Nhà văn Hữu Mai: Vừa sức, vừa hoàn cảnh

Thứ Sáu, 06/07/2012, 15:38
5 năm sau khi ông qua đời, không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác như ông đã hơi bị đồng nghiệp lãng quên khi trong những đợt xét trao giải thưởng văn học nghệ thuật lớn gần đây, tên ông đã hầu như không được ai nhắc tới…

Cho tới hôm nay tôi nhớ quang cảnh của sân nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Nhân Tông cách đây 5 năm, cũng vào những ngày hạ tuần tháng 6. Hôm đó là lễ viếng nhà văn Hữu Mai, người đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 81 (ông sinh năm 1926)… Ở thế hệ các nhà văn mặc áo lính từng tham gia thành lập tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1956, Hữu Mai cũng là người có số lượng những tác phẩm đồ sộ và ấn tượng hàng đầu. Ông cũng có công rất lớn trong việc tham gia viết các hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lưu lại cho hậu thế những thông tin đầy cảm xúc về một thời không thể nào quên… Sinh thời, ông là người khiêm nhường, sớm ý thức được tiềm năng và hoàn cảnh nhưng không phải vì thế mà ông có những khoảnh khắc “tinh anh phát tiết”…

5 năm sau khi ông qua đời, không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác như ông đã hơi bị đồng nghiệp lãng quên khi trong những đợt xét trao giải thưởng văn học nghệ thuật lớn gần đây, tên ông đã hầu như không được ai nhắc tới… Đành rằng, như câu thơ của một thi sĩ Cuba viết về Che Guevara, “Người đã khuất không còn cần chỗ nữa”, nhưng nếu chúng ta hôm nay quên vị trí xứng đáng của những người đã khuất thì sau này, có ai sẽ đối xử công bằng đối với chính chúng ta?!

Nghĩ thế nên tôi, trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày mất của nhà văn quân đội, Đại tá Hữu Mai, đã cố lục lại kho tư liệu cũ để tìm những trang ghi chép trong lần trò chuyện với ông năm 2004. Nhìn bằng con mắt hôm nay, tôi như hiểu thêm những điều ông đã tâm sự với chúng tôi một cách thỏa đáng hơn.

- Nhà thơ xứ Dagestan, Rasul Gamzatov, từng viết “Yêu lần nào cũng như yêu lần đầu tiên. Viết lần nào cũng như lần sau cuối”. Nhưng phải chăng đối với nhà văn Hữu Mai, mỗi lần viết chỉ là một lần nháp thử?

- Hữu Mai: Câu trả lời của tôi có lẽ cũng không khác cái ý mà anh vừa nêu ra lắm. Nhưng mà tôi có một cái mục đích thế này này. Tức là từ rất lâu, từ lúc còn ở trường tiểu học, tôi có một cái năng khiếu, tôi làm thơ từ lúc 10 tuổi, bằng tiếng Pháp ấy. Một lần vào thành phố Hồ Chí Minh,  tôi có gặp một người bạn từ hồi còn nhỏ, cậu ấy học với tôi từ năm lên 10, 11 tuổi. Cậu ấy cũng từng nghe  cái tên Hữu Mai nhưng đã không nghĩ là tôi, cậu ấy tên là Khiêm. Rồi cậu ấy đọc cho tôi nghe cái bài thơ mà đến bây giờ tôi cũng không nhớ được. Cậu ấy đọc toàn bộ cả cái bài thơ mà tôi đã dịch, rồi đọc cho cả lớp cùng nghe, cậu ấy ghi được. Có mấy câu là: “Ông già nhìn mặt trời khuất núi./ Còn mặt trời nhìn ông lão sắp chết”. Mà tôi chỉ nhớ hồi đấy tôi dịch là: “Lão nhìn ác xế non Đoài./ Ác nhìn lão sắp ra người cửu nguyên”. Tôi muốn nói là mình đã có năng khiếu về văn từ hồi còn ở trong trường, và sẽ biết là mình viết cái gì hay không viết cái gì. Sau khi chiến đấu ở Hà Nội, mình nghĩ là, khi mình có điều kiện, mình còn sống sót thì mình sẽ viết về những gì mình đã chứng kiến, đã biết. Về sau thì tôi làm được cái việc này, làm cái việc này vào lúc rất hợp thời. Cuộc sống thì lúc nào mà chẳng vội vã, nhưng lúc nào tôi có thời gian viết thì viết rất cẩn thận, không bao giờ bằng lòng với mình. Cho đến lúc sách ra thì mới thôi. Đấy, ý của mình muốn nói như thế, nó đơn giản hơn, nhưng mà nó đúng với mình hơn.

- Người ta đồn rằng nhà văn Hữu Mai luôn luôn cho ra đời những tác phẩm rất thích hợp với thời của ông đang sống. Nhưng có một câu danh ngôn nói rằng, để muốn tồn tại cùng hậu thế, chúng ta luôn luôn phải đi trước cái thời đang sống một chút. Quan điểm của ông là như thế nào về câu danh ngôn đó?

- Tôi thì có một cái mục đích khiêm tốn hơn và đơn giản hơn! Tôi vẫn nghĩ là cái thế hệ của chúng tôi không có cái điều kiện để làm văn chương bởi vì mình không có thời gian, không có thời gian cả trong việc đầu tư vào cái công việc để làm văn chương.

- Hay là không có điều kiện gì khác?

- Cái chính là không có điều kiện về thời gian. Tôi chỉ có thời gian để ghi chép lại những gì mình đã chứng kiến, tôi cố gắng làm đến tối đa. Tôi phải làm thế nào để cho người ta đọc, và do đó mình phải có những định hướng nhất định, không thể làm ẩu, không thể vội vàng được. Mình đầu tư hết sức, trung thực hết sức để hướng tới người đọc, cái đó là cái quan trọng nhất. Cái thứ hai là cũng để nói lên cái điều mình muốn nói, chứ không phải nói sai đi.

- Không nói hết nhưng không nói sai?

- Tức là có những cái mình chưa nói được, nhưng những cái mình nói được nó cũng đúng với cái hiện thực của mình lúc đó. Tôi làm việc cũng không phải là với tư cách của một nhà văn lắm đâu, nói thực là thế, nó có những điểm khác. Tôi tự đặt cho tôi một nhiệm vụ hết sức vừa với sức mình, và nó vừa với điều kiện của mình, vừa với hoàn cảnh của mình. Cái thứ nhất là tôi viết về chiến tranh. Tôi muốn tái hiện cuộc chiến tranh và đã tự hỏi là, mình viết để làm gì? Với tôi, viết là để ghi lại, ghi lại sử sách. Và việc đầu tiên là mình phải trung thực. Có thể nhà văn chuyên nghiệp thì họ sẽ khác. Ngày xưa, có lần tôi đi công tác với anh Trần Dần. Anh ấy ghi chép “kinh” lắm, làm rất cẩn thận, thậm chí là trên đoạn đường đi ra Điện Biên, anh ấy đọc cho tôi nghe từng đoạn một. Anh ấy làm với ý thức của một nhà văn, có sáng tạo, có hư cấu, có dựng lại. Nhưng mà tôi thì chưa có cái ấy, tôi thì tôi có cái gì tôi ghi đúng như thế. Tôi vẫn cho là tôi có cái đặc biệt không giống một nhà văn lắm. Mình là một “người chứng”, nhưng công việc của mình là công việc sáng tạo, không phải ghi chép đơn thuần đâu.

- Trong dịp chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì nhà văn Hữu Mai càng trở nên nổi bật hơn với những tác phẩm ông đã thể hiện qua lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những ngày không thể nào quên, về những đoạn tiếp theo của Điện Biên Phủ... Cảm giác của ông trong một dịp lễ trọng, mà thực ra cuộc đời của chúng ta có khi chỉ trải qua được một lần lễ trọng như vậy, là như thế nào? Cảm giác thoả mãn là tôi đã sống trung thực với nghĩa vụ của một người chép sử hay là truyền cho “đồng chí Hữu Việt”  (nhà thơ Hữu Việt, con trai của nhà văn Hữu Mai - HTQ) một pháp y nào đấy để “đồng chí Hữu Việt” làm tiếp những điều mà nhà văn Hữu Mai chưa làm được trong thời ông đã sống?

- Mình lại rất ít khi nghĩ đến cái chuyện đấy! (Cười) Mình cứ nói rất thực nhé. Mình cũng đã trải qua rất nhiều cái kỷ niệm, 50 năm, 45 năm, 40 năm... thì mỗi dịp này gần như là mình ôn lại, vì thường thường mỗi dịp đó là phải hoàn thành một cuốn sách, tái bản một cuốn sách. Cái này thì đối với mình là bình thường, và gần đây là có nhiều người hỏi hơn, cái chuyện này là tự nhiên và mình ít nghĩ đến chuyện đó. Còn cái mà làm việc với anh Giáp thì đó là một nguyện vọng mà tôi có từ rất sớm. Tôi chuẩn bị một cách có ý thức, hoàn toàn với tư cách cá nhân mình thôi. Mình cho là viết về một cá nhân phải có cái sáng tạo như thế nào, và nếu thế hệ của mình không có điều kiện làm, thì mình phải ghi lại cho người khác. Nhưng mà cũng vẫn muốn trong thời gian mình ghi lại, không phải là mình ghi chép một cách đơn thuần mà nó vẫn là một cuốn sách. Tôi đã viết thử một lần, phần đầu cuốn Đất nước, tôi viết khoảng độ năm 1984, nhưng về sau không làm nữa, bây giờ thì nó cứ dở dang mãi. Lần đầu thì Vùng trời in 32.000 cuốn. Tôi định viết quyển thứ hai, Những lá thư, tôi định viết về toàn bộ cuộc chiến tranh, nhưng rốt cuộc cuộc chiến tranh này thì tôi biết là không thể viết ngay khi nó vừa kết thúc. Bởi vì tôi viết trong tư duy của người viết sử.

Tôi muốn tổng kết toàn bộ cuộc chiến tranh, tôi có tham vọng như thế, cho nên thời gian đầu tư vào quân sự của tôi rất nhiều. Cái này thì nhiều nhà văn không để ý. Nhưng tôi nghĩ là muốn hiểu về con người thì phải hiểu cái môi trường, hoàn cảnh chiến đấu của họ, kể cả toàn bộ diễn biến của cuộc chiến tranh, cách đối phó của ta thế nào... Tự tôi phải làm cái tổng kết, tự mình phải làm cái tổng kết cho riêng mình. Muốn làm được cái đó thì trước hết phải có độ lùi, nhưng tôi chưa có điều kiện làm cái này. Không ngờ anh Giáp lại trao cho tôi cái nhiệm vụ này, tôi làm qua anh ấy.

Trần Đăng Khoa có lần gặp tôi, bảo, cháu chán chú quá, sao mà lúc nào chú cũng “thể hiện, thể hiện” mãi, chú viết cho riêng chú đi! Mình không tiện nói nhưng thực tế nó là như thế này nhé. Thực tế là mình muốn làm một quyển sách như thế để cung cấp thôi, cung cấp một quãng thời gian nào đấy mà mình đã được sống, mà mình cho rằng đó là quãng thời gian rất quý. Tôi nhân việc anh Giáp giao nhiệm vụ thì tôi làm qua anh Giáp. Anh Giáp là người có thẩm quyền để nói, trước hết là những vấn đề về quân sự, và anh ấy là một cá nhân tiêu biểu. Anh Giáp cũng thể hiện được một phần cái mong muốn của mình, thế thôi, đến mức ấy thôi! Nếu anh muốn hỏi về nhân 50 năm này có cái gì thì thành ra nó cũng chỉ là sự trở lại, sự trở lại một lần nữa, công phu hơn, có sự chỉnh sửa cho đúng theo tình tiết của lịch sử. Mỗi lần như thế thì chỉnh lại một lần, cố hoàn thiện để ít nhất là nó trung thực, để người ta sau này với những cái đó có thể làm một cái gì mới. Đấy, suy nghĩ của mình như thế!

- Tức là nhìn từ một góc độ nào đấy công việc của người chép sử lại khó khăn hơn công việc của một nhà văn đích thực. Nhà văn viết một lần là trút một “hơi thở thiên nga” xong, còn nhà viết sử thì đôi khi chúng ta phải nhìn trên nhìn dưới nhìn bốn phương trời để làm sao tác phẩm của chúng ta vừa có ích cho thời chúng ta đang sống, và vừa không mâu thuẫn với mục tiêu vĩnh cửu của một kẻ sĩ. Tôi nghĩ như thế liệu có đúng không?

- Ngày đầu tiên khi tôi viết xong cái Cao điểm cuối cùng, hồi đó cũng có những người bảo là, Hữu Mai viết nó ngồn ngộn những sự kiện. Có những người nói theo một cách khác rằng, đấy là một nhà văn người thực việc thực. Mình thấy thế này, không có gì sai. Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi viết người thực việc thực là vì tôi chọn “con đường thánh giá”, con đường gian khổ nhất! Nếu tôi là người hư cấu, tôi chỉ mượn một ý thôi, nhưng tôi không làm cái việc ấy, vì cái đấy không hoàn toàn là sự thực. Để tìm hiểu sự thực thì từ một chiến dịch, tới những con người đã tham gia chiến dịch đó, tôi tìm sự thực như thế, và tôi tìm một cách công phu, không phải một năm mà nhiều năm. Có những quyển như Cuộc chiến đấu trong vòng vây (hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất bản năm1995 - HTQ), tôi viết mất 15 năm. Đợt đầu tôi viết cho anh  Giáp thì chỉ viết trong vòng 1 tháng thôi tại Điện Biên Phủ. Sau đấy anh ấy có ghi lại cho mình 1 cuốn làm kỷ niệm, anh ấy ghi lại “Tặng Hữu Mai, một mối duyên nợ văn chương đầy hứa hẹn!”. Tức là anh ấy cảm ơn, một cái nhìn như thế! Về sau thì mình lao vào nhiều việc, 10 năm sau cuộc chiến tranh thì tôi mới gặp anh ấy. Anh ấy bảo, Điện Biên Phủ là kết quả cuối cùng của cả cuộc kháng chiến. Mà đây không phải là cuộc kháng chiến chống Pháp. Nên bây giờ mình phải đứng từ cái nhìn sau bao nhiêu năm chiến tranh: anh nghiên cứu đi, anh ra một cuốn tiểu thuyết đi!

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhân vật đặc biệt của lịch sử, không chỉ đặc biệt với dân tộc ta mà còn cả đối với thế giới. Chúng ta viết rất nhiều về ông, và nhiều người cảm thấy chúng ta đang viết về một Đại tướng mà chưa viết về một nhân vật, một số phận con người. Ông có đồng ý với ý kiến này của bạn đọc không, rằng văn học của chúng ta mới viết về Võ Nguyên Giáp như một Đại tướng của những trận đánh, một chiến dịch nào đó mà chúng ta chưa viết về ông như một thân phận, một con người?

- Đấy, cái này rơi vào một cái: tôi không phải là không có ý đồ làm văn chương đâu, nhưng mà tôi nghĩ cái điều kiện thời gian chưa có nhiều để làm. Trước mắt là mình làm một mặt đã, nhưng mà thực tế ra tôi có thể viết về cuộc đời anh Văn không chỉ thế. Nhưng tôi đang làm cái mình đã dự định làm là cái sẽ để cho lịch sử, và cái đấy cũng mất nhiều tâm huyết lắm. Nó khó hơn cái sáng tác nhiều, tôi nghĩ như thế! Anh có thể dựa vào anh, vào cái suy nghĩ riêng của anh, thế nhưng mà mỗi một cuộc chiến tranh nó có những cái đặc thù. Đến hôm nay tôi có thể nói với các bạn, cái cuộc chiến tranh này đặc thù của nó đã ở cái mức độ vượt lên mọi sức tưởng tượng của nhà văn. Có thể một người cũng viết được, như Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh, nhưng mà tàn cuộc thì nó không phải như thế. Nó phải nhiều thứ lắm, nhìn trước nhìn sau, nhìn Đông nhìn Tây, và phải có một cái phát hiện cơ. Mình phải vừa đi sâu để phát hiện, vừa phải làm sao để đúng sự thật nữa cơ. Mọi người đều có thể nói rõ về anh thì anh là nhà văn rồi, không cần đến tôi nữa. Nhưng bây giờ người ta không thể nói về người ta được, cái đấy thì buộc mình phải khám phá. Ông Vũ Ngọc Nhạ, tôi viết về ông ấy suốt đời mà ông ấy không kể với tôi một lần nào cả, ông ấy chỉ cung cấp hồ sơ. Cái này nói vui, chẳng lên báo làm gì, có người nói chuyện với ông Nhạ mới bảo, ông nói với ông Hữu Mai cái gì mà nói lắm thế, thì ông ấy đáp: “Tôi không hề nói chuyện với anh ấy bao giờ mà tôi chỉ cung cấp tài liệu, mà tôi cũng không ngờ anh ấy viết được, anh ấy chỉ đọc tài liệu”. Vấn đề là nó ở cái đó, có những phần tôi chưa làm được hay là tôi chưa có điều kiện để làm, chứ không phải là tôi không nhìn ra hay không quan tâm...

- Tức là với quan niệm như ông vừa bộc lộ, thì người ta có quyền kỳ vọng ở nhà văn Hữu Mai là mọi chuyện không chỉ dừng lại ở những dòng chữ đang viết. Và chắc chắn là lần hiệu đính sau cùng của nhà văn Hữu Mai với những tác phẩm của ông thể hiện hay ông viết thì đấy sẽ là một tiếng nói gần với chân lý nhất! Liệu có đúng như vậy không?

- Nó là thế này: chân lý nó có nhiều cấp độ, mà mình chỉ có thể tiếp cận nó dần dần thôi chứ không phải một lúc là đến chân lý. Có khi nó đến rất sớm, có khi nó đến rất muộn, tôi phải giải quyết ở từng mức một, hiện nay chỉ đang giải quyết ở phạm vi nào. Nhưng mà những cái tôi giải quyết tuyệt đối không mâu thuẫn với những gì tôi đã viết.

- Đó là sự phát triển?

- Ờ, đó là tôi viết về một mặt nào đó, còn có những mặt khác, có những mặt về con người thì những mảng miếng nó còn sâu xa hơn. Có những cái tôi chưa đụng tới, chưa có điều kiện chứ không phải chưa đụng tới. Bây giờ làm xong cái đấy đi đã, tôi làm từng chủ đề một. Đấy, cách làm việc nó như thế. Cái sau nếu có làm được thì nó bổ sung cho cái trước, bổ sung cho đầy đủ hơn chứ cái đó không phải là chân lý.

- Mặc dù không đánh giá thấp tác phẩm “Vùng trời” của nhà văn Hữu Mai, nhưng phải nói thực là, trong mắt một số độc giả, nhà văn Hữu Mai hiện lên như là nhà văn của tiểu thuyết tư liệu. Xin hỏi thật ông, có bao giờ trong tác phẩm của ông đã là người thực mà việc chưa thực không?

- Thế là như thế nào?

- Tức là nhân vật thì thực, nhưng sự việc nêu ra không hẳn đã là thực. Suy cho cùng, mỗi một con người, một nhân vật nó chỉ có một hành động bộc lộ đúng bản chất của con người  đó, nhân vật đó. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng nói được điều này ra?

- Mình thì mình có một nguyên tắc thế này: cuộc chiến tranh nó có rất nhiều đặc thù mà người ta chỉ có thể tìm hiểu được khi đi sâu vào nó, khám phá nó... Lúc mình viết thì mình rất trung thành với cái đó, kể cả sự kiện và con người. Trong quyển Vùng trời thì những trận đánh nó diễn biến gần đúng như thực, người ta xem người ta biết trận nào. Bây giờ có quyển in bằng tiếng Anh đây,  tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng. Nhà sử học Mỹ Bernard Fall đã trích ra từng đoạn một, mà lại trích nguyên văn từng đoạn rất dài. Rồi bình luận: cái ông nhà văn này không phải là một cái anh ba hoa, mà đây, cái chuyện này là đúng sự thực, nó xảy ra vào giờ phút này, người nào lái chiếc máy bay, cái máy bay ấy bị bao nhiêu vết đạn... Ông ấy viết như thế, và tôi trung thành với cái đó. Tôi chả dại bịa ra làm gì. Bối cảnh nó có sẵn rồi, nó sinh động đến như thế. Con người tôi cũng chọn, và có thể nói đến bây giờ thì tất cả những cái tôi viết ra đều có nguyên mẫu, và tôi cố gắng để đúng cái nguyên mẫu đó. Nhưng nếu nói tôi hoàn toàn lệ thuộc vào nguyên mẫu rồi chép lại chuyện đời họ thì không phải, bởi vì cái nguyên mẫu này đã bị mình khám phá rồi, nó không còn giống với cái vỏ bên ngoài.

Tôi nói trường hợp này, vừa qua nó có xảy ra cái chuyện một nhân vật trong tác phẩm Cao điểm cuối cùng tên là Quế Vinh ấy. Khi mà quyển sách ra đời thì có một đồng chí cũng rất thân với tôi, bây giờ là cán bộ cao cấp lắm, viết một bài báo, đồng chí bảo là, nhân vật như Quế Vinh có thể là chiến sĩ Điện Biên Phủ không? Thì Dũng Hà, là người đánh nhau ở Điện Biên Phủ, bảo đây đúng là người ở Điện Biên Phủ, bởi vì cái anh này là anh hết sức dũng cảm, nổi tiếng dũng cảm. Mà ngay cả cái cậu Lê Hợi cũng bảo cái anh tiểu tư sản cũng có những lúc rất dũng cảm, cũng phục cậu này. Nhưng trong quyển sách lúc mình viết thì nó lại khác hẳn, tức là có mặt anh dũng, nhưng có cái mặt bên trong lôi thôi lắm. Thế sau mình cũng không dám gặp tay này. Như thế là 40 năm mình không gặp tay này, sợ nó giận. Thế hôm vừa rồi mới tổ chức giao lưu quân đội thì mọi người mới hỏi là cái nhân vật này là ai? Thế mình mới nói là đây chính là đồng chí Dũng Chi, sau là thiếu tướng Dũng Chi. Hôm đó thì cái cô dẫn chương trình, cô ấy mới hỏi tôi là thế hôm nay bác có muốn gặp nhân vật của bác không, có gặp anh Dũng Chi không?

Tôi nói thực là 40 năm nay tôi chưa gặp lại vì tôi sợ ông ấy giận, bởi vì không bao giờ tôi muốn làm những gì phật lòng những nhân vật của tôi. Những người tôi chọn đều là những nhân vật tốt rồi, tiêu biểu tôi mới viết, mình muốn chọn những gì nó là tiêu biểu của cuộc chiến tranh, viết những gì nó khác, khác với những gì người ta biết ngoài đời. Cô ấy mới hỏi, bây giờ bác gặp nhân vật của bác, bác có nhận ra không? Tôi bảo, làm sao mà không nhận ra được, nhân vật của tôi mà! Thế thì anh Dũng Chi từ dưới anh đi lên.

Dũng Chi nói: “Tôi chính là Quế Vinh ở trong Cao điểm cuối cùng, và trong Cao điểm cuối cùng, nhà văn Hữu Mai miêu tả tôi đúng từ hành động, việc làm, đến con người, tính cách, cách đi đứng, cách nói. Đúng là của tôi! Ở trong này thì nhà văn Hữu Mai có hư cấu thêm một số chi tiết không nhiều, nhưng mà tôi nghĩ đây là những chi tiết cần thiết để nói lên cái bản chất của một anh cán bộ tiểu tư sản. Có anh cán bộ tiểu tư sản nào trong những lúc chiến đấu ác liệt như thế lại không có những phút dao động?”.

Cô dẫn chương trình có nói là, có lẽ ai cũng biết bác, nhưng cháu nghĩ là qua việc bác Hữu Mai đưa lên Cao điểm cuối cùng thì có lẽ nó sẽ sống mãi, chúng cháu thấy đây đúng là một nhân vật dũng cảm, hào hoa. Cô ấy hỏi, thế bác có giận bác Hữu Mai không? Ông ấy bảo, không, chính tôi đến đây là để cảm ơn. Thế đấy, cái tôi sáng tạo trên trang viết nó ở mức như thế, tôi không làm cái gì hơn cả. Còn tất nhiên là một cuốn sách thì không bao giờ nó trùng khớp hoàn toàn với sự thật ngoài đời. Mình phải làm nhiều chứ, có khi từ cái nhân vật nọ nhân vật kia hành động, mình sắp đặt nhưng mình chủ yếu là cái việc làm, cái thành công của anh nào là đúng của anh ấy, mình có thêm những chi tiết không quan trọng lắm nhưng mà nó phải như là cùng máu thì nó mới hay. Có những cái mình chuyển chỗ, nhưng cũng có cái mình thêm nhưng những người trong cuộc, người ta chấp nhận.

- Tức là nhà văn nào cũng say mê hình tượng nhân vật của mình, ngay cả cái sự hoàn mỹ, hoàn thiện, phát triển theo đúng logic của mình nghĩ về nhân vật. Nhưng liệu có bao giờ trong đời ông bị ân hận là vì đôi khi mình quá say mê cái sự phát triển đúng logic ấy mà mình đã vô ý làm “vấy bùn” lên chính những con người thực trong đời mà chính họ không như thế hẳn? Mình vì một cái sự hoàn thiện để phát triển, mình đã thêm vào và hơi bôi nhọ họ một tý, và đó trở thành vết thương lòng không thể nào quên đến cuối đời của họ?

- Tức là đã nói đến cái sự thật ấy là mình không thể nói sự thật một mặt. Tôi không phải là người ca ngợi một chiều, mà nếu các anh theo dõi tôi thì thấy tôi là người đầu tiên viết về cái tiêu cực trong đội ngũ cán bộ quân đội. Chưa anh nào mà dám viết đến một cái anh cán bộ sa ngã trong quân đội. Tôi là người đầu tiên viết, từ tận trong chiến tranh, hồi đó là Những ngày bão táp. Còn trong Cao điểm cuối cùng thì cho đến bây giờ các anh cũng chưa đọc trong một cuốn sách nào của ta mà lại có một cán bộ tiểu đoàn bỏ chạy trong chiến đấu. Tôi viết. Tôi thì bao giờ cũng trung thành với nhân vật của mình, tôi không bao giờ bôi bẩn họ, tôi coi đấy như trách nhiệm, và vì vậy tôi vừa kể cho anh cái trường hợp 40 năm kia. Thế thì mình cũng chỉ làm đến mức ấy thôi. Không phải do có thế lực nào mà đây là mình cần cho chủ đề. Nó như thế mà không phải như thế này. Chính nhân vật trong cuộc của tôi là như thế, và mình giải toả được cái cách đây 40 năm.

- Mình tưởng là mình phát triển quá đi, hoá ra...

- Người ta chấp nhận, và mình cũng làm đến thế thôi, chứ mình không làm quá đi.

- Ông có bao giờ nghĩ rằng vì chính cái sự đủ độ ấy của ông mà làm cho nhân vật ấy không thể sống mãi được không? Bởi vì văn học đôi khi nó là sự nói quá lên?

- Mình không nghĩ đến chuyện đó, vì mình muốn cung cấp lại cho cái người đọc về lâu dài một bức tranh mà theo mình là trung thực nhất. Còn người ta sáng tạo, người ta hư cấu cái gì đấy là quyền của người ta, mình chưa nghĩ đến chuyện đấy!

- Chiến công của Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ là cực kỳ ở cấp độ cao và công lao vô cùng lớn. Có thể coi là sự oái oăm chăng nhưng cũng hợp với logic đời thường khi mà người ta biết nhiều đến chiến công của Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ lại chính qua tác phẩm “Ông Cố vấn” của Hữu Mai, thậm chí tác phẩm này đã được dịch ra tiếng nước ngoài và tác giả đã từng được đi dự hội nghị của những nhà văn viết truyện trinh thám? Tức là nhờ Hữu Mai, Vũ Ngọc Nhạ đã trở thành một điệp viên có tầm cỡ quốc tế ở phương diện nào đấy! Theo ông, khi ông Vũ Ngọc Nhạ đã mất rồi, ông có cảm giác rằng cuộc sống của một điệp viên nhìn từ góc độ khách quan nhất thì có phải là một cuộc đáng ghen tỵ không, hay là cuộc sống điệp viên bao giờ cũng có những sự hy sinh rất u uẩn nào đấy và chúng ta hãy thương cảm họ hơn là vỗ tay một cách nồng nhiệt? Ông viết chừng ấy sách, ông có cảm thấy là nỗi đau nào rất khó diễn tả thành lời của những điệp viên, kể cả một điệp viên thượng thặng như Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ?

- Cuộc đời mình gặp nhiều điệp viên, và tôi viết về anh Nhạ cũng không phải viết về riêng anh Nhạ mà về cuộc đời nhiều điệp viên, mà nhất là những điệp viên nằm sâu trong lòng địch. Có một cái điều mà gần như thấm nhất là khi người nào trở về cũng nói là: không bao giờ để con cái mình đi làm cái nghề này! Nó bạc bẽo! Mà thành nguyên tắc rồi, trong thực tế là có những người bị bắt, sau nó cài lại mà mình chết dở với nó. Anh đã đi làm như thế, mà anh đã bị bắt, mà mình không chứng minh được rõ thì bị thiệt thòi.

- Không buộc tội nhưng cũng không thể dùng được nữa?

- Không buộc tội, không có cơ sở để buộc tội, nhưng cái nghề này thì cũng không có cơ sở để chứng minh. Cái này đối với những người làm tình báo là cái hy sinh rất lớn. Tôi viết sách và tôi chia sẻ một phần với anh Nhạ. Hy sinh đến mức độ mà đến cuối cùng, làm được chiến công như thế nhưng anh ấy không tự kể với tôi câu nào, anh ấy chỉ đưa cho tôi tập hồ sơ...

H.T.Q.
.
.