Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thợ cày không trâu

Thứ Sáu, 31/08/2012, 10:35
Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đã nhiều năm nay, khi được trao nhiều trọng trách quan trọng của một người làm quản lý tại Đài Tiếng nói Việt Nam, “lão” luôn đi sớm về muộn, bận rộn với trăm công ngàn việc lớn nhỏ khiến thời gian dành cho những việc trà dư tửu hậu, những câu chuyện tầm phào với văn chương, la cà đó đây cùng bạn hữu dường như là một điều xa xỉ.

 Và để có cuộc phỏng vấn này, không biết tôi đã phải mất bao nhiêu cuộc điện thoại hẹn hò cùng lão, rồi đến khi thấy không thể “đến hẹn lại lên” mà gặp lão được, tôi ngồi chờ lão đến tận sáu giờ chiều tại quán cà phê trên tòa nhà cao nhất của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Căn phòng của ông Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, rộng rãi, tĩnh lặng và có một tầm nhìn thoáng đãng trên tầng 4 của tòa nhà ở phố Quán Sứ. Căn phòng đẹp còn thơm mùi gỗ. Một chiếc bàn làm việc, một giá sách dài, một chiếc bàn chè tiếp khách, một bình cây sum suê để làm dịu mắt mỗi khi lão chong chong với cái màn hình máy tính. Căn phòng của lão giản đơn đến nỗi, tôi có cảm giác thiêu thiếu cái gì đó trên bốn bức tường: không tranh ảnh, không lịch, không đồng hồ, không những đồ vật kỷ niệm… Tôi nói đùa với lão, ngồi trong căn phòng này, nếu không có tấm kính tường trong suốt nhìn ra không gian bên ngoài để biết trời đã chuyển sáng hay tối, có lẽ, người ta nghĩ rằng, thời gian đang ngừng trôi.

Dạo này, lão Khoa có nhiều thay đổi. Những đổi thay từ ngoại cảnh tác động đến lão và những đổi thay trong cách lão nhìn nhận cuộc đời. Bởi thế mà dạo này, lão chơi Blog. Blog của lão có lượt truy cập nhiều hơn vài tờ báo điện tử nhỏ, comment thì nhiều vô kể, và ngạc nhiên hơn, là lão có đủ thời gian để trả lời tất cả mọi cái comment lớn nhỏ của bạn hữu xa gần, của người quen và của cả người không quen. Những cái comment chân chất, dí dỏm và đầy trách nhiệm của những người quan tâm đến những điều lão Khoa suy nghĩ, viết ra, không ngại ngần cho đăng tải và cả những lời đáp trả đầy nhiệt tình, không né tránh, nhìn thẳng, nhìn sâu vào từng lớp lang của sự thật (có thể khiến ai đó mất lòng). Điều mà một số thời gian trước nay, người ta có thể nghe đâu đó trong các cuộc luận bàn, song chưa bao giờ được thấy bằng bút tích của lão nhà thơ vốn được coi là khôn lỏi nhất nhì làng thơ Việt Nam.

Hỏi về điều này, lão Khoa thủng thẳng: “Thì cũng phải có lúc nói chứ thím. Có quá nhiều bất cập trong xã hội đương đại mà mình không nói mình thành kẻ bất lương. Nói để ít ra những người đồng cảm với quan điểm của mình có cái mà bàn, mà trao đổi, để từ đó giúp cải thiện được chút nào thì cải thiện cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Qua Blog lão Khoa, mới thấy rằng, đôi khi, những tưởng lão sớm tối được đưa đón bằng xe ô tô, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu thì lão ít quan tâm đến vấn đề của thiên hạ. Hóa ra không phải thế, lão nghĩ nhiều, quan sát nhiều, bởi vì hầu hết những bài đăng tải trên Blog đều dưới dạng nhật ký, nghĩ gì viết nấy, nghĩ thường xuyên, viết thường xuyên, viết đầy cởi mở với những quan điểm sâu sắc của một công dân có trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, của con người, của sự lệch lạc văn hóa, tri thức… Ở đó, có một Trần Đăng Khoa khác Trần Đăng Khoa nhà thơ thần đồng mà thiên hạ vẫn đóng đinh cho lão ở cái độ tuổi lên tám, lên mười, với những bài thơ về hoa cỏ, về trăng sao, loài vật… Ở đó, có một Trần Đăng Khoa đầy đắng đót trước những đổi thay chóng mặt của những điều tân tiến và cả những thứ xuống cấp không đỡ lại được của con người mà khi ngẫm ra, lão chỉ buông những tiếng thở dài đầy bất lực, chua xót.

Lão bảo, cũng may, thời gian gần đây, khi không phải làm công tác chuyên môn, lão mới có thời gian dành cho việc viết lách. Bây giờ, một tuần lão có ít nhất 4 tờ báo đặt hàng thường xuyên phải… trả nợ. Mà tính lão, kể cả thơ, chứ không nói gì đến những bài báo, phải nước đến chân mới nhảy. Báo người ta bắt đầu lên khuôn rồi, lão mới cầm bút viết bài. Và dù bài ngắn bài dài thế nào, cũng nhoáng một cái là xong, đúng tiêu chí, đủ độ hay và hầu như không phải sửa chữa. Bởi thế, lão bảo, lão hoàn toàn khâm phục những người có những bài báo… để dành dùng dần khi cần thiết. Nói đến đây, lão nhớ lại, hình như phong cách này đã được định hình từ ngày lão bắt đầu tập tọe làm thơ.

Thuở cậu bé Trần Đăng Khoa bắt đầu có tên tuổi, người ta thậm chí hồ nghi cậu “thuổng” thơ của người anh trai là nhà thơ Trần Nhuận Minh (dù thời điểm ấy nhà thơ Trần Nhuận Minh đang dạy học ở Quảng Ninh), nên, để chứng minh thơ ấy đích thực của Trần Đăng Khoa, thì người ta lặn lội về tận Hải Dương để ra đề cho cậu làm thơ tại trận: Em hãy làm bài thơ về cây trầu? Em hãy làm bài thơ về hạt gạo? Em hãy làm bài thơ về mẹ?... Và ngay tức khắc, cậu Khoa có thơ. Có lần, bác Lê Hào, Trưởng Ty Giáo dục Hải Dương đến thăm nhà Trần Đăng Khoa, thấy cả nhà buồn bã như bị mất sổ gạo, hỏi ra mới biết, con chó yêu quý đã bị bắt trộm. Thấy vậy, ông bèn thử tài cậu Khoa: “Cháu hãy làm thơ về việc bị mất chó!”. Vậy là bài thơ Sao không về Vàng ơi? ra đời. Chính được thử tài từ năm 8 tuổi nên, Trần Đăng Khoa bảo rằng, nếu bây giờ, “nhốt” các nhà thơ Việt Nam vào một phòng ra đề thơ làm trong vòng 15 phút thì chắc chắn: “Tôi sẽ là nhà vô địch” - Trần Đăng Khoa nói chắc như đinh đóng cột.

Nhân nhắc về nhà thơ Trần Nhuận Minh, tôi hỏi lão Khoa: “Anh có thường chuyện trò với anh trai mình và anh nhận xét thế nào về sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Trần Nhuận Minh?”. Lão Khoa nghĩ chốc lát rồi đáp: “Tôi vẫn nói với anh ấy, viết thế này đâu đã phải là anh. Mà viết mãi như thế này, anh cũng không thêm được cái gì!”. “Vậy anh muốn anh ấy phải viết như thế nào?”. “Anh ấy có thể làm được những gì hơn thế. Con đường dài nhất là đến với chính mình, tìm thấy chính mình. Ai cũng thế cả!”.

Tôi thì cho rằng, sự nổi tiếng quá sớm của Trần Đăng Khoa, sự khôn khéo trong từng đường đi nước bước với thời cuộc, cả sự láu lỉnh của một người biết hóa giải những điều may rủi trong cuộc sống để nhích dần từng bước vững chãi, chắc chắn và quyết đoán trên con đường công danh, sự nghiệp đã khiến Trần Đăng Khoa “được” nhiều hơn người anh trai của mình. Dù có lần, để “bênh” ông em trai, nhà thơ Trần Nhuận Minh đã lý giải: “Mâm cỗ đóng 6, thời bao cấp đói kém, còn bao người chưa đến lượt ăn, làm sao 2 anh em ngồi cùng một mâm được. Mình cũng phải tự biết điều chứ. Thằng em được ăn, đã là may rồi, thằng anh phải vui vẻ lánh xa, rồi phấn khởi ra về thổi lấy cơm mà chén chứ. Đấy là sự công bằng. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi sinh thời có đăng báo Văn nghệ một câu rất vui: “Hai anh em nhà ấy, lọt sàng xuống nia, có đi đâu mà thiệt”. 

Bây giờ thì, nhà thơ Trần Đăng Khoa không còn quan tâm quá nhiều đến việc thiên hạ bàn thế nào về mình, về gia đình mình hoặc lão cũng đã quá quen với việc, ở đâu lão cũng là tâm điểm của sự chú ý, đến nỗi có lần lão phải kêu lên rằng: “Sướng nhất là được lẫn vào đám đông”. Có người tiếc cho một thời vàng son của lão đã đi qua và lão đã vội hướng sang một con đường khác, có thể nhiều danh vọng, tiền tài, một bước xe ô tô sang trọng đưa đón nhưng đổi lại, lão làm mất đi chút ít niềm hy vọng trong lòng độc giả về một người có thể góp phần ảnh hưởng không chỉ là thời của thơ thần đồng mà có thể cả một chặng đường dài đối với văn chương Việt.

Lão chẳng bàn về việc này, chỉ tủm tỉm: “Nếu thím còn quý lão thì thím cứ chờ đấy. Lão đã buông bút đâu. Đừng tính những bài báo vặt kiếm tiền nuôi con. Thêm nữa cũng chẳng nên ham hố, cuộc đời con người, đều nằm trong vòng xoay của tạo hóa, và dù anh ta có giỏi đến mấy thì vẫn không thể thoát khỏi số phận đã được định đoạt. Cũng như lão, giờ đây ngẫm lại mới thấy đời mình chỉ nằm quanh quẩn trong con số 10: 10 năm làm thơ trẻ em, 10 năm đi lính, 10 năm đi học, 10 năm làm phóng viên tạp chí Văn nghệ quân đội. Và năm nay là năm thứ 7 lão về Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng 3 năm nữa chắc chắn lão sẽ tự xin “về vườn” để toàn tâm toàn ý với văn chương và thích gì làm nấy. Đó đã là quy luật gắn với đời lão rồi, dù muốn hay không”.

Niềm đam mê lớn nhất của Trần Đăng Khoa bây giờ là chụp ảnh, quay phim. Thậm chí, tiền kiếm được bao nhiêu, lão nướng vào việc mua máy ảnh. “Con” máy ảnh mới nhất Canon 1DX được lão bỏ tiền túi đầu tư gần 300 triệu đồng để chỉ rong ruổi đây đó chụp ảnh phong cảnh, rồi chụp ảnh chơi cho bạn bè. Lão khẳng định rằng, chộp được khoảnh khắc ảnh đẹp, cũng thú vị như khi làm được câu thơ hay và viết được một điều gì có ý nghĩa. Lão vẫn luôn tự nhận mình là lão nhà quê ở phố, nhưng niềm say mê công nghệ, sưu tập đủ bộ máy quay, máy ảnh để có thể làm được một bộ phim tài liệu tại nhà riêng của mình… thì lão cũng chả kém bất cứ một chàng trai trẻ Hà thành nào. Và điều đó, với lão, bây giờ là một trong những niềm say mê bậc nhất song hành với việc viết lách.

Tôi hỏi lão Khoa: Lão đang có ý định gì cho cuộc sống và văn chương của mình, bởi vì, gần đây, lão chưa có “cú hích” nào đáng giá cả! Lão Khoa thủng thẳng cái giọng nửa quê nửa phố: Giờ thì còn ý định gì nữa hả thím, cả đời làm anh thợ cày không có trâu rồi, nên cũng chả có dự định nào gây sốc cả. Nếu có thì chỉ có dự định trước kịch bản về đám tang của mình thôi. Một lễ tang không có sự buồn phiền.

Trần Đăng Khoa chỉ là Trần Đăng Khoa khi lão còn sống (tức là thở ra và hít vào), khi không hít thở nữa thì đấy không phải là lão. Vì thế, lão không chịu trách nhiệm về cái đống bầy hầy ở trong quan tài, đó không phải lão đâu. Vì thế không nên nhìn vào. Ghê chết đi được. Tốt nhất là thiêu ngay rồi cho vào cái niêu đất chôn dưới gốc khế. Vì xưa nay chó mèo chết đều như thế cả. Trước khi cho lão vào bếp lò, hãy đọc hộ lão bài thơ bái biệt lão tự khóc mình như sau: Bao năm ròng mệt mỏi/ Xuống xứ này rong chơi/ Giờ ta làm ngọn khói/ Õng ẹo bay về giời…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.