Nhà quản lý xuất sắc thời bao cấp
Với dáng điệu nghiêm nghị và có lẽ còn hơi trầm tư trong ngày thường, nhưng khi đứng trên lễ đài Lăng Lênin trong những ngày lễ cách mạng, Kosygin lúc nào cũng tươi cười khi vẫy chào những đoàn người lao động đi diễu hành trên quảng trường Đỏ... Ông đã sống một cuộc đời tận hiến cho công cuộc xây dựng xã hội tiến bộ ở quốc gia xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.
Việc gì cũng làm
Aleksey Kosygin sinh ngày 21/2/1904 tại Saint Peterburg. Từ năm 1919 tới năm 1921, ông phục vụ trong Hồng quân. Xuất ngũ, Kosygin vào học ở một khoá đào tạo của Bộ Lương thực - khóa này về sau được tổ chức thành cơ sở của một trường trung cấp với sự tham gia giảng dạy của những giáo sư kinh tế học giỏi nhất “kinh đô phương Bắc”. Sau bốn năm “thụ giáo” ở đây, anh thanh niên Aleksey được cử về thực tập tại một nhà máy dệt vải tại thành phố Đại Rostov (Rostov Veliky). Tiếp theo, người cán bộ trẻ được đưa về làm việc 6 năm trong hệ thống hợp tác xã tiêu thụ Siberi. Tại thành phố nhỏ Kirensk thuộc tỉnh Yrkutsk, vị chủ tịch tương lai đã cưới vợ và đấy đã là sự chọn lựa đúng đắn nhất và duy nhất của ông trong hôn nhân: Hai ông bà đã sống cùng nhau hạnh phúc tới đầu bạc răng long, khi bà qua đời ngày 1/5/1967. Cũng tại đây, họ đã có một người con gái.
Làm việc năng nổ, chắc chắn nhưng giàu tính sáng tạo, A. Kosygin nhanh chóng được tổ chức quan tâm. Đầu năm 1930, ông được cử đi học tại trường đại học dệt mang tên S.M. Kirov ở Leningrad. Học xong, ông được giữ lại làm việc tại nhà máy dệt ở đây, thoạt tiên chỉ làm thợ cả, rồi được cử làm trưởng xưởng. Tới năm 1937, Kosygin đã trở thành Giám đốc Nhà máy dệt Tháng 10. Một năm sau, ông trở thành người phụ trách ngành công nghiệp và giao thông thuộc Thành ủy Leningrad, một vị trí không nhỏ. Một năm sau nữa, ông lên giữ chức Chủ tịch Hội đồng hành chính Xôviết thành phố Leningrad... Cuộc đời lao động của Kosygin vô cùng phong phú, gần như việc gì ông cũng được phân công làm qua không nhiều thì ít. Và ngay trong giai đoạn đầu hoạn lộ, ông đã chứng minh được những năng lực tổ chức không tầm thường của mình. Đấy chính là lý do khiến ông được thăng tiến nhanh. Ngày 1/1/1939, khi mới 35 tuổi, Kosygin đã được tín nhiệm giao cho ghế Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Dệt của Liên Xô.
Quy tắc đầu tiên: Phải bảo trọng
Kosygin hoàn toàn không phải là người cơ hội hay xu thời, nhưng ông biết được “luật chơi” của thời đại mình. Với ông, điều quan trọng nhất bao giờ cũng phải làm tốt phần việc được giao, thận trọng nhưng không nhát và dứt khoát chỉ lo lắng “chuyên môn” chứ không “đi đêm” vào những hoạt động khác để thăng tiến. Chính phẩm chất này đã giúp ông hoàn thành được mọi nhiệm vụ khó khăn trong thời gian Liên Xô phải đương đầu với chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1939 -1945). Lãnh tụ Yosif Stalin ngày càng tín nhiệm ông và đưa ông dần vào những vị trí trọng yếu nhất của quốc gia. Tới năm 1946, ông đã là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, đồng thời có lúc còn đảm đương cả chức Bộ trưởng Tài chính (từ 16/2 tới 28/12/1948) và Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ (từ 1948 tới 1953)... Không tham vọng “làm lớn” nên ông không bao giờ đi “tranh thủ” với các cơ quan tổ chức cán bộ mà chỉ tận tâm và say mê làm những việc gì được giao phó.
Lãnh đạo Stalin và ông Kosygin. |
May thay cho Kosygin, thủ lĩnh tối cao cũng là người xuất chúng: Stalin là người cũng thích ở bên mình là những “cận thần” biết tổ chức những cuộc vui nhưng lại không bao giờ xem thường những cán bộ khí khái, coi công việc là trọng tâm cuộc sống. Khi nghe ai đó nói xấu về Kosygin, lãnh tụ Stalin trong cơn bột phát của mình lập tức điều “đối tượng” đi sang vị trí khác ngay, không bằng vị trí cũ nhưng cũng không đến nỗi quá tệ. Tuy nhiên, khi thấy đâu cần người thực sự có năng lực để thay đổi cục diện tình hình, lãnh tụ Stalin bao giờ cũng nhớ tới Kosygin như một chuyên gia hàng đầu để “cứu giá”. Trong con mắt của nhà chính trị vĩ đại này, nói bằng lời của ông Molotov, một “chiến hữu” vào loại thân cận nhất của Stalin, “Kosygin là một người trung thực, mang tính Đảng sâu sắc. Lúc nào gặp Kosygin, Stalin cũng ứng xử một cách khoáng hoạt, thân mật, không lễ nghi. Và đưa lên khá cao”. Đôi khi Kosygin được lãnh tụ Stalin giao cho những nhiệm vụ khá “tế nhị”, thí dụ như phải sắp xếp lại cho ổn thoả chế độ ưu đãi các lãnh đạo cao cấp. Công việc này thoạt đầu có thể làm ai đó không hài lòng về ông nhưng cuối cùng họ đành phải “chín bỏ làm mười” vì thực sự, Kosygin sống rất liêm chính. Họ mất cái gì vì lẽ công bằng thì ông cũng mất cái đó.
Chính trường thời nào và ở đâu cũng hay xảy ra những tình huống như thế. Buồn thay và vui thay!
Người Xôviết chân chính
Kosygin là người “đi bằng đôi chân” của mình. Chính vì thế nên dù trên chính trường Xôviết có diễn ra sự “vật đổi sao dời” tới đâu, ông vẫn ở nguyên những vị trí mà ông xứng đáng. Ông không phải “lụy” ai để lên cao nhưng cũng không vì “lụy” ai mà phải xuống thấp khi “dân nổi can qua”. Rồi dần dà, tới ngày 15-10-1964, ông cũng đã trở thành vị Chủ tịch khả kính của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Lúc này, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô đã là Nikita Khrushchev. Rồi khi Leonid Brezhnev lên thay Khrushchev trong những tình tiết không hẳn đã là dễ hiểu, Kosygin vẫn nguyên vị, vẫn được kính trọng và trọng dụng như thế mặc dù ông không hề thay đổi những tiêu chí chính trị và đời sống. Và ông đã trụ ở vị trí nhà quản lý chính của quốc gia Xôviết tới 16 năm, lâu hơn tất cả những người tiền nhiệm. Chỉ tới ngày 23-10-1980, trước khi qua đời không lâu, ông mới phải rời vị trí của mình. Không vui vẻ lắm nhưng cũng không đau buồn lắm. Ông hiểu rằng, ai cũng thế thôi, “sông có khúc, người có lúc”. Ông chẳng có gì mà phải than thở: tổng cộng những năm ông ở trên những vị trí cao cấp nhất của Nhà nước Xôviết là 41 năm! Hai lần ông được phong Anh hùng, nhiều lần nhận Huân chương Lênin... Ngay cả khi ông qua đời, thi hài ông cũng được chôn tại tường Điện Kremli!
Nỗi niềm không thỏa
Nói vậy nhưng sinh thời, trong lòng Kosygin đã luôn canh cánh những tâm tư. Là một người cộng sản chân chính, ông không bị tha hoá bởi cơ chế quan liêu bao cấp và luôn ấp ủ trong mình một khát vọng: Vươn lên cao hơn để được làm theo những ý tưởng “cứu dân độ thế” không bị ràng buộc bởi những nhân vật ngồi cao hơn mình nhưng tài trí chẳng bằng mình. Ngày 21/2/1974, phát biểu trong dịp kỷ niệm lần thứ 70 sinh nhật của chính mình, Kosygin trầm tư thổ lộ: “Thất thập - đó là thời điểm mà con người ta mặc nhiên cảm thấy nhu cầu phải nhìn lại và suy ngẫm về những tháng ngày đã sống. Và nếu phải nói ngắn gọn về điều trọng yếu nhất, thì đối với tôi, cũng như với tất cả các đảng viên của chính đảng Lênin vĩ đại của chúng ta, điều trọng yếu đó nằm trong sự phục vụ cho lợi ích của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trong ham muốn thường xuyên mang lại lợi ích cho mọi người trong cuộc đấu tranh nhằm biến những lý tưởng cộng sản thành hiện thực”. Ông đã nói như thế một cách chân thành. Và mọi người nghe ông cũng đều tin như thế. Rõ ràng là không phải lỗi của ông nếu những điều ông nghĩ không phải bao giờ cũng trùng khít với thực tế khách quan.
Những năm tháng mà Kosygin làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô là khoảng thời gian mà lẽ ra năng lực lãnh đạo nền kinh tế quốc dân của ông phải được thăng hoa nhất. Nhìn từ một góc độ, khi được cử vào vị trí này, ông chưa tới 60 tuổi và sức khoẻ còn rất tốt. Thêm vào đó, lúc này, ông đã tích lũy được vô số những kinh nghiệm thực tế về điều hành nền kinh tế quốc dân của một siêu cường và có uy tín cao cả ở nước ngoài lẫn ở trong nước, nhất là trong đội ngũ những người kỹ trị. Nhìn từ góc độ khác, trên cương vị cao cấp như thế, ông lẽ ra phải được làm theo ý mình nhiều nhất để phát triển tiềm lực quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế bao cấp đã không cho phép ông làm mọi việc mà ông muốn, mặc dù trong tư duy của ông lúc ấy, không có cơ chế nào tối ưu hơn cơ chế đó. Những biện pháp cải cách đầy mới mẻ mà Kosygin khởi xướng từ năm 1965 đã không gặp được một thái độ hiểu biết và hưởng ứng thích đáng từ nhiều phía nên chỉ mang lại những hiệu quả nhất thời ngắn ngủi. Mâu thuẫn giữa tư duy kinh tế với tư duy của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng không phải lúc nào cũng trùng khít và ưu thế thường nghiêng về phía nguyên soái Dmitri Ustinov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Kế hoạch 5 năm 1966-1971 đã mang lại những chỉ tiêu khá nhất trong lịch sử quốc gia nhưng lại không tạo được một nếp hằn mới trong tư duy kinh tế Xôviết và vì thế, cho tới Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 3-4 năm 1971, “chương trình Kosygin” đã mặc nhiên bị bỏ lơ. Nhân tố con người đã không thuận lợi để Kosygin thực hiện mọi thứ ông đề ra. Nỗi niềm này biết làm sao cho thỏa!
Tiếng thơm còn mãi
Không có gì bị quên lãng, không có ai bị lãng quên. Việc xấu thì bia miệng trăm năm không mòn. Việc tốt thì nghìn năm tiếng thơm còn lại. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, những gì mà A. Kosygin đã làm được trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô trong thời bao cấp Xôviết cho tới hôm nay vẫn còn hữu ích đối với những ai muốn thành công trong cơ chế thị trường. Ngay cả thất bại của ông trong giai đoạn tồn tại cuối của quốc gia Xôviết cũng không uổng phí cho tương lai. Kinh nghiệm đắng đót của đời ông sẽ giúp cho những ai có tài và có tâm đi sâu không phải “dẫm lại” những vết xe cũ. Đó âu cũng là niềm vui lớn đối với ông ở thế giới bên kia, nếu thực sự thế giới bên kia là có