Nhà điêu khắc Vũ Tiến nhập hồn tượng

Thứ Sáu, 04/09/2020, 08:17
Mới đây, tôi gặp nhà điêu khắc Vũ Tiến tại vườn hoa Tao Đàn (Hà Nội), nơi bày tượng chân dung nhà thơ, anh hùng José Marti (Hô-xê Mac-ti), một tác phẩm của anh. Vậy mà đã 20 năm trôi qua. Bức tượng luôn gây ấn tượng với mọi người bởi vẻ đẹp bi tráng. Chủ tịch Fidel Castro đã từng đến viếng và đặt vòng hoa bên chân tượng. Gặp anh, tôi bồi hồi với bao ký ức hiện về.


Những đôi mắt từ bi

Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ câu thơ của José Marti mà Vũ Tiến đã đọc khi dựng tượng đài. Anh tiếc không có dịp khắc những câu thơ hào sảng như: “Và tôi sẽ chết đối diện với mặt trời” hoặc “Thơ tôi tha thiết vẫy chào/ Gửi người dũng sĩ bước vào đấu tranh” (José Marti). Vũ Tiến luôn tìm hiểu khá sâu sắc những chân dung nghệ thuật mà anh dựng tượng. Anh là một người chú ý ngay từ đầu về những tượng chân dung danh nhân văn hóa lịch sử. 

Có lần anh tâm sự về lời dạy của thầy giáo về nghệ thuật điêu khắc. Cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ nhưng anh không hề quên. Thầy dạy rằng: “Phải nhập hồn vào đá để làm tượng”. Bức tượng đẹp phải có độ vang lên giai điệu âm nhạc làm rung động trái tim người xem.

Khối tượng chân dung lao động hay danh nhân văn hóa Vũ Tiến đã có những thành tựu đáng trân trọng (Hơn 20 giải thưởng). Anh sớm bộc lộ tài năng khi dựng tượng nhân vật có chiều sâu văn hóa và đời sống phong phú. Ngay từ những ngày bước vào làng điêu khắc (thập niên 60 và 70) Vũ Tiến đã đoạt liên tục những giải A về chân dung những người lao động. 

Nhiều người có phần ngạc nhiên vì từ một sinh viên toán sư phạm, Vũ Tiến đã đánh đổi cuộc đời bằng con đường chơi với gạch đá. Anh vừa học vừa làm và tốt nghiệp xuất sắc Khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật vào đầu thập niên 70. 

Sự khúc chiết về hình khối và độc đáo về chi tiết của Vũ Tiến đã tạo nên dấu ấn của một thiên hướng tạo hình. Dường như năm nào anh cũng có tác phẩm dự triển lãm và gặt hái thành công. Sau này được chuyến công tác về Hội Văn nghệ Hà Nội (1976) nhà điêu khắc Vũ Tiến đã phát huy được tài năng của mình. Cùng với công tác tổ chức sáng tác cho các họa sĩ và đồng nghiệp, Vũ Tiến vẫn miệt mài sáng tạo. Thời gian này anh bắt đầu làm những khối tượng lớn và mở rộng không gian cho những đề tài lịch sử.

Tôi nhớ đã có lần anh dồn sức đến mấy tháng trời làm bức tượng chân dung Bác Hồ cho làng Đại Từ. Đây là công trình kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm đồng lúa Đại Từ và trò chuyện với dân làng (12/10/1958 - 12/10/2008). Với yêu cầu chân dung toàn thân Bác Hồ phải cao 3 mét để dân làng trưng bày tại ngôi thủy đình lớn trên đường chính. Đó là một thách thức không nhỏ đối với nhà điêu khắc Vũ Tiến. 

Trên cánh đồng xa vắng ngày đó, một thân một mình anh ở lại chăm chút từng đường nét khắc chạm. Từ chòm râu cho đến đôi mắt của Bác sao cho ấm áp lòng người. Đó là một tâm hồn cao cả vì dân tộc nhưng vẫn phải gần gũi thân quen.  Anh còn nhớ những đêm mất điện, người dân đã thắp những ngọn đèn dầu để soi sáng cho anh. 

Cứ thế hằng đêm, bức tượng chân dung Bác Hồ ôm bó lúa đã hình thành trong niềm hân hoan của dân làng Đại Từ. Cho đến nay bức tượng chân dung Bác Hồ bằng gỗ của nhà điêu khắc Vũ Tiến vẫn được coi là một kỷ lục ở Hà Nội.

Tác phẩm “Đợi chờ”.

Vũ Tiến còn là người rất chú ý đến tượng đài ngoài trời gắn bó với không gian kiến trúc độc đáo. Anh đã thể hiện sức vóc tư duy không gian lớn của mình với những tác phẩm gây dấu ấn đáng ghi nhận. Đó là cụm tượng đài lớn “Công nhân mỏ apatit Lào Cai”, cao 20 mét; tượng đài “Sen-Thư Bác” cao 15 mét, ở Sa Pa; Tượng đài “Bình Minh” (3 cô gái) tại Đồ Sơn, hoặc “Sơn Tinh - Mị Nương” (tại Sa Pa); Và đặc biệt là “Hào khí Bạch Đằng trên Biển Đông” cao hơn 20 mét, đặt tại Bảo tàng Hải quân. 

Vũ Tiến luôn coi trọng việc thể hiện tâm hồn của nhân vật trong mỗi không gian mỹ cảm rộng lớn. Anh coi mỗi chi tiết trong bố cục tổng thể đều phải là những nốt nhạc được hòa tấu trong bản giao hưởng của đá được ngân vang.

Quan họ bốn mùa

Hiện nay, nhà điêu khắc Vũ Tiến đang chuẩn bị cho cuốn vựng tập tranh tượng của mình. Tôi thấy anh bề bộn trong công việc chọn tượng chụp ảnh. Cơ hội này quả là thú vị. Bởi lẽ tôi có dịp kiểm chứng lại những nhận định của mình về các tác phẩm mang phong vị hào hoa lãng mạn của anh. 

Vũ Tiến rất bay bổng khi thể hiện những hình tượng thiếu nữ Thủ đô. Những cô gái dịu dàng với nét thanh tú trong veo được thể hiện ở dáng vóc tà áo và đôi mắt rụt rè. 

Cái hồn cốt của mỗi nhân vật được Vũ Tiến thể hiện khá phong phú về bố cục và đường nét. Ngay từ bức tượng đầu tiên cũng là hình ảnh cô “Công nhân trẻ” hay “Nữ tự vệ Thủ đô” đã đậm chất trữ tình của anh. Bên cạnh đó là những cô gái đi cấy và ru con. 

Đáng chú là những bức tượng mang  yếu tố nghệ thuật khá phong phú với các đề tài khác nhau như: “Gội đầu”, “Tóc mây”, “Ru”; hoặc đó là những hình ảnh cô gái chơi đàn “Hòa tấu”, biểu diễn “Ba-lê” và hát “Quan họ”... Đặc biệt nhóm tượng “Bốn mùa” và “Quan họ” của Vũ Tiến có sức ám ảnh với người xem đến kỳ lạ. Đây là một góc dị biệt của Vũ Tiến mà anh đã thể hiện chân dung các cô gái với đúng nghĩa mà anh đeo đuổi: “Làm tượng cô gái sao cho khi ngắm nhìn, phải thấy đó là người mình có thể yêu được”. Nghĩa là đẹp và có hồn.

Bên cạnh những vẻ đẹp đầy quyến rũ đến mức có thể “yêu” được, Vũ Tiến còn chất chứa nét suy tưởng và đưa ra những triết lý qua những tác phẩm mang yếu tố trừu tượng hay siêu thực. Đây là một sức vóc khác không phải ở kích thước lớn nhỏ mà là ở ý tưởng mới lạ và tạo hình khối độc đáo. 

Trong kho tượng của Vũ Tiến bỗng như bật ra những câu chuyện mang tính khám phá ở ngôn ngữ điêu khắc thâm trầm sâu sắc. Tôi bất ngờ dừng lại ở “Trời tròn đất vuông” và “Nụ hoa”; sau đó là “Giọt sương” và “Suy tư”. Nhưng, có lẽ cụm tượng hai người phụ nữ mang bầu với tiêu đề “Trắng tay” (gốm đất nung) gây sự ám ảnh khó rời. 

Vẻ đẹp của tượng Vũ Tiến nằm ở nhịp điệu bên trong từng thỏi đất, thớ đá và sợi gỗ. Đặc biệt, anh có những thành công đáng kể ở tượng gốm đất nung.  Một giọng gốm ấm áp, chân tình và pha màu sắc tâm linh (vô thường). Đó chính là những tác phẩm: “Vú nuôi”,  “Chải tóc”, “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, “Trên cao nguyên”,  “Chân dung Hoàng Hoa Thám”, “Tâm linh”...

Tác phẩm “Vũ nữ ba-lê”.

Cõng tượng xuất ngoại

Khi nhắc đến chuyến đi triển lãm ở Pháp cách đây 2 năm, nhà điêu khắc Vũ Tiến kể vì đóng thùng tượng quá tải, anh đã phải cõng trên lưng một bức tượng lên máy bay. Đó là chuyến đi với những bức tượng đã được nhập hồn với bao cảm xúc khó tả. Vũ Tiến vô cùng ngạc nhiên khi mình bán được tới 8 bức tượng cho các nhà sưu tầm. Anh kể mình đã thầm ứa nước mắt vì đã phải xa những đứa con tinh thần của mình sau bao năm gìn giữ.

Sau đó tiếp đến chuyến đi Mỹ, 2 trong số những tác phẩm của Vũ Tiến đã được bán đấu giá, đó là “Quan họ” và “Vú nuôi”. Lại môt câu chuyện khác khi một nhà điêu khắc Việt Nam được chọn tượng tham gia thị trường nghệ thuật ở Mỹ. Đó là niềm phấn khích khi những phần tâm linh được gửi trao để làm từ thiện. 

Toàn bộ số tiền anh đã trao lại cho ban tổ chức để gửi đến những nơi cần cứu trợ. Chưa hết, sau đó nhà điêu khắc Vũ Tiến còn dựng bức phù điêu “Lên kinh Thăng Long” ngay tại chỗ để lấy tiền ủng hộ phong trào “Chắp cánh ước mơ tuổi thơ” tại Mỹ.

Nhưng, có lẽ chuyến đi dài ngày sang Canada vào năm sau đã đem lại cho nhà điêu khắc Vũ Tiến nhiều cảm xúc sáng tạo mới lạ. Anh đã dựng bức phù điêu gốm rộng tới 30 mét vuông. Đó là tác phẩm “Phố cổ Hà Nội”. Đây là đơn đặt hàng tại chỗ do một tổ chức từ thiện ở Toroto. Một Hà Nội linh thiêng lung linh hiện lên với những gánh hàng rong và hàng cây nghiêng nghiêng trong gió bấc mưa phùn. Một giai điệu gốm toát lên hồn phố cổ bay bổng ở xứ người. Những nỗi niềm yêu thương của người con Hà Nội được gửi trao cho bạn bè. Không gian nghệ thuật thế giới thật bao la. Nhưng trong một góc nào đó nơi phương xa, những bức tượng các cô gái quan họ và phố cổ của Vũ Tiến đang run rẩy cất lời.

Vương Tâm
.
.