Nhà văn Ma Văn Kháng: Nửa thế kỷ một mình một ngựa

Thứ Tư, 25/01/2012, 14:14
Năm 2003, trong một bài phỏng vấn, nhà văn Ma Văn Kháng có chia sẻ một lo âu, rằng không biết 10 năm sau, có ai còn đọc mình nữa không. Khi đó, tôi là sinh viên vừa rời ghế giảng đường, gặp tâm sự ấy của ông thì nhớ ngay đến câu thơ của thi hào Nguyễn Du thuở trước: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”. Nguyễn Du đặt câu hỏi cho 300 năm sau, còn Ma Văn Kháng khiêm tốn chỉ đăt câu hỏi cho 10 năm sắp tới.

10 năm qua, Ma Văn Kháng đã liên tiếp xuất bản các tác phẩm “Một mình một ngựa”, “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”, và mới đây nhất là hai cuốn tiểu thuyết: “Bóng đêm” và “Bến bờ” rất được bạn đọc quan tâm. Như vậy, nhà văn Ma Văn Kháng đã có thể yên tâm về câu trả lời, rằng, ông là nhà văn chưa hề lạc thời, vì những trang viết của ông vẫn tươi ròng hơi thở cuộc sống hôm nay.

Trong đời sống văn học, chúng ta luôn phải chấp nhận một thực tế, nhiều nhà văn đến một độ tuổi nào đấy thì không thể “nhập cuộc” được nữa. Cuộc sống biến đổi quá nhanh, những giá trị có khi được sắp xếp lại theo một chiều hướng mới và trở thành xa lạ trong cảm quan của người cầm bút vốn một đời đã theo đuổi những mẫu hình nhân vật quen thuộc. Những nhà văn ấy, họ viết về những cái của quá khứ, họ ăn theo cái bóng một thời của chính mình, thậm chí họ không tiếp nhận được những tác phẩm của người viết trẻ. Đơn giản vì họ đã ở trên một “đường ray” khác của đời sống.

Nhưng Ma Văn Kháng không ở trong số những nhà văn cao tuổi ấy, cho dù, tính về tuổi đời, đã có thể gọi ông là một “lão nhà văn” được rồi. 72 tuổi đời, với 3 cái stent trong ngực, sống chung với thuốc và những cơn đau, ông không còn khỏe về thể chất, song sức viết, sức nghĩ, sức trẻ trên ngòi bút của ông thì ngay cả những người viết trẻ cũng có khi phải… chào thua. Ông vẫn vô cùng sung sức ở những đề tài đương đại, hoàn toàn nhập cuộc với những buồn vui và cả những đau khổ, day dứt đương thời.

Trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông vẫn cặm cụi bên bàn viết, là tấm ván mộc kê ngay cạnh giường nằm, để khi nào viết mà mệt thì có thể nằm nghe đài, xem tivi, nghỉ ngơi. Đối với cánh nhà văn trẻ, ông luôn thịnh tình đón tiếp và chu đáo như một người thầy - một nghề nghiệp mà nửa cuộc đời ông gắn bó.

Muốn viết về ông, ngoài trò chuyện ân tình, ông cung cấp hàng trăm trang tư liệu, là những bài viết, những công trình nghiên cứu của nhiều tác giả về đời văn của ông, để tham khảo. Ông rất gần gũi lớp trẻ, có lẽ đó chính là điều căn bản giúp cho văn chương của ông luôn nóng hổi những câu chuyện của hôm nay. Hai cuốn tiểu thuyết mới nhất về ngành công an ông vừa cho ra mắt độc giả như hoàn thiện nét vẽ về sự nghiệp của ông - một con người của yêu ghét rành rẽ, một người cầm bút của tinh thần vì cái Đẹp và cái Thiện. Mỗi trang văn của ông, dù bình thản hay dữ dội, dường như đều mang theo một bài học nhắc chúng ta về tình yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống.

Trên trang web của nhà văn Ma Văn Kháng, chúng ta có thể tìm thấy gần 20 luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành văn học lấy đối tượng là tác phẩm của ông để nghiên cứu. Nửa thế kỷ cầm bút, phụng sự cái Đẹp, lấy cái Đẹp làm lý tưởng để theo đuổi, với rất nhiều “nhọc nhằn và thương nhớ”, chính ông cũng đã làm tốn nhiều giấy mực của những người yêu quý mình.

Ma Văn Kháng có một sự nghiệp văn chương đồ sộ cả về số lượng tác phẩm và thành tựu. 15 tiểu thuyết, 25 tập truyện ngắn, 1 hồi ký, tính ra ông đã viết hàng vạn trang văn trong đời mình. Hàng vạn trang văn ấy chỉ để giữ lại một điều cuối cùng, là con người hãy đến với nhau bằng sự tử tế, bằng tình yêu vô tư và vô điều kiện. Đó cũng là muối kết tinh từ những tháng năm vất vả khổ sai với chữ của nhà văn, mà thực tế trải nghiệm là một minh chứng.

Ma Văn Kháng thực sự “sống đã rồi hãy viết”- như tâm nguyện của mình. Rời Hà Nội khi tuổi đời còn rất trẻ, ông đã chọn nghề dạy học ở một vùng đất xa lạ với mình về văn hóa, là Lào Cai. Và rồi với trái tim căng mở của người trí thức, với đôi chân ham đi và cặp mắt không ngừng quan sát, ông đã luôn dành chỗ trong tâm hồn cho những bài ca của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Tổ quốc ngân vang, trở thành chất liệu vàng ròng làm nên những tác phẩm văn học nổi tiếng sau này, như Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La Pán Tẩn, Một mình một ngựa…

Ông là nhà văn tiêu biểu viết về miền núi, không chỉ bởi cái bút danh Ma Văn Kháng, mà còn bởi khi viết về một dân tộc, một vùng đất, ông đã không “viết hộ hay viết thuê, mà viết cho chính mình”. Hơn hai mươi năm làm nghề dạy học ở miền núi, Ma Văn Kháng thực sự đã chọn con đường khó để đi, vì ông hiểu không có những trả giá thật sự trong đời sống, nhà văn không thể có những trang viết hay. Trên vai người thầy Ma Văn Kháng chưa khi nào chỉ là giáo án dạy học, mà còn là những cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ những tư liệu về lịch sử, con người, cuộc sống của một vùng đất, những trăn trở, day dứt về số phận dân tộc, số phận con người. Không chỉ dạy học trò vùng cao con chữ, Ma Văn Kháng còn tự đào tạo mình một cách nghiệt ngã, để trở thành nhà văn.

Nhưng cũng bởi là một nhà giáo, ông nhìn ra tầm quan trọng của nhà trường: “Đối với tôi, trong sự hình thành những cơ sở đầu tiên của một nhà văn, tất cả đều là nhờ thầy cô. Nếu hôm nay tôi có được bạn đọc công nhận là nhà văn thì công lao tạo nên tôi, trước hết là thuộc về nhà trường, nơi trau dồi lý tưởng sáng đẹp, nơi dạy tôi tình yêu đối với tiếng Việt, nơi cho tôi thấy cái đẹp kỳ lạ, cái sức mạnh vô hình, lớn lao của ngôn ngữ ông cha”. Ông khuyên các nhà văn trẻ cần phải học không ngừng trong trường lớp và ngoài cuộc đời. Và việc đọc phải là một thói quen suốt đời, vì “dưới một cuốn sách luôn luôn là một cuốn sách khác”.

Trong đời văn của mình, Ma Văn Kháng theo đuổi hai mảng đề tài lớn, là miền núi và thành thị, cụ thể hơn là người trí thức thành thị. Mùa lá rụng trong vườn là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông về đề tài trí thức. Trong những tháng năm tuổi trẻ, tôi đã gối đầu giường cuốn sách này, và tự hỏi, làm một người trí thức sao mà phức tạp đến thế. Câu chuyện về một gia đình với những mất mát, biến thái của từng thành viên trong bối cảnh cuộc sống mới đã không ngừng làm ta day dứt, nhói đau.

Bên cạnh những người trí thức thật, Ma Văn Kháng rất giỏi khi viết về những người trí thức rởm, trí thức lưu manh mà hình như đang tồn tại không ít trong xã hội hôm nay. Nhiều nhà lý luận phê bình đồng ý rằng, Ma Văn Kháng là nhà văn viết về bi kịch của người trí thức nước ta hay và thấu tình đạt lý bậc nhất. Thái độ của ông là không khoan nhượng với cái xấu, cái giả, cái ác, cho dù có những lúc, ở đâu đó, nó đang lấn át cái Tốt, cái Thiện.

Viết văn, trước tiên là câu chuyện của tình yêu, của đam mê và tài năng, là dồn nén những ưu tư cá nhân, song, với Ma Văn Kháng, viết còn là thái độ, là trách nhiệm công dân của một người yêu dân tộc mình. Thấp thoáng trong các trang sách, người đọc có thể nhìn ra nỗi buồn, nỗi đau đời riêng ông, nhưng trên tất cả, đó là những ưu tư của ông trước nhân tình thế thái. Ông thực sự muốn dùng sức mạnh ngòi bút của mình để mang tới những giá trị nhân văn cho con người và vì con người ở nghĩa rộng lớn nhất.

Văn học đích thị là công việc cá nhân, nhưng chưa khi nào một tác phẩm được xem là lớn lại chỉ quẩn quanh câu chuyện của một cá nhân. Nó phải là tiếng nói đại diện cho đông đảo quần chúng, ký thác được những ước mơ và khát vọng của con người về một cuộc sống đẹp trong tương lai. Đây hoàn toàn không phải là lý thuyết. Đây là chân lý mà những nhà văn lớn trên thế giới đều đạt tới, để ghi tên mình trong tình yêu của nhân dân. Ma Văn Kháng là một nhà văn như vậy. Ông là một trong những nhà văn có nhiều độc giả nhất, nhưng không phải ở nghĩa “ăn khách” như chúng ta thường quan niệm.

Cho dù ông rất tôn trọng chức năng giải trí của văn học, song tác phẩm của ông không khi nào chịu dừng ở giải trí đơn thuần. Cuốn sách hay đối với ông là phải mang theo một tư tưởng đẹp. “Đó là chỗ thử thách khắc nghiệt, cũng là chỗ yếu kém của nhiều nhà văn. Lắm anh viết mà chẳng có tư tưởng gì, thế đấy”. Văn học, nếu chỉ viết về những thứ tầm phào, chỉ là những thứ tầm phào, thì người cầm bút hãy làm một người thợ cày, một công nhân quét rác, họ sẽ cống hiến cho cuộc đời những giá trị đích thực hơn.

50 năm gắn bó cuộc đời mình với cây bút, giành nhiều giải thưởng và có nhiều bạn đọc yêu mến, Ma Văn Kháng chưa bao giờ giàu về tiền bạc. Ông vẫn sống cùng gia đình trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh “với đủ buồn, vui, lo toan, vất vả và hạnh phúc như cả triệu gia đình bình thường khác”.

Một cuốn tiểu thuyết ấp ủ hàng chục năm trời, viết đi viết lại nhiều lần, mang về cho ông hơn chục triệu đồng nhuận bút - số tiền đủ để ông mua thuốc chữa bệnh trong ba tháng. Một sự so sánh xót xa về nỗi cực nhọc của nghề văn. Nhà văn Nga vĩ đại Mác-xim Goóc-ki từng nói đại ý, rằng những ai dấn thân vào nghề cầm bút vì cho rằng đó là nghề nhàn nhã nắng không đến đầu mưa không đến mặt thì thật là một nhầm lẫn to lớn. Nghề viết văn chính xác là một nghề nặng nhọc nhất trên thế gian, chỉ sau nghề phu mỏ - người ta đã từng tổng kết như vậy. Chính Ma Văn Kháng cũng thừa nhận, trên cuộc đời này không có sự giày vò nào khốn khổ bằng sự giày vò của con chữ.

Giữa những cơn đau, chờ đợi hai cuốn tiểu thuyết được duyệt in và ra mắt bạn đọc, nhà văn viết trong nhật ký: “Cái nghề văn, chao ôi sao mà nó phức tạp thế. Hiển nhiên nó chính là cái nghiệp chướng, nó nhiễm cái chất ma mị, ma túy, nó mê hoặc, nó làm mê dụ con người ta thật rồi. Nếu không, sao đã ngoài tuổi 70 mà mình còn say đắm, còn ham hố, thậm chí còn cay cú và bây giờ thì sống trong tâm trạng bồn chồn chờ đợi như trẻ con thế này”.

Vắt ngang cuộc đời và sự nghiệp của mình qua hai thế kỷ, chứng kiến bao vật đổi sao dời thời cuộc, nhà văn Ma Văn Kháng thấu thị mọi lẽ đời, vì mỗi phút giây, ông đã sống tận cùng với chính mình. Sống Thật chỉ để tìm kiếm cái Đẹp trong ý nghĩa khởi nguyên nhất, dù cái giá của nó có khi là cay đắng. Nhưng ông đã tâm niệm: “Có vẻ đẹp nào mà không cần được thử thách! Nhân cách chỉ tỏa sáng trong những cảnh huống tưởng như không thể chịu được”. Trên con đường khắc nghiệt của văn chương, Ma Văn Kháng đã thực sự “một mình một ngựa”, trong nỗi cô đơn dằng dặc, không ngừng tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của đời sống, mà nếu không có nó, con người không có điểm tựa để đi về phía trước…

B.N.T.
.
.