Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: Nghề văn là nghề “giời đày”

Thứ Bảy, 14/03/2015, 22:00
Vừa thông minh, sắc sảo, vừa nghiêm ngắn, điềm tĩnh nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, hài hước, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp khiến người ta nghĩ đến hình ảnh một “ông đồ nho thời hiện đại” với giọng điệu riêng biệt không hề trộn lẫn trong giới phê bình văn học Việt Nam. Anh vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn trong lĩnh vực lý luận phê bình cho cuốn sách “Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng”. Hiện, anh là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam.

Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng là cuốn sách tập hợp những tiểu luận mà nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp đã viết trong ngót hai mươi năm qua. Dù được viết trong những thời điểm khác nhau, nhưng nhìn một cách tổng thể, quyển sách này vẫn bảo đảm tính thống nhất, vì sự quan sát của anh về thơ Việt hiện đại chủ yếu dựa trên lý thuyết hệ hình (paradigm), những đổi thay về tư duy và thi pháp thể loại. Tại đó, phía sau những trang viết tài hoa, là một kiến văn phong phú, chắc chắn về lý luận nhưng lại nhạy cảm như một nghệ sĩ. Bởi thế, cũng không có gì lạ, nếu ta nhận thấy quyển sách này mang hình hài của một chuyên luận về thi ca.

Trong hình dung của Nguyễn Đăng Điệp, những đổi mới thực sự trong lĩnh vực thi ca bao giờ cũng gắn với sự thay đổi hệ hình tư duy, sự thay đổi trong cách cảm nhận, thụ hưởng và biểu đạt thế giới của nghệ sĩ. Những thay đổi ấy, một mặt, phụ thuộc vào tài năng, bản lĩnh của nhà thơ; mặt khác, bị (chịu) ảnh hưởng của quá trình thẩm thấu văn hóa, những quy định của thời đại...

Sau nhiều năm quan sát và nghiền ngẫm, Nguyễn Đăng Điệp nhận thấy, quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam cũng chính là quá trình tiến vào phạm vi thế giới, và tương ứng với nó là sự chuyển đổi hệ hình: từ trung đại sang hiện đại, từ hiện đại đến hậu hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển của văn học Việt Nam không phải là sự sao chép đơn thuần mà đó là kết quả của quá trình tiếp thu và sáng tạo, là sự kết hợp giữa yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Điều đó có thể nhìn thấy qua ba cuộc giao lưu văn hóa lớn diễn ra từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Trong tập sách này, Nguyễn Đăng Điệp viết không nhiều về các chân dung nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Nhưng dường như mỗi khi viết về nhà thơ nhà văn nào đó, anh đều bắt trúng thần thái của họ. Cái thần thái ấy của nghệ sĩ, theo nhà phê bình, hiện lên từ chữ, từ giọng, từ cốt cách văn hóa của họ. Ngay cả những nhà thơ đã được nhiều người viết, Nguyễn Đăng Điệp vẫn có cách nhìn riêng và có những phát hiện riêng. Bút lực tài tình của anh đã có dịp phát huy mỗi khi “vẽ” chân dung tinh thần của thi sĩ trong thế giới tinh thần của họ.

Để làm được điều này, tôi nghĩ, Nguyễn Đăng Điệp phải là người biết tạo dựng các đối thoại tưởng tượng với nhà văn, cố gắng bắt trúng điều anh ta nghĩ, điều anh ta nói, điều anh ta khác với mọi người. Và từ đó, tìm cách diễn đạt những cảm nhận, lý giải những suy tư của cá nhân anh từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cách nhìn ấy, nói theo ngôn ngữ học thuật hiện đại, chính là hướng tiếp cận liên ngành.

Tôi nhớ trong quyển sách trước đây, quyển Vọng từ con chữ, Nguyễn Đăng Điệp nói về quan niệm của anh về nghề: Lao động nhà văn, xét đến cùng là lao động chữ. Quan niệm này cũng từng được nhiều nhà thơ nói đến. Lê Đạt khẳng định: Chữ bầu lên nhà thơ. Trần Dần: Tôi giản dị đồng nhất thơ vào chữ. Các bậc thầy thi ca đều là những người luyện đan chữ nghĩa. Đỗ Phủ cũng từng nói: “Chữ dùng chưa kinh động lòng người thì chết chưa yên”. Nhưng đó là ý kiến của các nhà sáng tác.

Còn trong quan niệm của Nguyễn Đăng Điệp về ngôn ngữ phê bình văn học, có lẽ do anh chịu ảnh hưởng tư tưởng của Roland Barthes: “Phê bình là diễn ngôn về một diễn ngôn khác”. Đó là lý do anh quan tâm đến cách nói của nhà thơ, và coi diễn ngôn nghệ thuật của nghệ sĩ chính là chốn trú ngụ tinh thần, tư tưởng của họ. Chân dung tinh thần của nghệ sĩ, giọng điệu nghệ thuật của họ, vì thế,  chủ yếu toát lên từ văn bản ngôn từ của nhà thơ. Chữ chính là “của tin” mà họ gửi cho đời. Vì thế, mặc dù chơi và thân thiết nhiều người nhưng có lần Nguyễn Đăng Điệp nói với tôi, ít khi anh hỏi các nhà thơ những câu hỏi đại loại: Bài này tác giả viết trong hoàn cảnh nào, bài kia viết vì mục đích gì?... Bởi khi hỏi như thế, nhà phê bình rất dễ trở thành kẻ bị lệ thuộc. Và quan trọng hơn, lười! Chắc chắn người sáng tác cũng sẽ ngại trả lời, vì nếu như thế thì thà họ viết cho xong, cần gì đến nhà phê bình.

Nguyễn Đăng Điệp kể về một kỷ niệm nhỏ: “Tôi nhớ năm 1999, nhà thơ Dư Thị Hoàn lúc ấy là Chi hội trưởng thơ Hải Phòng có đặt tôi viết về thơ Đồng Đức Bốn. Trước đó, tôi đọc Bốn một số bài trên báo, còn không biết gì ngoài đời. Chỉ biết, Dư Thị Hoàn cảnh báo: “Tay Bốn này rất “gấu”, sẵn sàng mắng nhiếc người viết nếu làm “hắn” phật ý”. Thấy tôi ngần ngại và định từ chối thì tác giả Lối nhỏ nói: “Mình nghĩ Điệp nên viết, vì Đồng Đức Bốn là người có tài”. Tôi nhận lời.

Khi xuống Hải Phòng, Bốn nghĩ tôi sẽ gặp anh để hỏi thêm về tác giả. Nhưng tôi không gặp. Hôm sau, ngồi trong hội thảo, cách nhau chỉ mấy người, tôi cũng không hỏi và coi như không biết tác giả. Ngay cả trước khi về Hà Nội, tôi cũng không liên lạc gì. Điều đó khiến Đồng Đức Bốn thấy lạ, và dường như để chia sẻ, Bốn nhắn Phạm Xuân Nguyên nói với tôi: “Tay Điệp ghê thật. Nhưng tôi chịu hắn vì hắn viết đúng về tôi”. Đồng Đức Bốn tỏ ý cảm ơn tôi vì đã viết về thơ Bốn. Vậy là tôi vượt qua “cửa ải” mà nhà thơ Dư Thị Hoàn cảnh báo một cách bình thản.

Sau này, khi Đồng Đức Bốn lên Hà Nội, có đến Viện Văn học gặp, tôi mới nói rõ quan niệm: Khi định viết về ai, tôi luôn tránh tiếp xúc họ để có được cái nhìn khách quan. Đánh giá của tôi về họ, có thể họ thấy đúng, có thể không, điều đó không quá quan trọng với tôi vì các nhận định của tôi xuất phát từ văn bản nghệ thuật của họ là chính chứ không phải những tâm sự ngoài đời. Tôi đã viết về Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Trương Đăng Dung... trên một tinh thần như thế”.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp được coi là người có duyên ngầm trong văn chương lẫn trong cuộc đời. Trong cuộc sống, anh không muốn sống nhạt, còn khi viết, anh muốn viết theo cách của mình. Nguyễn Đăng Điệp cho biết, điều quan trọng nhất với bất cứ ai, nhất là người cầm bút, đó là sự tử tế. Hãy cứ tử tế đã rồi mới nói đến chuyện khác. Nhưng tử tế không có nghĩa là không dám nói lên quan niệm của mình. Đó cũng chính là ý thức tạo chủ kiến trong đời sống và trong nghiên cứu văn học của Nguyễn Đăng Điệp. Thường thì anh chỉ viết về những gì đã nghĩ nhiều về nó, hoặc chí ít đã có hứng thú về nó. Anh không viết những gì mà anh thấy không phù hợp, hoặc chưa có thì giờ để nghĩ kỹ về đối tượng.

Trong nghề, Nguyễn Đăng Điệp được coi là người khá kỹ lưỡng về chữ, về cách phát ngôn. Phải cố gắng nói sao cho thật trúng, bằng cách riêng của mình. Có lẽ ý thức ấy đã được nhen nhóm và rèn giũa từ khi anh còn là một học trò chuyên văn. Anh bảo, làm nghề chữ nghĩa, phải biết coi trọng nó. Lúc nào không còn trọng chữ, yêu chữ thì mình sẽ chuyển nghề hoặc bỏ bút đi chơi...

Trong một lần trò chuyện, Nguyễn Đăng Điệp chia sẻ với người viết bài này: “Tôi thân thiết với nhiều nhà văn nổi tiếng, có người tôi đã từng viết về họ, có người chưa kịp viết vì thấy cần đọc lại, ngẫm nghĩ lại kỹ hơn. Nhưng tôi luôn nhìn sáng tạo của nhà văn bằng tất cả sự tôn trọng, bởi tác phẩm của họ là nơi kết đọng văn hóa và hồn vía của họ. Có thể khen, chê, nhưng tất cả phải xuất phát từ cái nhìn khách quan, bằng thái độ liên tài. Điều này khiến tôi yêu quý hơn các thi sĩ thực tài mình yêu mến. Đó có thể là những chiều muộn trong ngôi nhà của Hoàng Cầm ở Lý Quốc Sư; những lần trò chuyện ngắn ngủi và vội vã với các nhà thơ tài danh thời chống Mỹ như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, hay được cùng Nguyễn Hữu Sơn nghe Nguyễn Duy nói “chuyện thiên chuyện địa” tại nhà dịch giả Đào Tuấn Ảnh, nghe Nguyễn Trọng Tạo uống rượu đọc thơ ở ngôi nhà có cái sân thượng mà anh đã từng cúi “chào cỏ may”, lang thang với Trần Anh Thái vùng ngoại ô buồn vắng...

Ở đây, tôi muốn nói về một kỷ niệm nhỏ với Nguyễn Quang Thiều, một nhà thơ tôi đã viết trong tập sách này. Tôi gặp Nguyễn Quang Thiều lần đầu vào đầu năm 90 của thế kỷ trước tại nhà một người bạn ở ngõ Văn Chương. Đây là địa điểm tụ tập của nhóm thơ Thanh Xuân thời ấy. Mới gặp nhau mấy phút thì mất điện. Nhà tối om. Nhưng trong bóng tối, mỗi người một điếu thuộc lập lòe như ma trơi, tôi và Nguyễn Quang Thiều nói với nhau như lên đồng những suy nghĩ của mình về nghệ thuật. Hôm ấy, tôi nhớ Thiều nói đến khản giọng về những cuộc đi, về những chân trời góc bể mà anh đã may mắn được đến, được trải nghiệm.

Cuộc trò chuyện giúp tôi nhận thấy rõ hơn ở cây bút này một nội lực sâu dày, một khát vọng dài hơi với nghệ thuật, và quan trọng hơn, một ý thức làm mới thi ca. Ít lâu sau, Sự mất ngủ của lửa ra đời, chứng thực cho những cảm nhận của tôi về bản mệnh sáng tạo của cây bút này từ cái đêm tối om vì mất điện trước đó. Mặc dù phải đến mười năm sau, tôi mới viết về Nguyễn Quang Thiều theo hướng tiếp cận biểu tượng và vận dụng phân tâm học.

Sau khi bài viết được in, nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn có bảo tôi:“ Ông viết về Nguyễn Quang Thiều hay!”. Sau này, viết về Nguyễn Quang Thiều, tôi vẫn chưa một lần hỏi Thiều đã viết các bài thơ của anh trong hoàn cảnh nào, vì mục đích gì... Bài viết của tôi về Nguyễn Quang Thiều hay các nhà thơ khác hiện lên như là sự chiêm nghiệm của riêng tôi về họ chính trong văn bản mà họ đã sáng tạo nên. Nó là diễn ngôn của tôi về diễn ngôn của thi sĩ, là sự đồng điệu của tôi trên cơ sở giao hòa với những rung cảm của nhà thơ trong thế giới nghệ thuật của họ”. 

Từ lâu trên thế giới, người ta đã chia ra nhiều loại phê bình và mỗi loại phê bình đều có ưu, nhược riêng. Bản thân mỗi nhà phê bình lại có quan niệm riêng của mình về công việc mà họ đang làm. Trong quan niệm của Nguyễn Đăng Điệp, công việc của nhà phê bình là trình bày những cảm nhận, đánh giá của mình về văn học, chủ yếu là các văn bản nghệ thuật một cách khách quan. Anh cũng nói một sự thật không mấy vui: Nhiều người muốn lánh xa nghề phê bình văn học vì đây là nghề dễ bị tai nạn nghề nghiệp mà không có bảo hiểm.

Nhưng theo Nguyễn Đăng Điệp, chính vì thế mà luôn cần đến bản lĩnh thực thụ của nhà phê bình. Tôi nghĩ, khi nói về điều này, chắc Nguyễn Đăng Điệp nói từ trải nghiệm của chính anh, vì anh cũng là người đã nếm trải không ít nỗi cay đắng của nghề. Cũng bởi thế, Nguyễn Đăng Điệp đồng cảm với suy nghĩ của Nguyễn Minh Châu: Nghề văn là nghề giời đày! Biết là bị đày, bị hành mà vẫn đam mê, vẫn hướng tới sự cao đẹp của nghề. Có lẽ, Nguyễn Đăng Điệp đã hiểu được một cách sâu sắc: Hướng đến cái mới là bản chất của sáng tạo. Còn sứ mệnh của phê bình là khai mở và cổ vũ cho cái mới. Có lẽ vì thế, sau mấy chục năm miệt mài theo đuổi nghề nghiệp, đã từng đoạt nhiều giải thưởng quan trọng trong lĩnh vực phê bình văn học nhưng Nguyễn Đăng Điệp vẫn còn đau đáu nhiều nỗi về nghề.

Anh chia sẻ: “Cả một chặng đường dài đồng hành cùng các văn nhân, tôi luôn nghĩ và viết về họ bằng thái độ liên tài, bằng sự cẩn trọng và lịch lãm trong đánh giá. Tôi đặc biệt có hứng thú với sự mới lạ, nhất là khi cái mới được sáng tạo nên bởi những cây bút thực tài, những người có sự hài hòa giữa cốt cách nghệ sĩ và cốt cách trí thức. Phần nghệ sĩ nói với tôi về sự tinh tế, thăng hoa; phần cốt cách trí thức nói với tôi về sự đằm sâu triết lý, về nỗi bất an và sự ngẫm ngợi về các giá trị nhân sinh... Cái nghề chữ nghĩa xưa nay vẫn thế, mệt nhọc, thầm lặng và cô đơn. Để có câu thơ hay, phải qua nhiều lần sống, nhiều lần trải nghiệm. Những hạnh phúc mà nhà văn có được nhiều khi phải đánh đổi bằng máu. Nói như Bích Khê, phải tận đáy “tinh huyết” mới mong có được “tinh hoa”. Điều đáng tiếc là giờ đây, không ít cây bút đương đại vẫn loanh quanh với những cảm xúc vụn vặt, những trò chơi thuần túy hình thức mà không dám sống sâu, sâu với mình và sâu với đời... Vì thế, thơ họ thiếu gốc rễ văn hóa, thiếu phù sa cuộc sống, thiếu lửa. Thế thì làm sao có thơ hay khi mà bản chất thơ, suy cho cùng, vẫn là một thái độ sống, đúng hơn, bản thân nó là một sự sống!”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.