cẩm đầy sách và sổ ghi chép đeo ngang hông, thoắt đến thoắt đi trong đám đông đã trở nên xa vắng. Chưa bao giờ, ông thấy yêu ngôi nhà của mình đến thế. Từ năm 2006, cái nhà cấp bốn cũ kỹ và chật hẹp đã được thay thế bằng một ngôi nhà khang trang và tiện nghi hơn. 

Cái bàn viết xưa là một cái xích đông treo tường, và chao đèn làm bằng hộp xà phòng đã được thay bằng đèn điện dù hàng ngày ông vẫn ngồi trên giường ngủ để viết. Thế mà trong điều kiện làm việc thiếu thốn chật hẹp đó, bao nhiêu tác phẩm đã ra đời, những Mùa lá rụng trong vườn, Mưa mùa hạ, Đám cưới không có giấy giá thú, mà nếu thiếu đi những tác phẩm đó, sẽ thiếu đi một xu hướng đổi mới trong dòng chảy của văn học hiện đại Việt Nam.

Tôi là người khách đầu tiên được nhà văn Ma Văn Kháng cho "tận mục sở thị" phòng ngủ của vợ chồng ông. Một tấm phản mộc kê giữa nhà, và chung quanh, ngổn ngang là sách báo và thuốc. Đủ các loại thuốc, nhiều đến nỗi, ông bà không buồn dọn,  để lúc cần là với tay lấy được.

Toàn những biệt dược về tim mạch. Gần 4 năm nay, ông chung sống giữa thế giới của thuốc như vậy. Và cũng chính trên chiếc giường độc nhất vô nhị đó, nhà văn của chúng ta, những lúc đỡ mệt đã kê giấy bút lên để viết, và viết xong, ông đưa cho vợ đánh máy.

2. Đời sống giản dị đến mức lạ lùng như vậy. Nhưng với văn chương, Ma Văn Kháng là người cầu toàn, biết chắt chiu cái đẹp, mải miết đi tìm cái đẹp ẩn tàng trong những góc khuất của đời sống. Cái đẹp từ trong bi kịch, trong đau đớn. Nhà văn Ma Văn Kháng tâm sự, ông rất tâm đắc với câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên: "Chúng ta ở trên đời không phải chỉ để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích".

Con người về bản chất là cô đơn, con người hiện đại càng cô đơn. Trong những lúc cô đơn, trong những vật vã về tinh thần khi đối diện với trang giấy trước đèn, câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên đã an ủi ông rất nhiều, làm nhẹ nhõm tâm hồn những kẻ đã trót mang nặng nợ với cuộc đời. Những thương tích, từ trong đời sống, từ những vật vã tinh thần của một đời cầm bút, nhà văn Ma Văn Kháng đã trút hết vào tiểu thuyết Một mình một ngựa, xuất bản cách đây 3 năm, và được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Cuốn tiểu thuyết như một lời tự sự về cuộc đời viết văn của ông, một nhà văn luôn nhập cuộc, gắn cuộc đời mình với ý thức và trách nhiệm. "Một mình một ngựa, có cái nét ngậm ngùi rất khó lẫn. Cái ngậm ngùi của người đã kinh qua sóng gió cuộc đời, cái ngậm ngùi của người biết quá rõ sự bất toàn của quá khứ và cũng là người hiểu thấu rằng đó chính là một phần không thể tách rời ký ức của mình. Một mình một ngựa - ánh hào quang của quá khứ hắt trên con người hiện tại".

Sống đã rồi mới viết, viết như một nhu cầu của tâm thức, nhà văn Ma Văn Kháng, trên hành trình dài 50 năm cầm bút của mình đã neo vào lịch sử văn học Việt Nam một dấu mốc quan trọng. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã nhận định về ông: "Dấn thân đồng nghĩa với va đập, với thăng trầm cả trong phương diện sống và phương diện viết. Tôi nghĩ, Ma Văn Kháng đã trải nghiệm đầy đủ cả trong đời và trong nghề nhằm mục đích dấn thân. Ma Văn Kháng là nhà văn có ý thức chăm chút câu chữ, và đó cũng chính là sức hấp dẫn có được của tác phẩm. Tôi muốn gọi, Ma Văn Kháng là một "nhà lãng mạn".

Ông là nhà văn mải miết đi tìm chất thơ của đời sống và cố gắng chuyển nó vào trong tác phẩm bằng một lối văn giàu nhịp điệu". Còn nhà văn Ma Văn Kháng thì thú nhận: "Tôi yêu cái đẹp trữ tình trong thể bi hùng, trong sự dang dở trên con đường hoàn thiện một vẻ đẹp thực sự nhân tính. Nhân vật Pao trong tiểu thuyết Vùng biên ải của tôi  chiến thắng sau bao khổ ải đau đớn và tan nát. Nam, Trọng hai nhân vật trong tiểu thuyết Mưa mùa hạ thì một chết trong khi đang ấp ủ bao dự định tốt đẹp, còn Trọng thì hy sinh trong một lần cứu đê, giữa bao ai oán, day dứt. Ông Thuần trong tiểu thuyết Chó Bi đời lưu lạc là câu chuyện về một kẻ sống ngạo nghễ trong đau thương oan trái. Các  nhân vật như bà nội và bé Duy trong Côi cút giữa cảnh đời là những con người ánh lên bao vẻ đẹp cao thượng trong những khúc đoạn sầu thương giữa cuộc đời. Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn mang thương tích  oan ức sau bao năm tháng tận tụy với  nghề thầy. Cũng vậy, đoạn đời của thầy giáo Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú, là một vở bi kịch dai dẳng và thê thiết. Có vẻ đẹp nào mà không cần  được thử thách! Nhân cách chỉ tỏa sáng trong những cảnh huống tưởng như không thể chịu được.  Người phụ nữ đẹp càng  đẹp trong sầu thương".

3. Với mạch xúc cảm thẩm mỹ về cái đẹp đó, nhà văn Ma Văn Kháng, ở tuổi 75 bệnh tật của mình đã cho ra đời tiểu thuyết Bóng đêm và sắp tới là Bến bờ. Và có thể nói, ông là nhà văn đầu tiên, khai mở một hướng đi mới cho văn học về đề tài an ninh, một đề tài tưởng chừng như quá khô cứng và chật hẹp, đưa nó về với đời sống.

Trong lời tự bạch "Tôi đã viết Bóng đêm và Bến bờ như thế nào", nhà văn Ma Văn Kháng viết: Nhưng thực sự thì phác thảo về chúng đã được hoàn thành từ mươi năm trước và tôi đã định cho chúng vào quên lãng, coi chúng chỉ là kỷ niệm của một thời bồng bột và say mê trong ảo tưởng hoặc là dấu tích ghi nhớ của hơn hai mươi năm đi vào thực tế của ngành Công an; vì tuổi đã cao, tình trạng sức khỏe ngày càng giảm sút; vì cảm thấy chúng chưa thoát khỏi con đường mòn của các tiểu thuyết hình sự quen thuộc, chỉ đáng coi là cận văn chương, á văn học, kể cả những cuốn hay nhất của các tác giả Việt Nam, kể cả của Conan Doyle, Agatha Christie…

Tuy nhiên, vào đầu năm 2011, trong  những giây phút rỗi rãi tình cờ, mở computer ra đọc chơi, bỗng thấy những cái phác thảo này có cái gì đó đang manh nha hình thành và có thể  tạo cho chúng một giá trị mới mẻ khác thường nếu gia thêm cho chúng những yếu tố của cuộc sống và văn chương hiện đại. Và thế là bắt tay vào sửa chữa và không ngờ càng  sửa càng thấy hào hứng.

Một nguồn sáng từ đâu bỗng rọi tới lung linh cả trăm trang chữ. Cám ơn cái computer lắm lắm. Nó đã lưu giữ trung thành bao chất liệu quý và bây giờ, nó lại là một cây bút thông minh giúp tôi khai phá thêm những địa hạt mới của nguồn văn chương muôn đời còn bí ẩn. Tôi đã gia thêm vào chất liệu câu chuyện những yếu tố hiện đại của văn chương. Chẳng hạn: cái mặc cảm cô độc, những ám ảnh của tàng thức, sức nặng của tầm cao văn hóa, vị trí của tâm linh và cơ duyên cùng cái khát vọng của libido,  chất sexy… Và  tôi có cảm tưởng câu chuyện thế là bỗng nhiên thoát ra khỏi cái lốt tầm tầm của một tiểu thuyết hình sự mang  tính giải trí mua vui chốc lát; nó hiện ra trong một tầm vóc văn chương khác lạ.  Một cách ngẫu nhiên, cuộc sinh nở kép thế là đã được tổ hợp và hai đứa con sinh đôi mang tên Bóng đêm và Bến bờ sau mấy tháng hoài thai đã chào đời."

Tôi đã đọc một mạch Bóng đêm, và run theo mạch xúc cảm của nhà văn. Những chất liệu ngồn ngộn của đời sống mà ông kể từ những chuyến đi thực tế của 20 năm trước, vẫn còn nóng hổi hơi thở của đời sống đương đại. Và chính nhà văn Ma Văn Kháng cũng bị dẫn dụ vào thế giới của riêng mình, trong thế giới của sự thăng hoa sáng tạo, ông đã khám phá ra chính mình, khám phá đời sống trong những tàng ẩn sâu kín của tâm linh, của nội cảm.

Ông đã khám phá ra một đời sống khác, trên cái nền của những vụ án rùng rợn và không kém phần ly kỳ hấp dẫn, thế giới của những ám ảnh tâm linh, của tiềm thức… nhưng không hề xa lạ với đời sống, mà ngược lại rất đời, rất con người. Đó là cái cách mà nhà văn Ma Văn Kháng đã góp phần xóa nhòa ranh giới của đề tài trong văn chương, hay nói cách khác, với những nhà văn lớn, thì đề tài chỉ là cái cớ để họ thể hiện tư tưởng của mình.

Lâu lắm rồi, nhà văn Ma Văn Kháng mới ngồi say sưa nói về nghề, về những niềm khoái cảm khi ông viết Bóng đêm và Bến bờ  khi ông chạm tới được tận cùng thế giới của tâm tưởng. Những lúc đó, ông như trở thành một người khác. Và ở đó, chỉ có niềm đam mê văn chương, sự dấn thân của một nhà văn lớn, một nhà văn đã góp phần làm nên diện mạo của văn học đương đại Việt Nam

Hà Linh
.
.