Nhà văn Anh Đức: Ở gấp khúc vô thường
Sài Gòn tháng sáu mưa nhiều. Phố nhà ông không đông người qua, căn nhà ngập trong cảm giác tĩnh lặng, nghe được cả tiếng nước xối trên mái. Vợ ông, bà Trần Thúc Mộng Loan, người phụ nữ ngoại lục tuần nhưng vẫn đẹp mặn mòi, mở cửa cho khách. Bà nói, đã lâu mới được nghe giọng Bắc. Bà cũng nói giọng Bắc. Còn ông thì mủm mỉm cười, ngồi uống nước trắng trong phòng khách chờ tôi.
Như thể chưa từng có cơn bạo bệnh kỳ lạ qua đời ông trong suốt 4 năm. Và như thể, bà chưa từng phải nín thở nhìn ông đi qua nhiều ngày trong hôn mê sâu, hy vọng phép thần tiên đến với người đàn ông của mình. Với nhà văn Anh Đức, sau cuộc "tái sinh", ông chỉ có một ước ao được trở lại rừng, thăm lại Hà Nội và gặp được những người quen. Mọi danh lợi giờ có lẽ chẳng có gì đáng giá so với khát vọng ấy. Đời người như dòng chảy, và ông vừa đi qua một gấp khúc vô thường…
Bà Loan pha trà mời khách. Cô gái đẹp phố Hàng Gà (Hà Nội) năm xưa vẫn giữ được nét thanh lịch cũ. Bà nói, lâu lắm rồi mới cho ông gặp gỡ báo chí. Phần vì ông mệt, phần vì không muốn hình ảnh của ông trên báo trở nên thê lương, như thể phải có cơn bạo bệnh và hồi tỉnh thần kỳ thì người ta mới nhớ tới ông là ai.
Bà, trước hết và sau cùng, vẫn muốn hình ảnh của nhà văn Anh Đức xuất hiện trên các diễn đàn văn học và trên những tác phẩm của ông như lâu nay.
Từ khi dính cơn bạo bệnh, ông ngừng viết. Ông cũng vốn là người viết chậm. Mỗi tác phẩm thường dày công và kỹ càng. Anh Đức không vội với tác phẩm của mình. Thế nên không lạ khi "Chuyện chép ở bệnh viện", "Hòn Đất"… đều là những cuốn sách kỹ lưỡng.
Anh Đức thuộc lớp nhà văn chăm chỉ, cần mẫn với những trang giấy trắng. Trên đó, ông thảo ra những ý tưởng. Rồi chép lại. Và bản thảo tác phẩm hoàn thành là một bản thảo được chép đi chép lại nhiều lần. Rất nhiều trang bản thảo đẹp đẽ, không một lỗi chính tả vẫn được bà Loan giữ lại. Chỉn chu, có lẽ từ này với Anh Đức là một từ chính xác…
Cơn bạo bệnh đến vào một ngày bất chợt. Căn nhà của ông bà trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1 đang được sửa chữa, mọi việc rối tung lên. Bà và cậu con trai phải thay nhau chăm sóc ông trong bệnh viện với niềm tin rất mong manh. Rất nhiều bệnh nhân giường bên cạnh tình trạng nhẹ hơn ông, sau một thời gian nằm viện cũng lặng lẽ ra đi.
Nhưng vào ngày thứ 14, ông đã mở mắt, điều đó khiến chính các bác sỹ điều trị cũng phải ngạc nhiên. Đây là một trường hợp hy hữu. Như thể có phép lạ mang ông trở lại với cuộc sống. Và những ngày trường kỳ sau đó, bà phải thuê một cậu thanh niên hai chục tuổi để cõng ông trên những bậc cầu thang. Còn bà chăm sóc, tắm rửa, bón cháo cho ông.
Như cái cây sau cơn bão lớn, ông cũng lần hồi tìm lại cảm giác của từng bộ phận trên cơ thể mình. Mọi thứ đến chậm rãi, trong cả sự mệt mỏi. Nhưng mỗi khi ông bước thêm được một bước, những người thân của ông như tìm thấy thêm được một sức mạnh.
Giờ thì mỗi sáng bà đi chợ nấu cơm cho ông, làm canh chua, những món cá mà ông thích, mua cho ông vài tờ nhật báo và dặn ông uống thuốc đúng giờ. Cuộc sống của bà, về cơ bản, trong suốt cuộc đời từ chiến tranh cho đến hòa bình, từ ở rừng cho đến khi về thành phố, vẫn là những ngày chăm sóc chồng, con. Và với bà Loan, sống như vậy cũng là điều hạnh phúc.
Bà kể, bà vừa nghe điện thoại của bé Thủy trong phim "Chị Tư Hậu", tức là nguyên mẫu nhân vật trong "Chuyện chép ở bệnh viện" của ông. Giờ bé Thủy đã trở thành một người phụ nữ trung niên, còn chị Tư Hậu thì đã mất từ lâu lắm. Nhưng chị Thủy vẫn chăm sóc cha mình hằng ngày, như bà chăm sóc ông. Chỉ có điều phép lạ không đến với cha chị như đã từng đến với nhà văn Anh Đức. Chị thường xuyên gọi điện hỏi thăm ông bà. Và có lẽ, sự hồi tỉnh của ông như một phương thuốc cứu vớt niềm hy vọng đang nguội dần trong chị về sự tiến triển sức khỏe của cha mình…
Nhà văn Anh Đức làm ở Hội Nhà văn khá lâu, từ thời trẻ cho đến khi về hưu. Nhưng ông không thuộc diện nhiều bạn. Ông không biết uống bia rượu, hai cha con ông chia nhau một lon bia mà mặt cả hai cha con cùng đỏ bừng. Và ông không có niềm vui tiệc tùng. Cuộc sống của ông vốn trầm lặng.
Đời nhà văn, những phút tưng bừng ở những đám đông hội hè, đình đám thường chỉ là cái phút chốc. Còn lại, ai mà có ý định viết nghiêm túc, cũng đều phải độc hành với trang giấy.
Hành trang văn chương của Anh Đức, nếu chỉ nhìn vào tuyển tập của ông được NXB Hội Nhà văn in 2001, cũng đã lên tới hơn 2.000 trang. Đó là chưa kể những bản thảo viết tay, những tác phẩm in báo rải rác mà ông chưa gom lại. Và cả những bản thảo mất mát từ những năm sống ở rừng… --PageBreak--
2.000 trang sách có thể là không quá nhiều với một đời văn dài. Nhưng nó không phải là con số đánh giá tầm cỡ một nhà văn lớn. Nhà văn Anh Đức ở lại trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Và tên ông được nhắc trong sách giáo khoa. Tác phẩm của ông không toàn bích, nó nằm trong dòng văn học cách mạng, nhưng đó là những tác phẩm tiêu biểu cho một giai đoạn văn học. Chính vì những điều ấy, có thể coi đời văn của Anh Đức đã hoàn thành từ lâu rồi.
Những năm sau này ông ít viết, ông làm công tác Hội và làm tạp chí Văn. Ông nói, mình thích viết những điều tử tế, nhưng giờ sức yếu quá rồi, không nói được điều gì. Nhưng nếu khỏe hơn, mình sẽ viết trở lại. Ngồi nhà đọc báo hoài, cũng thấy muốn viết cái gì đó.
Anh Đức nằm trong số không ít những người viết văn trưởng thành trong kháng chiến và trở thành quan chức văn nghệ trong thời bình. Ở một mặt nào đó, đây sẽ là điều hạn chế cho nghiệp viết. Công việc quản lý, điều hành hoàn toàn khác cuộc chơi phóng khoáng trên bàn viết. Và hơn thế, quan chức văn nghệ sẽ dính nhiều điều tiếng. Nhà văn Anh Đức từng bị tiếng là người "theo trường phái bảo thủ", chưa thực sự chấp nhận những xu hướng cách tân trong văn chương.
Thực chất, với những người như Anh Đức, không phải không chấp nhận những xu hướng mới, mà ông không tìm ra được những cách tân thực sự trong những cái gọi là cách tân. Những va chạm về quan điểm như thế có lẽ là thường xảy ra trong đời sống văn nghệ. Nhưng không phải ai cũng hiểu cho ông điều ấy. Không phải ai cũng hiểu được cái khó của một người làm công việc thẩm định văn chương ở Việt
Mấy năm trước, trước khi ông bị bệnh, ông vẫn còn làm việc tại Hội Nhà văn, khi ông vẫn còn tham gia vào Hội đồng Văn xuôi, tham gia chấm và thẩm định nhiều cuộc thi sáng tác, ông còn từng bị tin đồn "kỳ thị Bắc - Nam". Có người nói, ông không thích người miền Bắc và không thích những nhà văn Hà Nội.
Có lẽ, khi đưa ra thông tin ấy, ít ai biết nhà văn Anh Đức đã sống rất nhiều năm ở Hà Nội, đủ thời gian yêu và cưới một cô gái Hà Nội gốc, sống chung mấy chục năm. Khi còn khỏe mạnh, năm nào ông cũng ra Hà Nội nhiều lần, vì công việc cũng có, mà vì những cảm giác được gặp lại thành phố này cũng nhiều.
Hà Nội cho ông cảm giác dễ chịu kỳ lạ. Ông thường làm việc xong là về nhà mẹ vợ, sống trên căn gác cũ của vợ ngày xưa. Và ông đã có những bài tùy bút viết về Hà Nội. Chính trong lòng Hà Nội, ông mới có những bạn văn thân thiết, chia sẻ được nhiều điều...
Ở Sài Gòn, những người như vợ chồng nhà văn Anh Đức không phải lớp người giàu. Cuộc sống của hai công chức nhà nước về hưu, có thể dùng từ "tùng tiệm". Ngay cả những ngày còn đang làm việc, họ cũng sống như những người bình dân nhất.
Bà Loan nói, ở rừng cực khổ quen, sau khi giải phóng về, được sống thoải mái hơn, tự dưng thấy lạ. Những năm bao cấp khó khăn, nhưng mình lại đã thấy quen và mọi thứ đều đi qua hết. Giờ cuộc sống thay đổi nhiều thì mình lại chẳng có nhu cầu gì nhiều.
Thực ra đã có những lúc khó khăn trong cuộc sống của họ. Khi hóa giá được căn nhà mặt phố Nguyễn Văn Thủ, bà muốn ngăn ra để cho thuê mặt tiền, nhằm kiếm thêm tiền đi chợ. Nhưng ông kiên quyết từ chối vì "sống ở rừng cực quá rồi, giờ ở nhà rộng cho thoải mái". Nhưng về sau, cuộc sống khó khăn hơn cộng với việc học hành của các con, sinh hoạt cũng đắt đỏ dần, bà đã chia biệt lập mặt tiền với các phòng trong nhà, cho một văn phòng du lịch thuê. Và đến giờ, ngoài lương hưu thì khoản cho thuê nhà là thu nhập chính của ông bà. Và mọi thứ vẫn ổn, theo cách mà ông bà mong muốn…
Nhà văn Anh Đức rất thích nói chuyện, nhưng ông thường nói chậm, bị nặng tai và câu chuyện không mạch lạc. Tôi hỏi ông, hiện tại ông ước mong điều gì nhất? Ông suy nghĩ một lúc, rồi nói, có lẽ mơ ước là được khỏe hơn để đi được nhiều hơn. Ông muốn đưa vợ về Hà Nội thăm gia đình và bạn bè. Rồi thăm lại chiến trường xưa…
"Ông Nguyễn Khải bữa trước ghé thăm tôi, cũng nói chuyện nhiều lắm. Ông ấy mạnh hơn tôi nhiều chứ. Vậy mà mấy bữa sau ông ấy đi rồi. Lớp chúng tôi là lớp người già, chẳng biết sống chết ra sao, nên làm được gì thì làm thôi" - ông nói.
Có lẽ, sau cơn bạo bệnh, hơn ai hết, nhà văn Anh Đức nhận ra được giá trị của thời gian. Và sau mọi sự, khao khát sống vẫn còn mãnh liệt trong ông. Và ông biết ơn người vợ bé nhỏ của mình. Ông, sau gấp khúc vô thường, cái lớn nhất ông còn lại, đó chính là tình yêu. Họ đã sống và yêu nhau không bằng bất cứ điều kiện nào