Nhà điêu khắc Lê Công Thành: Người cai trị "vườn địa đàng"

Thứ Ba, 26/04/2011, 14:35
Vẫn nhỏ thó vóc hình và cực kỳ tinh anh ánh mắt, chẳng còn người mẫu nữ kiêm lái xe ôm nào đón đưa hộ tống, nhà điêu khắc Lê Công Thành lầm lụi thả bước trên phố đông, đơn độc và thoát xác như người không "dây mơ rễ má", đang bị đứt đoạn khỏi mọi liên hệ, ràng buộc với cuộc sống.

Ông chỉ ít nhiều thư thái hơn khi trở về giữa "vườn địa đàng", ẩn sâu trên tầng 3 một dãy nhà chung cư cũ kỹ của khu tập thể Vĩnh Hồ đầy thanh âm chợ búa ồn ào hỗn tạp. Ông chủ "vườn địa đàng" hạ giới, người khai sinh và cai trị bầy mỹ nữ đang thỏa thuê khoe hình hài sắc vóc thiên nhiên, vẫn chưa nguôi khát khao mở mang thêm “vương quốc” kiều diễm của riêng mình.

1. Quãng thời gian trước, chừng mới 3 năm qua, đi đâu nhà điêu khắc Lê Công Thành cũng có một cô gái xinh đẹp sóng đôi kề cận. Ông ngồi ăn, cô ấy đưa khăn dịu dàng lau miệng. Ông đi lại, cô ấy cần mẫn xe ôm bất kể lúc mưa hay ngày nắng. Ông tiếp các đối tác muốn chiêm ngưỡng và đàm phán về chuyện mua tranh mua tượng, cô ấy như người đại diện khôn ngoan khéo léo.

Ông vào Đà Nẵng quê hương chỉ huy công trình thi công tượng đài Mẹ Âu Cơ kiêu hãnh nhìn ra biển Đông, đêm đêm mộng mị khó ngủ, hàng loạt âm thanh khua khoắng dội về trong đầu, vợ ông, họa sỹ Kim Thái phải nhờ cô ấy sang phòng để trấn an, vỗ về, nựng ông giống kiểu người lớn nựng một đứa bé con ưa nhõng nhẽo đòi hỏi.

Nhiều người Hà Nội cứ mắt tròn mắt dẹt chứng kiến nhà điêu khắc già lẫm chẫm bước đi bên người đàn bà đẹp, tươi xinh và thời thượng. Cô ấy hiểu tài ông, cảm được những bức tượng đàn bà tuyệt đẹp bày biện khắp nhà ông, và nương ông như nâng niu một đồ vật quý, lúc nào cũng có nguy cơ rơi vỡ. Giờ thì ông khoe, cô ấy đã về làm ở công ty đàng hoàng rồi, đã mua được ô tô, giỏi lắm và cũng thành công lắm lắm.

Tác phẩm của Lê Công Thành.

Ông nói về cô bằng giọng đầy trìu mến hãnh diện, lúc như người cha nở nang mặt mũi trước sự phương trưởng của con gái mình, lúc lại như người đàn ông lương thiện tự hào vì mình đã góp công đổi đời cho một nhan sắc. Thi thoảng cô ấy vẫn điện thoại hỏi thăm, vẫn tôn kính ông như một người đàn ông kỳ tài và kỳ lạ, dù ông, đúng năm 2011 này, vừa tròn tuổi 80.

Cuộc chia tay ấy khiến Lê Công Thành có vẻ buồn nhiều. Ông đã thơ thẩn, lại càng thêm ngơ ngẩn. Ông bảo, càng ngày ông càng ngại tiếp xúc với người lạ, nhất là những ai mà ông cho là quen tên, nổi tiếng. Bạn ông chỉ gồm mấy anh xe ôm, toàn người có thể dễ dàng đưa ông đến nơi này nơi khác, giúp ông di chuyển lanh lẹ hơn trên các tuyến phố đông người.

Thích thì ập đến chỗ này, không thích lại sà đến chỗ kia, nhà điêu khắc Lê Công Thành lúc nào cũng như một triết gia mộng du, hư thực giữa đời sống ầm ào, náo động. Ông  nghĩ mình, không phải là triết gia, mà là nhà tiên tri, một người biết cách nói lời thượng đế, hay thượng đế qua ông để gửi gắm những điều muốn nói tới con người.

Thiếu đi người trợ lý chỉn chu, giàu nữ tính, ông dường như cũng chống chếnh, hoang vắng, quạnh quẽ. Thời gian vốn nghiệt ngã với người đời, lại khắt khe tàn nhẫn với một lão nghệ sỹ đã vào tuổi thượng thọ. Đã cô đơn, lạc lõng giữa thế giới con người, Lê Công Thành ngày càng muốn thu mình lại, cuộn tròn trong vương quốc riêng mà không ai đủ sức mạnh và lòng can đảm để đặt bàn chân tới. Mỗi ngày trong đời ông đều được coi là "ngày không bình thường".

Tác phẩm của Lê Công Thành.

Sớm sớm trở dậy, ông ngồi thiền, rồi lập bập xuống đường mua vài tờ báo. Trong cái sự lựa chọn đã được mặc định sẵn ấy, thể nào cũng có một tờ An ninh thế giới. Xem, và rất lưu tâm, thấy gì hay hay là lưu vào bộ nhớ. Ông bảo, mới đọc một bài phỏng vấn của nhà thơ Hồng Thanh Quang, sốt sắng gọi điện ngay rồi trong cơn lên đồng ngẫu hứng, ông cứ tấm tắc mãi về cái kiểu đặt câu hỏi cũng, chẳng giống ai của người đi phỏng vấn.

2. Có lãng du rong ruổi ngày ngày trên phố xá, Lê Công Thành cũng lại lụi cụi trở về “vương quốc” của ông, 3 căn phòng nhỏ bé trong hai căn hộ thông nhau bên khu tập thể Vĩnh Hồ. Trong không gian mờ mờ ảo ảo, ánh sáng ít và khí trời cũng ít, đầy những tượng mỹ nữ khỏa thân nõn nà như tiên giáng thế.

"Vườn địa đàng" ông tận tay sắp đặt, khai sáng, gồm đủ các tư thế đàn bà đắm đuối, ngồn ngộn sức sống thời Phục hưng. 3 năm qua, ông vẫn làm tượng, vẫn khôn nguôi tạo tác, làm bất tử hóa vẻ đẹp của đất trời được ẩn dụ trong những đường nét ngời ngợi đam mê. Thế nhưng, ông lại luôn đây đẩy chối, nhủ lòng rằng, mình "không phải một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi".

Rồi ông tự phán xét: "Chỉ vì nhờ đàn bà mà tôi đã trở thành một con người nghệ sỹ theo nghĩa làm Người, đầu não đỡ mụ mê, thân xác lại thành người trai trẻ". Lê Công Thành làm tượng bằng chính tâm hồn lúc nào cũng phập phồng những ám ảnh mơ hồ diệu vợi, những thúc giục mời gọi vọng về từ một thế giới xa xăm cách trở và hoàn toàn không có thật.

Tỉnh mê sáng tạo, và cũng trong cơn mê tỉnh ấy, ông ấn định những suy nghĩ được ông coi như lời phán truyền của thần linh: "Tôi không biết nói. Chỉ biết nặn mà thôi. Tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay ra hiệu, dùng đôi tay chân thật để vỗ về. Tôi không nặn những người đàn bà tếu táo, lãng mạn, ỉ ôi. Cũng không nặn ra người đàn bà giá lạnh kiêu kỳ".

Ông, trong một cơn nhập đồng, ở khoảnh khắc ngẫu hứng, khi các thanh đồng không còn là chính mình, cứ mãi đuổi theo những ám thị phán truyền đầy mê muội, và thốt lên thành lời: "Tôi tạc tượng người đàn bà vì từ trong dục tính và trong thân xác của người đàn bà, tôi có thể hiểu hơn sự thật bí ẩn của đời sống. Tình dục rất quan trọng trong đời sống của người đàn ông. Làm tình không phải là điều đơn giản. Khi tôi vẽ, tôi nặn tượng, hay tôi giao hòa với người đàn bà, tôi hiểu hơn những sự thật của cuộc sống. Người đàn bà đẹp, không chỉ đẹp ở khỏa thân. Nói về người đẹp khỏa thân, chỉ là lời nói của những đứa trẻ con ít học. Người đàn bà còn đẹp ở trí tuệ khôn lường...".

Lê Công Thành xưng tụng vẻ đẹp đàn bà vì ông giống như một đệ tử của đạo Mẫu, một tôn giáo thuần túy Việt Nam, tôn thờ Mẹ, người khai sinh ra vạn vật muôn loài. Ông chỉ cúi đầu trước cái đẹp, nghiêng mình trước những chuẩn mực thuần Việt theo định nghĩa của chính ông.

Ông (gần như) là nhà điêu khắc đương đại may mắn nhất, vì tác phẩm của ông, tượng đài Mẹ Âu Cơ được sừng sững dựng tại phố phường giữa Đà Nẵng, hòa hợp tuyệt đối với cảnh quan trời biển khoáng đạt kiêu hùng của vùng đất duyên hải miền Trung. Một tượng đài ngoài trời (hiếm hoi) không gặp phải sự phản đối nào từ giới chuyên môn ngay cả lúc đã hiển hiện trong đời sống thường nhật.

Tác phẩm với ông, dẫu được tụng ca cách mấy, cũng chỉ là cái cớ, một lý do, cái phương tiện chứ không phải đích đến: Ông khảng khái bày tỏ: "Hội họa là một phương tiện. Đề tài cũng là một phương tiện. Trong cuộc sống, tất cả đều là phương tiện. Chỉ có mục đích duy nhất là cái đẹp".

Rồi ông ngạo mạn giễu cợt và cười móm cả lợi răng về cho những sự lầm lẫn: "Tất cả mọi người đều đang nói về phương tiện và coi đó là mục đích cuối cùng. Tại sao vậy? Đơn giản là không một ai có thể giải thích về cái đích mà mình muốn vươn lên. Ai đã nhận ra được điều này thì họ lại phải câm lặng".

Nhiều chiêm nghiệm mà Lê Công Thành đúc kết trong những giây phút như nhập đồng, được nhiều người truyền tụng, thích thú rỉ tai nhau. Là nhà điêu khắc, nhưng ông không hề mặn mà với tượng đài, tượng danh nhân lịch sử, văn hóa lại càng không phải đích ngắm mà ông hướng đến.

Lê Công Thành có cách thức độc đáo, vừa của một nghệ sỹ tài hoa thượng tôn cái đẹp, vừa của một người già minh triết, thâm sâu và cả lẫn cẫn tuổi tác. Đáp lại những lời mời trọng thị sáng tác tượng danh nhân, ông biện luận: "Là những bậc vĩ nhân chân chính, những công thần khai quốc, chẳng mấy ai muốn mình được dựng tượng đồng bia đá... Hơn nữa, khi dựng lên tượng về một con người đã khuất, giữa đất trời, giữa chốn đông người, lúc vui vầy lễ lạt thì chẳng làm sao, nhưng đến lúc vắng vẻ, con người tượng sẽ trở thành ông phỗng chơ vơ đứng giơ chân, giơ tay, trơ trọi một mình. Rồi những đêm dài vắng vẻ, những ngày mưa nắng bất thường, con cháu nhìn vào không thể không thấy buồn tủi, ngượng ngùng…".

Ông từ chối rất nhiều cơ hội thênh thang để trở nên giàu có hơn, được đối đãi trọng thị hơn, cũng giản đơn vì thế, vì không muốn những "người tượng" kia phải thấu chịu nỗi cô đơn thăm thẳm giữa đất trời.

Chấp nhận là kẻ gàn, người không bình thường, chịu đựng cả sự cô độc không tài nào cưỡng nổi, Lê Công Thành trở thành một nghệ sỹ già đồng bóng, phụng sự duy nhất cho một đấng tối cao: Cái đẹp tuyệt mỹ của nghệ thuật, cái hoàn hảo vô đối của tự nhiên…

Ông, trong những cơn đồng bóng bất thường khi bị cái đẹp nó hành thân xác, đã tự cho mình có quyền năng của nhà tiên tri, để nhìn vào mặt người đối diện mà cất thành tiếng những ý nghĩ, nghe mà cứ nghĩ, ông hình như vừa rơi xuống từ một nơi nào đó, không phải cuộc sống trần thế(?!)

Ngô Hương Sen
.
.