Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt

Thứ Ba, 16/07/2019, 13:28
“Với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, hầu như tất cả những bài thơ viết ra đều xuất phát từ một chuyện buồn, một sự cô đơn, vật vã. Ngay những bài thơ gọi là có tính xã hội hoành tráng, nó cũng được gọi lên sau bao nỗi dâu bể, trầm cảm. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt”.


1. Tôi gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lần đầu tại Hội Văn học Nghệ thuật Bà Rịa – Vũng Tàu. Độ ấy tôi mới buông phấn cất giáo án, sau hơn 3 năm “gõ đầu trẻ” ở ngôi trường phổ thông bên hông TP Bà Rịa, để chuyên tâm “gõ lòng mình” ở tạp chí Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu với công việc viết và biên tập.

Mới về, lại ngồi chung phòng với sếp, là nhà thơ Lê Huy Mậu, nên việc gặp khách thơ văn dập dìu vào ra là chuyện thường ngày. Tất nhiên, các văn nhân đến thù tạc với nhà thơ Lê Huy Mậu, người hay thì tôi ngồi lại, người nhạt thì việc tôi tôi làm, không cho làm thì “Các bác ngồi chơi, em ra ngoài có tí việc”.

Lần đó nhà thơ Hoàng Vũ Thuật và nhà thơ Hoàng Hưng đi cùng nhau. Và như mọi cuộc gặp “người hay”, ngồi lại bàn nước, tôi chỉ làm nhiệm vụ châm trà cho các ông nói chuyện. 

Dù nhà thơ Lê Huy Mậu có giới thiệu “Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này”, thì chắc hai ông cũng chẳng biết tôi là cậu oắt nào. Tốt nhất ngồi im, hóng chuyện, tranh thủ lục lại trí nhớ xem mình đã đọc được gì của hai ông, nhắc đến hai ông thì “từ khóa” nổi lên sẽ là gì?

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật. (Nguyễn Lương Sáng kí họa).

Cuộc chuyện ôm gọn giữa buổi sáng đến trưa, ấn tượng còn lại trong tôi, là nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, người từng để cho “những bóng ma tự vuốt lấy mặt mình”, câu thơ rờn rợn và chạm đến tận cùng nỗi đau trong chiến tranh, rằng thực tế chiến trường có khi không ai sống sót để làm cái việc vuốt mắt cho người chết, và nhà thơ Hoàng Hưng, ông Ngựa biển của đất cảng Hải Phòng, đồng thời là “chuyên gia” về thơ Apollinaire, đều là những người đau đáu với cái mới, đến sự chuyển động của thơ nói riêng, văn chương nói chung, và luôn cổ vũ người viết trẻ. Hai ông còn rất trẻ, trong lối nghĩ và năng lượng tỏa ra.

2. Từ khóa của tôi về Hoàng Vũ Thuật là “trẻ trung”, “đổi mới”, “cách tân”, là không chịu lẫn vào số đông, vào dàn đồng ca nào đó. Điều này trở thành máu thịt, bản chất con người ông, con người mà được/ bị hiện thực cuộc sống trui rèn, thử thách ngay từ những ngày nói chưa tròn vành rõ tiếng.

Vào những năm hai mươi tuổi tim đang dào dạt máu, Hoàng Vũ Thuật đến với thơ. Thời ấy, trong khi văn nghệ sĩ cả nước tiến lên theo ngọn cờ thơ “chân chân chân, thật thật thật” của Xuân Diệu, thì chàng trai trẻ Hoàng Vũ Thuật đã bắt đầu nghĩ khác.

Ở trại viết năm 1970, Hoàng Vũ Thuật công bố bài thơ “nghĩ khác” kiểu thơ đồng phục, là Biển chiều, ngay lập tức được các trại viên “ban” cho những lời “thảo luận” điếng người.“Con sóng chiều nay dìu dặt/ biển xanh hơn nhuộm/ những cánh buồm/ cưỡi sóng bay qua nghìn núi/ khỏa trắng mây trời  (…) tiếng em cười rung cây súng trên vai/ lanh lảnh bay trong chiều vời vợi/ ráng đỏ lưng chừng in hình cá lội/ đâu tiếng gà xa gáy tận trời xanh”.

Các bậc đàn anh nói giữa lúc bom rơi đạn nổ, từ Quảng Bình đến Vĩnh Linh, Quảng Trị, đâu đâu cũng căng lên sẵn sàng dỡ nhà vá đường, tháo giường làm cầu thông xe chi viện chiến trường miền Nam, vậy mà Hoàng Vũ Thuật lại mang tư tưởng tiểu tư sản vào thơ. Nào là những con cá cứ như vẽ, cánh buồm sao lại bay qua nghìn núi, tiếng gà chỉ có trên mặt đất, không thể “gáy tận trời xanh”.

Thơ thế là viển vông, phi thực tế, mang ý niệm siêu hình. “Tiếng em cười rung cây súng trên vai” không “cứu” được những quy chụp trên. Ngày ấy, nhận định như thế là nặng nề, đồng nghĩa với tư tưởng dao động, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Ông kể, Biển chiều bị nhấn chìm, đành giấu luôn một bài thơ khác. Hơn 40 năm sau ông mới tìm được bản thảo và công bố Trái ổi chín sớm.

Theo ông, bài này nếu công bố sẽ nặng nề hơn, bởi chiến tranh đã làm cho tuổi trẻ chín sớm và quá nhiều chết chóc, quá nhiều đau thương. Anh trai ông bặt tin từ ngày lên đường nhập ngũ. Mẹ ông đêm ngày ngóng trông. Đêm không yên giấc và ngày ngày ra quốc lộ xem xe thương binh từ chiến trường về, may ra có con mình.

3. Xuất thân trong gia đình khá giả. Ông nội là người giàu có và hay chữ. Cha và chú là người học rộng. Nhưng số phận trêu ngươi Hoàng Vũ Thuật sớm quá. 2 tuổi đã mồ côi cha. 10 tuổi thì cải cách ruộng đất từ miền Bắc lan đến. Nhà ông bị quy địa chủ. Cậu bé Hoàng Vũ Thuật lớn lên trong khó khăn và sự dè bỉu tẩy chay của bạn bè. 

Mọi đường ngang ngõ tắt vào đời bị bít lại. Không được thi đại học, trì trật mãi chính quyền mới đồng ý cho đi học lớp trung cấp sư phạm 10 + 2 để trở thành anh giáo.

Rồi anh giáo trẻ ngã vào thơ. “Án văn chương” đã kể ở trên không làm chàng trai trẻ nản chí. Được một số nhà thơ tin cẩn giới thiệu, năm 1973 Hoàng Vũ Thuật đi học Trường Bồi dưỡng Những người Viết văn trẻ khóa 6 ở Quảng Bá, Hà Nội.

Một số tác phẩm của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Sau hai năm, trở về, Hoàng Vũ Thuật vẫn đứng lớp giảng văn. Cho đến năm 1981 được điều động vào Huế làm biên tập viên NXB Thuận Hóa, cũng là năm ông tham gia cuộc thi thơ báo Văn nghệ để nhận giải với bài Cây nhạc ngựa năm 1982. 

10 năm sau, khép lại cảnh “khắc nhập khắc xuất”, ai lại về nhà nấy, và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật với vốn liếng 5 tập thơ, Những bông hoa trên cát, Thơ viết gửi mùa hạ, Gửi những ngọn sóng, Giàn bí đỏThế giới bàn tay trái, cùng Giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên (1976 - 1984) và Giải Bông Sen Trắng Bình Trị Thiên (1984 - 1988) trở về Đồng Hới, làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình.

Ở cương vị Chủ tịch Hội hơn 7 năm, đến 1998, Hoàng Vũ Thuật thành ông Hội đồng ở Hội đồng Nhân dân tỉnh cho đến ngày về hưu, năm 2006. Mọi người giật mình, đinh ninh ông bỏ thơ chạy lấy người. Thật ra không phải vậy.

Ông Hội đồng gần dân vẫn đắm đuối thơ. Đám mây lơ lửng công bố năm 2000 tạo nhiều dư luận, rồi Tháp nghiêng nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004 minh chứng rõ ràng cho điều này. Chưa kể, trước đó ông còn ghi tên mình ở hai giải thưởng thơ Báo Văn nghệ 1995 và Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1999.

4. “Rồi con ra đi cùng tháng ngày lầm lũi/ Mẹ đứng giữa vườn như bóng mát chờ con/ Và tháng ngày cứ thế dày hơn/ Và cứ thế con vẫn là thơ dại”. 

Thuở ban đầu thơ Hoàng Vũ Thuật từng đẫm đầy chất trữ tình dịu mát của phá Hạc Hải được bao bọc trong sự rắn rỏi của những động cát quê nhà. Những vần thơ dễ cảm. Cận nhân tình. Nhưng đường thơ Hoàng Vũ Thuật càng đi càng không phải dành cho số đông.

Thế mạnh và dấu chỉ nhận biết Hoàng Vũ Thuật là thơ tự do. Dẫu ông vẫn có những bài thơ lục bát, 5 chữ, 6 chữ hay 7 chữ, nhưng tỉ lệ vô cùng ít. Theo tôi, đấy là những bài thơ ở quãng nghỉ, để ông lấy hơi, để bước sâu hơn vào thế giới thơ tự do.

Với triết lý, trừu tượng, lấp lánh tư tưởng và điệp trùng ngữ nghĩa. Cho nên, thơ Hoàng Vũ Thuật để đọc bằng mắt, thật tĩnh lòng, để suy tư, chứ không nên nghe bằng tai giữa ồn ào sân khấu. Không những thế, người đọc cũng phải nâng mình lên, cùng độ trải nhất định mới có thể thấu triệt, cảm nhận.

Không dừng ở sáng tác, Hoàng Vũ Thuật còn là người thường trực chiêm nghiệm, suy tư về thơ và nghiệp viết. Ông có một số tiểu luận về thơ, về nghề đáng chú ý, như: Tự do sáng tạo và xu thế hội nhập, Thơ đa đoan và thân phận, Thơ – Cuộc chuyển đổi không ngưng nghỉ, Cội nguồn và hành trình của thơ hôm nay, Thơ không phải trò chơi lơ lửng.

Tất cả được đóng gói trong tập Văn chương tìm và gặp. Với tôi, đây là cuốn tiểu luận, phê bình có dấu ấn. Để riêng một số bài viết có thể do cả nể, thù tạc hoặc vì… nhiệm vụ sang một bên, cuốn sách có nhiều bài viết về nghề và về thơ văn trẻ, cá nhân tôi học hỏi được nhiều điều.

Bìa tập thơ “Một mai gió chở tôi về” chuẩn bị ra mắt của Hoàng Vũ Thuật.

5. Kể ra đất Lệ Thủy quê hương Hoàng Vũ Thuật chính là nơi tinh hoa hội tụ. Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh danh tướng Nhà Nguyễn có công lớn mở cõi phương Nam là người đất này. Dương Văn An, tác giả Ô Châu cận lục, bộ địa chí đầu tiên của Việt Nam, cũng là người đất này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi phía bên kia là Ngô Đình Diệm cũng lớn lên bên dòng Kiến Giang, Lệ Thủy.

Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Ngô Minh,… chính là những nhà thơ đương đại tiếp nối mạch nguồn tốt đẹp của quê hương.

Không dừng lại ở đó, Hoàng Vũ Thuật còn di - truyền - chữ qua ái nữ Hoàng Thụy Anh, một giọng thơ và phê bình nữ trẻ trung, nhiệt huyết, có dấu ấn, thành tựu so với thế hệ của mình. Cha truyền con nối, hổ phụ sinh hổ tử. Hoàng Vũ Thuật – Hoàng Thụy Anh là một trong không nhiều cha/ mẹ - con cùng bước đi trên đường văn hiện nay.

Sau lần gặp ở Vũng Tàu, hơn một lần tôi ngồi cà phê, lai rai với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh bên cửa sông Nhật Lệ và bờ biển Nhật Lệ. Lần nào câu chuyện cũng xoáy quanh con chữ.

Giờ đây, ở tuổi 74, dẫu đã vướng vài lần tai biến, nhưng nhà thơ Hoàng Vũ Thuật vẫn chưa chịu “xả vai”, buông bút. Ông chuẩn bị cho ra mắt tập thơ Một mai gió chở tôi về. Nghe tựa, tôi chợt nghĩ, ông còn đi nữa chứ đâu đã về.

Với nghĩa đen là giày thể thao, quần jean trẻ trung lúc Sài Gòn, khi Hà Nội, khi Đà Nẵng… Cái dáng lành lành ấy vẫn đi về như con thoi. Vẫn gặp gỡ bạn văn. Và vẫn chịu ngồi với những người viết trẻ. Với nghĩa bóng là còn đi cùng chữ, để chạm đến chính mình bằng sự hòa quyện, ngân rung của lý trí, xúc cảm và ngôn từ.

Vậy tuổi này rồi, điều gì làm cho ông đau khổ nhất? Ông nói, là thơ. “Với tôi, hầu như tất cả những bài thơ viết ra đều xuất phát từ một chuyện buồn, một sự cô đơn, vật vã. Ngay những bài thơ gọi là có tính xã hội hoành tráng, nó cũng được gọi lên sau bao nỗi dâu bể, trầm cảm. Câu thơ vui cũng hình thành từ nước mắt”.

Sài Gòn, 17-6-2019

Văn Thành Lê
.
.