Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến: Lửa vẫn cháy trên hành trình kiếm tìm

Thứ Sáu, 30/01/2015, 22:05
Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến, bức ảnh tốt nhất là bức tôi chưa chụp. Bài báo hay nhất là bài báo tôi vẫn chưa viết ra. Vì thế, dường như lúc nào tôi cũng đang trên hành trình tìm kiếm. Cuộc đời đã châm lửa trong tôi và tôi có nhiệm vụ giữ cho nó không tắt…

Ông tặng cho tôi cuốn sách với lời đề: “Thân tặng nhà báo, nhà nhiếp ảnh, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Văn Thành - Để lưu niệm những tháng năm Cùng sống, Cùng chụp, Cùng viết và Cùng suy nghĩ”. Đó là cuốn “Nhiếp ảnh và cuộc sống” mới xuất bản của ông. Vũ Huyến là một người đi nhiều, cảm nhiều và viết khỏe. Nhiều dự định của ông đang được hình thành. Đằng sau những trang viết là đời, là nghiệp của ông.

Vượt qua sự ồn ào bên ngoài, người ta thấy Vũ Huyến có một tình yêu thầm lặng và nồng cháy. Nồng cháy thì ai biết ông cũng có thể chấp nhận, còn thầm lặng với Vũ Huyến thì dường như là nghịch lý, một sự vô lý.

Bởi lẽ từ trước tới nay ở nơi nào, chỗ nào có mặt Vũ Huyến, nơi đó có tiếng cười, niềm vui và cả nước mắt. Nó cứ đến, cứ diễn ra một cách tự nhiên, như vốn dĩ phải vậy. Ai không cười, ông cười; ai không khóc, ông khóc; ai không yêu thương, ông yêu thương. Đã có lúc ông tự bạch, Vũ Huyến - “dớ dẩn”: yêu - không yêu, chấp nhận - không chấp nhận, phản đối - không phản đối…, như một sự cứu rỗi, như một định mệnh. Nghịch lý ở đây là có thật.

Đối với tôi, ông là người anh. Đối với nhiếp ảnh ông là một trong những người tận tụy, lưu giữ, ghép nối lại từ những mảnh rời rạc để xây dựng nền nhiếp ảnh chính qui của nước nhà. Những gì hợp với suy nghĩ của ông là ông lao vào, làm việc như một kẻ “ham hố”, để rồi thành công lại đứng ra một bên hờn dỗi như một đứa trẻ bị hàm oan, bị hắt hủi, để rồi “chứng nào lại tật ấy”, chẳng thể đổi thay.

Từ ngày tôi quen ông đến bây giờ vẫn vậy, chỉ có làn da như chiếc áo vải bông mà chủ nhân ít chăm chút là lượt còn con người thì ít suy tư hơn. Lạ thật, với Vũ Huyến cái gì cũng đối nghịch, ngoại trừ nhiếp ảnh, lúc nào ông cũng đau đáu trong mình.

Hôm trước trên “Diễn đàn văn hóa” của VTV, ông phát biểu: “Theo tôi, sự chuyên nghiệp trong nghề ảnh báo chí trước hết ở nhận thức: ảnh báo chí như một loại hình báo chí độc lập. Hiện nay, các tòa soạn hầu hết là không có phóng viên ảnh chuyên nghiệp mà chỉ có phóng viên tiếp cận sự kiện để viết bài rồi chụp ảnh luôn. Vì thế, ảnh báo chí hiện nay vẫn mang tính minh họa cho bài viết nhiều hơn. Có hàng trăm tờ báo dùng ảnh hàng ngày, nhưng nếu bày cùng lúc những bức ảnh xuất hiện trên các mặt báo và tạp chí trong một ngày để tìm thấy ở đó chứa đựng bao nhiêu sự kiện thật, sự kiện mới có sức tác động đến độc giả, thì quả thực không nhiều. Tôi cho rằng, ảnh báo chí trong giai đoạn hiện nay, mặc dù được sự hỗ trợ của những máy móc tối tân, song vẫn không có những thành tựu như ảnh báo chí trong thời kỳ chiến tranh, trong điều kiện thiếu thốn vật tư, trang thiết bị về ảnh. Sự đầu tư trí tuệ, chất xám trong mỗi bức ảnh còn ít. Máy móc hỗ trợ nhiều cho con người, song cũng có hệ lụy là khiến người chụp ngày một “lười” đi. Việc tuyển chọn đầu vào ở các trường có đào đạo chuyên ngành ảnh báo chí cũng có vấn đề. Không nên chỉ tuyển học sinh phổ thông, mà nên tuyển những người có năng khiếu, có kinh nghiệm với tiêu chí sau khi ra trường phải là các phóng viên ảnh chuyên nghiệp. Tăng cường số giờ thực hành, giảm giờ học lý thuyết và tăng cường số giờ giảng có các thầy là nhà báo có kinh nghiệm về ảnh đến dạy. Ở các tòa soạn, ngoài việc có phóng viên ảnh độc lập, biên tập viên, thư ký tòa soạn, các phóng viên cũng cần được trang bị kiến thức về ảnh”.

Ngày xưa ông đã nói thế, bây giờ ông vẫn nói thế. Ông không thay đổi hay loại hình ảnh báo chí của ta chậm đổi thay. Ông cho rằng mỗi năm ở ta có hàng vài chục cuộc thi và triển lãm ảnh. Tuy vậy nhưng chất lượng các tác phẩm ảnh không cao, ít người để tâm tìm tòi, khám phá những nét mới trong thiên nhiên, cuộc sống…, người ta vẫn thích đi theo lối mòn sẵn có.

Muốn phát triển hơn nữa, nhiếp ảnh Việt Nam cần biết từ bỏ lối mòn. Trong khi đó, nghệ thuật luôn đòi hỏi những góc nhìn riêng, chứa đựng cái tôi cá nhân để người thưởng thức nhìn vào, họ có thể cảm nhận được sự lao động sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng, phải làm cho người ta thấy cái họ chưa thấy, hoặc giúp họ nhận ra vẻ đẹp bất ngờ ngay trong chính những điều quen thuộc quanh mình... Đừng quên, bức ảnh không phải chỉ để cho anh nhìn thấy cái gì trên đó, mà quan trọng hơn là đằng sau đó! Ông đã âm thầm làm điều này.

Vốn là dân văn, vì thích chụp ảnh mà mượn máy chụp chơi và được đăng báo, bị quyến rũ bởi công việc này, rồi trở thành Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Ông đến với nhiếp ảnh một cách tình cờ nhưng gắn bó với nó như duyên phận.

Vũ Huyến sinh tại Hà Nội, tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963 - 1967), sau đó theo học khoa Báo chí, bộ môn ảnh, Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô cũ).

Ông có một tuổi thơ khá vất vả, cuộc sống đã rèn ông thành một người năng động. Ngày nay sống trong ngôi nhà mới khang trang trong ngõ 191 Minh Khai, ông lại nhớ về túp lều tranh cũ nát ngoài bãi sông Hồng. Ông là con út của vợ chồng một gia đình Hà Nội gốc, mồ côi cha từ khi chưa đầy hai tháng tuổi. Tuổi thơ ông là những ngày trôi dạt ngoài bãi Lương Yên, trên bến phà Đen, cùng mẹ và người anh trai lầm lũi kiếm sống. Ông làm đủ việc, từ vớt củi trên sông đem vào phố bán, đến bán kem, bán lạc rang, kéo xe bò thuê, hái ổi thuê, vẽ thuê...

Tác phẩm “Cảnh sát cơ động Vàng A Phóng” đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh với chủ đề An ninh và Cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh ảnh Việt Nam tổ chức năm 2011.

Có đêm, cậu bé Vũ Huyến, 14 tuổi, kéo chiếc xe ba gác chở hàng thuê từ nội thành về huyện Thanh Trì, trên quãng đường dài mà số cây số đi qua nhiều hơn cả số tuổi. Trả hàng xong, một mình lủi thủi kéo xe về, nhìn ánh đèn le lói từ những ngôi nhà yên ấm ven đường, tủi thân, nước mắt cay xè. Có lẽ chính cuộc đời cơ cực đó đã làm ông biết thương người và sớm có ý thức tự lập, quyết chí vươn lên.

Gần ba mươi năm trước (1985), khi còn là phóng viên Báo ảnh Việt Nam thường trú ở Thủ đô Phnôm Pênh, những lúc rỗi việc, Vũ Huyến thường đi bộ dọc theo bờ sông Mekong, đoạn chảy qua thành phố, vừa thư giãn vừa để tìm hiểu cuộc sống và chụp ảnh. Kể từ đó, đi bộ dần dà trở thành thói quen, thành môn thể thao mà ông ưa thích. Mùa hè cũng như mùa đông, ngày nào cũng vậy, Vũ Huyến dậy từ rất sớm, đi bộ từ nhà lên cầu Long Biên, vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, đều đặn hơn 10 km, rồi mới trở về chuẩn bị đi làm. Trời quang mây tạnh ông đi, trời mưa ông cũng khoác áo mưa vào,... đi!

Khi thành phố còn mờ sương đêm, Vũ Huyến cảm nhận sâu sắc được vẻ tĩnh lặng của hồ Hoàn Kiếm; hương vị ngào ngạt của hoa sữa, mùi thơm ấm lòng toát ra từ gánh phở đêm! Ông trò chuyện với chị công nhân quét rác trong đêm đông rét mướt, với người cựu chiến binh già bán nước chè đầu ngõ, với bà cụ lưng còng sát đất đi bán khoai lang luộc nuôi thân. Với ông, cuộc sống rất thú vị và có nhiều giá trị đáng để kiếm tìm.

Ông muốn ảnh nghệ thuật phải gần với đời thực. Nếu nhiếp ảnh là một phương tiện giúp con người có thể giữ lại một khoảnh khắc cho mãi mãi, thì mỗi tấm ảnh sẽ là một bằng chứng của quá khứ với hình hài của nó. Mỗi tấm ảnh ghi nhận một cái nhìn của người bấm máy. Từ cái nhìn được lưu trong tấm ảnh, những người không được chứng kiến hay các thế hệ sau được nhìn lại sự vật bằng nhãn quan của tác giả. Do vậy, nhiếp ảnh còn được coi là một nghệ thuật của cái nhìn.

Vũ Huyến đã từng rong ruổi khắp nơi cả trong và ngoài nước, nắm bắt và ghi nhận mọi hơi thở cuộc sống nơi mà ông đặt chân đến, mà Mưa Cà Mau là một ví dụ điển hình. Với ông cái đẹp là muôn màu. Nó không chỉ là một cuộc sống thanh bình với những người thân trong gia đình đầm ấm, với những cảnh vật ở chốn thôn quê hay nơi thị thành, từ con người sống động đến những cảnh mây trời, hoa, lá tưởng như vô tri vô giác.

Nó có thể là tấm ảnh ghi lại những biến cố của lịch sử tạo nên giá trị như một chứng nhân, và cái đẹp vẫn hiển hiện trong cả hai dáng vẻ bi và tráng. Đó là vẻ đẹp bi hùng trong những tấm ảnh ghi lại cảnh đổ nát của chiến tranh, vẫn thấy hừng hực khát vọng sống của một dân tộc sẵn sàng chết vì một cuộc sống tốt hơn. Chính cái chất thông tấn của những bức ảnh như vậy làm nên giá trị lịch sử cho ảnh nghệ thuật.

Ảnh của ông lúc hồn nhiên ngây thơ, khi âu yếm, ngọt ngào, khi kìm nén, lúc bùng lên mãnh liệt tỏa ra từ niềm vui, niềm tin vào một cuộc sống thật bình yên. Lãng đãng như tác phẩm Bức tranh bên cửa sổ, Niềm vui của em, Người bán điếu cày, Chân dung cuộc sống… Ảnh của ông dung dị và chân thật, chân thật như đặc trưng của nhiếp ảnh. Ông đã dẫn người xem làm cuộc hành hương trở về tuổi ấu thơ của mình dẫu lòng có chút se lạnh, man mác buồn nhưng vẫn ấm áp. Ông có quan niệm nghệ thuật là một cái gì đó không hoàn hảo.

Vũ Huyến tiếp cận nghệ thuật nhiếp ảnh theo cách này, đưa người xem tiếp cận hiện thực về một thế giới chưa hoàn mỹ, nhưng phải mang làn gió mát lành đầy hương sắc đến với con người để khơi gợi và phát triển những tình cảm tốt đẹp của con người. Ông chú ý nhiều tới mảng đề tài khám phá cuộc sống, nhiều bức ảnh nói lên sự phức tạp của sự thật. Khi chụp ảnh có lẽ ông không chú ý lắm tới kỹ thuật và ánh sáng, mà hướng nhiều hơn tới tình cảm của đối tượng. Sức sống của tác phẩm là lời khẳng định cao nhất giá trị của tác phẩm. Ông chú ý tới những chi tiết mang hồn sống trong bất kỳ không gian nào mà ông tìm kiếm.

Có thể nói sự thành công trên bước đường nghệ thuật của Vũ Huyến là phép tính cộng giữa một tâm hồn mang đầy cảm xúc, sự nhạy bén của óc phán đoán và một chút lãng đãng và tếu táo, biết kết hợp giữa cái cũ và cái mới để tạo ra những tác phẩm của riêng mình. Hỏi ông bức ảnh nào của ông là bức ảnh ông tâm đắc nhất, ông trả lời như một sự bao biện: Bức ảnh tốt nhất là bức tôi chưa chụp. Bài báo hay nhất là bài báo tôi vẫn chưa viết ra. Vì thế, dường như lúc nào tôi cũng đang trên hành trình tìm kiếm. Cuộc đời đã châm lửa trong tôi và tôi có nhiệm vụ giữ cho nó không tắt…

Văn Thành
.
.