Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân: Phơi đỡ lòng ta trước gió mùa
- Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: Mối duyên thơ nhạc
- Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Lòng bố vịn theo con từng đốt”
- Nhà thơ Vương Tâm: “Đường tơ quanh chiếc ấm tròn trên tay”
Một cơn tai biến bất ngờ muốn quật ngã ông, nhưng ông đã gắng gượng đứng lên bằng trái tim kiêu hãnh của một con người tài hoa và giản dị!
Nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân bây giờ đã thành khu phố Triều Sơn, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, nhưng vẫn mộc mạc và thanh bình như bao làng quê khác. Từ quốc lộ 1A, chỉ cần rẽ vào một đoạn ngắn, đã lạc vào vùng đất ven biển xanh mướt những hàng dừa.
Hỏi thăm tư gia của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân, hầu như từ trẻ con đến người già đều có thể chỉ đường một cách rành mạch: "Cái nhà nhỏ xíu nhưng có rất nhiều cây cảnh kia kìa. Ông giáo ở đó!". Ông giáo là cách quen thuộc mà cư dân xung quanh gọi nhà thơ Nguyễn Kim Ngân, bởi lẽ ông từng làm hiệu trưởng một trường trung học suốt mấy chục năm.
Căn nhà nhỏ xíu là thật, và rất nhiều cây cảnh cũng là thật. Tôi bước vào cổng với sự phấp phỏng vì đã biết tin ông vừa bị đột quỵ. Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân đang ngồi trò chuyện với hai cậu con trai. Tôi khẽ gọi, ông từ từ đứng lên khỏi chiếc ghế, hai bàn tay run rẩy đón khách: "Mình vừa mới khỏe lại chút đỉnh để đón tết!".
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân chưa bao giờ mập mạp, nhưng ông luôn rắn rỏi vì suốt ngày lao động như một nông dân chính hiệu. Chỉ sau cơn tai biến thì ông mới yếu hẳn, ở tuổi 72.
Khẩu âm vẫn còn hơi méo mó của người vừa thoát lưỡi hái tử thần, ông thổ lộ: "Mình nằm liệt suốt bốn tháng, hai chân đang khấp khểnh tập đi lại, còn hai tay thì chỉ đưa lên được tới ngực. Mọi sinh hoạt cá nhân vẫn còn phải trông cậy vào người thân!".
Nhà thơ Nguyễn Kim Ngân lúc 72 tuổi. |
Căn nhà nhỏ xíu của nhà thơ Nguyễn Kim Ngân được xây dựng trên mảnh đất tổ tiên để lại. Trên mảnh đất ấy, cha của ông đã trở thành liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp, còn mẹ ông làm cơ sở cho cách mạng. Dấu vết mảnh đất ấy được ông viết bài thơ Cái giếng đầy hồi ức tuổi thơ: "Chín năm tình nước non. Ngọt ngào như nước giếng. Nhà nghèo mẹ chỉ hiến. Nước giếng và gạo đồng. Lòng như bếp lửa hồng. Ngày nào mẹ cũng nấu. Thêm cơm cho bộ đội. Thêm nước để hành quân".
Lớn lên, Nguyễn Kim Ngân vào Sài Gòn học đại học với niềm riêng khắc khoải về chốn cũ mà ông gọi là Quê hương chìm đắm viết năm 1965: "Cha tôi chết một mùa chinh chiến cũ. Mười lăm năm hồn lạc lõng Tây Nguyên. Những chiều mưa như thác đổ triền miên. Người có biết quê hương giờ tan nát. Mẹ ở miền Trung, tôi về thành phố. Thân bơ vơ con hẻm cũ không đèn. Mưa tháng Năm buồn dâng lên tắt nghẹn. Ngại nhà xưa trong một phút mưa bom".
Bởi lẽ đó, Nguyễn Kim Ngân tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên đô thị miền Nam như một lẽ tự nhiên. Không chỉ giăng mắc tình cảm gia đình, Nguyễn Kim Ngân còn thấu hiểu thân phận của những người dân nghèo dưới xiềng xích nô lệ, như một bác xích lô mà ông gặp bên đường: "Nếu cuộc sống còn kéo dài thêm nữa. Tấm thân tàn rồi cũng thiếu tiền chôn. Khi đất nước còn ngập tràn khói lửa. Không vùng lên còn đợi lúc nào hơn?".
Cao trào đấu tranh của sinh viên đô thị miền Nam năm 1970 đã giúp nhà thơ Nguyễn Kim Ngân có được hai bài thơ quan trọng trong cuộc đời ông. Bài thơ thứ nhất Người mẹ Bàn Cờ ngay lập tức được nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng: "Có người mẹ Bàn Cờ. Tay gầy tóc bạc phơ. Chuyền cơm qua vách cấm. Khi ngoài trời đổ mưa. Đường Việt Nam Bàn Cờ. Tình Việt Nam như tơ. Đồng Việt Nam lầy lội. Giặc đợi chết từng giờ".
Bài thơ thứ hai Lá thư lửa như một lời nhắn gửi thế hệ trẻ còn thờ ơ với vận mệnh non sông: "Anh tưởng tượng nhưng làm sao thấy được. Lúc bạn bè bị bắt, bị còng tay. Đồng đội ta nhào đến đánh giải vây. Nhờ cưa sắt đồng bào cưa để thoát. Đêm khuya khoắt còn trong phòng ấn loát. Gởi niềm tin theo từng cánh truyền đơn. Tay bom xăng đóng chặt nút căm hờn. Ngày mai nhốt quân thù trong biển lửa. Lửa ngùn ngụt thù xâm lăng chất chứa. Lửa trời hồng ta thấy rõ tương lai. Lửa đốt tan tham vọng Ngũ Giác Đài. Lửa rực sáng Việt Nam ngày chiến thắng".
Đất nước thống nhất, nhà thơ Nguyễn Kim Ngân trở về Phú Yên dạy học. Bản tính ông thẳng thắn và can trường, nên phải chịu đựng không ít thiệt thòi. Không sao cả, Nguyễn Kim Ngân tự an ủi mình: "Trả cho đời những mộng ước bao la, về hong lạnh dưới góc trời chật hẹp".
Nguyễn Kim Ngân về dạy học ở ngôi trường gần ngôi nhà xưa, để thuận tiện chăm sóc mẹ già, để dìu dắt trẻ thơ, và để chiêm nghiệm thăng trầm: "Về đây sống với núi rừng. Nỗi đau trên đá, nỗi mừng trên cây. Nỗi vui thoáng ở đầu ngày. Nỗi buồn lại đến chất đầy đêm thâu".
Dù ông quan niệm: "Được thì kẻ bại khiến buồn lây. Thua thì kẻ thắng làm ta nhục", nhưng lối nhỏ ông chọn vẫn nằm phía trắc ẩn nhân sinh: "Đi qua ngôi đền các triết gia. Đi qua nhà rách các nhà thơ. Gặp trái tim người ta sững lại. Không biết đường nào đứng ước mơ".
Làm hiệu trưởng một trường trung học hơn mười năm, nhưng nhà giáo - nhà thơ Nguyễn Kim Ngân vẫn ở nhà tranh vách đất. Để kiếm thêm tiền nuôi vợ và ba con, ông cũng học nghề nuôi tôm nhưng có lẽ vận làm giàu chưa đến, nên chuyện làm ăn cứ thất bát luôn.
Vượt lên tất cả, nguồn thơ trong Nguyễn Kim Ngân vẫn mạch ngầm tuôn chảy. Không chỉ thao thiết thương người, trái tim ông cũng khắc khoải Thương rừng bị tàn phá: "Một ngày lửa đốt lời chim. Chỉ còn ngơ ngác mắt em mảnh rừng". Hai câu thơ chầm chậm mà day dứt như một tiếng thở dài.
Về hưu hơn 10 năm trước, Nguyễn Kim Ngân gửi lại trường lớp Phía sau lưng gió trong hồi hộp trang nghiêm: "Trên bảng đen, hay trên bầu trời có những dòng kẻ ngang song cửa. Em hãy để trống một dòng cho tôi nhớ về em".
Không nuôi tôm nữa thì Nguyễn Kim Ngân chuyển sang chơi cây cảnh. Ông bỏ công lên núi tìm cây, rồi khệ nệ khiêng vác về nhà hí hoáy cắt tỉa. Sản phẩm của Nguyễn Kim Ngân khiến những nghệ nhân cây cảnh cũng phải nể phục. Thế nhưng, Nguyễn Kim Ngân chỉ chơi cây cảnh chứ không bán cây cảnh. Có dạo, người ta đến nhà trả giá cả trăm triệu đồng cho mỗi gốc si hoặc gốc sanh, nhưng ông đều lịch sự lắc đầu.
Hơn ai hết, ông hiểu số tiền ấy có thể giúp chuyện cơm áo của ông bớt vất vả, nhưng ông yêu cây như yêu chính sinh mệnh mình. Chấp nhận thanh đạm và tĩnh lặng, Nguyễn Kim Ngân thanh thản sống, thanh thản nghĩ, rồi thanh thản viết: "Có giận hờn, oán trách gì đâu. Đời một người chưa bao giờ dễ hiểu. Hãy thoảng qua đủ lay từng cánh liễu. Để cho người ngồi lặng thấy phong ba".
Năm 2007, một người bạn đã tài trợ in cho Nguyễn Kim Ngân tập thơ đầu tay có tên gọi Sông chảy bên trời. Ông bảo: "Mình chẳng có tham vọng gì. Cả đời in một tập thơ để có tặng tri kỷ cũng được rồi. Thế nhưng, những ngày nằm liệt vì cơn tai biến vừa rồi, mình bỗng nhận ra thi ca đã nâng đỡ mình rất nhiều. Mình còn hơn trăm bài thơ trong sổ tay, muốn in thêm một tập như lời tự sự với cuộc đời. Chỉ e nỗi...".
Tôi hiểu sự ngập ngừng và thở dài của ông. Mấy tháng qua, hai cậu con trai vốn thu nhập tàm tạm đã phải xuôi ngược để lo cho cha tai qua nạn khỏi. In thơ tốn kém, ông không muốn lụy phiền các con.
Lâu nay, nhắc đến Nguyễn Kim Ngân, công chúng chỉ biết bài thơ Người mẹ Bàn Cờ. Thực chất, ông tránh xa mọi bon chen không chỉ để nuôi tôm hoặc chơi cây cảnh, mà ông vẫn lặng lẽ sáng tác. Ông ví mình như: "Kẻ lạ của hoàng hôn không có địa chỉ để đến. Không có người để gặp. Chỉ là áng mây xa. Đã đủ sắc màu tan hợp", nhưng ông luôn hướng ra bốn phía chan hòa: "Miền Trung khốn khó, miền mưa gió. Nên nỗi lòng ai cũng ngập tràn. Thèm chút xuân hiền, thu trước ngõ. Một chút sương trong, chút dịu dàng".
Chia tay, nhà thơ Nguyễn Kim Ngân bước từng bước chậm tiễn khách ra tận ngõ. Tôi đề nghị: "Anh cứ chuẩn bị bản thảo tập thơ đi, còn kinh phí in ấn thì anh không phải lo!".
Tôi tin, trong những bài thơ chưa công bố, độc giả sẽ hiểu rõ thêm về tác giả Người mẹ Bàn Cờ. Hiểu tuổi trẻ tranh đấu của ông, hiểu tuổi trung niên nhọc nhằn của ông và hiểu cả tuổi già ưu tư của ông: "Đông dài tất bật những cơn mưa. Vội vã, đôi khi chút nắng thưa. Chẳng kịp lấy gì phơi trước nắng? Phơi đỡ lòng ta trước gió mùa".