Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa: Suốt đời sống cùng thần thoại Hy Lạp

Thứ Bảy, 20/03/2021, 13:24
Thần thoại Hy Lạp như một khối nam châm khổng lồ hút rất nhiều chuyên gia, các nghệ sĩ cùng những người yêu thích vào quỹ đạo mạnh của nó. Trong đời sống hàng ngày, những ẩn dụ mà cả thế giới luôn sử dụng như “Gót chân Achilles”, “Con ngựa thành Troy”, “Chiếc hộp Padora”… đều có xuất xứ từ thần thoại Hy Lạp. Hoặc nhiều sản phẩm tiêu dùng cũng lấy tên từ thần thoại Hy Lạp. Thí dụ, giày thể thao Nike được đặt theo tên của Nữ thần chiến thắng. Trang web Amazon.com được đặt theo cuộc đua của các nữ chiến binh huyền thoại…

Còn nhớ, vào những năm 2010, khi kinh tế Hy Lạp rơi vào khủng hoảng, nhà văn Đức Gunter Grass đã lên tiếng yêu cầu châu Âu hỗ trợ Hy Lạp. Ông nói, cả châu Âu đang mang ơn rất nhiều từ nền văn minh Hy Lạp cổ. Ngoài nhiều yếu tố hấp dẫn khác, thần thoại Hy Lạp có sức sống tươi trẻ, tỏa sáng nhân loại bởi tinh thần văn minh chứa trong những câu chuyện tuyệt vời.

Ai cũng biết trận chiến khốc liệt giữa hai dũng tướng Achilles và Hector. Khi Achilees  buộc Hector vào sau xe, đánh ngựa kéo quanh thành. Trên thành có vợ, con và cha Hector. Nửa đêm, cha Hector, ông Priam, sang trại của Achiles, xin xác con. Lúc đó, Achilles đang ngồi trên ghế, ngủ gật. Vẫn mang áo giáp, tay vẫn cầm gươm. Nhưng ông Priam vẫn tiến lại, đánh thức Achilles. Achilles bừng tỉnh: “Ông là ai?”, “Tôi là cha của người mà sáng nay ngài giết”. “Ông không sợ ta giết nữa sao?”. “Tôi nghĩ, ngài cũng có một người cha như Hector”. Câu nói giản dị ấy đã động đến tâm can Achilles. Và Achilles cho phép Priam mang xác con trai về. Thậm chí còn mở tiệc chiêu đãi nữa…

Đơn cử những ví dụ trên để phần nào thấu hiểu, vì sao chuyên gia văn học phương Tây Nguyễn Văn Khỏa đã dành cả đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu thần thoại Hy Lạp. Từ một người lính quân báo trong kháng chiến chống Pháp, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khỏa đã thi vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa I năm 1959.  Trên giảng đường, người sinh viên Nguyễn Văn Khỏa vẫn mang tinh thần của một chiến binh. Học hành đâu ra đấy. Và khi tốt nghiệp, tinh thần học tập và tư cách đạo đức của anh đã chinh phục những bậc thầy tên tuổi lúc đó như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Đỗ Đức Hiểu… Anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy, phân về tổ văn học phương Tây.

Để mở kho tàng văn học vĩ đại này, tất nhiên, cần biết ngoại ngữ. Ngay từ khi mới nhập học, Nguyễn Văn Khỏa đã sớm thấm nhuần tinh thần đại học của một đất nước vừa qua chiến tranh: Đại học có nghĩa là tự học. Và tinh thần tự học đã thành phương châm sống, làm việc của thế hệ trí thức Việt Nam sau chiến tranh.

Trong căn phòng làm việc rất bé nhỏ của người giáo viên trẻ ở phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ngoài cái giường một, còn lại là sách. Và nhiều sách nhất là các loại từ điển Pháp - Việt, Nga -  Việt cùng những cuốn sách dày và nặng của các chuyên gia nước ngoài viết về đất nước, con người và thần thoại Hy Lạp. Những thắc mắc trong quá trình tự học ngoại ngữ, nhà giáo Nguyễn Văn Khỏa thường hỏi trực tiếp hai chuyên gia trong khoa là các thầy Đỗ Đức Hiểu (tiếng Pháp) và Nguyễn Kim Đính (tiếng Nga).

Sau hơn 20 năm vừa học, vừa giảng dạy và nghiên cứu, đến đầu những năm 1980, chuyên gia Nguyễn Văn Khỏa đã cho ra mắt bộ sách đồ sộ, dày gần ngàn trang, mang tên “Thần thoại Hy Lạp”. Trước Nguyễn Văn Khỏa, chưa ai có công trình nghiên cứu nào như vậy. Sau Nguyễn Văn Khỏa, cũng chưa có ai đủ dũng cảm và tài năng để tạo ra công trình tương tự. Đúng như Giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã nhận định: “Trong khoảng năm mươi năm nữa, không thể có ai viết được cuốn “Thần thoại Hy Lạp” hay như Nguyễn Văn Khỏa”.

Dù biết ngoại ngữ, nhưng chuyên gia Nguyễn Văn Khỏa không dịch. Bởi văn dịch, có nhiều lúc, không thích hợp với khẩu vị đọc của người Việt. Nguyễn Văn Khỏa đã cố gắng truyền tải hàng trăm câu chuyện, hàng ngàn nhân vật cùng hàng vạn tình tiết để sao cho người Việt đọc, không cảm thấy lối kể chuyện bị “Tây hóa”. 

Đây là kết quả của rất nhiều đêm suy nghĩ, của hàng trăm buổi lên lớp giảng bài cho nhiều thế hệ sinh viên, của nhiều ngày viết, sửa chữa, đánh máy, đọc bản in thử… để cuối cùng, đưa đến bạn đọc sản phẩm mà mình ưng ý nhất. Đó là kết quả của tinh thần làm việc say mê, thái độ làm việc nghiêm cẩn và đặc biệt, sự tận hiến cho khoa học của chuyên gia Nguyễn Văn Khỏa. Chỉ cần đọc lời giới thiệu của bộ sách này, người ta thấy, Nguyễn Văn Khỏa đã tham khảo và trích dẫn hơn ba mươi nguồn tư liệu nước ngoài. Nhìn lại thời kỳ khó khăn ấy, chưa có internet, các nguồn sách báo nước ngoài còn hạn chế, chúng ta càng cảm phục bao nhiêu sự nỗ lực của chuyên gia Nguyễn Văn Khỏa.

Việc “kể lại” này của ông Nguyễn Văn Khỏa mang đúng tinh thần của thần thoại Hy Lạp. Đó là những câu chuyện dân gian được tập hợp thành những câu chuyện. Trong buổi bình minh của lịch sử, thần thoại có hai chức năng chính, theo học giả Robert Graves viết vào năm 1955. Đầu tiên để trả lời những câu hỏi khó xử mà trẻ em hỏi, chẳng hạn như “Ai đã tạo ra thế giới? Nó sẽ kết thúc thế nào? Người đàn ông đầu tiên là ai? Linh hồn đi đâu sau khi chết?...”; Chức năng thứ hai của thần thoại là biện minh cho một hệ thống xã hội hiện có và giải thích cho các nghi thức và phong tục truyền thống. Ở Hy Lạp cổ đại, câu chuyện về các vị thần và nữ thần, anh hùng và quái vật là một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày. Họ giải thích mọi thứ, từ các nghi lễ tôn giáo đến thời tiết, và chúng mang lại ý nghĩa cho thế giới mà mọi người nhìn thấy xung quanh.

Và dường như những câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp phần nào trái ngược với cuộc sống của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa. Các vị thần Hy Lạp phóng túng và đa tình bao nhiêu thì cuộc đời của ông lại khép kín bấy nhiêu. Nhiều học trò nhận xét, cánh cửa phòng làm việc của thầy Khỏa luôn rộng mở, nhưng cánh cửa đời tư của thầy luôn khép lại. Có nhiều cô sinh viên, duyên dáng và độ lượng, muốn trở thành một nửa cuộc đời thầy, nhưng thầy Khỏa vẫn kiên quyết nói không. Có thể, thời trai trẻ, thầy đã bị mũi tên tình ái gây nên vết thương trong tim. Thông qua những câu chuyện thần thoại, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa nhìn rõ bao chuyện tày đình và nhỏ nhặt của xã hội. Nhưng trái tim thầy luôn rộng lượng và khoan dung. Những chuyện phân chia hàng tiêu dùng, thi đua đạt danh hiệu lao động tiên tiến hay tổ lao động xã hội chủ nghĩa… với thầy đều không quan trọng.

Trong đời sống cá nhân, thầy cũng không dành nhiều thời gian quan tâm đến hình thức ăn mặc. Lối sống kín đáo và giản dị của một người lính hoạt động độc lập in rõ dấu vết vào cuộc đời thầy. Hàng ngày, sinh viên chỉ thấy thầy đi cái xe đạp Thống  Nhất cũ, đội chiếc mũ lá đến trường. Thời đó, không chỉ riêng thầy Khỏa, mà nhiều thầy khác đều ăn mặc như vậy. Sinh viên gọi đó là những ông “chủ nhiệm hợp tác xã”. Những người chủ nhiệm mà “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe” (thơ Hoàng Trung Thông) chứ không như thành phần cường hào mới sau này.

Với những trí thức như thầy Khỏa, luôn biết mình và biết người. Biết mình đang giữ một kho báu, đang đi trên con đường nhân văn. Biết người là biết những thứ cám dỗ đời thường mà nhiều người đang muốn có và có nhiều hơn. Một con người đi qua chiến tranh, được tiếp xúc với những đỉnh cao văn minh nhân loại, thầy luôn coi trọng giá trị tinh thần. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, thường với giọng hùng hồn, nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu chuyện về một bài thi của thầy Khỏa. Dạo đó, mùa xuân năm 1971, những sinh viên khoa Văn vừa làm bài thi môn Thần thoại Hy Lạp thì nhận lệnh ra trận.

Ngày ra đi, thầy Khỏa cầm bài thi của các sinh viên, nói trước giờ ra trận:  “Các em hãy làm tốt nhiệm vụ của một người thanh niên, một chiến binh lúc Tổ quốc lâm nguy. Ngày trở về, tôi sẽ cho điểm bài thi của các em!”. Lứa sinh viên đó lên đường. Họ hóa thành những vị “Thần chiến thắng là những người áo vải / Những binh nhất binh nhì mười tám tuổi / Giết quân thù không đợi có hạt nhân” (Chế Lan Viên). Và họ như những chàng Odysseus, vượt qua bao giông tố chiến trận, đã trở về, nhưng không phải tất cả. Những người trở về, đều nhận điểm tốt.  Họ thực sự đã trải qua một kỳ thi sinh tử. Nhiều người sau này giữ những vị trí quan trọng ở trường và xã hội. Với những người tử trận, đối với thầy, dường như họ đã trở thành những những vị thần trên đỉnh Olympus.

Đọc “Thần thoại Hy Lạp” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa, bạn đọc không những được chu du vào thế giới hùng vĩ của những câu chuyện tuyệt vời mà còn được khám phá những lĩnh vực khác như Triết học, Mỹ thuật, Điêu khắc... Chẳng hạn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa viết: “Trong nghệ thuật tạo hình, mọi sự hiểu biết về xương cốt, cơ bắp con người để thể hiện được hình dáng, phong thái của thân thể con người mà quần áo che phủ bên ngoài chỉ để làm nổi bật lên vẻ đẹp, vẻ khỏe mạnh, uyển chuyển, duyên dáng, hấp dẫn của con người… Thân hình người đàn ông và người đàn bà đương nhiên là sự thể hiện tốt nhất, đúng nhất hình ảnh các vị thần. Trong khi tạo ra các hình tượng như thế, người nghệ sĩ Hy Lạp đã ban cuộc sống cho những vị thần của mình… Và đây là quy tắc (regle): Cái đẹp nhất thì ban cho các vị thần. Còn gì trên thế gian này đẹp hơn vẻ đẹp trần truồng của một chàng trai hay vẻ duyên dáng của một thiếu nữ ăn mặc lượt là? Đó là điều mà con người hiến dâng cho các vị thần, và đó cũng là cách con người nhìn thấy các vị thần…”.

Đó là những lời hay nhất, đẹp nhất mà nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa dành cho thần thoại Hy Lạp. Chỉ có tình yêu vô hạn mới viết được những lời sâu sắc như vậy. Và cuối cùng, một vị nữ thần, không phải từ trên đỉnh Olypus, mà từ giữa cuộc đời, đã đẩy được cánh cửa đời tư, bước vào cuộc đời thầy. Đó là một nữ họa sĩ Hà Nội. Chị cũng sống cuộc đời bình lặng như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa. Và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Khỏa cũng trở thành một ngôi sao. Ngôi sao ấy lặng lẽ ở góc trời. Nhưng công trình ông để lại, luôn tỏa sáng cho nhiều thế hệ bạn đọc. 

Đoàn Tuấn
.
.