Nhà văn Lê Phương Thảo, Việt kiều Mỹ: Nhu cầu giữ gìn bản sắc

Thứ Hai, 23/02/2015, 11:18
Khi tha hương, tính dân tộc và nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hoá quê hương mạnh mẽ hơn khi người ta sống trong lòng đất mẹ, nhà văn Lê Phương Thảo, Việt kiều Mỹ chia sẻ.

- Thưa nhà văn Lê Phương Thảo, xuân Ất Mẹo 1975 đã để lại cho chị những ký ức như thế nào?

- Ba tôi ngày trước làm việc ở Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, thời gian ấy ông thường xuyên công tác xa nhà, nên có lẽ những thông tin về chiến tranh ông cũng được nắm rõ hơn, tuy không hề nói gì chi tiết với gia đình. Chúng tôi sống tại Sài Gòn, mùa xuân năm ấy tuy những mất mát đạn bom của thời cuộc chưa hẳn chạm ngõ Sài Gòn, nhưng tin tức trên các phương tiện truyền thông hằng ngày cũng làm không khí đón Tết khác hẳn những năm trước.

Mọi người không nô nức sắm Tết nhiều nữa, gia đình chuẩn bị những thức ăn có thể giữ lâu, thực phẩm khô, gạo sấy. Mẹ tôi cho mang một số bao cát chất chung quanh và trên những divan to, dày trong nhà. Dưới gầm divan ấy sau này là nơi chúng tôi ngủ hằng đêm suốt tháng 4/1975, nhưng trong dịp Tết, lại là nơi bọn trẻ con chúng tôi tụ tập ăn bánh mứt, chơi lắc bầu cua và giấu những phong bao lì xì của mình trong kẽ hở giữa những bao cát.

Ngày 1/2/1975 là mùng 1 Tết. Ba tôi không về kịp để đón Tết với gia đình, dạo ấy, những đoạn đường liên tỉnh thường xuyên tắc nghẽn vì hư hỏng do chiến tranh. Máy bay cũng bị huỷ liên tục. Mẹ đưa chúng tôi đi chúc tết bên nội, ngoại, cũng được lì xì, cũng bánh mứt, cũng những trò chơi của trẻ thơ. Trẻ con mà, có biết gì nhiều đâu, mặc những suy tư toan tính của người lớn, bọn trẻ chúng tôi chỉ cảm nhận được sẽ có một sự thay đổi lớn nào đấy qua động thái không bình thường của người lớn. Ba tôi về lại nhà vào ngày mùng 3 Tết. Chúng tôi không hề biết được đó là mùa Xuân sau cùng gia đình đoàn tụ đầy đủ tại quê hương. Không ai đoán trước được điều này.

Nhà văn Lê Phương Thảo.

- Tôi có đọc trên báo hay xem trên tivi về sự chuẩn bị Tết của người Việt ở hải ngoại. Thú thật là tính tôi hay buồn, nên mãi mà tôi vẫn không thể hình dung được nếu phải đón một cái Tết xa quê hương. Những ngày tháng Chạp trên đất Mỹ, tâm trạng của chị ra sao ạ?

- Tôi và mẹ sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình vào cuối năm 1979. Khoảng 1 tháng sau thì ăn cái Tết đầu tiên sum họp với ba và anh, em trai tại Mỹ. Cũng là năm đầu tiên tôi đón Tết ở xứ lạ vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, tuyết rơi trắng mù mịt phố xá và lạnh thấu xương.

Khi tha hương, tính dân tộc và nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hoá quê hương mạnh mẽ hơn khi người ta sống trong lòng đất mẹ. Giống như anh sẽ thèm cơm da diết khi anh sống ở nơi chỉ toàn ăn bánh mì. Thèm nước mắm ngay cả khi ăn với những món Âu chỉ cần nêm nếm muối tiêu. Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cũng thế, mỗi năm đến Tết, họ co cụm lại với nhau, cùng nhau tổ chức chợ Tết, cũng có những sạp hàng nhỏ buôn bán những món ăn ngày Tết, những buổi văn nghệ truyền thống, bàn thờ tổ tiên cổ truyền, những buổi họp mặt vui chơi, văn hoá Tết Việt Nam cứ thế truyền lại năm này sang năm khác.

Nhưng đấy là nhiều năm sau này. Ba tôi kể, Tết đầu tiên xa quê hương, vợ con bị thất lạc chưa có tin tức, rất nhiều người trong hoàn cảnh như thế, ngày Tết, họ tìm đến nhau, ôm nhau và khóc. Cắn miếng bánh chưng cũng khóc. Cầm miếng dưa hấu lên cũng khóc. Miếng bánh thỏi kẹo lúc ấy chỉ cho họ thấy những gì đã bị mất đi mãi mãi. Đường đi tới mù mờ quá, mà đường trở về lúc đó hoàn toàn tuyệt lộ. Họ nhớ từng chút chi tiết nhỏ như mùi vị, không gian, tình cảm, con người Việt Nam. Tết ở tại quê nhà nếu chỉ một mình đã là buồn, nay đón Tết tha hương cô đơn không đầy đủ gia đình thì nỗi buồn trở thành đau đớn thắt ruột chỉ muốn chết đi cho rồi (lời ba tôi nói như thế).

Bây giờ, Tết đến, chúng tôi cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng ông bà, cúng giao thừa. Đầu năm các con cháu cũng chúc Tết ông bà và được lì xì may mắn. Chỉ còn cách trở địa lý mà thôi, mọi thứ khác, ngày càng gần gũi và quen thuộc trở lại rồi. Một niềm vui “không tưởng tượng được” của ba mẹ tôi, mà hằng năm cứ nhắc lại mãi, những ngày tháng tha hương tưởng chừng như không bao giờ quay trở về được quê nhà đã hết rồi. Cố hương đã trở lại là quê hương.

- Dẫu muốn dẫu không thì Tết hiện tại cũng đã phai nhạt nhiều, chúng ta lại chưa đủ già để mở miệng là hoài niệm. Nhưng sẽ ra sao nếu Tết chỉ đơn giản là một kỳ nghỉ dài, chị nhỉ?

- Con người bao giờ cũng bị loay hoay giữa việc giữ gìn nền văn hoá truyền thống và hoà nhập vào nền văn minh hiện đại. Sự tiện lợi mới mẻ xuất hiện bằng con đường duy nhất là xóa bỏ cái cũ kỹ lâu đời. Ngày xưa ít người ít việc nên người ta có thể “ăn” một cái Tết đúng nghĩa đầy đủ các phong tục tập quán. Bây giờ, cả năm đã bận rộn công việc và gia đình, đến những ngày Tết, không ai còn đủ sức và khả năng để thực hiện hết những phong tục ngày Tết nữa. Họ chỉ muốn yên tĩnh nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng để chuẩn bị cho một năm mới sắp đến.

Mà Tết bây giờ cũng không còn đặc biệt nữa rồi. Tất cả các loại trái cây bánh mứt thức ăn ngày xưa chỉ có Tết mới thưởng thức được, ngày nay, bất kỳ lúc nào người ta muốn cũng có. Ăn nhậu mỗi ngày. Rượu chè hằng đêm. Quần áo mới sắm sửa mỗi tuần. Khi người ta có tất cả những gì lẽ ra thỉnh thoảng mới có, thì còn gì để trông chờ háo hức nữa? Tết cũng thế thôi. Là một kỳ nghỉ dài ở nơi này hay nơi khác. Và đến một lúc nào đấy, không chừng, Tết ở nước ngoài sẽ mang đậm nét quê hương hơn là những cái Tết tại Việt Nam.

- Vẫn câu hỏi rất cũ, chị chờ đón điều gì cho chính mình vào năm Ất Mùi này?

- Càng lớn lên, càng sống nhiều, càng trải nghiệm, với tôi, những gì chờ đón nhất cho chính mình là sự bình yên, trong tâm thế, tinh thần và cuộc sống. Có bình yên, người ta sẽ có tất cả. Và dĩ nhiên, mấy ai có được tất cả bao giờ, thế nên, năm nào cũng tiếp tục... chờ đón.

Thực hiện: Ngô Kinh Luân – Nguyên Thảo
.
.